Sau khi đánh đuổi quân Thanh xâm lược, trong những năm 1789 -1792, vua Quang Trung đã ban hành nhiều chính sách kinh tế và văn hóa.
Quang Trung ban bố "Chiếu(1) khuyến nông", lệnh cho dân đã từng bỏ làng quên trở về quê cũ cày cấy, khai phá ruộng hoang. Với chính sách này, chỉ vài năm, mùa màng trở lại tươi tốt, làng sớm lại thanh bình.
_____________________________________
(1) Chiếu : lời (hoặc thay lời) vua ban bố mệnh lệnh cho toàn thể quan lại và nhân dân làm theo.
- "Chiếu khuyến nông" quy định điều gì ? Tác dụng của nó ra sao ?
Để việc mua bán được thuận tiện, Quang Trung cho đúc đồng tiền mới. Đối với nước ngoài, Quang Trung yêu cầu nhà Thanh mở cửa biên giới, cho dân hai nước tự do trao đổi hàng hóa. Đồng thời cho mở cửa biển để thuyền buông nước ngoài vào buôn bán.
- Việc vua Quang Trung cho mở cửa biên giới với nhà Thanh và mở cửa biển của nước ta có lợi gì ?
Về văn hóa, giáo dục, vua Quang Trung cho dịch các sách chữ Hán ra chữ Nôm và coi chữ Nôm là chữ chính thức của quốc gia. Chữ Nôm được dùng trong thi cử và nhiều sắc lệnh của nhà nước. Mong muốn của vua Quang Trung là nhằm bảo tồn và phát triển chữ viết của dân tộc.
- Tại sao vua Quang Trung lại đề cao chữ Nôm ?
Quang Trung còn ban bố "Chiếu lập học". Ông nói : "Xây dựng đất nước lấy việc học làm đầu."
- Em hiểu câu "Xây dựng đất nước lấy việc học làm đầu " như thế nào ?
Công việc đang tiến hành thuận lợi thì Quang Trung mất (1792), người đương thời cũng như người đời sau đều tiếc thương một ông vua tài năng và đức độ nhưng mất sớm.
Vua Quang Trung đã có nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế và văn hóa của đất nước. Tiêu biểu là "Chiếu khuyến nông", "Chiếu lập học" và đề cao chữ Nôm.