Trước thế kỉ XVI, từ sông Gianh vào phía nam, đất hoang còn nhiều, xóm làng và cư dân thưa thớt. Từ Lâu, những người nông dân nghèo khổ ở phía bắc đã di cư vào đây khai phá, làm ăn.
Cuối thế kỉ XVI, các chúa Nguyễn rất quan tâm tới việc khai khẩn đất hoang, mở rộng diện tích sản xuất. Nông dân, quân lính được phép đem cả gia đình vào phía nam khẩn hoang lập làng, lập ấp.
Những người khẩn hoang được cấp lương thực trong nửa năm cùng một số nông cụ, rồi chia thành từng đoàn, đi khai phá đất hoang. Các đoàn người khai hoang cứ dần dần tiến vào phía nam. Từ vùng đất Phú Yên, Khánh Hòa đến Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đoàn người tiếp tục tiến sâu vào vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Đi đến đâu họ lập làng, ấp mới đến đó. Công cuộc khẩn hoang đã biến một vùng đất hoang vắng ở phía nam trở thành những xóm làng đông đất và ngày càng trù phú.
- Dựa theo bản đồ Việt Nam, em hãy mô tả cuộc hành trình của đoàn người khẩn hoang vào phía nam.
Lúc đó, từ Phú Yên trở vào có rất nhiều dân tộc sinh sống (người Chăm, người Khơ-me và các dân tộc ở Tây Nguyên). Người Việt đã cùng với các dân tộc anh em sống hòa hợp với nhau, cùng đoàn kết trong cuộc đấu tranh chống thiên tai và ách áp bức bóc lột. Nền văn hóa lâu đời của các dân tộc hòa vào nhau, bổ sung cho nhau tạo nên nền văn hóa chung của dân tộc Việt Nam, một nền văn hóa thống nhất và có nhiều bản sắc.
Từ cuối thế kỉ XVI, công cuộc khẩn hoang ở Đàng Trong được xúc tiến mạnh mẽ.
Ruộng đất được khai phá, xóm làng được hình thành và phát triển. Tình đoàn kết giữa các dân tộc ngày càng bền chặt.