Mùa xuân năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ lên vùng Tây Sơn thượng đạo (nay thuộc An Khê, Gia Lai) lập căn cứ, dựng cờ khởi nghĩa chống chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong.
Sau khi lật đổ chính quyền họ Nguyễn, làm chủ toàn bộ vùng đất Đàng Trong, Nguyễn Huệ tiến ra Thăng Long, lật đổ chính quyền họ Trịnh, thống nhất giang sơn. Đó là năm 1786.
Nghe tin đó, chúa Trịnh Khải đứng ngồi không yên. Quan tướng họ Trịnh sợ hãi, cuống cuồng lo cất giấu của cải, đưa vợ con đi trốn. Trịnh Khải tức tốc triệu tập quần thần bàn kế giữ kinh thành.
Một viên tướng quả quyết :
- Tây Sơn kéo quân vào sâu xứ lạ, đó là điều kiêng kị trong binh pháp. Nên nhử cho chúng tới gần nữa, rồi đánh một trận mà tiêu diệt cho hết.
Một viên tướng khác lại thề với chúa Trịnh :
- Bẩm chúa thượng ! Xin chúa thượng yên lòng, chín cha con tôi quyết đem cái chết để đền ơn chúa.
Nghe nói vậy, Trình Khải yên lòng, lệnh cho quân sĩ dàn binh đợi đánh.
Trong khi đó, quân thủy và quân bộ của Nguyễn Huệ tiến như bão về phía Thăng Long, chẳng mấy chốc đã đến Nam Dư(1). Quân Trịnh tưởng quân Tây Sơn còn ở xa nên bỏ thuyền, lên bờ chơi tản mát. Khi quân Tây Sơn ập đến, quân Trịnh không kịp xuống thuyền, phần bị giết, phần bỏ chạy. Quân Tây Sơn băng băng tiến về kinh thành Thăng Long, đánh mạnh vào trận địa của quân Trịnh.
___________________________
(1) Nam Dư : nay thuộc Thành Trì (Hà Nội).
Trịnh Khải phất cờ lệnh thúc quân đánh trả nhưng tướng sĩ nhìn nhau không dám tiến. Lợi dụng cơ hội ấy, quân Tây Sơn bắn đạn lửa vào quân Trịnh. Phút chốc, quân Trịnh đại bại. Trịnh Khải vội cởi áo chúa bỏ chạy, bị dân bắt trói nộp cho quân Tây Sơn.
Nguyễn Huệ làm chủ được Thăng Long, lật đổ họ Trịnh, giao quyền cai trị ở Đằng Ngoài cho vua Lê (năm 1786), mở đầu việc thống nhất lại đất nước sau hơn 200 năm bị chia cắt.
Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, tiến vào Thăng Long, tiêu diệt chính quyền họ Trịnh. Quân của Nguyễn Huệ đi đến đâu đánh thắng tới đó.
Năm 1786, nghĩa quân Tây Sơn làm chủ Thăng Long, mở đầu cho việc thống nhất lại đất nước.