Sách Giáo Khoa 247

Ngữ Văn 9 - Tập 1 - Bài 2 : Viết | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Xem chi tiết nội dung bài Bài 2 : Viết và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ Văn 9 - Tập 1 | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

(Trang 133)

Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (kịch)

Yêu cầu:

• Giới thiệu khái quát về tác phẩm kịch (tên tác phẩm, tên tác giả, thể loại), nêu được nhận định chung của người viết về tác phẩm.

• Làm rõ được nội dung chủ đề của tác phẩm.

• Phân tích được những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm kịch (cốt truyện, nhân vật, hành động, xung đột, lời thoại,...) và hiệu quả thẩm mĩ của chúng; tập trung vào một số yếu tố nghệ thuật nổi bật nhất của tác phẩm.

• Triển khai được hệ thống luận điểm chặt chẽ; sử dụng lí lẽ, bằng chứng xác đáng từ tác phẩm kịch để làm sáng tỏ ý kiến nêu trong bài viết.

• Khẳng định được ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

Phân tích bài viết tham khảo

Phân tích vở bi kịch Yêu Ly

của Lưu Quang Thuận

Giới thiệu tác phẩm, tác giả; nêu nhận định chung về tác phẩm.

   Trong số những vở kịch thơ ra đời ở thời kì trước năm 1945, Yêu Ly của tác giả Lưu Quang Thuận được coi là một tác phẩm tiêu biểu cho thể loại bi kịch. Vở kịch lấy đề tài từ lịch sử Trung Quốc nhưng đã nói được những vấn đề chung của con người ở mọi thời đại.

Tóm tắt cốt truyện kịch.

   Nội dung vở kịch kể về nhân vật Yêu Ly, một hàn sĩ ở ẩn, sống trong thời đại loạn, ước mơ có cơ hội thi thố tài năng, làm nên sự nghiệp lớn. Ngũ Tử Tư – quân sự của nước Ngô, tìm gặp Yêu Ly, bày tỏ lòng ngưỡng mộ tài đức của y. Ngũ Tử Tư kể cho Yêu Ly về kế hoạch bình thiên hạ của mình. Kế hoạch muốn thành công cần loại trừ Khánh Kỵ, một đối thủ của Ngô vương. Cảm kích trước tấm lòng tri ngộ của Ngũ Tử Tư và bị thuyết phục bởi mưu đồ lớn của người này, Yêu Ly quyết góp công thực hiện việc hạ thủ Khánh Kỵ. Y dùng khổ nhục kế để lấy lòng tin của Khánh Kỵ, sai giết vợ con, tự chặt cánh tay trái của mình rồi chạy sang nước Vệ, bảo rằng vua Ngô hại gia đình mình và từ nay xin thờ Khánh Kỵ làm minh chủ. Y được Khánh Kỵ trọng dụng, cùng Khánh Kỵ bàn cách đánh quân Ngô. Thừa lúc cùng Khánh Kỵ huấn luyện thuỷ quân tập trận, Yêu Ly đâm chết Khánh Kỵ rồi tự kết án mình và tự sát.

(Trang 134)

Chỉ ra chủ đề của vở bi kich.

   Bi kịch Yêu Ly đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến ý nghĩa sự tồn tại của con người trong các mối quan hệ và giá trị của những mối quan hệ ấy: gia đình, cá nhân, lí tưởng, sự nghiệp, nghĩa và tình, ơn và oán, đãi ngộ và phản trắc,... Con người bị đặt vào vòng xoáy của xung đột giữa các giá trị, theo đó, sự lựa chọn giá trị này cũng là sự phá vỡ giá trị khác. Không giống như hài kịch, xung đột trong bi kịch thường dẫn đến những tổn thất ghê gớm do không thể điều hoà giữa các mặt đối nghịch. Ở vở Yêu Ly có sự xung đột quyết liệt giữa những giá trị ngang bằng nhau: một bên
là tình chồng vợ, cha con với một bên là khát vọng lập công của đấng nam nhi; một bên là thân thể cha sinh mẹ dưỡng, tình tri kỉ với một bên là ý chí phụng sự minh chủ:

Hồn thê tử dẫu lìa xa thế giới

Xin theo ta ngoài cõi rét phong sương

Hiền thê ơi hôm nay ta lên đường,

Đời lủi thủi một mình ta sống trọn

Nhưng trên khổ đau hãy còn nghĩa lớn...

Phân tích xung đột kịch và nêu bằng chứng.

  Giá trị nào trong số này bị hi sinh cũng sẽ gây những thương tích không thể chữa lành. Không thể dung hoà được các giá trị, vẹn toàn được các mặt đời sống, nhân vật Yêu Ly tự nguyện hi sinh bản thân, vợ con, theo đuổi mục tiêu giết kẻ thù của Ngô vương, đền ơn tri ngộ của Ngũ Tử Tư. Việc nhân vật chủ động chọn lựa những giá trị mà mình coi trọng đã thúc đẩy hành động kịch phát triển. Yêu Ly vừa là người chiến thắng vừa là kẻ chiến bại, vừa là người có tội vừa không có tội. Yêu Ly thực hiện thành công mưu đồ hành thích Khánh Kỵ, song, chính lúc đó, nhân vật tự nhận ra sự thảm bại của con người mình: trở thành kẻ bất nhân, bất trí, bất tín:

Ta vừa đâm Khánh Kỵ giữa phong ba,

Giữ vẹn lời cam kết lúc chia xa,

Nhưng khốn nỗi, lòng ta muôn cắn rứt!

Mơ bóng thê nhi nỗi niềm day dứt,

Bất tín trên đời, thêm bất trí, bất nhân.

Sống chi thêm cho sỉ nhục trăm phần?

Hỡi gươm báu giùm ta xong một kiếp!


   Có thể thấy nhân vật bi kịch sa vào tình trạng bất hạnh không phải vì sự xấu xa của nó. A-rít-xtốt cho rằng có ba loại người: thật tốt, thật xấu, và ở giữa tốt và xấu, nhân vật bi kịch là loại “ở giữa”, tốt nhưng có thể mắc sai lầm, mù quáng. Nhân vật Yêu Ly là người có ý chí, tài trí, kiên định theo đuổi sự nghiệp. Việc nhân vật lựa chọn hi sinh cá nhân, gia đình, tình nghĩa tri kỉ đồng nghĩa với việc ông ta chấp nhận sự trả giá đau đớn.

(Trang 135)

Phân tích nội tâm nhân vật và nêu bằng chứng.

   Phần cuối vở kịch khắc hoạ sâu sắc bị kịch nội tâm của Yêu Ly. Có ý kiến cho rằng nhân vật đã nhận ra tính “khả nghi” của sự nghiệp mà ông ta theo đuổi:

Điều bất tín sẽ truyền lưu miệng thế.
Trong kiếp sống thử còn chi đáng kể?

   Khánh Kỵ hay Ngô vương, ai là người xứng đáng để Yêu Ly dốc lòng phò tá? Theo các tài liệu lịch sử Trung Quốc, Khánh Kỵ là người tài trí trong thiên hạ, vua cha bị giết, phải rời cố quốc mưu tính việc khôi phục vương quyền. Ngô vương lên ngôi được là do triệt hạ cha Khánh Kỵ. Phải chăng, Yêu Ly đã vỡ lẽ tỉnh vô luân, bất nghĩa của việc hành thích Khánh Kỵ? Vì giúp Ngô vương, ông ta đã giết một người hết mực trọng tài và biệt đãi mình. Từ sự nhận thức về tình thế của mình, nhân vật ngộ ra sự vô nghĩa của hành động giết vợ con và tự huỷ bản thân. Ở Yêu Ly, không có sự hân hoan của người toại chí. Người chiến thắng cũng là kẻ thất bại. Sự tự trừng phạt của Yêu Ly vì thế là kết quả tất yếu của toàn bộ hành động kịch. Sự giằng xé tinh thần ở nhân vật Yêu Ly tạo cho mạch truyện một khúc ngoặt bất ngờ, khép lại việc thanh trừng đối thủ của Ngô vương trong cuộc tranh giành ngôi vị, mở ra xung đột nội tâm dữ dội, dẫn đến kết cục đặc trưng của bi kịch – sân khấu “trắng”, các nhân vật chính tiêu vong.

   Trong Yêu Ly, thông qua sự bại vong của những con người xuất chúng, Lưu Quang Thuận gợi ra ở người đọc những cảm nhận sâu sắc về số phận con người nói chung trong hành trình sống khi phải đối mặt với những biến động ghê gớm của lịch sử, những thử thách khốc liệt hay những lựa chọn khó khăn. Đôi khi, trong một số thời điểm và hoàn cảnh, việc phân định các giá trị đời sống không hề dễ dàng. Cái chết của Khánh Kỵ và Yêu Ly, hai “người hùng” theo cách đánh giá của chính các nhân vật, đã tạo nên hiệu ứng kinh sợ, đau xót, đồng thời cũng mang đến sự thức tỉnh về những giá trị nhân văn của con người như tình chồng vợ, cha con, lòng cao thượng, tình tri kỉ,... Ở đây, khả năng lớn của thể thơ tám chữ trong việc diễn tả những tâm trạng căng thẳng, dồn nén đã được tác giả khai thác hết sức thành công. Ưu thế của lớp từ Hán Việt trong việc khơi gợi không khí cổ kính của bối cảnh hay khí chất trượng phu của nhân vật chính cũng đã được nhà viết kịch tô đậm. Tất cả hoà hợp với nhau, tạo nên hiệu quả tác động mạnh mẽ mang tính đặc thù của một vở bi kịch đích thực.

Khẳng định ý nghĩa, giá trị của vở kịch.

   Vở bi kịch Yêu Ly gợi ra nhiều lớp nghĩa phong phú. Người tiếp nhận tác phẩm sẽ không tìm thấy ở đó lời xác quyết về cái đúng cái sai. Qua sự xung đột giữa lí tưởng và đạo đức cùng nỗi đau đớn của con người, chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn về mối
quan hệ đời sống, tự nhận ra đâu là điều chúng ta cần coi trọng và lựa chọn. Vở kịch không chỉ là câu chuyện của những cá nhân ở một thời xa xôi của lịch sử. Nó còn hiển hiện một tình thế mà nhân loại phải đối mặt trong suốt hành trình tồn tại của mình.

(Nhóm biên soạn)

 

Thực hành viết theo các bước

  1. TRƯỚC KHI VIẾT

Mục đích viết

Phân tích để làm rõ một số nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của một kịch bản văn học.

Người đọc

Những người quan tâm tới thể loại văn học kịch và có nhu cầu tìm hiểu sâu về tác phẩm được phân tích.

a. Lựa chọn đề tài

 – Liệt kê một số kịch bản văn học em đã học hoặc đã đọc.

 – Bài viết tham khảo phân tích một vở bi kịch. Tuy nhiên, em có thể chọn một vở kịch hay trích đoạn kịch thuộc bất kì thể loại nào.

b. Tìm ý

Dựa vào những đặc trưng thể loại của vở kịch, hãy xác định những phương diện cần phân tích.

 – Xác định nội dung chủ đề qua xung đột kịch: Hãy đọc tóm tắt nội dung vở kịch (nếu có); tìm kịch bản trọn vẹn để đọc kĩ các chi tiết; theo dõi nội dung các hồi, diễn tiến các sự kiện; xác định nội dung xuyên suốt tác phẩm và vấn đề mà tác phẩm đặt ra. Chủ đề vở kịch toát ra từ xung đột kịch được thể hiện trong kịch bản. Ví dụ, bài viết tham khảo đã chỉ ra ở vở Yêu Ly sự xung đột quyết liệt giữa những giá trị ngang bằng nhau: một bên là tình chồng vợ, cha con với một bên là khát vọng lập công của đấng nam nhi; một bên là thân thể cha sinh mẹ dưỡng, tình tri kỉ với một bên là ý chí phụng sự minh chủ.

 – Xác định các phương diện đặc trưng của thể loại kịch: Xem lại tri thức ngữ văn trong các bài học về kịch ở lớp 8 và lớp 9 để nắm vững đặc trưng các thể loại kịch. Từ đó, phát hiện một số đặc điểm nổi bật của thể loại thể hiện qua kịch bản mà em chọn. Ví dụ, phân tích một vở bi kịch, bài viết tham khảo đã khai thác đặc trưng nhân vật bi kịch: “Nhân vật bi kịch sa vào tình trạng bất hạnh không phải vì sự xấu xa của nó. A-rít-xtốt cho rằng có ba loại người: thật tốt, thật xấu, và ở giữa tốt và xấu, nhân vật bi kịch là loại “ở giữa”, tốt nhưng có thể mắc sai lầm, mù quáng. Nhân vật Yêu Ly là người có ý chí, tài trí, kiên định theo đuổi sự nghiệp. Việc nhân vật lựa cá nhân, gia đình, tình nghĩa tri kỉ đồng nghĩa với việc ông ta chấp nhận sự trả giá đau đớn.”.

 – Chọn một số phương diện nổi bật của văn bản kịch để đi sâu phân tích: Căn cứ vào kịch bản em chọn, xác định một hoặc một số phương diện nổi bật ở vở kịch (hành động, lời thoại, nhân vật,...). Tiến hành khai thác các chi tiết quan trọng, xâu chuỗi các chi tiết để có những đánh giá khái quát về tác phẩm. Bài viết tham khảo nhấn mạnh động cơ hành động, mâu thuẫn nội tâm, tính lô-gíc của hành động kịch – những yếu tố làm nổi rõ xung đột bi kịch trong vở Yêu Ly.

(Trang 137)

 –  Xác định hiệu quả thẩm mĩ của văn bản kịch: Nếu là một vở hài kịch, hiệu quả thẩm mĩ của nó là tạo tiếng cười công phá những cái xấu để khẳng định cái đẹp, cái tốt, cái tiến bộ. Nếu là một vở bi kịch, hiệu quả thẩm mĩ của nó là sự thanh lọc tâm hồn, khiến con người qua nỗi khiếp sợ, xót thương mà tự nâng mình lên, hướng đến những giá trị nhân văn như tình yêu lứa đôi, tình cảm gia đình, tình yêu nước, yêu lí tưởng, đạo nghĩa,...

c. Lập dàn ý

Em hãy sắp xếp các ý tìm được thành một dàn ý.

Dàn ý

Mở bài: Giới thiệu tác phẩm, tác giả; nêu nhận định chung về tác phẩm kịch.

–Thân bài:

+ Phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm.

+ Phân tích những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm (xu đột, hành động, cốt truyện, nhân vật, lời thoại,...).

Kết bài: Khẳng định hiệu quả thẩm mĩ và ý nghĩa của tác phẩm.

2. VIẾT BÀI

Khi viết bài, em cần chú ý:

– Dựa vào dàn ý để triển khai bài viết. Trong khi viết cần kết hợp các thao tác trình bày khác nhau: nêu nhận định, đánh giá, trích dẫn, so sánh, giải thích, biểu cảm,...

– Phân tích chi tiết cụ thể hoặc nêu một số chi tiết rồi đưa nhận định khái quát. Cần tránh kể lại nội dung tác phẩm kịch.

– Có thể bố trí các luận điểm chính của bài lần lượt theo các đặc điểm của thể loại kịch hoặc đi sâu vào đặc điểm nổi bật nhất, từ đó liên hệ với các đặc điểm còn lại.

3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT

Đối chiếu bài viết của em với yêu cầu của kiểu bài nghị luận phân tích một tác phẩm kịch và dàn ý đã lập để chỉnh sửa. Nên lưu ý một số điểm như sau:

 – Nêu đầy đủ thông tin về tác phẩm, tác giả.

 – Nếu bài viết chưa làm rõ được những phương diện chính của kịch bản thì cần làm rõ.
 –  Những ý kiến đánh giá, nhận xét về ý nghĩa và giá trị thẩm mĩ của tác phẩm cần phù hợp với vở kịch được phân tích.

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn 9 - Tập 1

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 9 - Tập 1

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 9 - Tập 2

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Công Dân 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Toán 9 - Tập 1

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Toán 9 - Tập 2

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Vật Lí 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Hóa Học 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tiếng Anh 9 - Tập 1

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tiếng Anh 9 - Tập 2

NXB Giáo Dục Việt Nam - Tiếng Anh 9 - Tập 2

Sinh Học 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lí 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

vat-ly-1194

Vật lý

Vật lý 11 là tổng hợp kiến thức thực nghiệm

vat-ly-1159

Vật Lý

Vật Lý cơ bản 11

hoa-hoc-8-829

Hóa Học 8

Sách Lớp 8 NXB Giáo Dục Việt Nam

tap-viet-2-tap-mot-1008

Tập Viết 2 - Tập Một

Sách Lớp 2 Chân Trời Sáng Tạo

tieng-viet-2-tap-hai-994

Tiếng Việt 2 - Tập Hai

Sách Lớp 2 Cánh Diều

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

mu88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.