[trang 28]
Bài 3. Phối hợp các giai đoạn kĩ thuật nhảy cao kiểu bước qua
MỞ ĐẦU
MỤC TIÊU, YÊU CẦU CẦN ĐẠT
● Thực hiện được các giai đoạn kĩ thuật nhảy cao kiểu bước qua.
● Biết một số quy định về cách xác định thành tích nhảy cao.
● Biết điều khiển tổ, nhóm tập luyện và nhận xét kết quả tập luyện.
● Hoàn thành lượng vận động của bài tập; tham gia có trách nhiệm, trung thực, đoàn kết, giúp đỡ bạn trong tập luyện và các hoạt động khác trong cuộc sống.
>> Khởi động chung
● Chạy chậm.
● Bài tập tay không.
● Khởi động các khớp.
● Bài tập căng cơ.
>> Khởi động chuyên môn
● Chạy bước nhỏ, chạy nâng cao đùi, chạy đạp sau, chạy tăng tốc trên cự li từ 10 - 15 m. Thực hiện lặp lại từ 2 - 3 lần.
● Các bài tập đá lăng chân trên cự li từ 10 - 15m. Thực hiện lặp lại từ 2 - 3 lần.
● Chạy 1 - 3 bước đà giậm nhảy đá lăng liên tục trên cự li từ 15 - 20 m. Thực hiện lặp lại từ 2 - 3 lần.
KIẾN THỨC MỚI
1. Phối hợp các giai đoạn kĩ thuật nhảy cao kiểu bước qua
Để phối hợp hoàn chỉnh các giai đoạn kĩ thuật nhảy cao kiểu bước qua (H. I), cần duy trì tính nhịp điệu của kĩ thuật động tác và chú ý một số điểm cơ bản trong từng giai đoạn:
- Giai đoạn chạy đà: Ồn định độ dài đà, chú ý tăng tốc độ và nhịp điệu bước chạy.
- Giai đoạn giậm nhảy: Đặt chân vào vị trí giậm nhảy chính xác, chủ động giậm nhảy nhanh, mạnh, tích cực.
- Giai đoạn trên không: Chú ý phối hợp nhịp nhàng động tác đá lăng chân với co gối chân giậm nhảy và chuyển thân qua xà.
[trang 29]
- Giai đoạn rơi xuống cát (đệm): Chân lăng chủ động tiếp đất, chùng gối.
Hình 1. Phối hợp các giai đoạn kĩ thuật nhảy cao kiểu bước qua
2. Một số quy định về cách xác định thành tích nhảy cao
- Mỗi VĐV được thực hiện tối đa 3 lần nhảy trên một mức xà. Nếu rơi xà sẽ thực hiện lại. Nếu vượt qua và không làm rơi xà sẽ được công nhận thành tích. Nếu sau khi trọng tài căng cờ xác định thành tích (cờ trắng), xà rơi xuống, thành tích vẫn được công nhận.
- Nếu VĐV nhảy không qua 1 lần (hoặc 2 lần) ở mức xà thấp, còn 2 lần (hoặc 1 lần) nhảy, VĐV có thể chọn nhảy tiếp ở mức xà đó hoặc bỏ qua mức xà đó và nhảy tiếp ở mức xà cao hơn. Nhưng ở mức xà cao hơn, VĐV chi được thực hiện tối đa 2 lần (hoặc 1 lần) nhảy.
- Nếu hai hay nhiều VĐV có thành tích bằng nhau ở mức xà cao nhất:
+ VĐV đạt thành tích cao hơn sẽ là người vượt qua mức xà cao nhất với số lần nhảy ít nhất
+ Nếu số lần nhảy ở độ cao cuối cùng bằng nhau, ở mỗi lần nhảy tiếp theo, xà được nâng thêm 2 cm và mỗi người chỉ được nhảy một lần cho tới khi có người thắng cuộc. Nếu tất cả mọi người đều không qua mức xà cao thì lại hạ xuống 2 cm và tiếp tục nhảy, cho tới khi có người thắng cuộc.
LUYỆN TẬP
1. Luyện tập phối hợp các giai đoạn kĩ thuật nhảy cao kiểu bước qua
● Tập phối hợp chạy đà và giậm nhảy đá lăng với xà
Thực hiện chạy đà (1 bước, 3 bước và toàn đà) giậm nhảy đá lăng với xà từ 5 - 7 lần.
● Tập phối hợp toàn bộ các giai đoạn kĩ thuật
- Tập phối hợp các giai đoạn nhảy cao với mức xà thấp: Chạy toàn đà và nhảy qua mức xà từ 50 - 70 cm. Thực hiện lặp lại từ 5- 7 lần.
[trang 30]
- Tập với mức xà tăng dần: Thực hiện nhảy với mức xà tăng dần (mỗi lần tăng từ
3 - 5 cm).
● Bài tập thi đấu
Tập nhảy cao theo nội dung thi đấu.
2. Bài tập phát triển sức mạnh chân
● Một bước đà bật nhảy đá lăng chân
Đứng chân trước chân sau, chân giậm nhảy đặt sau. Thực hiện bước chân sau lên trước, giậm nhảy và đá lăng chân liên tục từ 3 - 5 lần. Thực hiện lặp lại từ 2 - 3 lần thời gian nghỉ giữa các lần tập từ 2 - 3 phút.
● Bật nhảy từ tư thế ngồi cao
Từ tư thế ngồi cao, bật nhảy thẳng lên cao duỗi thẳng hai chân, rơi xuống chùng gối để giảm lực tác động lên chân, trở về tư thế ngồi cao. Thực hiện liên tục từ
7 - 10 lần.
● Nhảy lò cò theo đường thẳng
Thực hiện nhảy lò cò một chân trên cự li từ 10 - 15 m sau đó đổi chân và nhảy lò cò về vị trí ban đầu. Thực hiện lặp lại từ 2 - 3 lần, thời gian nghỉ giữa các lần tập từ 2 - 3 phút.
Hình thức tổ chức tập luyện
Các bài tập trên tuỳ theo từng nội dung có thể tập luyện cá nhân, theo cặp hoặc theo nhóm.
Nội dung nhận xét, đánh giá
Tự đánh giá và quan sát, đánh giá kết quả luyện tập của các bạn theo các nội dung sau: Ôn định số bước và tính nhịp điệu trong chạy đà; phối hợp giữa các giai đoạn (tính nhịp điệu, tư thế thân người).
TRÒ CHƠI VẬN ĐỘNG PHÁT TRIỂN SỨC MẠNH CHÂN
1. Theo dấu chân
Chuẩn bị:
- Vẽ sơ đồ trên sân như H.2.
- Chia số người chơi thành các đội đều nhau, xếp theo hàng dọc đứng ở sau vạch xuất phát.
Hình 2. Sơ đồ trò chơi "theo dấu chân"
[trang 31]
Cách chơi: Khi có hiệu lệnh bắt đầu, lần lượt người chơi của các đội bật nhảy bằng hai chân qua từng ô và tiếp đất theo hướng dấu chân quy định về đích. Người tiếp theo thực hiện khi bạn trước đó vượt qua vạch đích (H.2). Lưu ý, nếu bật nhảy sai hướng chân quy định thì lập tức chạy về vị trí xuất phát thực hiện lại từ đầu. Lần lượt thực hiện cho tới khi tất cả thành viên của đội hoàn thành lượt chơi. Đội nào hoàn thành đầu tiên sẽ thắng cuộc.
2. Vượt chướng ngại vật
Chuẩn bị: Chia số người chơi thành các đội đều nhau, xếp thành các hàng dọc, mỗi người đứng cách nhau từ 2 - 2,5 m ở tư thế gập bụng, hai tay chống vào chân làm chướng ngại vật (H.3). Người đầu hàng đứng thẳng, mặt hướng về những người trong hàng.
Cách chơi: Khi có hiệu lệnh bắt đầu, người đầu hàng của mỗi đội thực hiện lần lượt chạy tới chống tay vào lưng những người trong hàng tạo đà bật nhảy tách hai chân vượt qua và di chuyển về cuối hàng làm chướng ngại vật. Sau khi người xếp ở vị trí liền trước bật nhảy qua, người làm chướng ngại vật đứng dậy và thực hiện tương tự (H.3). Lần lượt thực hiện cho đến khi tất cả thành viên của đội hoàn thành lượt chơi. Đội nào hoàn thành đầu tiên sẽ thắng cuộc.
Hình 3. Trò chơi "vượt chướng ngại vật"
VẬN DỤNG
1. Em hãy cho biết cách xác định VĐV có thành tích cao nhất khi có hai hay nhiều. VĐV có thành tích bằng nhau ở mức xà cao nhất.
2. Em hãy tập luyện thường xuyên kĩ thuật nhảy cao kiểu bước qua để tăng khả năng phối hợp vận động, phát triển sức mạnh bật nhảy và tăng cường thể lực.
3. Kĩ thuật nhảy cao kiểu bước qua có thể vận dụng ở những tình huống nào trong thực tiễn?