1. Công nghiệp dệt, may
a) Công nghiệp dệt
– Dệt là một nghề truyền thống có từ lâu đời ở nước ta. Tuy nhiên, việc hình thành ngành công nghiệp dệt có thể được coi là từ khi nhà máy dệt Nam Định ra đời.
Ngành dệt của nước ta được phát triển dựa trên cơ sở các thế mạnh về nguồn lao động và thị trường tiêu thụ. Nguồn nguyên liệu có thể khai thác từ nông nghiệp (bông, đay, lanh, tơ tằm...) hoặc từ công nghiệp hoá học (sợi hoá học).
Hãy nêu các vùng trồng bông lớn của nước ta và vai trò của chúng đối với việc phát triển công nghiệp dệt.
Hình 37.1. Tình hình sản xuất sợi và vải lụa
Hãy nhận xét về tốc độ tăng trưởng một số sản phẩm của công nghiệp dệt qua biểu đồ trên.
– Công nghiệp dệt ở nước ta đã trải qua nhiều thăng trầm. Trong những năm gần đây, những khó khăn về thị trường và đổi mới trang thiết bị, nguyên liệu đã ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển của ngành công nghiệp này.
Đứng trước những thách thức to lớn, ngành dệt đã cố gắng mở rộng thị trường, nhập nguyên liệu, đầu tư đổi mới công nghệ, hợp tác liên doanh với nước ngoài để thoả mãn phần lớn nhu cầu trong nước. Ngoài hai sản phẩm chính là sợi và vải lụa, còn có một số sản phẩm khác như vải bạt, vải màu, thảm (len, đay), các sản phẩm dệt kim...
– Về phân bố, hầu hết các cơ sở dệt quan trọng đều tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Đà Nẵng, Hải Phòng...
Tại sao công nghiệp dệt tập trung ở các thành phố lớn của nước ta ?
b) Công nghiệp may
– Công nghiệp may phát triển không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà sản phẩm của ngành đã và đang trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.
So với ngành dệt, công nghiệp may phát triển mạnh hơn và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đó là nhờ việc đổi mới trang thiết bị, thay đổi mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và quốc tế... Vì vậy, các mặt hàng may mặc của nước ta đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Sản phẩm chính của ngành là quần áo may sẵn. Số lượng sản phẩm tăng nhanh : từ 172 triệu chiếc năm 1995 lên hơn 1 tỉ chiếc năm 2005, trong đó một phần đáng kể là sản phẩm may gia công cho nước ngoài. Trong những năm tới, việc tự sản xuất với chất lượng và giá cả phù hợp để xuất khẩu là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành.
– Các cơ sở công nghiệp may phân bố nhiều nhất ở Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương), tiếp theo là ở vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định), rồi đến Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An...
2. Công nghiệp da – giày
Hình 37.2. Sản lượng một số sản phẩm của công nghiệp da – giày
Dựa vào biểu đồ, hãy nhận xét tình hình phát triển của công nghiệp da – giày.
– Nghề thuộc da thủ công và công nghệ da đã có ở nước ta từ lâu. Trong những năm gần đây, công nghiệp da – giày có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Do mức sống của nhân dân ngày càng được cải thiện nên nhu cầu về giày dép ở trong nước tăng lên nhanh chóng. Việc liên doanh với nước ngoài cũng góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu. Dựa vào nguồn nguyên liệu trong nước cùng với lực lượng lao động dồi dào, có tay nghề, ngành công nghiệp da – giày đã phát triển mạnh.
Các sản phẩm chính của công nghiệp da – giày là da cứng, da mềm, giày dép da và giày vải.
– Về phân bố, các cơ sở sản xuất giày dép tập trung ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng...
3. Công nghiệp giấy – in – văn phòng phẩm
– Sự phát triển của công nghiệp giấy – in – văn phòng phẩm trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hoá của mọi tầng lớp nhân dân. Cả nước hiện có các nhà máy giấy quy mô lớn ở Bãi Bằng (Phú Thọ) và Tân Mai (Đồng Nai).
Sự mở rộng thị trường in và đổi mới máy móc, thiết bị kĩ thuật đã làm cho ngành in khởi sắc. Khối lượng trang in trong những năm gần đây tăng lên nhanh chóng. Các xí nghiệp in phân bố rộng rãi, nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô lớn, kĩ thuật cao nhất cả nước.
– Việc sản xuất văn phòng phẩm phát triển chậm. Ngoài mặt hàng bút máy, bút bi... thì các mặt hàng khác còn nghèo nàn, khó cạnh tranh được với hàng ngoại nhập.
Câu hỏi và bài tập
1. Tại sao trong những năm gần đây, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng lại được phát triển mạnh mẽ ?
2. So sánh các nguồn lực để phát triển công nghiệp dệt, may, da – giày và giấy – in – văn phòng phẩm.
3. Dựa vào bảng số liệu dưới đây :
Một số sản phẩm của công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng
Sản phẩm | Năm | 1995 | 2000 | 2001 | 2005 |
Vải lụa (triệu m2) | 263,0 | 356,4 | 410,1 | 560,8 | |
Quần áo may sẵn (triệu cái) | 171,9 | 337,0 | 375,6 | 1011,0 | |
Giày, dép da (triệu đôi) | 46,4 | 107,9 | 102,3 | 218,0 | |
Giấy, bìa (nghìn tấn) | 216,0 | 408,4 | 445,3 | 901,2 | |
Trang in (tỉ trang) | 96,7 | 184,7 | 206,8 | 450,3 |
Hãy vẽ biểu đồ thích hợp thể hiện tốc độ gia tăng một số sản phẩm của công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng ở nước ta.