1. Công nghiệp khai thác nguyên, nhiên liệu
a) Công nghiệp khai thác than
– Than của nước ta có nhiều loại với trữ lượng dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á và tập trung chủ yếu ở bể than Đông Bắc. Khu vực Quảng Ninh là nơi chiếm hơn 90% trữ lượng than của cả nước và có chất lượng than tốt nhất. Ngoài khu vực Quảng Ninh còn có than mỡ ở Làng Cẩm (Thái Nguyên) và một số mỏ nhỏ khác.
Than nâu phân bố ở Đồng bằng sông Hồng với độ sâu 300 – 1000m ; mặc dù có trữ lượng hàng chục tỉ tấn, nhưng điều kiện khai thác rất khó khăn.
Than bùn có ở nhiều nơi, song tập trung nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là khu vực U Minh.
Dựa vào bản đồ Địa chất – khoáng sản Việt Nam (hoặc Atlat Địa lí Việt Nam), hãy nhận xét về sự phân bố than của nước ta.
– Than ở nước ta được khai thác từ lâu dưới hai hình thức : khai thác lộ thiên và khai thác hầm lò. Sau khi đất nước thống nhất, hằng năm trung bình khai thác được 5 – 6 triệu tấn than. Trong vài năm gần đây, do mở rộng thị trường tiêu thụ và đầu tư trang thiết bị hiện đại nên sản lượng trung bình năm đã tăng nhanh. Năm 2005 sản lượng than đạt hơn 34 triệu tấn.
b) Công nghiệp khai thác dầu, khí
– Dầu, khí của nước ta tập trung ở các bể trầm tích chứa dầu ngoài thêm lục địa.
Bể trầm tích sông Hồng đang trong giai đoạn thăm dò, tìm kiếm ; đã phát hiện và đang khai thác mỏ khí quy mô nhỏ ở Tiền Hải (Thái Bình).
Các bể trầm tích Trung Bộ nằm ở phía đông Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hoà với diện tích nhỏ, tiềm năng hạn chế.
Bể trầm tích Cửu Long có trữ lượng khá lớn với một số mỏ đã và đang được khai thác (Bạch Hổ, Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc).
Bể trầm tích Nam Côn Sơn có trữ lượng vào loại lớn nhất và có ưu thế về khí ; ngoài mỏ Đại Hùng đang được khai thác còn có một số mỏ đã được phát hiện.
Bể trầm tích Thổ Chu – Mã Lai có diện tích nhỏ, trữ lượng không lớn.
Trong số các bể trầm tích, hai bể Cửu Long và Nam Côn Sơn được coi là có triển vọng nhất về trữ lượng và khả năng khai thác. Về trữ lượng, nước ta có khoảng vài tỉ tấn dầu mỏ và hàng trăm tỉ m3 khí.
– Khai thác dầu, khí là ngành công nghiệp mới hình thành từ năm 1986, khi những tấn dầu thô đầu tiên được khai thác từ mỏ Bạch Hổ. Từ 4 vạn tấn năm 1986, sản lượng dầu mỏ tăng liên tục và đạt hơn 18,5 triệu tấn năm 2005.
Ngoài dầu mỏ, việc đưa khí đồng hành vào sử dụng đã làm tăng thêm vai trò của công nghiệp dầu khí. Từ năm 1995 khí đồng hành được chuyển từ mỏ Bạch Hổ về Bà Rịa phục vụ cho nhà máy điện. Dự án khí đốt Nam Côn Sơn đã đưa khí tự nhiên từ mỏ Lan Đỏ, Lan Tây cho các tuốc bin khí của nhà máy điện Phú Mỹ, Cà Mau. Khí tự nhiên còn là nguyên liệu để sản xuất phân đạm (Phú Mỹ, Cà Mau).
Công nghiệp dầu khí non trẻ của nước ta không chỉ tập trung vào việc khai thác, mà đã ra đời một ngành công nghiệp mới : công nghiệp lọc – hoá dầu với nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) công suất thiết kế 6,5 triệu tấn/năm.
Tại sao công nghiệp khai thác dầu khí tuy mới hình thành, nhưng lại nhanh chóng trở thành ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta ?
2. Công nghiệp điện lực
a) Tình hình phát triển và cơ cấu
– Công nghiệp điện lực của nước ta đã có lịch sử hơn một thế kỉ. Năm 1892, nhà máy nhiệt điện đầu tiên được xây dựng ở Hải Phòng, rồi hai năm sau ở Hà Nội (nhà máy điện Yên Phụ) và sau đó ở các địa phương khác.
Điện được coi là ngành cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng và phải đi trước một bước. Hơn nữa, nhu cầu về điện cho sản xuất, sinh hoạt ngày càng tăng nhanh. Vì thế, nhiều nhà máy điện cũ đã được nâng cấp, hàng loạt nhà máy điện mới đã được xây dựng và đi vào hoạt động. Sản lượng điện tăng nhanh, từ 2,5 tỉ kWh năm 1975 lên 5,2 tỉ kWh năm 1985 và đạt 52,1 tỉ kWh năm 2005.
Để khắc phục tình trạng mất cân đối về điện năng giữa các vùng lãnh thổ, đường dây tải điện siêu cao áp 500 kV đầu tiên ở nước ta từ Hoà Bình đi Phủ Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh) dài 1 488 km đã đi vào hoạt động từ cuối năm 1994.
– Việc sản xuất điện của nước ta hiện nay chủ yếu dựa vào than, dầu (nhập), khí tự nhiên và nguồn thuỷ năng dồi dào. Các nguồn năng lượng khác (sức gió, năng lượng mặt trời) mới bắt đầu được khai thác trên quy mô nhỏ. Điện nguyên tử còn đang là dự án xây dựng trong tương lai.
Cơ cấu sản lượng điện của nước ta có sự thay đổi. Việc hàng loạt nhà máy thuỷ điện lớn hoà sản phẩm của mình vào mạng lưới điện quốc gia đã làm cho cán cân nghiêng hẳn về phía thuỷ điện với hơn 70% sản lượng điện toàn quốc trong giai đoạn 1991 – 1996. Đến năm 2005, sản xuất điện từ than, điêzen – khí lại chiếm khoảng 70%, trong đó tỉ trọng cao nhất thuộc về điêzen – khí (45,6%).
Hình 35.1. Sản lượng than, dầu mỏ và điện của nước ta
Dựa vào hình 35.1, hãy nhận xét sản lượng than, dầu mỏ và điện.
b) Thuỷ điện
– Tiềm năng thuỷ điện của nước ta rất lớn. Về lí thuyết, công suất có thể đạt khoảng 30 nghìn MW với sản lượng 260 – 270 tỉ kWh. Tiềm năng này tập trung chủ yếu ở hệ thống sông Hồng (37%) và hệ thống sông Đồng Nai (19%). Tuy nhiên, việc khai thác còn gặp khó khăn do sự phân mùa của khí hậu.
– Các nhà máy thuỷ điện xuất hiện ngày càng nhiều dựa trên nguồn thuỷ năng rất phong phủ của một số hệ thống sông.
Ở miền Bắc, lớn nhất hiện nay có các nhà máy thuỷ điện : Hoà Bình trên sông Đà, công suất 1 920 MW với hồ chứa nước dài hơn 200 km, Tuyên Quang trên sông Gâm (342 MW) và Thác Bà trên sông Chảy (110 MW).
Ở miền Trung và Tây Nguyên có nhiều nhà máy thuỷ điện, trong đó đáng kể nhất là Yaly trên hệ thống sông Xê Xan (720 MW), Hàm Thuận – Đa Mi trên sông La Ngà (Hàm Thuận 300 MW, Đa Mi 175 MW), Đa Nhim trên sông Đa Nhim (160 MW).
Ở miền Nam có nhà máy thuỷ điện Trị An trên sông Đồng Nai (400 MW).
Hiện nay, Nhà nước đang tiến hành xây dựng nhà máy thuỷ điện Sơn La trên sông Đà có công suất 2 400 MW, lớn nhất Đông Nam Á và nhiều nhà máy thuỷ điện khác.
c) Nhiệt điện
– Cơ sở nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc là than, chủ yếu từ các mỏ tại Quảng Ninh, còn ở miền Trung và miền Nam trước đây lại dựa vào nguồn dầu nhập khẩu. Từ sau năm 1995 có thêm khí tự nhiên phục vụ cho các nhà máy điện chạy bằng tuốc bin khí ở Bà Rịa, Phú Mỹ và Cà Mau.
– Các nhà máy nhiệt điện lớn của nước ta : ở miền Bắc có Phả Lại 1 và 2 (chạy bằng than, công suất tương ứng là 440 MW và 600 MW), Uông Bỉ và Uông Bí mở rộng (than, 150 MW và 300 MW), Ninh Bình (than, 100 MW) ; ở miền Nam có Phú Mỹ 1, 2, 3, 4 (khí, 4164 MW), Bà Rịa (khí, 411 MW) thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu, Hiệp Phước (dầu, 375 MW), Thủ Đức (dầu, 165 MW) thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau 1 và 2 (khí, 1500 MW)...
Dựa vào hình 35.2, hãy kể tên một số nhà máy thuỷ điện đã và đang xây dựng ở nước ta.
Hình 35.2. Công nghiệp năng lượng
Câu hỏi và bài tập
1. Hãy lập sơ đồ cơ cấu ngành của công nghiệp năng lượng và phân tích vai trò của ngành này đối với việc phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta.
2. Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và lược đồ trong bài, hãy nhận xét về phân bố của ngành công nghiệp năng lượng.
3. Hãy thu thập tài liệu (qua sách vở, báo chí...) và giới thiệu về một trong số các nhà máy thuỷ điện hoặc nhiệt điện lớn ở nước ta.