(Trang 109)
Thảo luận về một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (Làm thế nào để học tốt môn Ngữ văn?)
Trong Chương trình Trung học cơ sở, em đã được làm quen với nhiều môn học, trong đó có môn Ngữ văn. So với các môn học khác, môn Ngữ văn có đặc thù là môn học công cụ, lại là một môn học mang tính thẩm mĩ – nhân văn. Học tốt môn Ngữ văn vừa giúp em phát triển các năng lực chung, vừa phát triển năng lực đặc thù gắn với môn học (năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học). Những năng lực ấy sẽ là hành trang quan trọng giúp em vững bước, trưởng thành. Chắc hẳn em đã từng trăn trở làm thế nào để học tốt môn Ngữ văn. Trong phần Nói và nghe của bài học này, em hãy tập trung thảo luận vấn đề làm thế nào để học tốt môn Ngữ văn, từ đó sẽ có được tâm thế chủ động, tích cực trong học tập.
1. TRƯỚC KHI THẢO LUẬN
Mục đích thảo luận Làm rõ cách tiếp cận hiệu quả đối với môn Ngữ văn, từ đó có tâm thế chủ động, tích cực và phương pháp học tập phù hợp để đạt được mục tiêu một cách thuận lợi. Người nghe Những người quan tâm đến vấn đề được thảo luận, muốn tham gia và đóng góp ý kiến trong buổi thảo luận. |
- Để chuẩn bị cho hoạt động thảo luận, trước hết cần thực hiện các bước: thành lập nhóm, phân công người điều hành (chủ trì) và thư kí, thống nhất nguyên tắc thảo luận như đã thực hành ở bài 2.
- Do phạm vi đề tài thảo luận có thể mở rộng hoặc thu hẹp một cách linh hoạt nên cần xác định quy mô và thời gian thảo luận: Nếu quy mô lớn và thời gian dài, vấn đề thảo luận sẽ được bàn luận rộng và sâu hơn. Nếu quy mô nhỏ và thời gian ngắn, cần lựa chọn những khía cạnh tiêu biểu của vấn đề để thảo luận.
(Trang 110)
- Mỗi thành viên tham gia thảo luận cần chuẩn bị ý tưởng và nội dung thảo luận. Bản chất của vấn đề thảo luận: Làm thế nào để học tốt môn Ngữ văn? là bàn luận về những cách thức, phương pháp học tập hiệu quả môn học này. Muốn vậy, em cần tìm hiểu những nội dung cụ thể sau:
+ Ngữ văn cũng là một môn học như tất cả các môn học khác, vì vậy, để học tốt môn này, em cần có những phương pháp học tập chung. Hãy suy nghĩ các phương pháp chung ấy là gì.
+ Ngữ văn còn là một môn học có những nét đặc thù, đặt ra yêu cầu về phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học cho học sinh. Em cần có phương pháp học tập như thế nào để đáp ứng những đặc trưng của môn học? (Có thể tự đặt ra và trả lời các câu hỏi như: Vì sao học môn Ngữ văn cần phải mở rộng tri thức đọc? Cần đọc những gì, đọc như thế nào? Vì sao học Ngữ văn cần phải chú ý thực hành kĩ năng viết? Để viết tốt các kiểu văn bản, ta cần phải làm gì? Học Ngữ văn có liên quan gì đến vốn sống, vốn trải nghiệm của mỗi người? Học Ngữ văn không chỉ là học đọc và viết, mà còn là học nói và nghe, vậy cần phải rèn luyện kĩ năng nói và nghe như thế nào?,...)
2. THẢO LUẬN
- Mở đầu: Người chủ trì nêu vấn đề thảo luận đã được thống nhất ở phần chuẩn bị.
- Triển khai:
+ Mỗi thành viên phát biểu ý kiến dưới sự điều hành, kết nối của người chủ trì.
+ Người chủ trì nhắc nhở nếu người tham gia thảo luận phát biểu quá thời gian quy định.
+ Những thành viên khác lắng nghe và trao đổi.
Khi thảo luận, người nói và người nghe cần chú ý:
Người nói | Người nghe |
• Đưa ra ý kiến thảo luận đúng chủ đề, bám sát mạch thảo luận, tránh nói lạc đề, xa đề, thiếu kết nối với các ý kiến thảo luận trước đó. • Các ý kiến được làm sáng tỏ bởi lí lẽ và bằng chứng xác đáng. • Trình bày rõ ràng, mạch lạc; kết hợp giữa lời nói, cử chỉ, điệu bộ và các phương tiện hỗ trợ (nếu có). • Đảm bảo thời gian theo quy định. | • Lắng nghe với tinh thần tôn trọng người nói; ghi chép các nội dung chính trong ý kiến phát biểu của mỗi thành viên tham gia thảo luận và những chỗ cần trao đổi với người nói. • Ý kiến trao đổi cần rõ ràng, ngắn gọn; có thể đặt ra các câu hỏi để người nói giải đáp. |
(Trang 111)
- Kết thúc: Người chủ trì tổng kết những nội dung chính đã thảo luận, khẳng định ý nghĩa thiết thực của việc thảo luận về vấn đề: Làm thế nào để học tốt môn Ngữ văn ? cảm ơn sự đóng góp của các thành viên tham gia.
3. ĐÁNH GIÁ
- Đánh giá ý nghĩa của vấn đề thảo luận, chất lượng các ý kiến phát biểu. Việc đánh giá nội dung cuộc thảo luận cần tập trung vào các yêu cầu sau:
+ Thảo luận đúng chủ đề: Làm thế nào để học tốt môn Ngữ văn?
+ Các ý kiến thảo luận tập trung, không tản mạn.
+ Thông qua thảo luận, tìm được phương pháp, cách thức học tập môn Ngữ văn một cách hiệu quả.
- Trao đổi, rút kinh nghiệm về cách sử dụng ngôn ngữ nói, ngôn ngữ cơ thể và các phương tiện hỗ trợ; về cách tổ chức, điều hành cuộc thảo luận. Việc đánh giá cách tổ chức, điều hành cuộc thảo luận cần tập trung vào các yêu cầu sau:
+ Xây dựng được tinh thần dân chủ và tôn trọng những ý kiến khác biệt.
+ Những người tham gia thảo luận (chủ trì, thư kí, thành viên) thực hiện đúng vai trò của mình.
+ Thực hiện đúng tiến trình tổ chức một cuộc thảo luận.