1. Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước
a) Ý nghĩa của tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước
Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) có tầm quan trọng hàng đầu trong các mục tiêu phát triển kinh tế ở nước ta. Quy mô nền kinh tế nước ta còn nhỏ, năm 2005, GDP đạt 53114,6 triệu USD, đứng thứ 6 ở khu vực Đông Nam Á, thứ 21 ở châu Á và thứ 58 trên thế giới. Tuy nhiên, với GDP/người/năm là 639,1 USD, Việt Nam chỉ đứng thứ 7 ở Đông Nam Á, thứ 39 ở châu Á và thứ 146 trên thế giới. Vì vậy tăng trưởng GDP với tốc độ cao và bền vững là con đường đúng đắn để chống tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sau đó, tăng trưởng GDP sẽ tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh xuất khẩu, giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo...
b) Tình hình tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước
Từ năm 1990 đến năm 2005, GDP của nước ta tăng liên tục qua các năm với tốc độ tăng bình quân hơn 7,2%/năm. Việt Nam đứng vào hàng các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao của khu vực và châu Á. Năm 2005, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam là 8,4% đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Hình 26. Tốc độ tăng trưởng GDP qua các năm (%)
Quan sát hình 26, nêu nhận xét về tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta, trong giai đoạn 1990 – 2005.
Đặc biệt, những năm cuối thế kỉ XX, trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực xảy ra khủng hoảng tài chính trầm trọng và tốc độ tăng trưởng GDP bị giảm sút nhanh thì kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao.
Bảng 26.1. Tốc độ tăng trưởng GDP của một số nước trong khu vực Đông Nam Á
(Đơn vị : %)
Nước | Năm | 1995 | 1998 | 2000 | 2002 | 2004 | 2005 |
Indônêxia | 8,2 | -13,1 | 4,9 | 4,4 | 5,1 | 5,6 | |
Malaixia | 9,4 | -7,4 | 8,9 | 4,4 | 7,1 | 5,3 | |
Philippin | 7,4 | -0,6 | 6,0 | 4,5 | 6,0 | 5,1 | |
Xingapo | 8,0 | 0,1 | 9,4 | 4,0 | 8,7 | 6,4 | |
Thái Lan | 9,3 | -10,8 | 4,8 | 5,3 | 6,2 | 4,5 | |
Việt Nam | 9,5 | 5,8 | 6,8 | 7,1 | 7,8 | 8,4 |
Dựa vào bảng 26.1, so sánh tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta với một số nước trong khu vực.
Một trong những thành tựu kinh tế lớn nhất trong thời gian qua là phát triển nông nghiệp. Sau nhiều năm kiên trì giải quyết vấn đề lương thực, đến nay an toàn lương thực đã được khẳng định. Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Chăn nuôi gia súc và gia cầm cũng phát triển với tốc độ nhanh.
Sản xuất công nghiệp đi dần vào thế phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng cao. Từ năm 1991 đến năm 2005, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt bình quân trên 14%/năm. Những sản phẩm công nghiệp quan trọng phục vụ sản xuất và tiêu dùng của dân cư nhìn chung đều tăng cả về số lượng cũng như chất lượng. Sức cạnh tranh của sản phẩm được nâng lên.
Bảng 26.2. Tốc độ tăng trưởng GDP theo giá so sánh 1994, phân theo khu vực kinh tế
(Đơn vị: %)
Năm | Nông – lâm –ngư nghiệp | Công nghiệp – xây dựng | Dịch vụ |
1990 | 1,0 | 2,3 | 10,2 |
1995 | 4,8 | 13,6 | 9,8 |
2000 | 4,6 | 10,1 | 5,3 |
2005 | 4,0 | 10,7 | 8,5 |
c) Những hạn chế
Chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế đã được cải thiện hơn trước. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta chủ yếu vẫn tăng trưởng theo chiều rộng, tăng về số lượng nhưng chậm chuyển biến về chất lượng, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững. Hiệu quả kinh tế còn thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu.
Hãy tìm những ví dụ cụ thể để minh hoạ cho nhận định trên.
Câu hỏi và bài tập
1. Tại sao có thể nói tốc độ tăng trưởng GDP có ý nghĩa hàng đầu trong các mục tiêu phát triển kinh tế ở nước ta ?
2. Trong những năm thực hiện Đổi mới, nền kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh như thế nào ? Giải thích nguyên nhân.
3. Vẽ biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng GDP phân theo khu vực kinh tế qua các năm ở nước ta theo bảng 26.2 và rút ra nhận xét.