Sách Giáo Khoa 247

Ngữ Văn 9 - Tập 1 - Bài 1: Giới thiệu bài học và Đọc | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Xem chi tiết nội dung bài Bài 1: Giới thiệu bài học và Đọc và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ Văn 9 - Tập 1 | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

(Trang 9)

Mọi thứ bạn nhìn đều có thể trở thành một câu chuyện cô tích và bạn có thể có được một câu chuyện từ bất cứ thứ gì mình chạm vào.

Han Cri-xti-an An-déc-xen (Hans Christian Andersen)

GIỚI THIỆU BÀI HỌC

  • Trong văn học, sự sáng tạo của con người là không có giới hạn. Cảm hứng sáng tạo bao giờ cũng được khơi nguồn từ thực tế đời sống, nhưng trí tưởng tượng phong phú, bay bổng giúp nhà văn tạo ra những thế giới mới mẻ, lạ lùng, kì ảo, làm nên sức cuốn hút đặc biệt của tác phẩm.
  • Hai văn bản đọc chính trong bài học này đều là truyện truyền kì sử dụng các yếu tố hoang đường, kì ảo, với những câu chuyện li kì, trong đó nhân vật có thể là người trần, thần tiên hoặc ma quỷ.... Văn bản đọc kết nối về chủ đề là tác phẩm kể lại bằng thơ một truyền thuyết khá quen thuộc trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam, giúp em hiểu thêm một cách thức sáng tạo văn học.

YÊU CẦU CẦN ĐẠT

  • Nhận biết và phân tích được một số yếu tố trong truyện truyền kì như: không gian, thời gian, chi tiết, cốt truyện, nhân vật chính, lời người kể chuyện.
  • Nêu được nội dung bao quát của văn bản; bước đầu biết phân tích các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, nhân vật trong tính chỉnh thể của tác phẩm.
  • Vận dụng được một số hiểu biết về lịch sử văn học Việt Nam để đọc hiểu văn bản văn học.
  • Nhận biết được điển tích, điển cố và phân tích được tác dụng của chúng; nhận biết được sự khác biệt về nghĩa của một số yếu tố Hán Việt dễ nhầm lẫn.
  • Viết được bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết; trình bày được giải pháp khả thi và có sức thuyết phục.
  • Trình bày được ý kiến về một sự việc có tính thời sự.
  • Trung thực trong các mối quan hệ ứng xử; yêu quý, trân trọng những con người có phẩm chất tốt đẹp.

(Trang 9)

Đọc

TRI THỨC NGỮ VĂN 

Truyện truyền kì

  • Truyện truyền kì là thể loại văn xuôi tự sự, phát triển mạnh mẽ từ thời trung đại, dùng yếu tố kì ảo làm phương thức nghệ thuật để phản ánh cuộc sống. Truyện truyền kì thuộc bộ phận văn học dân gian. Trong mỗi truyện truyền kì, yếu tố kì ảo và yếu tố hiện thực kết hợp, đan xen một cách linh hoạt. Qua những chi tiết kì ảo, người đọc có thể nhận thấy những vấn đề cốt lõi của hiện thực cũng như quan niệm và thái độ của tác giả.
  • Cốt truyện: Truyện truyền kì có khi mô phỏng cốt truyện dân gian hoặc dã sử lưu truyền rộng rãi trong nhân dân; có khi mượn từ truyện truyền  kì Trung Quốc. Cốt truyện của truyện truyền kì được tổ chức chủ yếu dựa trên chuỗi sự kiện sắp xếp theo trật tự tuyến tính, có quan hệ nhân quả.
  • Nhân vật: Thế giới nhân vật trong truyện truyền kì khá đa dạng, phong phú, trong đó nổi bật nhất là ba nhóm: thần tiên, người trần và yêu quái. Các nhân vật thường có những nét kì lạ, biểu hiện ở nguồn gốc ra đời, ngoại hình hay năng lượng siêu nhiên,...
  • Không gian và thời gian: Không gian trong truyện truyền kì thường có sự pha trộn giữa cõi trần, cõi tiên, cõi âm; các hình thức không gian này không tồn tại tách biệt mà liên thông với nhau. Thời gian cũng có sự kết hợp chặc chẽ giữa thời gian thực và thời gian kì ảo. Thời gian thực với các điểm mốc, các niên đại xác định góp phần tạo nên giá trị hiện thực của truyện truyền kì. Thời gian kì ảo thường được sử dụng khi nói về cõi tiên, cõi âm - nơi mọi thứ ngưng đọng, không biến đổi, không giới hạn.
  • Ngôn ngữ: Truyện truyền kì sử dụng nhiều điển tích, điển cố.

Điển tích, điển cố

  • Điển tích là câu chuyện trong sách xưa, được dẫn lại một cách cô đúc trong văn bản của các tác giả đời sau.
  • Điển cố là sự việc hay câu chữ trong sách xưa, được dẫn lại trong văn bản của các tác giả đời sau.
  • Những tích truyện, kinh sách, từ ngữ, lời thơ,... khi đã thành điển tích, điển cố điều được xem là mẫu mực, giàu ý nghĩa, cho nên các tác giả thường sử dụng để gia tăng tính hàm súc, uyên bác, gợi liên tưởng phong phú cho người đọc. Điển tích, điển cố có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, gắn với văn hóa, văn học của thời xa xưa. Do đó, để hiểu được ý nghĩa của điển tích, điển cố trong tác phẩm, người đọc cần tìm hiểu qua chú giải hoặc  tra cứu tài liệu có liên quan.

Lưu ý: Điển tích, điển cố là hai khái niệm gần gũi nhau, sự phân biệt chỉ có tính tương đối. Vì thế, nhiều lúc điển tích, điển cố được gọi chung là điển.

Sự khác biệt về nghĩa của một số yếu tố Hán Việt dễ nhầm lẫn

Trong lớp từ Hán Việt, nhiều từ có những yếu tố đồng âm hoặc gần âm. Các yếu tố này có nghĩa khác nhau, do đó dễ gây nhầm lẫn.

(Trang 10)

VĂN BẢN ĐỌC

VĂN BẢN 1. Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ

VĂN BẢN 2. Dế chọi, Bồ Tùng Linh

VĂN BẢN 3. Sơn Tinh - Thủy Tinh (trích), Nguyễn Nhược Pháp

VĂN BẢN 1

TRƯỚC KHI ĐỌC

  1. Em biết gì về vị thế của người phụ nữ Việt Nam trong thời phong kiến?
  2. Em có ấn tượng sâu sắc với tác phẩm nào viết về người phụ nữ? Hãy chia sẽ ấn tượng đó của em.

ĐỌC VĂN BẢN

Chuyện người con gái Nam Xương(1)

(Nam Xương nữ tử truyện)

NGUYỄN DỮ

Theo dõi

Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung(2) tốt đẹp. Trong làng có chàng Trương Sinh, mến vì dung hạnh(3), xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về.

Song Trương có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức. Nàng cũng giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa. Cuộc sum vầy chưa được bao lâu thì xảy ra  việc triều đình bắt lính đi đánh giặc Chiêm(4). Trương tuy con nhà hào phú(5) nhưng không có học, nên tên phải ghi trong sổ lính đi vào loại đầu. Buổi ra đi mẹ chàng có dặn rằng: 

- Nay con phải tạm ra tòng quân, xa lìa dưới gối. Tuy hội công danh từ xưa ít gặp, nhưng trong chỗ binh cách phải biết giữ mình làm trọng, gặp khó khăn nên lui, lường sức mà tiến, đừng nên tham miếng mồi thơm để lỡ mắc vào cạm bẫy. Quan cao tước lớn nhường để người ta. Có như thế, mẹ ở nhà mới khỏi lo lắng vì con được.

(1) Nam Xương: huyện thuộc trấn Sơn Nam, nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

(2) Tư dung: dáng vẻ và nhan sắc.

(3) Dung Hạnh: nhan sắc và đức hạnh.

(4) Đi đánh giặc Chiêm: cuối thời Trần (nửa sau thế kỉ XIV), quân Chiêm thường sang đánh phá, cướp bóc nước ta, quân ta nhiều phen phải chống đỡ vất vả.

(5) Hào phủ: giàu và có thế lực.

(Trang 11)

Chàng quỳ xuống đất vâng lời dạy. Nàng rót chén rượu đầy tiễn chồng mà rằng:

- Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ(1), chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường. Giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao, rồi thế chẻ tre(2) chưa có, mà mùa dưa chín quá kì(3), khiến cho tiện thiếp(4) băn khoăn, mẹ hiền lo lắng. Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú(5)! Dù có thư tín nghìn hàng, cũng sợ không có cánh hồng bay bổng.

Nàng nói đến đây, mọi người đều ứa hai hàng lệ. Rồi đó, tiệc tiễn vừa tàn, áo chàng rứt. Ngước mắt cảnh vật vẫn còn như cũ, mà lòng người đã nhuộm mối tình muôn dặm quan san(6)

Bấy giờ, nàng đương có mang, sau khi xa chồng vừa đầy tuần(7) thì sinh ra một đứa con trai, đặt tên là Đản. Ngày qua tháng lại, thoắc đã nửa năm, mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được. Bà mẹ cũng vì nhớ con mà dần sinh ốm. Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn. Song bệnh tình mỗi ngày một trầm trọng, bà biết không sống được, bèn trối(8) lại với nàng rằng:

- Ngắn dài có số, tươi héo bởi trời. Mẹ không phải không muốn đợi chồng con về, mà không gắng ăn miếng cơm miếng cháo đặng cùng vui sum họp.  Song, lòng tham vô cùng mà vận trời khó tránh. Nước hết chuông rền(9), số cùng khi kiệt(10). Một tấm thân tàn, nguy trong sớm tối, việc sống chết không khỏi phiền đến con. Chồng con nơi xa xôi chưa biết sống chết thế nào, không thể về đền ơn được.  Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh(11) kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ.

Bà cụ nói xong thì mất. Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình.

Qua năm sau, giặc ngoan cố đã chịu trói, việc quân kết thúc. Trương Sinh về tới nhà, được biết mẹ đã qua đời, con vừa học nói. Chàng hỏi mồ mẹ, rồi bế đứa con nhỏ đi thăm; đứa trẻ không chịu, ra đến đồng, nó quấy khóc. Sinh dỗ dành:

(1) Đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ: ý nói thắng trận trở về, được ban thưởng.

(2) Thế chẻ tre: thế của quân đội mạnh như chẻ tre, có thể thắng trận nhanh chóng.

(3) Mùa dưa chín quá kì: ngày xưa, người đi lính thú, cứ đến mùa dưa chín thì được thay phiên nhau để về nhà; ý ở đây: sợ rằng đến hạn thay phiên mà chồng vẫn chưa được về.

(4) Tiện thiếp: từ người phụ nữ thời xưa dùng để tự xưng một cách khiêm nhường.

(5) Đất thú: nơi xa xôi ngoài biên ải.

(6) Quan san: chỉ nơi xa xôi (quan là cửa ải, san hay sơn là núi).

(7) Tuần: đơn vị tính thời gian của người xưa, gồm 10 ngày; mỗi tháng có 3 tuần, gọi là thượng tuần (10 ngày đầu tháng), trung tuần (10 ngày giữa tháng), hạ tuần (10 ngày cuối tháng).

(8) Trối (như trăng trối): dặn dò trước khi chết.

(9) Nước hết chuông rền: người xưa dùng đồng hồ nước, cho chảy theo kiểu nhỏ giọt để đo thời gian, khi nước chảy hết là lúc chuông báo sáng; ở đây ý nói thời gian qua nhanh, đời người đã đến lúc kết thúc.

(10) Số cùng: số phận đã ở vào thế cùng tận; khí kiệt: sức sống đã cạn kiệt; số cùng khí kiệt có nghĩa là đã cận kề cái chết.

(11) Xanh: ông trời - đấng siêu nhiên, có quyền năng tối thượng (theo quan niệm của người xưa).

(Trang 12)

- Nín đi con, đừng khóc. Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi.

- Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít.

Chàng ngạc nhiên gạn hỏi. Đứa con nhỏ nói:

- Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.

Tình chàng hay ghen, nghe con nói vậy, đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được.

Về đến nhà, chàng la um lên cho hả giận.

Vợ chàng khóc mà rằng:

- Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum họp chưa thoả tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết(1). Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa(2) chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp.

Chàng vẫn không tin. Nhưng nàng hỏi chuyện kia do ai nói ra thì lại giấu không kể lời con nói; chỉ lấy chuyện bóng gió này nọ mà mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi. Họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng cũng chẳng ăn thua gì cả. Nàng bất đắc dĩ nói:

Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia nghi thất(3). Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én la đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu(4) kia nữa.

Đoạn rồi nàng tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng:

- Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đậu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương(5), xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ(6), Nhược bằng lòng chim dạ cá(7), lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ.

(1) Giữ gìn một tiết: ý nói giữ trọn lòng chung thủy với chồng.

(2) Ngõ liễu tường hoa: nơi diễn ra sự không đứng đắn trong quan hệ trai gái.

(3) Nghi gia nghi thất: nên cửa nên nhà, ý nói thành vợ thành chồng, cùng gây dựng hạnh phúc gia đình.

(4) Núi Vọng Phu: núi đá hình dáng giống người đàn bà bồng con, có ở Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đắk Lắk,... nhắc sự tích người đàn bà bồng con ngóng chồng đến hóa đá.

(5) Ngọc Mị Nương: theo tích ngọc trai giếng nước trong truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thủy, ý nói đến chết vẫn giữ lòng trong trắng.

(6) Cỏ Ngu mỉ: điển tích về nàng Ngu Cơ, vợ Hạng Vũ. (Khi Hạng Vũ thua trận, thế cùng, chạy đến Cai Hạ, Ngu Cơ rút gươm tự vẫn; tục truyền hồn nàng nhập vào cỏ bên bờ sông Ô thành cỏ Ngu mỉ nhân, thứ cỏ này khi thấy người ta xướng lên khúc Ngu mỉ nhân, kể chuyện Hạng Vũ - Ngu Cơ thì cành lá đều rung rinh, có vẻ như cảm động.)

(7) Lòng chim dạ cá: lòng dạ đổi thay, không chung thủy.

(Trang 13)

Nói xong nàng gieo mình xuống sông mà chết. Chàng tuy giận là nàng thất tiết, nhưng thấy nàng tự tận(1) cũng động lòng thương, tìm vớt thây nàng, nhưng chẳng thấy tăm hơi đâu cả. Một đêm phòng không vắng vẻ, chàng ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya, chợt đứa con nói rằng: 

- Cha Đản lại đến kia kìa!

Chàng hỏi đâu. Nó chỉ bóng chàng ở trên vách:

- Đây này!

Thì ra ngày thường, ở một mình, nàng hay đùa con, trỏ bóng mình mà bảo là cha Đản. Bấy giờ chàng mới tỉnh ngộ, thấu nỗi oan của vợ, nhưng việc trót đã qua rồi!

Cùng làng với nàng, có người tên là Phan Lang, khi trước làm đầu mục(2) ở bến đò Hoàng Giang, một đêm chiêm bao thấy người con gái áo xanh đến kêu xin tha mạng. Sáng dậy, Phan Lang thấy có người phường chài đem vào biếu một con rùa mai xanh, sực nghĩ đến chuyện mộng, bèn đem thả con rùa ấy. Cuối đời Khai Đại(3) nhà Hồ, quân Minh mượn tiếng đưa Trần Thiêm Bình(4) về nước, phạm vào cửa ải Chi Lăng(5), nhân dân trong nước, nhiều người sợ hãi phải chạy trốn ra ngoài bể, không may đắm thuyền đều chết đuối cả. Thây Phan Lang dạt vào một động rùa ở hải đảo, có người đàn bà là Linh Phi trông thấy nói rằng:

- Đây là vị ân nhân cứu sống ta thuở xưa.

Linh Phi bèn lấy khăn dấu mà lau, lấy thuốc thần mà đổ, một chốc Phan Lang liền tỉnh lại. Phan trông thấy cung gấm đền dao(6) thật nguy nga lộng lẫy, mà chưa biết mình đã lọt vào cung nước của rùa thần. Linh Phi bấy giờ mình mặc áo gấm dát ngọc, chân đi giày có vân nạm vàng, cười bảo Phan Lang rằng:

– Tôi là Linh Phi trong động rùa, vợ vua biển Nam Hải, nhớ hồi còn nhỏ đi chơi ở bến sông bị người phường chài bắt được, ngẫu nhiên báo mộng, quả được nhờ ơn. Gặp gỡ ngày nay, há chẳng phải lòng trời xui khiến cho tôi có dịp đền ơn trả nghĩa?

Phi bèn đặt yến ở gác Triêu Dương để thết đãi Phan Lang. Dự tiệc hôm ấy có vô số những mĩ nhân, quần áo thướt tha, mái tóc búi xễ. Trong số đó, có một người mặt chỉ hơi điểm qua một chút son phấn trông rất giống Vũ Nương. Phan có ý nhìn trộm, nhưng không dám nhận. Tiệc xong, người đàn bà ấy nói với Phan Lang rằng:

(1) Tự tận: tự kết liễu đời mình, đồng nghĩa với tự tử.

(2) Đầu mục: người đứng đầu một cộng đồng ở địa phương.

(3) Khai Đại: niên hiệu của vua Hồ Hán Thương, vua thứ 2 thời nhà Hồ.

(4) Trần Thiêm Bình: một người tự nhận là  con trai vua Trần Huệ Tông, trốn sang Trung Quốc cầu viện nhà Minh để đánh nhà Hồ; tháng 5 năm 1406, quân Minh hộ tống Trần Thiêm Bình về nước, đến ải Chi Lăng, Trần Thiêm Bình bị phục binh quân đội nhà Hồ đón đánh, bắt được, đem về xử tội.

(5) Chi Lăng: tên làng, nay thuộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn; nơi đây có thung lũng dài và hẹp (gọi là Quỷ Môn Quan), nhiều lần là tử địa đối với các đội quân xâm lược phương Bắc.

(6) Cung gấm đền dao: chốn cung điện được làm bằng ngọc quý và trang hoàng bằng gấm vóc, chỉ cung điện sang trọng nói chung.

(Trang 14)

– Tôi với ông vốn người cùng làng, cách mặt chưa bao, đã quên nhau rồi ư?

Bấy giờ Phan mới nhận đích người ấy là Vũ Nương và gạn hỏi duyên cớ. Nàng nói:

– Tôi ngày trước không may bị người vu oan, phải gieo mình xuống sông tự tử. Các nàng tiên trong cung nước thương tôi vô tội, rẽ một đường nước cho tôi thoát chết, nếu không thì đã vùi vào bụng cá, còn đâu mà gặp ông.

Phan nói: 

– Nương tử (1) nghĩa khác Tào Nga, hờn không Tinh Vệ(2) mà phải ôm mối hận gieo mình xuống nước. Nay thóc cũ không còn, thóc mới vừa gặt, há lại không tưởng nhớ đến quê hương ư?

Vũ Nương nói:

– Tôi bị chồng ruồng rẫy, thà già ở chốn làng mây cung nước, chứ còn mặt mũi nào về nhìn thấy người ta nữa!

Phan nói:

– Nhà cửa tiên nhân(3) của nương tử, cây cối thành rừng, phần mộ tiên nhân của nương tử, cỏ gai rợp mắt. Nương tử dù không nghĩ đến, nhưng tiên nhân còn mong đợi nương tử thì sao?

Nghe đến đấy, Vũ Nương ứa nước mắt khóc, rồi quả quyết đổi giọng mà rằng:

- Có lẽ không thể gửi hình ẩn bóng ở đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Vả chăng, ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam(4), Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày.

Hôm sau, Linh Phi lấy một cái túi bằng lụa tía, đựng mười hạt minh châu, sai sứ giả Xích Hỗn(5) đưa Phan ra khỏi nước. Vũ Nương nhân đó cũng đưa gửi một chiếc hoa vàng mà dặn:

– Nhờ nói hộ với chàng Trương, nếu còn nhớ chút tình xưa nghĩa cũ, xin lập một đàn giải oan ở bến sông, đốt cây đèn thần chiếu xuống nước, tôi sẽ trở về.

Lúc đến nhà, Phan đem chuyện kể lại với họ Trương. Ban đầu Trương không tin. Nhưng khi nhận được chiếc hoa vàng, chàng mới sợ hãi mà nói:

– Đây quả là vật dùng mà vợ tôi mang lúc ra đi.

(1) Nương tử: từ người đàn ông thời xưa dùng để chỉ hoặc gọi người phụ nữ một cách tôn kính.

(2) Tào Nga: tương truyền vào thời Đông Hán (Trung Quốc), Tào Nga khi ấy 14 tuổi, cha bị chết đuối, khóc thương thảm thiết, sau nàng gieo mình xuống sông, ít ngày sau, người ta thấy thi thể nàng ôm xác cha nổi lên; Tinh Vệ: con gái vua Viêm Đế, khi chết đuối hoa thành chim Tinh Vệ ngậm đá toan lấp biển; hai điển tích được dùng để nói: Vũ Nương chết vì bị nghi oan, khác cái chết của hai người con gái nói trên, Phan Lang dùng điển tích này có ý khuyên nàng nghĩ đến quê hương, gia đình, chồng con.

(3) Tiên nhân: người đời trước, chỉ cha ông, tổ tiên.

(4) Ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam: đất Hồ ở phương bắc lắm ngựa quý, đất Việt ở phương nam lắm chim lạ, ngựa và chim ấy đưa vào Trung Quốc vẫn nhớ nước cũ; mỗi khi thấy gió bắc, dù ở đâu, ngựa Hồ vẫn hí lên; chim Việt luôn nhở khí hậu ấm áp ở phương nam nên thường tim cành cây phía nam để đậu. (Nàng Vũ Nương dùng điển tích này để nói nỗi lòng nhớ nhà, nhớ quê của mình.)

(5) Hỗn: tên một loài cá quả; xích hỗn: cá quả đỏ.

(Trang 15)

Chàng bèn theo lời, lập một đàn tràng ba ngày đêm ở bến Hoàng Giang. Rồi quả thấy Vũ Nương ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện.

Chàng vội gọi, nàng vẫn ở giữa dòng mà nói vọng vào:

– Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thể sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa.

Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất.

Lời bình

Than ôi! Những việc từa tựa như nhau, thật là khó tỏ mà đễ hoặc(1). Cho nên quăng thoi đứng dậy, tuy mẹ bậc đại hiền cũng phải phân vân(2), mất búa đổ ngờ(3), tuy con người láng giềng cũng khó chối cãi, ý dĩ đầy xe, Quang Võ đổ ngờ lão tướng(4), trói lại mà giết, Tào Tháo đến phụ ân nhân(5), việc thị Thiết cũng giống như vậy. Nếu không được trời xét tâm thành, nước không làm hại, thì xương hoa vóc ngọc, đã chôn vào họng cả ở dưới lòng sông, còn đâu được lại thông tin tức để nết trinh thuần được nhất nhất bộc bạch ra hết. Làm người đàn ông, tưởng đừng nên để cho giai nhân oan uổng thế này.

(Nguyễn Dữ, Truyền kì mạn lục, Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch,
theo Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr. 43 – 48)

(1) Hoặc: nghi ngờ.

(2) Quăng thoi đứng dậy, tuy mẹ bậc đại hiền cũng phải phân vân: sách Ngữ vận kể chuyện ông Tăng Sâm là bậc đại hiền, có kẻ trùng tên ông gây án giết người, người ta tưởng là chính ông, đến báo cho mẹ ông biết, bà không tin; người thứ hai đến bảo, bà vẫn chưa tin vì bà biết con bà không đời nào như thế; nhưng người thứ ba đến bảo, bà đã đầm ngờ, đang ngồi dệt bỗng quăng thoi mà đứng dậy.

(3) Mất búa đổ ngờ: sách Liệt tử kể chuyện có người mất búa, nghi cho đứa con nhà láng giềng lấy, cho nên nhìn cách đi đứng, nói năng của nó đều thấy ra vẻ đứa ăn trộm; nhưng sau khi tìm được búa thì lại thấy đứa con nhà láng giềng không có vẻ gì là đứa ăn trộm cả.

(4) Ý dĩ đầy xe, Quang Võ đổ ngờ lão tướng: theo sách Hán sử, thời Đông Hán, Mã Viện đem quân sang cướp nước ta, thích ăn món ý dĩ, khi về nước, Mã Viện chở theo cả một xe ý dĩ. Sau khi Mã Viện chết, có người dâng thư lên vua Hán nói là xe ấy chở toàn ngọc minh châu và da tê, vua Quang Võ nhà Hán tin là thật, đùng đùng nổi giận.

(5) Tào Tháo đến phụ ân nhân: sách Tam quốc chí kể chuyện Tào Tháo khi trốn chạy, đến nhà người bạn của cha là Lã Bá Xa. Lã Bá Xa sang thôn bên cạnh mua rượu để thết khách. Ở nhà, Tào Tháo nghe đằng sau có tiếng mài dao, rồi có người nói "Trói lại mà giết", Tào Tháo xông vào giết sạch cả nhà người ta. Vào đến vườn sau, thấy con lợn bị trói nằm đó, Tào Tháo mới biết giết nhầm người tốt, vội vã bỏ đi. Đi được vài dặm, gặp Lã Bá Xa cưỡi lừa mang rượu về, Tào Tháo chém chết luôn vì sợ khi ông ta về thấy người nhà bị hại thì sẽ tìm cách giết mình.

(Trang 16)

SAU KHI ĐỌC

  • Nguyễn Dữ ( chưa rõ năm sinh và năm mất) quê ở Hải Dương, sống ở thế kỉ XVI (thời Lê - Mạc), từng đổ cử nhân, làm quan một thời gian ngắn rồi về quê ẩn dật. Nguyễn Dữ có đóng góp quan trọng ở thể loại truyện truyền kì. Truyền kì mạn lục là tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Dữ, viết bằng chữ Hán, được đánh giá là "thiên cổ kì bút".
  • Chuyện người con gái Nam Xương là truyện thứ 16 trong số 20 truyện của tập Truyền kì mạn lục. Với việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố kì ảo và yếu tố hiện thực trong tác phẩm, nhà văn đã thể hiện niềm xót xa, thương cảm đối với số phận bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũng như tấm lòng nâng niu, trân trọng đối với những phẩm chất đẹp đẽ của họ.

TRẢ LỜI CÂU HỎI

  1. Trình bày cốt truyện và nêu bố cục của tác phẩm.
  2. Ở phần đầu tác phẩm, Nguyễn Dữ đã làm nổi bật những nét gì ở nhân vật Vũ Nương và Trương Sinh? Lời người kể chuyện có vai trò như thế nào trong việc khắc hoạ nhân vật?
  3. Phân tích lời than của nhân vật Vũ Nương trước khi gieo mình xuống sông để làm rõ các khía cạnh:a. Nỗi đau đớn của nhân vật.b. Đặc điểm ngôn ngữ nhân vật trong truyện truyền kì.
  4. Cho biết những nguyên nhân gây ra bi kịch của Vũ Nương. Nguyên nhân nào là chủ yếu?
  5. Trong tác phẩm, nhân vật Phan Lang được khắc hoạ ở những không gian, thời gian nào? Nhân vật này có vai trò gì trong truyện?
  6. Hình ảnh Vũ Nương hiện về khi Trương Sinh lập đàn giải oan trên bến Hoàng Giang được tác giả miêu tả qua những chi tiết nào? Theo em, đoạn kết có màu sắc kì ảo này có tác dụng gì trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm?
  7. Nêu chủ đề tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương và trình bày suy nghĩ của em về chủ đề đó.

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Viết đoạn văn (khoảng 7 - 9 câu) trình bày suy nghĩ của em về chi tiết "cái bóng" trong truyện.

(Trang 17)

Thực hành tiếng Việt

ĐIỂN TÍCH, ĐIỂN CỐ

  1. Đọc lại các chú thích ở chân trang của văn bản Chuyện người con gái Nam Xương và cho biết những trường hợp sử dụng điển tích, điển cố. Nếu sách giáo khoa không giải thích, em có hiểu được ý nghĩa của các câu văn có sử dụng điển tích, điển cố đó không? Vì sao?
  2. Đọc các câu sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới:
    - Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.- Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu mĩ.- Nương tử nghĩa khác Tào Nga, hờn không Tinh Vệ mà phải ôm mối hận gieo mình xuống nước.

Nhận biết điển tích, điển cố

  • Một điển tích, điển cố xuất hiện trong văn bản chỉ là từ ngữ. Nhưng đằng sau từ ngữ là một câu chuyện, sự tích, câu kinh, câu thơ nào đó. Ví dụ:

(1) 

Sương in mặt tuyết pha thân,
Sen vàng lãng đãng như gần như xa.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Vua Hậu Chủ thời Ngũ Đại (Trung Quốc), do yêu bà phi, lấy vàng đúc thành những đoá sen, đem lót xuống đất bảo phi đặt chân lên đó mà dạo bước, rồi nói: mỗi bước đi nở một đoá sen vàng. Sen vàng thành điển tích chỉ bước chân của người đẹp.

(2)

Khóe thu ba gợn sóng khuynh thành.

(Nguyễn Gia Thiếu, Cung oán ngâm khúc)

Khuynh thành có nghĩa là nghiêng thành, lấy từ câu thơ của Lý Diên Niên thời Hán (Trung Quốc): Nhất cố khuynh nhân thành/ Tái cố khuynh nhân quốc (Ngoảnh lại một lần làm nghiêng thành, ngoảnh lại lần nữa làm nghiêng nước). Khuynh thành khuynh quốc hay nghiêng nước nghiêng thành là điển cố dùng để nói về sức mạnh của sắc đẹp ở người phụ nữ.

  • Điển tích, điển cố được sử dụng trong văn bản của người Việt chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc từ văn học cổ trong nước. Bên cạnh đó, còn có một số điển tích xuất phát từ văn học châu Âu. Chẳng hạn, chúng ta tiếp thu một số điển tích từ thần thoại Hy Lạp cổ đại như: gót chân A-sin (Achilleus) nghĩa là điểm yếu chết người của cá nhân, đối tượng nào đó; quả táo bất hoà chỉ nguyên nhân hay mấu chốt của một cuộc tranh cãi, xung đột gây tác hại lớn; ngựa gỗ thành Tơ-roa (Troy) chỉ đối tượng làm nội ứng để phá hoại một tổ chức, một quốc gia,... từ bên trong.

  • Vì luôn gắn với câu chuyện, sự việc hay câu chữ thời xưa cho nên điển tích, điển cố thường khó hiểu đối với người đọc ngày nay. Đọc tác phẩm, gặp điển tích, điển cổ, thường phải xem chú giải. Không chú ý điều này, người đọc rất khó nắm được ý nghĩa của câu thơ, câu văn.

 Tác dục của điển tích, điển cố

  • Dùng điển tích, điển cố có tác dụng làm cho câu thơ, câu văn hàm súc, trang nhã. Ví dụ:

Bấy lâu nghe tiếng má đào

Mắt xanh chẳng để ai vào có không?

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

(Trang 18)

- Vả chăng, ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam.

a. Cho biết các cụm từ in đậm có đặc điểm gì chung.

b. Đọc chú thích để biết nghĩa của các cụm từ in đậm trong các câu trên.

c. Nêu tác dụng của việc sử dụng những cụm từ đó trong ngữ cảnh.

Mắt xanh chữ Hán là “thanh nhãn”, lấy tích Nguyễn Tịch thời Tấn khi tiếp người mình ưa thì nhìn thẳng nên để lộ tròng mắt xanh, khi tiếp người mình ghét thì nhìn nghiêng để lộ tròng mắt trắng. Trong lời Từ Hải, điển tích này có ý đánh giá rất cao cách nhìn người của Thuý Kiều.

  • Đối với văn nghị luận, điển tích, điển cố giúp người viết củng cố lí lẽ, làm tăng sức thuyết phục của văn bản. Ví dụ: Trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, điển cố đặt mồi lửa vào dưới đống củi vốn từ câu Ôm mồi lửa đặt dưới đống củi rồi nằm lên trên, lửa chưa kịp cháy vẫn cho là yên ở sách Hán thư. Điển cố này được dùng với hàm ý: làm việc gì cũng luôn phải tính đến nguy cơ, hiểm hoạ.
  • Điển tích, điển cố được dùng rộng rãi trong các loại văn bản (thơ, truyện, chèo, tuồng, nghị luận....), rất phổ biến trong văn học trung đại. Về sau, khi ý thức sáng tạo của cá nhân được đề cao, các tác giả hạn chế dùng điển tích, điển cố. Nếu lạm dụng điển tích, điển cố, văn bản sẽ trở nên nặng nề, khó hiểu, mòn sáo, hạn chế tính độc đáo.

VĂN BẢN 2

TRƯỚC KHI ĐỌC

  1. Em đã chơi hay quan sát trò chọi dế bao giờ chưa? Em hiểu gì về trò chơi này?
  2. Em suy nghĩ thế nào về hậu quả của việc một ông vua lại mê chơi trò chọi dế?

ĐỌC VĂN BẢN

Dế chọi

BỒ TÙNG LINH

Đời Tuyên Đức nhà Minh, trong cung rất chuộng trò chọi dế, hàng năm bắt dân gian dâng nộp. Vật này không phải sản ở Thiểm Tây(1) nhưng Tri huyện Hoa Âm (tỉnh Thiểm Tây) muốn lấy lòng quan trên đem hiến một con, quan tỉnh cho chọi thử thấy hay bèn đòi dâng nộp thường xuyên. Tri huyện lại đòi lí trưởng phải cung ứng, bọn du thủ du thực(3) ở chợ tìm bắt được con nào hay là nhốt vào lồng nuôi, coi như món hàng quý. Còn bọn lí dịch(3) giảo hoạt lấy lệ dâng nộp dế để sách nhiễu dân chúng, mỗi con nộp lên đủ làm mấy nhà khuynh gia bại sản.

(1) Không phải sản ở Thiểm Tây: không phải là thứ mà dân Thiểm Tây phải nộp.

(2) Du thủ du thực: chỉ những kẻ liêu lỏng, không có nghề nghiệp và chỗ ở cố định.

(3) Lí dịch: chỉ chung những người có chức quyền ở địa phương ngày xưa.

(Trang 19)

Trong huyện có Thành đã dự khoa Đồng tử(1) nhưng lâu không thi đỗ , tính chất phát nên bị bọn lí dịch gian giảo ép làm chức lí chính(2) tìm đủ cách chối từ mà không được, chưa đầy một năm thì chút ít gia sản đã cạn kiệt. Gặp kì nộp dế, Thành không dám sách nhiễu dân nhưng không có gì để bù, lo buồn chỉ muốn chết. Vợ nói “Chết thì có ích gì, chẳng bằng cứ tự tìm bắt, biết đâu cũng được một con”, Thành cho là phải. Bèn sáng đi tối về, cầm ống trúc lồng tơ bởi đất lật đá khắp bãi hoang tường đổ, làm đủ cách mà không được, có bắt được hai ba con thì nhỏ yếu không đủ quy cách. Quan trên theo hạn trách phạt, qua hơn mười ngày Thành đã bị đánh trăm trượng, hai mông máu me bê bết, ngay cả sâu con cũng không sao đi mà bắt nữa, trăn trở trên giường chỉ nghĩ tới việc tự tử.

Lúc ấy trong thôn có bà đồng gù lưng tới, bói toán như thần. Vợ Thành đem tiền lễ tới, thấy gái non bà già đứng chật cổng ngõ. Vào trong nhà thì có phòng kín buông rèm, ngoài rèm bày hương án, người tới bói thắp hương trong đỉnh(3) rồi vái lạy, bà đồng đứng bên hướng lên không khấn khứa, môi mấp máy không biết là nói gì, ai cũng kính cẩn đứng chờ. Lát sau trong rèm ném ra tờ giấy ghi rõ về việc người ấy muốn hỏi, không sai chút nào. Vợ Thành đặt tiền lễ lên án rồi thắp hương vái lạy như những người trước, khoảng ăn xong bữa cơm thì tấm rèm lay động, mảnh giấy ném ra. Giở ra xem không phải là chữ mà là bức vẽ, trong vẽ điện gác là chùa chiền, phía sau có hòn núi nhỏ đầy những tảng đá hình thù kì quái, gai góc tua tủa, có con dế nằm dưới, bên cạnh có con ếch như sắp nhảy lên, mở xem không hiểu nhưng thấy có con dế ám hợp với việc mình cầu khẩn nên cất vào người đem về đưa Thành xem.

Thành giở đi giở lại, nghĩ “Hay là bức vẽ này chỉ ta chỗ bắt để chăng?”. Nhìn kĩ quang cảnh trong đó thấy rất giống gác Đại Phật ở phía đông thôn, bèn gượng dậy chống gậy cầm bức vẽ tới sau chùa. Ở đó có ngôi mộ cổ, lần quanh thấy đá nằm ngổn ngang đúng như trong bức vẽ, bèn dò dẫm trong đám cây cỏ lắng nghe như tìm mũi kim hạt cải, bao nhiêu tâm trí sức mắt sức tai đều dốc ra hết nhưng không thấy gì cả. Đang còn tìm kiếm thì chợt có một con ếch nhảy ra, Thành càng ngạc nhiên vội đuổi theo. Con ếch nhảy vào đám cỏ, Thành theo vết vạch cỏ tìm thì thấy một con để núp dưới gốc cây gai, vội chụp lấy thì nó chui vào kẽ đá, lấy cọng cỏ chọc vào nó vẫn nằm ì ra đó, đem ống đổ nước vào mới chịu chui ra, dáng vẻ rất khoẻ mạnh, Thành đuổi theo vồ được. Nhìn kĩ thấy nó mình to đuôi đài, cổ xanh cánh vàng, mừng quá nhốt vào lồng mang về. Cả nhà vui mừng, dù là được ngọc báu liên thành(4) cũng không bằng. Rồi thả nó vào chậu nuôi, cho ăn chu đáo, gìn giữ nâng niu chờ tới kì hạn nộp quan.

(1) Khoa Đồng tử: khoa thi dành cho người trẻ tuổi hiểu kinh sách, làm được thơ văn, quy định về tuổi được dự thi có khác nhau qua các thời kì, như thời Hán thì từ 10 tuổi trở xuống, thời Đường thi 16 tuổi trở xuống; đến các thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh, tuy gọi là khoa, song không phải là khoa thi thật sự, mà chỉ là quan lại phủ huyện sát hạch đưa danh sách lên, người trong danh sách có thể được hưởng một số ưu đãi, nhưng chỉ gọi là dự khoa Đồng tử chứ không có đỗ khoa Đồng tử.

(2) Lí chính: tương tự lí trưởng ở Việt Nam thời trước.

(3) Đỉnh: đồ bằng đồng, miệng rộng, có ba chân, dùng để đốt trầm hương.

(4) Ngọc báu liên thành: ngọc quý có giá trị sánh ngang nhiều đất đai, thành quách. (Thời Chiến Quốc, Tần Vương nói với vua nước Triệu xin đem năm thành của nước Tần đổi lấy viên ngọc Biện Hoà của nước Triệu. Thành ngữ ngọc báu liên thành là lấy từ tích ấy.)

(Trang 20)

Thành có đứa con trai chín tuổi rình lúc cha không có nhà lén mở chậu ra xem. Con dế thừa cơ nhảy ra, nó đuổi theo mãi không được, đến khi chụp được vào tay thì dế đã gãy cẳng vỡ bụng, lát sau thì chết. Đứa nhỏ sợ quá khóc lóc tới kể với mẹ, mẹ nó nghe thế mặt tái mét, hoảng sợ nói “Đồ oan nghiệt hết sống rồi, cha ngươi về sẽ nói chuyện với ngươi”, đứa nhỏ khóc lóc bỏ đi. Lát sau Thành về, nghe vợ kể lại như bị dội băng tuyết lên người, nổi giận đi tìm con nhưng không thấy đâu, kế(1) tìm thấy xác con dưới giếng, đổi giận thành thương gào khóc muốn tắt hơi. Vợ chồng quay mặt vào vách, nhà tranh không khói lửa nấu cơm, im lặng nhìn nhau không còn hi vọng gì nữa. Trời gần tối liệm xác con, tới bế lên thì thấy còn thoi thóp thở, cả mừng bế đặt lên giường, nửa đêm thì đứa nhỏ sống lại. Hai vợ chồng hơi nhẹ  lòng, nhưng đứa nhỏ thần thái ngây ngốc như người gỗ, cứ ngủ mê mệt. Thành nhìn tới lồng đế rỗng không thì đứt hơi nghẹn cổ, cũng không nghĩ gì tới con nữa, từ đêm đến sáng không sao chợp mắt, trời đã sáng rõ vẫn nằm đờ buồn bã.

Bỗng nghe tiếng để gáy ngoài cửa, Thành giật mình vùng dậy nhìn thì dế vẫn còn sờ sờ, mừng rỡ chụp lấy. Con dế kêu to một tiếng nhảy đi, Thành đuổi mau theo lấy bàn tay chụp lên thì thấy trống không như không có gì, giở tay lên thì nó lại nhảy vọt lên. Thành đuổi mau theo tới góc tường thì không thấy đâu, ngơ ngẩn nhìn quanh thấy nó đậu trên vách, nhìn lại thấy vừa nhỏ vừa ngắn mà màu tía, không phải là con trước, cho là loại dở nhưng vẫn quanh quẩn nhìn ngó. Chợt con dế từ vách nhảy xuống tay áo, Thành ngắm kĩ thấy hình dáng như con chó, cánh hoa mai, đầu vuông chân dài, có vẻ như dế hay, bèn mừng giữ lại. Định đem lên nộp quan nhưng thấp thỏm lo không vừa ý quan, bèn nghĩ cho chọi thử xem sao.

Trong thôn có gã thiếu niên hiếu sự nuôi một con dế, nói là loại “giải xác thanh” (dế xanh vỏ cua), hàng ngày đem chọi với dế của bạn bè đều thắng, muốn giữ để kiếm lợi, ai trả giá cao cũng không chịu bán. Nhân qua thăm Thành thấy con dế Thành nuôi, y bịt miệng ôm bụng cười, đưa dể của mình ra, bỏ vào lồng chọi. Thành nhìn thấy nó to lớn khoẻ mạnh càng thêm xấu hổ, không dám cho chọi thử. Thiếu niên cố ép, Thành nghĩ nuôi dế dở rốt lại cũng vô dụng, chi bằng cử cho chọi thử mua vui, bèn cho để vào lồng chọi. Con dế nhỏ nằm mọp xuống không động đậy, ngơ ngơ như gà gỗ. Thiếu niên lại cười rộ, lấy lông heo chọc vào râu, nó vẫn nằm im, thiếu niên lại cười, lại chọc. Con dế nổi giận xông thẳng ra, lúc sắp đánh thì phùng cánh gáy lớn, rồi vểnh râu cong đuôi nhảy xổ tới cắn cổ địch thủ. Thiếu niên cả sợ vội gạt hai con để ra không cho chọi nữa, con dế hiên ngang gáy vang như báo cho chủ biết nó đã thắng trận. Thành mừng quá, đang cùng nhau ngắm nghía chợt có con gà sấn sổ xông tới mổ luôn một nhát vào để. Thành kinh hãi bật dậy la hoảng, may là gà mổ không trúng, con dế nhảy ra hơn một thước.

(1) Kế: tiếp theo, sau đó.

(Trang 21)

Gà sấn theo mổ lia lịa, con dế đã nằm dưới móng gà, Thành thảng thốt không biết làm sao cứu, dẫm chân tái mặt. Nhưng gà lại rướn cổ lăn ra, tới gần nhìn thì thấy để đã trên mào gà, cắn chặt không buông. Thành càng kinh ngạc mừng rỡ, vội bắt dế bỏ vào lồng.

Hôm sau đem dâng tri huyện, quan thấy dế nhỏ quát Thành, Thành kể lại chuyện lạ, quan không tin, cho chọi thử với dế của người khác đều thắng, lại đem gà ra thử thì quả như lời Thành nói. Tri huyện bèn thưởng cho Thành, hiến dế cho tuần phủ. Tuần phủ cả mừng liền cho dể vào lồng vàng hiến vua, dâng sớ tâu rõ cái hay của nó. Vào tới cung cho chọi thử với đủ thứ dế kì lạ của các nơi dâng lên như hồ điệp (dế bướm), đường lang (dế bọ ngựa), du lợi đạt (dế đánh dầu), thanh ti đầu (dế trán tơ xanh) thì con nào cũng thua. Mỗi khi nghe tiếng đàn sáo thì nó lại nhảy nhót theo điệu nhạc, mọi người càng lấy làm lạ. Vua rất vừa lòng, ban chiếu thưởng cho tuần phủ ngựa hay vải quý. Tuần phủ không quên kẻ hiến dế, không bao lâu tâu xin thưởng cho tri huyện một cấp trác dị(1). Tri huyện mừng, cho Thành được miễn sai dịch, dặn học quan(2) cho Thành đỗ tú tài. Hơn năm sau con Thành bình phục, kể rằng mình hóa thành dế, khỏe mạnh chọi giỏi, nay mới sống lại. Quan tỉnh lại trọng thưởng, không quá vài năm nhà Thành ruộng vườn trăm khoảnh, lầu gác nguy nga, trâu dê cả ngàn con, ra khỏi nhà thì mặc áo cừu ngựa tốt, giàu sang hơn cả các thế gia(3).

Dị Sử thị nói:

Họ Thành vì sâu mọt mà nghèo, nhờ để chọi mà giàu, áo cừu ngựa tốt vênh vang, lúc làm lí chính bị trách phạt chắc không nghĩ rằng mình được thế đâu. Trời đền đáp cho kẻ trưởng giả trọng hậu, tới nỗi tuần phủ tri huyện cũng được hưởng phúc ấm(4) nhờ con đế. Thường nghe một người lên trời, gà chó cũng thành tiên(5), đúng lắm thay!

(Bồ Tùng Linh, Liêu Trai chí dị, Cao Tự Thanh dịch,
NXB Văn hoá – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2013, tr. 394 – 397)

(1) Trác dị: ngày xưa có lệ định kì kiểm tra công tội để thưởng phạt quan lại, những công lao đặc biệt và đột xuất được thưởng ngoài quy định và không theo niên hạn, được gọi chung là trác dị.

(2) Học quan: quan phụ trách việc học hành, thi cử ngày xưa.

(3) Thế gia: gia tộc nhiều đời có người làm quan, có danh vọng và của cải.

(4) Phúc ấm: phúc đức của tổ tiên để lại cho con cháu.

(5) Một người lên trời, gà chó cũng thành tiên: dùng điển tích Hoài Nam Vương Lưu An tu luyện đắc đạo bay lên trời, lũ gà chó trong nhà được ăn thuốc luyện còn dư cũng đều trở thành tiên.

(Trang 22)

SAU KHI ĐỌC

  • Bồ Tùng Linh (1640 – 1715) là nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc thời nhà Thanh. Ông để lại một khối lượng lớn tác phẩm thuộc nhiều thể loại, trong đó, tiêu biểu nhất là Liêu Trai chí dị.
  • Liêu Trai chí dị là tập sách gồm gần 500 truyện, khai thác cốt truyện từ nhiều truyện dân gian và từ những truyện kì lạ, hoang đường của một số tác giả thời trước. Bồ Tùng Linh đã mượn chuyện thần tiên, ma quái, loài vật để phê phán mạnh mẽ nền chính trị và những thói hư tật xấu của xã hội Trung Quốc thời bấy giờ. Liêu Trai chí dị được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tập truyện bắt đầu được phổ biến ở Việt Nam từ thế kỉ XIX và cho đến nay đã có nhiều bản dịch khác nhau.

TRẢ LỜI CÂU HỎI

  1. Nêu các sự kiện tạo nên cốt truyện và nhận xét ngắn gọn về không gian, thời gian, nhân vật chính trong truyện.
  2. Vì dế chọi mà gia đình Thành lâm vào cảnh ngộ như thế nào? Cũng nhờ để chọi mà sau đó gia đình Thành được hưởng những gì? Phân tích ý nghĩa của sự đối lập giữa hai tình huống.
  3. Truyện có những yếu tố kì ảo nào? Các yếu tố kì ảo đó có ý nghĩa, vai trò gì trong truyện?
  4. Tính chất hiện thực của truyện được thể hiện qua những chi tiết, sự việc nào? Em có suy nghĩ gì về thái độ của tác giả khi miêu tả hiện thực đó?
  5. Phân tích lời người kể chuyện trong đoạn văn từ "Thành giở đi giở lại” đến “kì hạn nộp quan”.
  6. Những đặc điểm nào của truyện truyền kì được thể hiện trong truyện Dế chọi?

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) nêu nhận xét của em về tính chất kÌ ảo của truyện Dế chọi.

THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT

MỘT SỐ YẾU TỐ HÁN VIỆT DỄ NHẦM LẪN VÀ CÁCH PHÂN BIỆT 

  1. Phân biệt nghĩa của các yếu tố Hán Việt trong mỗi trường hợp sau:

a. sinh trong từ sinh thành và sinh trong từ sinh viên

b.  trong từ bá chủ trong cụm từ nhất hô bá ứng

Nhận biết một số yếu tố Hán Việt dễ nhầm lẫn

  • Các yếu tố Hán Việt đồng âm

Trong lớp từ Hán Việt, có không ít yếu tố đồng âm nhưng nghĩa hoàn toàn khác nhau. Ví dụ:

- ai1: bụi bặm (trần ai); ai2: buồn (ai oán, ai điếu, bi ai,...)

(Trang 23)

c. bào trong từ đồng bàobào trong từ chiến bào

d. bằng trong từ công bằngbằng trong từ bằng hữu

2. Tìm một từ Hán Việt có yếu tố đồng âm khác nghĩa với yếu tố được in đậm trong các câu sau:

a. Thành càng kinh ngạc mừng rỡ, vội bắt dế bỏ vào lồng.

(Bồ Tùng Linh, Dế chọi)

b. Vào tới cung cho chọi thử với đủ thứ dế lạ của các nơi dâng lên như hồ điệp (dế bướm), đường lang (dế bọ ngựa), du lợi đạt (dế đánh dầu), thanh ti đầu (dế trán tơ xanh) thì con nào cũng thua.

(Bồ Tùng Linh, Dế chọi)

c. Song Trường có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức.

(Nguyễn Dữ,
Chuyện người con gái Nam Xương)

d. Bấy giờ chàng mới tỉnh ngộ thấu nỗi oan của vợ, nhưng việc trót đã qua rồi!

(Nguyễn Dữ,
Chuyện người con gái Nam Xương)

3. Đặt 4 câu, mỗi câu sử dụng một từ tìm được ở bài tập 2.

4. Những từ in đậm trong các câu sau có yếu tố Hán Việt bị dùng sai. Hãy tìm hiểu nghĩa của các yếu tố đó để chỉnh sửa.

a. Mỗi tác phẩm văn học là một chính thể, trong đó, các bộ phận có quan hệ với nhau rất chặc chẽ.

b. Trên thế giới có nhiều hình thức tổ chức nhà nước, thể hiện sự đa dạng về chỉnh thể.

 

bảo1, chăm sóc, giữ gìn (bảo vệ, bảo dưỡng, bảo tàng,...); bảo2: quý (bảo vật, bảo kiếm, quốc bảo,...)

Trong tiếng Hán, từ hoặc yếu tố đồng âm như vậy được biểu thị bằng những chữ viết khác nhau, nhờ vậy, nghĩa của chúng có sự phân biệt rõ ràng. Trong tiếng Việt hiện đại, chữ quốc ngữ là hệ thống chữ viết ghi âm, nên các yếu tố đồng âm gốc Hán hầu hết được viết giống nhau. Đây là một trong những nguyên nhân dễ nảy sinh hiện tượng nhầm lẫn về nghĩa. Một số người có thể không phân biệt được nghĩa của những yếu tố đồng âm ở các từ như thương thảo – phương thảo; thủ trưởng – thủ môn; đại diện – đại ngôn;...

  • Các yếu tố Hán Việt gần âm

Một số yếu tố Hán Việt gần âm cũng có thể gây nhầm lẫn về nghĩa. Ví dụ: tri là biết; trí là khả năng nhận thức, hiểu biết. Không phân biệt được nghĩa của tritrí dễ dẫn đến việc dùng từ sai. Ví dụ: Đội ngũ tri thức phải tiên phong trong công cuộc phát triển khoa học, công nghệ. Câu này dùng từ trí thức mới đúng.

Cách phân biệt nghĩa của một số yếu tố Hán Việt dễ nhầm lẫn

  • Dựa vào từ có chứa yếu tố Hán Việt đồng âm để suy luận

Ví dụ: di cưdi sản đều có yếu tố đồng âm di. Nếu hiểu di cư nghĩa là “chuyển đến nơi khác, nước khác để sinh sống”; di sản là “tài sản của người đã mất để lại” thì sẽ biết rằng yếu tố di trong hai từ trên không cùng nghĩa. Di trong di sản nghĩa là “để lại”; di trong di cư nghĩa là “chuyển dịch". Khi đã hiểu được như vậy, ta có thể suy luận để biết đi trong di cảo, di động, di chứng, di dân, di truyền,... thuộc về nghĩa nào.

  • Tra cứu từ điển

Khi có sự phân vân về nghĩa của yếu tố Hán Việt nào đó, cần tra cứu từ điển. Tìm hiểu cách giải nghĩa từng yếu tố kèm theo một số ví dụ về từ được từ điển nêu ra sẽ giúp ta nắm được nghĩa của yếu tố một cách chính xác. Ví dụ: tra cứu mục từ đăng, ta sẽ thấy đăng có nghĩa là “đèn” (hải đăng, minh đăng, hoa đăng,...); cùng âm đăng còn có nghĩa “bước lên" (đăng cao, đăng sơn, đăng đài, đăng đàn,...) hoặc đăng cũng có nghĩa là “ghi vào” (đăng kí, đăng bạ,...); đăng là “in lên báo chí” (đăng tải, đăng bài,...).

(Trang 24)

5. Nghĩa của từ cải biên khác với nghĩa của từ cải biến như thế nào? Điều gì tạo nên sự khác nhau về nghĩa giữa hai từ đó?

VĂN BẢN 3

ĐỌC VĂN BẢN

Sơn Tinh - Thủy Tinh

Trích, NGUYỄN NHƯỢC PHÁP(1)

Ngày xưa, khi rừng mây u ám,
Sông núi còn vang um tiếng thần,
Con vua Hùng Vương thứ mười tám,
Mị Nương, xinh như tiên trên trần.
Tóc xanh viền má hây hây đỏ;
Miệng nàng hé thắm như san hô;
Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ;
Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ.
Hùng Vương thường nhìn con yêu quá,
Chắp tay ngẩng lên giời tạ ân;
Rồi cười bảo xứng ngôi phò mã,
Trừ có ai ngang vị thần nhân.
Hay đậu thần tiên đi lấy vợ!
Sơn Tinh, Thuỷ Tinh lòng tơ vương,
Không quản rừng cao, sông cách trở
Cùng đến Phong Châu xin Mị Nương.
Sơn Tinh có một mắt ở trán,
Thuỷ Tinh râu ria quăn xanh rì.

(1) Nguyễn Nhược Pháp (1914 - 1938) quê ở Hà Nội. Sáng tác của ông thuộc nhiều thể loại như kịch, truyện ngắn, thơ nhưng người đọc biết đến ông nhiều hơn cả ở tư cách nhà thơ với những bài thơ tiêu biểu như: Ngày xưa, Chùa Hương, Tay ngà,... Sơn Tinh - Thủy Tinh được đánh giá là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của Nguyễn Nhược Pháp.

(Trang 25)

Một thần phi bạch hổ trên cạn,
Một thần cưỡi lưng rồng uy nghi.
Hai thần bên cửa thành thi lễ,
Hùng Vương âu yếm nhìn con yêu.
Nhưng có một nàng mà hai rể,
Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều.
Thuỷ Tinh khoe thần có phép lại
Dứt lời tay hất chòm râu xanh,
Bắt quyết(1) hô mây to nước cả,
Giậm chân rung khắp làng gần quanh.
Ào ào mưa đổ xuống như thác,
Cây xiêu, cầu gãy, nước hò reo,
Lăn, cuốn, gầm, lay, tung sóng bạc.
Bò lợn và cột nhà trôi theo.
Mị Nương ôm Hùng Vương kinh hãi,
Sơn Tinh cười, xin nàng đừng lo;
Vung tay niệm chú: Núi từng dải,
Nhà lớn, đổi con lổm cổm(2)
Chạy mưa. Vua tuỳ con kén chọn,
Mị Nương khép nép như cành hoa:
“Con đây phận đào tơ bé mọn,
Nhân duyên cúi để quyền mẹ cha."
Vua nghĩ lâu hơn bàn việc trước,
Rồi bảo mai lửa hồng nhuốm sương(3),
Lễ vật thần nào mang tới trước,
Vui lòng vua gả nàng Mị Nương.
[...]

(1) Bắt quyết: động tác của bàn tay khi những nhân vật có khả năng siêu phàm làm phép hoặc các thầy pháp hành lễ.
(2)
Lổm cổm (như lổm ngổm): từ gợi tả dáng bò thân nhô cao hẳn lên trên mặt nền, không có trật tự, không ra hàng lối.
(3) Lửa hồng nhuộm sương: ý nói khi mặt trời lên.

(Trang 26)

III

Sơn Tinh đang kèm theo sau kiệu.
Áo bào phơ phất nụ cười bay.
(Vui chỉ mê ai xinh mới hiểu.)
Thần trông kiệu nhỏ hồn thêm say.
Choàng nghe sóng vỗ reo như sấm,
Bạch hổ dừng chân, lùi, vểnh tai.
Mị Nương tung bức rèm đỏ thắm,
Sơn Tinh trông thấy càng giương oai.
Sóng cả gầm reo lăn như chớp.
Thuỷ Tinh cưỡi lưng rồng hung hăng.
Cá voi quác mồm to muốn đớp;
Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng;
Càng cua lởm chởm giờ như mác;
Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao.
Sơn Tinh hiểu thần ghen, tức khắc
Niệm chú đất nẩy vù lên cao.
Hoa tay thần vẫy hùm, voi, báo;
Đuôi quắp, nhe nanh, giơ vuốt đồng,
Đạp long đất núi, gầm, xông xáo.
Máu vọt phì reo muôn ngấn hồng.
Mây đen hăm hở bay mù mịt,
Sấm ran, sét động nổ loè xanh.
Tôm cá xưa nay yên thin thít,
Mở quác mồm to kêu thất thanh...
Mị Nương kinh hãi ngồi trong kiệu.
Bỗng chợt nàng kêu, mắt lệ nhoà
(Giọng kiêu hay buồn không ai hiểu,
Nhưng thật dễ thương): “Ô! Vì ta!”

(Trang 27)

Thủy Tinh năm năm dâng nước bể(1),
Đục núi hò reo đòi Mị Nương.
Trần gian đâu có người dai thế,
Cũng bởi thần yêu nên khác thường.

(Nguyễn Nhược Pháp, Hoa một mùa,
NXB Phụ nữ, Hà Nội, 2018, tr: 217 - 223)

SAU KHI ĐỌC

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Nêu những điểm giống nhau và khác nhau về cốt truyện, cách kể giữa truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh với bài thơ cùng tên của Nguyễn Nhược Pháp.

2. Phép thuật của Sơn Tinh và Thuỷ Tinh thể hiện cụ thể như thế nào? Theo em, người kể chuyện có bộc lộ thái độ thiên vị đối với nhân vật nào không? Dựa vào đâu em kết luận như vậy?

3. Liệt kê những chi tiết miêu tả Mị Nương. Những chi tiết đó giúp em hình dung thế nào về nhân vật?

4. Cảnh giao tranh giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh được nhà thơ miêu tả bằng những chi tiết nào? Phân tích một chi tiết gây ấn tượng mạnh đối với em.

5. Tính chất kì ảo thể hiện như thế nào trong câu chuyện được kể bằng thơ này? Cách miêu tả những yếu tố kì ảo có gì đặc sắc?

6. Theo em, điều gì làm nên sức hấp dẫn của bài thơ Sơn Tinh – Thuỷ Tinh? Vì sao? 

 

 

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn 9 - Tập 1

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 9 - Tập 1

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 9 - Tập 2

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Công Dân 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Toán 9 - Tập 1

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Toán 9 - Tập 2

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Vật Lí 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Hóa Học 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tiếng Anh 9 - Tập 1

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tiếng Anh 9 - Tập 2

NXB Giáo Dục Việt Nam - Tiếng Anh 9 - Tập 2

Sinh Học 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lí 9

Sách Lớp 9 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

toandai-so-808

Toán_Đại Số

Sách Toán_Đại Số (Thường/Cơ bản). Tổng 6 chương và 30 bài

mi-thuat-7-872

Mĩ Thuật 7

Sách Lớp 7 Cánh Diều

am-nhac-8-925

Âm Nhạc 8

Sách Lớp 8 Chân Trời Sáng Tạo

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

mu88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.