1. Các thế mạnh chủ yếu của vùng
a) Vị trí địa lí
Vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm 10 tỉnh, thành phố (tương đương cấp tỉnh) với diện tích gần 15 nghìn km2 và số dân (năm 2006) là18,2 triệu người (chiếm 4,5 % diện tích tự nhiên và 21,6% dân số cả nước(1).
Hãy nêu vị trí địa lí của Đồng bằng sông Hồng và ý nghĩa của nó đối với sự phát triển kinh tế.
Kể tên các tỉnh, thành phố (tương đương cấp tỉnh) của vùng.
b) Tài nguyên thiên nhiên
Đất là tài nguyên thiên nhiên có giá trị hàng đầu của đồng bằng. Về mặt chất lượng, khoảng 70% đất nông nghiệp có độ phì cao và trung bình, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp.
Hình 46.1. Cơ cấu sử dụng đất ở Đồng bằng sông Hồng, năm 2005 (%)
Dựa vào hình 46.1, hãy phân tích cơ cấu sử dụng đất ở Đồng bằng sông Hồng.
Tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Hồng rất phong phú nhờ hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình. Ngoài nước trên mặt, Đồng bằng sông Hồng còn có nguồn nước ngầm tương đối dồi dào với chất lượng tốt. Ở một số nơi (Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình...) còn có nước khoáng, nước nóng.
(1) Từ 1-8-2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) đã sáp nhập vào thành phố Hà Nội.
Đồng bằng sông Hồng có đường bờ biển dài hơn 400 km. Hầu hết vùng bờ biển có điều kiện để làm muối và nuôi trồng thuỷ sản; bên cạnh đó là khả năng phát triển giao thông vận tải biển và du lịch.
Về khoáng sản, có giá trị hơn cả là đá vôi (Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình) và sét cao lanh (Hải Dương). Ngoài ra, còn có than nâu và tiềm năng về khí tự nhiên.
c) Điều kiện kinh tế – xã hội
Dân cư và nguồn lao động cũng được coi là một thế mạnh của vùng. Nguồn lao động ở đây dồi dào với truyền thống và kinh nghiệm sản xuất phong phú. Chất lượng nguồn lao động đúng hàng đầu cả nước và tập trung phần lớn ở các đô thị.
Cơ sở hạ tầng ở Đồng bằng sông Hồng vào loại tốt nhất so với các vùng khác trong cả nước. Hàng loạt quốc lộ huyết mạch đã được nâng cấp như 1, 2, 3, 5, 6, 10, 18,.... Mạng lưới đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không phát triển mạnh. Khả năng cung cấp điện, nước cho sản xuất và đời sống được đảm bảo.
Cơ sở vật chất – kĩ thuật cho các ngành kinh tế đã được hình thành và ngày càng hoàn thiện. Đó là hệ thống các công trình thuỷ lợi, các trạm, trại bảo vệ cây trồng, vật nuôi, các nhà máy, xí nghiệp với năng lực đáng kể...
Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung nhiều di tích, lễ hội, các làng nghề truyền thống, các trường đại học, viện nghiên cứu,... Mạng lưới đô thị tương đối phát triển với hai trung tâm kinh tế – xã hội vào loại lớn nhất nước là Hà Nội và Hải Phòng.
Các thế mạnh đã ảnh hưởng như thế nào đến việc phát triển kinh tế – xã hội ở Đồng bằng sông Hồng ?
2. Các hạn chế chủ yếu của vùng
– Đồng bằng sông Hồng là vùng có số dân đông nhất nước. Mật độ dân số của vùng lên đến 1 225 người/km (năm 2006), gấp khoảng 4,8 lần mật độ trung bình của cả nước. Đây là một khó khăn rất lớn đối với việc phát triển kinh tế – xã hội.
Hãy phân tích sức ép về dân số đến việc phát triển kinh tế – xã hội ở Đồng bằng sông Hồng.
– Nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, Đồng bằng sông Hồng chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tại như bão, lũ lụt, hạn hán... Việc khai thác quá mức dẫn đến một số loại tài nguyên (như đất, nước trên mặt,...) bị suy thoái. Đây là vùng thiếu nguyên liệu cho việc phát triển công nghiệp, phần lớn nguyên liệu phải đưa từ vùng khác đến.
– Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa phát huy hết thế mạnh của vùng.
Các hạn chế đã ảnh hưởng như thế nào đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Hồng ?
3. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và các định hướng chính
a) Thực trạng
Hình 46.2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng
Quan sát biểu đồ, hãy nhận xét về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng.
Cùng với công cuộc Đổi mới diễn ra trên phạm vi cả nước, cơ cấu kinh tế theo ngành của Đồng bằng sông Hồng đã có sự chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch còn chậm.
Hình 46.3. Kinh tế Đồng bằng sông Hồng
b) Các định hướng chính
– Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế có vai trò quan trọng ở Đồng bằng sông Hồng. Xu hướng chung là tiếp tục giảm tỉ trọng của khu vực I (nông lâm – ngư nghiệp), tăng nhanh tỉ trọng của khu vực II (công nghiệp – xây dựng) và khu vực III (dịch vụ) trên cơ sở đảm bảo tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh, hiệu quả cao gắn với việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Đến năm 2010, tỉ trọng của các khu vực tương ứng sẽ là 10%, 42% và 48%.
– Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ từng ngành có sự khác nhau, nhưng trọng tâm là phát triển và hiện đại hoá công nghiệp chế biến, trong khi các ngành công nghiệp khác và dịch vụ gắn với yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hàng hoá.
+ Đối với khu vực I, giảm tỉ trọng của ngành trồng trọt, tăng tỉ trọng của các ngành chăn nuôi và thuỷ sản. Riêng trong ngành trồng trọt lại giảm tỉ trọng của cây lương thực và tăng dần tỉ trọng của cây công nghiệp, cây thực phẩm, cây ăn quả.
+ Đối với khu vực II, quá trình chuyển dịch gắn với việc hình thành các ngành công nghiệp trọng điểm để sử dụng có hiệu quả các thế mạnh về tự nhiên và con người của vùng. Đó là các ngành chế biến lương thực – thực phẩm, dệt – may và da – giày, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí – kĩ thuật điện – điện tử.
+ Đối với khu vực III, du lịch là một ngành tiềm năng. Đồng bằng sông
Hồng có nhiều thế mạnh về du lịch, đặc biệt ở Hà Nội và vùng phụ cận, Hải Phòng. Trong tương lai, du lịch sẽ có vị trí xứng đáng trong nền kinh tế của vùng. Các dịch vụ khác như tài chính, ngân hàng, giáo dục – đào tạo... cũng phát triển mạnh nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch kinh tế.
Câu hỏi và bài tập
1. Tại sao phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng ?
2. Hãy phân tích những cơ sở để có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng.
3. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng diễn ra như thế nào ? Nêu những định hướng chính trong tương lai.