Đạo Phật được du nhập vào nước ta rất sớm. Đạo Phật dạy người ta phải thương yêu thương đồng loại, phải biết nhường nhịn nhau, giúp đỡ người gặp khó khăn, không được đối xử tàn ác với loài vật,... Những điều này phù hợp với lối sống và cách nghĩ của người Việt, nên sớm được người Việt tiếp nhận và tin theo. Đến thời Lý, đạo Phật trở nên rất thịnh đạt.
- Vì sao dân ta tiếp thu đạo Phật ?
Dưới thời Lý, đạo Phật được truyền bá rộng rãi trong cả nước. Các vua nhà Lý như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông đều theo đạo Phật. Nhiều nhà sư được giữ cương vị quan trọng trong triều đình.
Hình 1. Tượng Phật A-di-đà (Chùa Phật Tích, Bắc Ninh)
Thời Lý, chùa mọc lên khắp kinh thành, làng xã. Triều đình bỏ tiền ra xây dựng hàng trăm ngôi chùa. Ở các làng, nhân dân cũng đóng góp tiền của xây dựng chùa, hầu như làng xã nào cũng có chùa.
- Những sự việc nào cho ta thấy dưới thời Lý, đạo Phật rất thịnh đạt ?
Chùa là nơi tu hành của các nhà sư và cũng là nơi tổ chức lễ bái của đạo Phật. Chùa còn là trung tâm văn hóa của làng xã.
- Thời Lý, chùa được sử dụng vào việc gì ?
Chùa thời Lý được xây dựng quy mô lớn. Nhiều ngôi chùa có kiến trúc độc đáo.
Nền chùa Giạm (Bắc Ninh) với di tích còn lại gồm 3 cấp, trải rộng trên một khu đất dài gần 120m, rộng gần 70m. Chùa Một Cột (Hà Nội) được xây dựng trên một cột đá lớn, dựng giữa hồ, tượng trưng cho bông sen nở trên mặt nước. Trình độ điêu khắc tinh vi, thanh thoát, được thể hiện trên các tượng Phật trong chùa.
Hình 2. Chùa Một Cột (Hà Nội)
Hình 3. Chùa Keo (Thái Bình)
Đến thời Lý, đạo Phật rất phát triển. Chùa là nơi tu hành của các nhà sư, là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng và là công trình kiến trúc đẹp.
Câu hỏi
1. Vì sao dưới thời Lý nhiều chùa được xây dựng ?
2. Em hãy mô tả ngôi chùa mà em biết (có thể qua tranh, ảnh hoặc nghe kể lại).