1. Ngành thuỷ sản
a) Những điều kiện thuận lợi và khó khăn để phát triển ngành thuỷ sản
Nước ta có bờ biển dài 3260 km và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn. Vùng biển nước ta có nguồn lợi hải sản khá phong phú. Tổng trữ lượng hải sản khoảng 3,9 – 4,0 triệu tấn, cho phép khai thác hằng năm khoảng 1,9 triệu tấn. Biển nước ta có hơn 2000 loài cá, trong đó khoảng 100 loài có giá trị kinh tế ; 1647 loài giáp xác, có hơn 100 loài tôm, trong đó có nhiều loài có giá trị xuất khẩu cao ; nhuyễn thể có hơn 2500 loài, rong biển hơn 600 loài. Ngoài ra còn nhiều loại đặc sản khác.
Nước ta có nhiều ngư trường, trong đó 4 ngư trường trọng điểm đã được xác định là : ngư trường Cà Mau – Kiên Giang (ngư trường vịnh Thái Lan), ngư trường Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu, ngư trường Hải Phòng – Quảng Ninh (ngư trường vịnh Bắc Bộ) và ngư trường quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa.
Dọc bờ biển nước ta có những bãi triều, đầm phá, các cánh rừng ngập mặn. Đó là những khu vực thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản nước lợ. Ở một số hải đảo có các rạn đá, là nơi tập trung nhiều hải sản có giá trị kinh tế... Ven bờ có nhiều đảo và vụng, vịnh tạo điều kiện hình thành các bãi cho cá đẻ.
Nước ta có nhiều sông suối, kênh rạch, ao hồ, các ô trũng ở vùng đồng bằng có thể nuôi thả cá, tôm nước ngọt. Cả nước đã sử dụng hơn 850 nghìn ha diện tích mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản, trong đó 45% thuộc các tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.
Nhân dân có kinh nghiệm, truyền thống đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Các phương tiện tàu thuyền, ngư cụ được trang bị ngày càng tốt hơn. Hoạt động khai thác và nuôi trồng được thuận lợi hơn nhờ phát triển các dịch vụ thuỷ sản và mở rộng chế biến thuỷ sản.
Cùng với sự gia tăng dân số thế giới và trong nước, nhu cầu về các mặt hàng thuỷ sản tăng nhiều trong những năm gần đây. Các mặt hàng thuỷ sản của nước ta cũng đã thâm nhập được vào thị trường châu u, Nhật Bản, Hoa Kì,...
Những đổi mới trong chính sách của Nhà nước đã và đang có tác động tích cực tới sự phát triển ngành thuỷ sản : nghề cả ngày càng được chú trọng ; khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi và giữ vững chủ quyền vùng biển, hải đảo.
Tuy nhiên, việc phát triển ngành thuỷ sản ở nước ta gặp không ít khó khăn.
Hằng năm có tới 9 – 10 cơn bão xuất hiện ở Biển Đông và khoảng 30 – 35 đợt gió mùa Đông Bắc, nhiều khi gây thiệt hại về người và tài sản của ngư dân, hạn chế số ngày ra khơi.
Tàu thuyền và các phương tiện đánh bắt nói chung còn chậm được đổi mới, do vậy năng suất lao động còn thấp. Hệ thống các cảng cá còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc chế biến thuỷ sản, nâng cao chất lượng thương phẩm cũng còn nhiều hạn chế. Ở một số vùng ven biển, môi trường bị suy thoái và nguồn lợi thuỷ sản suy giảm.
b) Sự phát triển và phân bố ngành thuỷ sản
Trong những năm gần đây, ngành thuỷ sản đã có bước phát triển đột phá. Sản lượng thuỷ sản năm 2005 là hơn 3,4 triệu tấn, lớn hơn sản lượng thịt cộng lại từ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sản lượng thuỷ sản bình quân trên đầu người hiện nay khoảng 42 kg/năm. Nuôi trồng thuỷ sản chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu sản lượng và giá trị sản xuất thuỷ sản.
Bảng 32.1. Sản lượng và giá trị sản xuất thuỷ sản qua một số năm
Sản lượng và giá trị thuỷ sản | Năm | 1990 | 1995 | 2000 | 2005 |
Sản lượng (nghìn tấn) | 890,6 | 1584,4 | 2250,5 | 3465,9 | |
Khai thác | 728,5 | 1195,3 | 1660,9 | 1987,9 | |
Nuôi trồng | 162,1 | 389,1 | 589,6 | 1478,0 | |
Giá trị sản xuất (tỉ đồng, giá so sánh 1994) | 8135 | 13524 | 21777 | 38726,9 | |
Khai thác | 5559 | 9214 | 13901 | 15822,0 | |
Nuôi trồng | 2576 | 4310 | 7876 | 22904,9 |
– Khai thác thuỷ sản
Sản lượng khai thác hải sản năm 2005 đạt 1791 nghìn tấn, gấp 2,7 lần năm 1990, trong đó riêng cá biển là 1367 nghìn tấn. Sản lượng khai thác thuỷ sản nội địa ở mức khoảng 200 nghìn tấn. Tất cả các tỉnh giáp biển đều đẩy mạnh đánh bắt hải sản, nhưng nghề cả ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ có vai trò lớn hơn. Các tỉnh dẫn đầu về sản lượng đánh bắt là Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Bình Thuận và Cà Mau. Riêng 5 tỉnh này chiếm 50% sản lượng thuỷ sản khai thác của cả nước (năm 2005).
– Nuôi trồng thuỷ sản
Hiện nay, cả nước đã sử dụng gần 1 triệu ha diện tích mặt nước để nuôi trồng thuỷ sản, trong đó hơn 70% thuộc về Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều loại thuỷ sản đã trở thành đối tượng nuôi trồng, nhưng quan trọng hơn cả là tôm. Nghề nuôi tôm phát triển mạnh. Kĩ thuật nuôi tôm đi từ quảng canh sang quảng canh cải tiến, bản thâm canh và thâm canh công nghiệp. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi tôm lớn nhất, nổi bật là các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh và Kiên Giang.
Bảng 32.2. Sản lượng tôm nuôi, cá nuôi năm 1995 và 2005, phân theo vùng
(Đơn vị : tấn)
Vùng | Sản lượng tôm nuôi | Sản lượng cá nuôi | ||
1995 | 2005 | 1995 | 2005 | |
Cả nước | 55316 | 327194 | 209142 | 971179 |
Trung du và miền núi Bắc Bộ | 548 | 5350 | 12011 | 41728 |
Đồng bằng sông Hồng | 1331 | 8283 | 48240 | 167517 |
Bắc Trung Bộ | 888 | 12505 | 11720 | 44885 |
Duyên hải Nam Trung Bộ | 4778 | 20806 | 2758 | 7446 |
Tây Nguyên | – | 63 | 4413 | 11093 |
Đông Nam Bộ | 650 | 14426 | 10525 | 46248 |
Đồng bằng sông Cửu Long | 47121 | 265761 | 119475 | 652262 |
Đồng bằng sông Cửu Long có các điều kiện thuận lợi nào để trở thành vùng nuôi cá và nuôi tôm lớn nhất nước ta ?
Nghề nuôi cá nước ngọt cũng phát triển, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng. Tỉnh An Giang nổi tiếng về nuôi cá tra, cá ba sa trong lồng bè trên sông Tiền, sông Hậu, với sản lượng cá nuôi là 179 nghìn tấn (năm 2005).
2. Lâm nghiệp
a) Lâm nghiệp ở nước ta có vai trò quan trọng về mặt kinh tế và sinh thái
Nước ta có 3/4 diện tích là đồi núi, lại có vùng rừng ngập mặn ven biển. Do vậy, lâm nghiệp có vị trí đặc biệt trong cơ cấu kinh tế của hầu hết các vùng lãnh thổ.
Hãy tìm các ví dụ để làm sáng tỏ ý nghĩa kinh tế, sinh thái to lớn của rừng và vai trò của lâm nghiệp.
b) Tài nguyên rừng của nước ta vốn giàu có, nhưng đã bị suy giảm nhiều
– Dựa vào Bài 17, hãy nêu ra các con số chứng minh : tài nguyên rừng nước ta đã bị suy giảm nhiều và đang được phục hồi.
– Những nguyên nhân nào dẫn đến sự suy giảm tài nguyên rừng của nước ta ?
Rừng được chia thành ba loại : rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất.
Rừng phòng hộ (gần 7 triệu ha), có ý nghĩa rất quan trọng đối với môi sinh. Dọc theo các lưu vực sông lớn là các khu rừng đầu nguồn, có tác dụng rất lớn đối với việc điều hoà nước sông, chống lũ, chống xói mòn. Dọc theo dải ven biển miền Trung rất dài là các cánh rừng chắn cát bay, còn ven biển Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long có các dải rừng chắn sóng.
Nước ta còn có một hệ thống rừng đặc dụng. Đó là các vườn quốc gia như Cúc Phương, Ba Vì, Ba Bể, Bạch Mã, Nam Cát Tiên..., các khu bảo tồn tự nhiên, các khu bảo tồn văn hoá – lịch sử – môi trường.
Cả nước có khoảng 5,4 triệu ha rừng sản xuất, đại bộ phận trong số đó (4,5 triệu ha) đã được giao và cho thuê.
c) Sự phát triển và phân bố của lâm nghiệp
Các hoạt động lâm nghiệp bao gồm : lâm sinh (trồng rừng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng), khai thác, chế biến gỗ và lâm sản.
Về trồng rừng : Cả nước có khoảng 2,5 triệu ha rừng trồng tập trung, trong đó chủ yếu là rừng làm nguyên liệu giấy, rừng gỗ trụ mỏ, rừng thông nhựa..., rừng phòng hộ. Hằng năm cả nước trồng trên dưới 200 nghìn ha rừng tập trung. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có hàng nghìn ha rừng bị chặt phá và bị cháy, đặc biệt là ở Tây Nguyên.
Về khai thác, chế biến gỗ và lâm sản : Mỗi năm, nước ta khai thác khoảng 2,5 triệu m3 gỗ, khoảng 120 triệu cây tre luồng và gần 100 triệu cây nửa. Các sản phẩm gỗ quan trọng nhất là : gỗ tròn, gỗ xẻ, ván sàn, đồ gỗ, gỗ lạng và gỗ dán. Cả nước có hơn 400 nhà máy cưa xẻ và vài nghìn xưởng xẻ gỗ thủ công. Công nghiệp bột giấy và giấy đang được phát triển, lớn nhất là nhà máy giấy Bãi Bằng (tỉnh Phú Thọ) và Liên hiệp giấy Tân Mai (Đồng Nai).
Rừng còn được khai thác để cung cấp nguồn gỗ củi và than củi.
Câu hỏi và bài tập
1. Hãy lập bảng tóm tắt những điều kiện thuận lợi và khó khăn đối với sự phát triển của hoạt động khai thác thuỷ sản ở nước ta theo các đề mục chính sau đây : a) Nguồn lợi và điều kiện đánh bắt ; b) Dân cư và lao động ; c) Cơ sở vật chất kĩ thuật ; d) Đường lối chính sách ; e) Thị trường. Tương tự như trên, tóm tắt hoạt động nuôi trồng thuỷ sản.
2. Dựa vào bảng số liệu 32.2 và các tài liệu tham khảo khác, hãy so sánh nghề nuôi tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Trung Bộ, nghề nuôi cá ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.
3. Hãy nêu hiện trạng phát triển trồng rừng và các vấn đề để phát triển vốn rừng ở nước ta hiện nay.