(Trang 111)
Củng cố, mở rộng và thực hành đọc
1. Vẽ sơ đồ tư duy thể hiện luận đề, hệ thống luận điểm và những lí lẽ, bằng chứng tiêu biểu của mỗi luận điểm trong hai văn bản: “Người con gái Nam Xương” – một bi kịch của con người và Từ “Thằng quỷ nhỏ” của Nguyễn Nhật Ánh nghĩ về những phẩm chất của một tác phẩm viết cho thiếu nhi.
2. Chỉ ra sự tương đồng và khác biệt trong cách đặt vấn đề và cách tổ chức luận điểm của hai văn bản "Người con gái Nam Xương” – một bi kịch của con người và Từ “Thằng quỷ nhỏ” của Nguyễn Nhật Ánh nghĩ về những phẩm chất của một tác phẩm viết cho thiếu nhi. Từ đó, em rút ra bài học gì khi thực hành viết bài văn nghị luận văn học?
3. Viết đoạn văn (khoảng 8 – 10 câu) phân tích vẻ đẹp ngôn từ của một đoạn trích truyện thơ Nôm hoặc tác dụng của yếu tố kì ảo trong một truyện truyền kì, trong đó có sử dụng cách dẫn trực tiếp hoặc cách dẫn gián tiếp.
(Trang 112)
Thực hành đọc
Khi đọc văn bản dưới đây, em cần chú ý những vấn đề sau: • Luận đề của văn bản. • Hệ thống luận điểm và cách triển khai luận điểm. • Cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ luận điểm. • Ngôn ngữ nghị luận. |
Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên
chi Quảng Lăng, một bài thơ tiễn biệt
tiêu biểu trong thơ Đường
NGUYỄN KHẮC PHI
Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng Phiên âm: Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu Cô phàm viễn ảnh bích không tận, Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu. Dịch nghĩa: Bạn cũ rời khỏi lầu Hoàng Hạc, ở phía tây, Xuôi xuống Dương Châu giữa tháng Ba mùa hoa khói Bóng cánh buồm lẻ loi xa lẫn trong khoảng không xanh biếc, Chỉ thấy Trường Giang chảy miệt bên trời. |
------------------------------------------------
Nguyễn Khắc Phi sinh năm 1934, quê ở Hà Tĩnh, là nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Một số công trình tiêu biểu: Thơ văn cổ Trung Hoa – Mảnh đất quen mà lạ (1999), Mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc qua cái nhìn so sánh (2001), Nguyễn Khắc Phi tuyển tập (2006), Văn học Trung đại Việt Nam – Nghiên cứu và bình luận (2018).
(Trang 113)
Dịch thơ: Bạn từ lầu Hạc lên đường, Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xuôi dòng. Bóng buồm đã khuất bầu không, Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời. (Ngô Tất Tố dịch, in trong Thơ Đường, tập II, |
Những cuộc đưa tiễn bao giờ cũng để lại trong lòng người đi, kẻ ở những ấn tượng và kỉ niệm khó quên. Trong xã hội xưa, khi điều kiện đi lại và trao đổi thư từ còn rất khó khăn, những cuộc chia tay càng dễ để lại cho đôi bên những nỗi nhớ nhung, lo âu thấp thỏm. Đó là những lí do giải thích vì sao “thơ tống biệt”, nói đầy đủ hơn là “thơ tống hành tặng biệt” (thơ tiễn chân và thơ từ biệt) chiếm một tỉ lệ khá cao trong văn học cổ điển. Lý Bạch là một người giao thiệp rất rộng, tính tình hồn nhiên cởi mở, suốt đời đi lại xê dịch nên tác phẩm viết về đề tài tiễn biệt chiếm tỉ lệ rất cao trong sự nghiệp thơ văn của ông.
[...] Lần tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng, lòng nhà thơ cũng nao nức, xao động song rung động theo một kiểu khác và được biểu hiện hoàn toàn khác.
Hai câu thơ mở đầu thiên về nói tới người ra đi (Mạnh Hạo Nhiên) và tường thuật sự việc (nêu lên đầy đủ các yếu tố của một cuộc đưa tiễn) song trong đó vẫn chứa đựng bao niềm lưu luyến của người đưa tiễn.
Không bao lâu sau khi rời khỏi quê hương, Lý Bạch đã kết giao với Mạnh Hạo Nhiên, nhà thơ tiền bối, nhà thơ hơn mình đến hơn chục tuổi và bấy giờ danh tiếng đã lừng lẫy. Lý Bạch luôn nói về người bạn vong niên ấy với tất cả sự tôn kính và ngưỡng mộ:
Ngô ái Mạnh phụ tử,
Phong lưu thiên hạ văn...
(Ta yêu Mạnh phu tử đã nổi tiếng phong lưu khắp thiên hạ...)
Mối quan hệ đặc biệt thân tình ấy đã thể hiện đầy đủ, sinh động qua chỉ một từ “cổ nhân”. Lý Bạch là “chủ” tiễn khách song không phải là tiễn khách tại nhà mình, quê mình, thậm chí cũng không phải là nơi nhiệm sở như trường hợp Bạch Cư Dị ở Tỳ bà hành mà là tiễn khách nơi đất khách, ở một điểm dừng chân trên bước đường ngao du, hơn nữa, lại là một thắng tích nổi tiếng gắn với những truyền thuyết từng làm xao động tâm hồn bao thế hệ. Cuộc tiễn chân diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, trong
(Trang 114)
không khí cực kì phồn vinh của xã hội Thịnh Đường. Bạn ra đi giữa một ngày xuân đẹp (tam nguyệt, yên hoa), bạn đi về Dương Châu, thành phố phồn hoa nổi tiếng nhất của cả vùng Giang Nam đương thời mà Lý Bạch trước đó đã từng đặt chân tới. Cho nên, qua lời thơ bề ngoài có vẻ như trung tính, đạm bạc, ta không chỉ thấy phút giây bịn rịn của buổi tiễn đưa mà còn thấy sự nao nức của người đưa tiễn. Dường như do một lí do đặc biệt nào đó mà Lý Bạch không thể cùng đi với Mạnh Hạo Nhiên về Dương Châu đấy thôi. Đó chính là cái nền vững chắc tạo điều kiện cho việc xây dựng tứ thơ bay bổng ở hai câu tiếp theo.
Nhận xét về hai câu thơ trên cũng như cách mở đầu thường thấy ở thơ tứ tuyệt Lý Bạch, có nhà nghiên cứu nhận định: “Nhiều bài trường thi, ca hành của Lý Bạch thường hạ bút vang dội, khí thế khác thường, đem đến sức truyền cảm nghệ thuật kinh hồn bạt vía cho người đọc song phần mở đầu thơ tuyệt cú của ông lại thường bình dị tự nhiên, chẳng có gì là đột ngột, gân guốc, tựa như nhìn không thấy sự suy nghĩ quá sâu xa, tinh tường. Ở hai câu đầu, nhà thơ thường chỉ tường thuật một cách giản đơn hoàn cảnh hoặc nguyên do sự việc mà thôi. Bài thơ này cũng không phải là ngoại lệ”). Ngôn từ không chỉ bình dị tự nhiên mà lại còn sát hợp. Các dòng sông lớn ở Trung Quốc thường chảy theo hướng tây – đông, Hoàng Hạc lâu lại ở phía trên dòng nên đặt trạng ngữ “tây” trước động từ “từ”, dùng động từ “há” trước Dương Châu là rất chuẩn xác. Động từ “từ” (từ giã, từ biệt) được sử dụng khá đắt, mang sắc thái biểu cảm và có tác dụng gợi cảm cao. Tác giả nói mình đưa tiễn “cổ nhân” song không nói cổ nhân từ giã mình mà lại nói “từ biệt lầu Hoàng Hạc”. Như vậy, vừa kết hợp xác định địa điểm đưa tiễn, vừa đem lại cho bản thân hình ảnh lầu Hoàng Hạc một ý nghĩa hoán dụ, lại vừa gợi cho độc giả liên tưởng tới động tác, tâm tư của cả người đi, kẻ ở: sau khi tiễn bạn ở bến sông, có lẽ Lý Bạch đã vội rời chân lên tít lầu cao để tiếp tục ngóng theo và Mạnh Hạo Nhiên, sau khi lên thuyền, có lẽ cũng đang ngước trông lên lầu cao tiếp tục vẫy tay từ biệt.
Hai câu đầu đã được người xưa gọi là “lệ cử” (câu đẹp), danh cú, song ai cũng thừa nhận hai câu sau mới là linh hồn của cả bài thơ. Hầu hết hai câu kết ở những bài thơ thuộc đề tài tống biệt của Lý Bạch đều dùng cảnh để biểu hiện tình (dụng cảnh kết tình) song thủ pháp rất đa dạng. So sánh, nhân cách hoá, đồng nhất tình và cảnh là những thủ pháp hay được sử dụng.
Nhân cách hoá như:
Xuân phong tri biệt khổ
Bất khiển liễu điều thanh.
-------------------------------------------
Chiêm Anh – Trương Thuỵ Quân, Lý Bạch đại từ điển, Quảng Tây giáo dục xuất bản xã, 1995, tr. 473 (chú thích của tác giả Nguyễn Khắc Phi).
(Trang 115)
(Gió xuân xót li biệt,
Chẳng khiến liễu xanh cành.)
(Lao Lao đình, Tương Như dịch)
Người xưa có tập tục bẻ cành liễu để tặng người đi xa. Đến vật vô tri như gió xuân
cũng thấu hiểu nỗi đau xót của tình li biệt.
So sánh như:
Thỉnh quân thí vấn đông lưu thuỷ,
Biệt ý dữ chi thuỳ đoản trường.
(Xin bạn thử hỏi dòng nước chảy về đông xem tình ý biệt li và dòng nước bên nào ngắn bên nào dài.)
(Từ biệt nơi quán rượu Kim Lăng làm thơ để lại)
Không riêng gì Lý Bạch, các nhà thơ cổ điển lúc viết thơ tống biệt vẫn hay dùng những thủ pháp ấy, thậm chí đôi lúc còn viết những câu thơ hao hao câu thơ trong bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng.
Như Hứa Hồn ở đời Đường:
Li tâm bất dị Tây Giang thuỷ,
Trực tống chinh phàm vạn lí hành.
(Tình biệt li chẳng khác gì dòng nước sông Tây Giang đưa mãi cánh buồm người ra đi tới nơi vạn dặm.)
[...] Đọc lại tất cả những câu thơ trên kể cả những câu của Lý Bạch, rồi so sánh chúng với hai câu cuối của bài thơ đang phân tích, ta có thể lí giải vì sao xưa nay hai câu thơ đó đã được đánh giá cao đến nhường ấy.
Ở tất cả những câu thơ vừa dẫn, đâu ta cũng thấy dấu vết ít nhiều rõ rệt của nỗi lòng con người: “biệt khổ”, “biệt ý”, “li tâm”, còn ở Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng, tình đã hoà tan vào cảnh. Dù có cường điệu mối tình li biệt đến bao nhiêu chăng nữa, cho dù là dài hơn “nước sông Tây Giang”, dài hơn “dòng nước chảy về đông” thì vẫn là có giới hạn và có thể so sánh được. Mối tình của Lý Bạch ở lầu Hoàng Hạc lúc tiễn Mạnh Hạo Nhiên thì không gì có thể đưa ra so sánh, nó không thể so sánh với sông Trường Giang, không thể so sánh với bầu trời, hay nói chuẩn xác hơn, cả sông Trường Giang, cả bầu trời đều không thể so sánh với nó mà nó hoà tan man mác vào cả bầu trời mông mênh, vào cả dòng sông bất tận, vào cả vũ trụ bao la vì cuối cùng cả bầu trời và dòng sông cũng đã hoà nhập làm một! Đáng chú ý là
(Trang 116)
hai câu thơ đã vẽ ra một cảnh tượng mênh mông song đồng thời cũng khắc hoạ được những đường nét tinh tế. Từ bản thân “chiếc buồm cô độc”, đến “bóng” của nó, đến bóng “xa”... xa dần của nó cho đến lúc nó mất hút vào bầu trời bát ngát là cả một quá trình, quá trình chuyển dịch ngày càng xa của con thuyền và quá trình ngóng trông theo vời vợi của cặp mắt người đưa tiễn. Thuyền đã mất hút song người tiễn đưa vẫn còn đứng đó, chơ vơ, đơn côi trên lầu Hoàng Hạc. Chiếc buồm hẳn là màu trắng; mảng trắng, vệt trắng rồi điểm trắng ấy, dưới bầu trời biếc, trên dòng nước mùa xuân trong xanh hẳn là “mục tiêu” dễ thấy, dễ tăng cường thị lực Lý Bạch, song quan trọng hơn là từ phía Lý Bạch, dù ở thời Thịnh Đường thuyền bè đi lại trên sông Trường Giang tấp nập như lá tre, tất cả thị lực của Lý Bạch chỉ đặt vào ở một điểm duy nhất đó mà thôi!
Hai câu cuối, bên ngoài như vẫn tiếp tục nói về người ra đi song thực chất đã chuyển sang ; nói tâm tình người ở lại. Bên ngoài như là thơ tả cảnh thuần tuý – mà xét về yêu cầu tả cảnh cũng đạt mức xuất sắc – song thực chất là tả tình.
Hàm súc, khêu gợi, ý tại ngôn ngoại, lời cạn ý sâu, lấy cảnh nói tình, từ nhỏ thấy lớn... tất cả những đặc trưng thi pháp ấy của thơ Đường nói chung, của thơ tuyệt cú nói riêng, chúng ta đều có thể tìm thấy trong sự thể hiện mẫu mực ở Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng của Lý Bạch.
(Theo Nguyễn Khắc Phi tuyển tập,
NXB Giáo dục, 2006, tr. 908 –914)