Sách Giáo Khoa 247

Ngữ Văn 7 - Tập 1 - ĐỌC | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Xem chi tiết nội dung bài ĐỌC và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ Văn 7 - Tập 1 | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

(Trang 105)

Tôi yêu cuộc đời, yêu hành tinh tôi ở

Yêu đến từng góc nhỏ khắp gần xa.

Ra-xun Gam-da-tốp

GIỚI THIỆU BÀI HỌC

  • Mỗi vùng miền có thể được ví như một mảnh ghép làm nên bức tranh thế giới muôn màu. Mỗi mảnh ghép ấy có những vẻ đẹp riêng. Cho dù đó là nơi gần gũi hay xa lạ, hãy đón nhận nó bằng trái tim ấm áp và nụ cười thân thiện, bởi đó là cuộc sống đa dạng, phong phú mà con người tạo ra trên ngôi nhà chung – Trái Đất.
  • Trong bài học này, những trang tuỳ bút, tản văn (kết hợp với một văn bản thông tin) sẽ mang đến cho em những cảm nhận thú vị về sắc màu cuộc sống trên quê hương xứ sở và trên thế giới rộng lớn, bao la.

YÊU CẦU CẦN ĐẠT

  • Nhận biết được chất t trữ trữ tình, cái tôi tác giả, ngôn ngữ của tuỳ bút, tản văn và hiểu được chủ đề, thông điệp của văn bản.
  • Nhận biết được sự phong phú, đa dạng của ngôn ngữ các vùng miền.
  • Viết được văn bản tường trình rõ ràng, đầy đủ, đúng quy cách.
  • Trình bày được ý kiến về một vấn đề đời sống; biết trao đổi một cách xây dựng, tôn trọng các ý kiến khác biệt.
  • Biết yêu mến, trân trọng vẻ đẹp phong phú, đa dạng của các vùng miền.

(Trang 106)

Đọc

TRI THỨC NGỮ VĂN

Tuỳ bút

Tuỳ bút là một thể loại văn xuôi thuộc loại hình kí. Điểm tựa của tuỳ bút là cái tôi của tác giả. Qua việc ghi chép về con người, sự kiện cụ thể, có thực, tác giả tuỳ bút thể hiện cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ của mình. Tuỳ bút thiên về tính trữ tình; có thể kết hợp trữ tình, suy tưởng, triết lí, chính luận. Bố cục bài tuỳ bút khá tự do, được triển khai theo một cảm hứng chủ đạo, một tư tưởng chủ đề nhất định. Tuỳ bút không nhất thiết phải có một cốt truyện cụ thể hay nhân vật hoàn chỉnh. Ngôn từ của tuỳ bút giàu hình ảnh, giàu chất thơ.

Tản văn

Tản văn là thể loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc. Người viết tản văn thường dựa trên một vài nét chấm phá về đời sống để thể hiện tâm trạng, suy nghĩ, chủ kiến của mình. Tản văn khá tự do trong cách biểu hiện, có sự kết hợp tự sự, trữ tình, nghị luận, miêu tả, khảo cứu(1),... Ngôn từ của tản văn gần gũi đời thường, như lời chuyện trò, bàn luận, tâm sự.

Văn bản tường trình

Văn bản tường trình là một loại văn bản thông tin được tổ chức theo thể thức riêng, có nội dung trình bày về một vụ việc đang cần được xem xét, làm rõ và giải quyết.

Người viết tường trình là người có liên quan đến vụ việc, có trách nhiệm cung cấp thông tin xác thực theo phạm vi quan sát, nhận thức của mình cho cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó. 

Ngôn ngữ vùng miền

Ngôn ngữ vùng miền (phương ngữ) là biến thể theo mỗi địa phương của một ngôn ngữ, được thể hiện chủ yếu trên các phương diện ngữ âm và từ vựng. Mỗi phương ngữ có những đặc điểm riêng về ngữ âm, thể hiện qua cách phát âm của người dân mỗi địa phương. Đặc biệt, trong mỗi phương ngữ bao giờ cũng có một số từ ngữ không có nghĩa tương đương trong ngôn ngữ toàn dân như nhút (phương ngữ Trung), chôm chôm (phương ngữ Nam) hoặc có nghĩa tương đương nhưng có hình thức ngữ âm khác biệt như cá quả, lợn, ngã (phương ngữ Bắc), cá tràu, heo, bổ (phương ngữ Trung), cá lóc, heo, té (phương ngữ Nam).

VĂN BẢN ĐỌC

VĂN BẢN 1. Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt (trích), Vũ Bằng

VĂN BẢN 2. Chuyện cơm hến, Hoàng Phủ Ngọc Tường

VĂN BẢN 3. Hội lồng tồng, Trần Quốc Vượng – Lê Văn Hảo - Dương Tất Từ

(1) Khảo cứu: tra xét, tìm tòi, ở đây chỉ một hình thức nghiên cứu về đối tượng dựa trên sự khảo sát, tìm hiểu, đối chiếu sách vở, tài liệu một cách công phu.

(Trang 107)

VĂN BẢN 1

TRƯỚC KHI ĐỌC

1. Em biết những bài hát hay bức tranh, bức ảnh nào về mùa xuân? Hãy chia sẻ cùng các bạn.

2. Em thích nhất điều gì ở mùa xuân?

ĐỌC VĂN BẢN

Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt

Trích, VŨ BẰNG

Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng Giêng là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non(1) đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con, ai cấm được cô gái còn son(2) nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân.

Ơi ơi người em gái xoã tóc bên cửa sổ! Em yêu mùa xuân có phải vì nghe thấy rạo rực nhựa sống trong cành mai, gốc đào, chổi mận ở ngoài vườn? Chàng trai kia yêu mùa xuân, phải chăng là tại lúc đôi mùa giao tiễn nhau, chàng tưởng như nghe thấy đồi núi chuyển mình, sông hồ rung động trong cuộc đổi thay thường xuyên của cuộc đời? Mà người thiều phụ nọ ở chân trời góc biển yêu mùa xuân có phải là vì đấy là mùa xanh lên hi vọng được trở về nơi bến đợi sông chờ để ngâm lại khúc bạc đầu với người ra đi chưa biết ngày nào trở lại?

Tôi yêu sông xanh, núi tím; tôi yêu đôi mày ai như trăng mới in ngần(3) và tôi cũng xây mộng ước mơ, nhưng yêu nhất mùa xuân không phải là vì thế.

Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu(4), gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình(5) của cô gái đẹp như thơ mộng...

(1) Non: núi (thường xuất hiện trong các từ ghép: núi non, non sông, non nước,...).

(2) Còn son: còn trẻ, chưa có con cái.

(3) Đôi mày ai như trăng mới in ngần: đôi lông mày cong, đẹp như ngắn trăng non đầu tháng, lấy ý từ câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiểu: Mày ai trăng mới in ngần.

(4) Mưa riêu riêu: mưa phùn, hạt nhỏ, đều, kéo dài.

(5) Huê tình: tình yêu trai gái

(Trang 108)

Người yêu cảnh, vào những lúc đất trời mang mang(1) như vậy, khoác một cái áo lông, [...] mở cửa đi ra ngoài tự nhiên thấy một cái thú giang hồ(2) êm ái như nhung và không cần uống rượu mạnh cũng nghe như lòng mình say sưa một cái gì đó – có lẽ là sự sống!

[...] Ấy đấy, cái mùa xuân thần thánh của tôi nó làm cho người ta muốn phát điên lên như thế đấy. Ngồi yên không chịu được. Nhựa sống ở trong người căng lên như máu cũng căng lên trong lộc(3) của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cái lá nhỏ tí ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương (4) đứng cạnh.

Cùng với mùa xuân trở lại, tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra, và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá. Lúc ấy, đường sá không còn lầy lội nữa mà cái rét ngọt ngào, chớ không còn tê buốt căm căm nữa.

Y như những con vật nằm thu hình một nơi trốn rét thấy nắng ấm trở về thì lại bò ra để nhảy nhót kiếm ăn, anh cũng “sống” lại và thèm khát yêu thương thực sự. Ra ngoài trời, thấy ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà lại cũng thấy yêu thương nữa.

Nhang trầm, đèn nến, và nhất là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường, trước những bàn thờ Phật, bàn thờ Thánh, bàn thờ Tổ tiên làm cho lòng anh ấm lạ ấm lùng, tuy miệng chẳng nói ra nhưng trong lòng thì cảm như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng(5) mở hội liên hoan.

Đẹp quá đi, mùa xuân ơi - mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến. Nhưng tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng Giêng, Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhung nhuỵ vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu Giêng, nhưng trái lại lại nức một mùi hương man mác.

(1) Mang mang: mơ hồ, mờ ảo, không phân định các đối tượng một cách rõ ràng (nghĩa trong văn bản).

(2) Giang hồ, sông hồ: đây chỉ sở thích du ngoạn nay đây mai đó một cách tự do, phóng túng.

(3) Lộc: sừng non mới nhú của hươu, nai.

(4) Uyên ương: loài chim sống ở vùng nước, con đực và con cái luôn cặp kè bên nhau; đây chỉ đôi lứa gắn bó.

(5) Ra ràng: (chim non) vừa mới đủ lông đủ cánh, bắt đầu bay ra khỏi tổ; đây được dùng để chỉ con bướm mới ra khỏi kén.

(5) Nhuỵ vẫn còn phong: nhuỵ hoa vẫn còn chụm lại, chưa tách nở ra.

(Trang 109)

Thường thường, vào khoảng đó trời đã hết nồm(1), mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ. Sáng dậy, nằm dài nhìn ra cửa sổ thấy những vệt xanh tươi hiện ở trên trời, mình cảm thấy rạo rực một niềm vui sáng sủa. Trên giàn hoa lí, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa. Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve mới lột.

Ấy là lúc thịt mỡ dưa hành đã hết, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị có cả om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng. Cánh màn điều(2) treo ở trước bàn thờ ông vải(3) đã hạ xuống từ hôm “hoá vàng”(4) và các trò vui ngày Tết cũng tạm thời kết thúc để nhường chỗ cho cuộc sống êm đềm thường nhật.

[...] Đêm xanh biêng biếc, tuy có mưa dây, nhưng nhìn lên thấy rõ từng cánh sếu bay. Về khuya, trời vẫn rét một cách tình tứ nên thơ: mặc dầu vẫn phải đắp chăn bông, nhưng ban ngày không cần phải mặc áo ấm như hổi cuối Chạp.

[...] Cuối tháng Giêng có những đêm không mưa, trời sáng lung linh như ngọc, chỉ chừng mười giờ tối thì trăng mọc cao lên đỉnh đầu.

(Vũ Bằng, Thương nhớ Mười Hai, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1999, tr. 5–12)

SAU KHI ĐỌC

  • Vũ Bằng (1913 – 1984) sinh ra ở Hà Nội. Ông là nhà văn, nhà báo, có sở trường về truyện ngắn, tuỳ bút, bút kí. Tuỳ bút Vũ Bằng giàu chất trữ tình và chất thơ, hướng vào biểu hiện thế giới nội tâm phong phú. Văn Vũ Bằng tràn đầy cảm xúc, biểu thị những cảm giác tinh tế. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Miếng ngon Hà Nội (1960), Món lạ miền Nam (1969), Thương nhớ Mười Hai (1972),... 
  • Thương nhớ Mười Hai được viết trong thời gian Vũ Bằng sống ở miền Nam, xa cách quê hương miền Bắc. Niềm thương nhớ quê hương, gia đình da diết được thể hiện qua sự hồi tưởng về cảnh sắc thiên nhiên, phố xá, cuộc sống hằng ngày mang vẻ đẹp và bản sắc văn hoá của Hà Nội. Thương nhớ Mười Hai có 13 bài tuỳ bút, gồm 12 bài viết về các tháng trong năm và một bài về Tết. Bài Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt là bài đầu tiên của tập tuỳ bút.

(1) Nồm: trạng thái thời tiết ấm và ẩm ướt ở miền Bắc vào quãng cuối đông đầu xuân. 

(2) Màn điều: tấm vải đỏ che trước bàn thờ.

(3) Ông vải: tổ tiên.

(4) Hoa vàng: đốt vang ma. Theo tục lệ, ngày hoa vàng là ngay kết thúc việc cúng lễ dịp Tết. Những đồ vang ma thờ dịp Tết được đem đốt.

(Trang 110)

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Mạch cảm xúc của tác giả được khơi dậy qua sự hồi tưởng về không gian. Tìm chi tiết miêu tả không gian đặc trưng của mùa xuân Hà Nội (vào đầu tháng Giêng và sau rằm tháng Giêng) và chi tiết miêu tả không gian gia đình.

2. Trong cái rét ngọt đầu xuân, sức sống của thiên nhiên và con người được khơi dậy như thế nào?

3. Nêu nhận xét của em về cách tác giả diễn tả cảm giác của lòng mình khi mùa xuân đến.

4. Tác giả đã triển khai bài tuỳ bút theo mạch chủ đề về mùa xuân bắt đầu từ “ai cũng chuộng mùa xuân" như thế nào?

5. Trong đoạn trích, khi nói về mùa xuân, tác giả dùng các cụm từ như mùa xuân của tôi, mùa xuân thần thánh của tôi, mùa xuân của Hà Nội thân yêu. Cách viết này cho em hiểu điều gì về cuộc sống và tình cảm riêng của người viết?

6. Chọn một câu văn cho thấy lời văn của bài tuỳ bút như lời trò chuyện tâm tình. Theo em, đặc điểm đó của lời văn có tác động như thế nào đến cảm nhận của người đọc?

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) nêu cảm nhận của em về cảnh sắc và không khí mùa xuân.

Thực hành tiếng Việt

DẤU CÂU

1 Đọc hai câu văn sau và thực hiện những yêu cầu bên dưới:

a. Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng...

b. Đẹp quá đi, mùa xuân ơi – mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến.

(1) Nêu công dụng của dấu gạch ngang trong các câu văn trên.

(2) Theo em, nếu không có các cụm từ được tách ra bởi dấu gạch ngang thì nội dung của những câu văn trên sẽ thay đổi như thế nào?

BIỆN PHÁP TU TỪ

2 Chỉ ra biện pháp tu từ so sánh trong các câu sau. Cho biết điểm tương đồng giữa các đối tượng được so sánh với nhau trong mỗi trường hợp và nêu ý nghĩa của sự tương đồng đó:

a. Tôi yêu sông xanh, núi tím; tôi yêu đôi mày ai như trăng mới in ngần và tôi cũng xây mộng ước mơ, nhưng yêu nhất mùa xuân không phải là vì thế.

(Trang 111)

b. Cuối tháng Giêng có những đêm không mưa, trời sáng lung linh như ngọc, chỉ chừng mười giờ tối thì trăng mọc cao lên đỉnh đầu.

3. Hãy chỉ ra biện pháp tu từ được dùng trong các câu văn sau và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó:

a. Chàng trai kia yêu mùa xuân, phải chăng là tại lúc đôi mùa giao tiễn nhau, chàng tưởng như nghe thấy đồi núi chuyển mình, sông hồ rung động trong cuộc đổi thay thường xuyên của cuộc đời?

b. Trên giàn hoa lí, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa.

4. Đọc câu văn sau và thực hiện các yêu cầu:

Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con, ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân.

a. Chỉ ra biện pháp tu từ ở những cụm từ in đậm trong câu văn trên.

b. Biện pháp tu từ đó còn được thể hiện ở những từ ngữ nào khác trong câu?

c. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.

5. Hãy nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu văn sau và cho biết cách so sánh trong câu này có gì khác so với cách so sánh trong những câu văn ở bài tập 2:

Nhựa sống ở trong người căng lên như máu cũng căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cái lá nhỏ tí ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh.

VĂN BẢN 2

TRƯỚC KHI ĐỌC

1. Mỗi vùng miền trên thế giới đều có những nét riêng trong phong cách ẩm thực. Hãy chia sẻ hiểu biết của em về vấn đề này.

2. Nếu được yêu cầu giới thiệu về một món ăn đặc sản ở quê em, em sẽ chọn món nào?

ĐỌC VĂN BẢN

Chuyện cơm hến

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

Người Huế ăn giống như học bài học cuộc đời, phải nếm đủ vị mặn, lạt), chua, cay, ngọt, bùi, không chê vị nào; lại còn tỏ ra thích thú với hai vị mà thiên hạ đều sợ, là cay và đẳng. [...] Người Huế thích dùng mướp đắng lúc

(1) Lạt: nhạt.

(Trang 112)

còn xanh, nấu canh phải đuống(1) nổi nước sôi xuống để thả mướp vào mới đảm bảo là đắng, lại còn bóp mướp sống làm món nộm, đắng một cách tuyệt vời! Có hôm tàu dùng ở ga Lăng Cô, thấy nấm tràm(2) bán rẻ như cho không tôi bèn hí hửng mua luôn một rỗ làm quà cho chú bạn tôi ở Đà Nẵng, gọi là đặc sản xứ Huế. Cháo nấm tràm nấu ra ngon đến thế, nhưng chỉ có đám dân Huế sì sụp vừa húp vừa khen, còn bạn nhậu người Quảng đều né hết, vì đắng không chịu nổi. Hoá ra chỉ cách nhau cái đèo Hải Vân thôi mà cách ăn uống của người Huế lạ đời đến thế!

Cồn Hến, ảnh của Lê Huy Hoàng Hải

Nhưng lạ nhất là thói ăn cay, đến nỗi chính tôi cũng không hiểu sao mình lại ăn cay “tài” đến như vậy. Người Huế có đủ cung bậc ngôn ngữ để diễn tả vị cay, bao gồm hết mọi giác quan, càng nói càng “sướng miệng”: cay phỏng miệng, cay xé lưỡi, cay điếc mũi, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi, cay điếc tai, cay điếc óc,... [...] Có thể nói rằng người Huế bắt đầu thực đơn hằng ngày bằng một tô bún bò “cay dễ sợ”, tiếp theo là một ngày cay “túi mắt túi mũi” để kết thúc với tiếng rao "Ai ăn chè?”, một chén ngọt lịm trước khi ngủ.

Tôi xin giới thiệu một ngày “Hạnh phúc trời hành” của dân Huế tui, bắt đầu bằng món cơm hến(3). Những món ăn Huế như bún bò, cháo lòng,... bây giờ trở thành phố biến khắp nơi (dù đã mất đi bản chất cay của nó) chỉ món cơm hến này là không nơi nào có. Hà Nội, Sài Gòn cũng có vài ba quán Huế có cả cơm hến, tôi đã thử xem, đều toàn là nghêu(4) xắt nhỏ, đâu phải là hến. Vậy thì cơm hến là gì?

Trước hết, nói về cơm. Người Việt mình ăn cơm kiểu nào cũng phải nóng, duy chỉ cơm hến nhất thiết phải là cơm nguội. Hình như người Huế muốn bày tỏ

(1) Duống: đưa xuống (trong câu này có nghĩa là bắc nồi nước sôi xuống rồi mới thả mướp đắng vào).

(2) Nấm tràm: loại nấm mọc từ cây tràm, có nhiều ở vùng Thừa Thiên – Huế, có vị đắng.

(3) Hến: động vật thân mềm, có hai mảnh vỏ, sống ở vùng nước lợ hoặc nước ngọt.

(4) Nghêu: động vật thân mềm, có hai mảnh vỏ, thường sống ở vùng nước mặn ven biển.

(5) Xất: thải.

(Trang 113)

một quan niệm rằng trên đời chẳng có một vật gì đáng phải bỏ đi, nên bày ra món cá lẹp(1) kẹp rau mưng(2), và món cơm nguội với những con hến nhỏ lăn tăn làm sốt ruột người chế biến món ăn, gọi là cơm hến. Sau này ở Huế người ta còn bày thêm món bún hến, dùng bún thay cơm nguội. Tôi rất ghét những lối cải tiến tạp nham như vậy. Bún đã có bún bò, ai có giang sơn ấy, việc gì phải cướp bản quyền sáng chế của người khác. Vả lại, người Huế (Huế xưa, không phải bây giờ) rất kiên định trong “lập trường ăn uống” của mình. Tôi nghĩ rằng trong vấn đề khẩu vị, tính bảo thủ là một yếu tố văn hoá hết sức quan trọng, để bảo toàn di sản. Với tôi, một món ăn đặc sản cũng giống như một di tích văn hoá, cứ phải giống y như ngày xưa, và mọi ý đồ cải tiến đều mang tính phá phách, chỉ tạo nên những “đồ giả”!

 

 

Xin tiếp tục chuyện cơm hến. Hến ở Huế ngon nhất là hến cồn, do đó cái cồn nổi chiếm vị trí “Tả Thanh Long(3)" rất mực quan trọng trong Dịch lí(4) của kiến trúc kinh thành, dân chỉ gọi nôm na là Cồn Hến. Đáy sông quanh cồn có một lớp bùn sâu, là môi sinh màu mỡ của loài hến. Điều lạ là con hến, dù không có tay chân, nhưng khi thời tiết thay đổi làm dòng nước chảy mạnh có thể lặn sâu xuống đáy bùn để khỏi bị nước cuốn đi. Dân cồn làm nghề xúc hến mỗi năm đều có lễ cúng hến vào tháng Bảy, trên những con đò cờ xí rộn ràng, tiếng trống vang lừng, người ta luộc hến xong đem ra sông đãi trong những chiếc rổ lớn, tách vỏ, lấy riêng mặt hến(5) đem đong chén bán cho những người làm cơm hến.

Mặt hến này là vị chủ của cơm hến, xào kèm theo bún tàu (miến), măng khô và thịt heo thái chỉ. Món thứ ba trong cơm hến là rau sống. Chỉ một nhúm thôi, nhưng rau sống này làm bằng thân chuối hoặc bắp chuối xắt mỏng như sợi tơ, trộn lẫn với môn bạc hà(6), khế và rau thơm thái nhỏ, giá chần (trụng(7) sơ qua nước sôi), có khi còn điểm thêm những cánh bông vạn thọ vàng, nhìn tươi mắt và có thêm mùi thơm riêng.

Nước luộc hến được rút ra từ chiếc nồi bung bốc khói nghi ngút, bằng chiếc gáo làm bằng sọ dừa xinh xắn, cho vào một cái tô đã gồm đủ cơm nguội, hến xào, rau sống và được gia thêm đủ vị đồ màu. Nước hến có giã thêm gừng màu trắng đùng đục. Vâng, mê nhất cái màu đùng đục ấy, ăn cơm hến mà chê nước đục là... dại!

(1) Cá lẹp: loài cá nhỏ, thân mỏng, xương mềm, thịt nhão vì nhiều mô, sống ở vùng nước mặn hoặc nước lợ ven biển.

(2) Rau mưng: lá non của cây lộc vừng, có vị hơi chát, đắng, thoảng chút chua, thường được người dân miền Trung hái ăn kèm với cá lẹp nướng.

(3) Tả thanh long: rồng xanh ở bên trái. Theo quan niệm phong thuỷ xưa, thế đất nhấp nhô phía bên trái của nhà ở hay cung điện (từ phía trong nhìn ra) là thế tả thanh long, rất được chú ý trong việc chọn đất xây dựng.

(4) Dịch lí: bộ môn nghiên cứu về nguyên tắc biến đổi của vạn vật, vũ trụ theo cái nhìn bao quát nhất.

(5) Mặt hến: ruột hến hay toàn bộ phần thân bên trong lớp vỏ cứng của con hến.

(6) Môn bạc hà: có nơi gọi là (cây) dọc mùng.

(7) Trụng: nhúng.

(Trang 114)

Bộ đồ màu của cơm hến là nhiêu khê(1) nhất thiên hạ. Đây là bản liệt kê các món gia vị mà tôi từng quan sát được ở một gánh cơm hến, chắc có thể coi là “lí tưởng”, như sau:

1. Ớt tương

2. Ớt màu, ớt dầm nước mắm

3. Ruốc(2) sống

4. Bánh tráng nướng bóp vụn

5. Muối rang

6. Hạt đậu phụng(3) rang mỡ, giã hơi thô thô

7. Mè rang

8. Da heo rang giòn

9. Mỡ và tóp mỡ

10. Vị tinh(5).

Tất cả được đựng trong những thẫu(6), những vịm(7) bày trên một cái trẹc(8), o(9) bán cơm hến lấy ra bằng những chiếc gáo mù u(10) nhỏ xíu, bàn tay thoăn thoắt mỗi thứ một ít...

Hương vị bát ngát suốt đời người của tô cơm hến là mùi ruốc thơm dậy tận óc, và vị cay đến trào nước mắt. Người “máu” cơm hến vẫn chưa vừa lòng với vị cay sẵn có, còn đòi thêm một trái ớt tươi để cắn kêu cái rốp! Nước mắt đầm đìa, mồ hôi ròng ròng nhỏ giọt vào tô cơm thế mà cứ sì sụp, xuýt xoa kêu “ngon, ngon”; đi xa nhớ lại thèm đứt sợi tóc, ở nước ngoài về bay ra Huế để ăn cho được một tô cơm hến lấy làm hả hê, thế đấy, chao ôi là Huế!

Tôi nhớ lần ấy, chiều mưa râm ri cỡ tháng Mười một, tôi ngồi ăn cơm hến ở nhà Bửu Ý ở đường Hàng Me. Tôi vừa đi Tây về, suốt hai tuần ở cung Đại hội các nhà văn, bữa ăn nào cũng toàn thịt, bơ, phó mát,... đến nỗi tôi thất kinh(11), nhiều ngày chỉ mang một mớ trái cây về phòng ăn trừ bữa. Nhiều tuần lễ không có một hột cơm

(1) Nhiêu khê: lôi thôi, phức tạp (trong văn bản này chỉ sự cầu kì, cần nhiều thứ nguyên liệu để làm ra bát cơm hến).

(2) Ruốc: loài giáp xác, họ tôm, sống ở vùng nước lợ hoặc nước mặn (trong văn bản này, từ ruốc chỉ loại mắm làm từ con ruốc).

(3) Đậu phụng: lạc, một loài cây thuộc họ đậu, hạt thường có màu hồng nhạt, giàu chất đạm, chất béo.

(4) Mè: vừng, một loài cây có hạt nhỏ, màu đen hoặc nâu vàng, giàu chất đạm, chất béo.

(5) Vị tinh: bột ngọt.

(6) Thấu: (thẩu, do cách phát âm mà thành thấu) dụng cụ đựng đồ ăn có miệng to gần bằng hoặc bằng thân, làm bằng nhựa, sành sứ, thuỷ tinh,..

(7) Vịm: (thường gọi là liễn) đồ bằng sành sứ có nắp đậy, dùng để đựng thức ăn.

(8) Trục: (trẹt) cái mẹt, đồ đan kín bằng tre nứa, lòng nông, hình dáng và kích thước hơi giống cái mâm.

(9) O: Cô.

(10) Gáo mù u: gáo làm bằng vỏ quả mù u, giống gáo dừa nhưng nhỏ hơn.

(11) Thất kinh: sợ đến mức mất tinh thần.

(Trang 115)

trong bụng, nghe tiếng rao cơm hến tôi thấy xúc động tận chân răng. Đây là lần đầu tiên tôi ăn một tô cơm hến “bằng tất cả tâm hồn”. Thấy chị bán hàng phải cho quá nhiều thứ trong một bát cơm nhỏ, công phu thế mà chỉ bán có năm trăm đồng bạc, tôi lấy làm ái ngại hỏi chị:

- Lời lãi bao nhiêu mà chị phải kĩ đến thế. Chỉ cần ba bốn thứ, vừa vừa thôi, có đỡ mất công không?

Chị nhìn tôi với đôi mắt giận dỗi khác lạ:

- Nói như cậu thì... còn chỉ là Huế!

Chị gánh hàng đi, dáng gầy mỏng manh, chiếc áo dài đen cũ kĩ, chiếc nón còi(1) và tiếng rao lanh lảnh. Hồi nãy tôi đã đếm và biết gánh cơm trên vai chị có tất cả mười bốn vị. Bây giờ tôi mới phát hiện thêm vị thứ mười lăm, là lửa. Vâng, một bếp lửa chắt chiu, ấp ủ đi trong mưa suốt mùa đông, bền bỉ theo bước chân người...

(Hoàng Phủ Ngọc Tường, Huế - Di tích và con người,

NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2001, tr. 44-50)

SAU KHI ĐỌC

Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937, quê ở Quảng Trị, sống và làm việc nhiều năm ở Huế. Sáng tác của ông toát lên cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp đất nước và con người trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là Huế. Trong mảng tản văn, nhà văn thể hiện vốn văn hoá sâu rộng, cách tiếp cận đời sống độc đáo, tâm hồn nhạy cảm, ngòi bút tài hoa, cái tôi công dân giàu trách nhiệm với xã hội. Một số tác phẩm chính của Hoàng Phủ Ngọc Tường: Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông? (1984), Huế - Di tích và con người (2001), Miền cỏ thơm (2007),...

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Những chi tiết nào cho thấy cơm hến là món ăn bình dân?

2. Món cơm hến cho thấy đặc điểm gì trong phong cách ăn uống của người Huế?

3. Chuyện cơm hến có phải chỉ đơn giản là văn bản giới thiệu một món ăn không? Tác giả bàn tới những điều gì xung quanh món cơm hến?

(1) Nón cởi: nón cũ.

(Trang 116)

4. Theo em, tại sao tác giả lại cho rằng “một món ăn đặc sản cũng giống như một di tích văn hoá"?

5. Hình ảnh chị bán hàng cùng gánh cơm hến và bếp lửa gợi cho em suy nghĩ gì về ý thức gìn giữ bản sắc văn hoá của người dân địa phương?

6. Tìm những từ ngữ cho thấy lời văn của bài tản văn Chuyện cơm hến giống như lời tác giả đang trò chuyện với bạn đọc.

7. Em cảm nhận như thế nào về cái tôi tác giả được thể hiện trong Chuyện cơm hến?

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) về một nét sinh hoạt thể hiện vẻ đẹp của con người và truyền thống văn hoá nơi em đang sống.

(Trang 116)

Thực hành tiếng Việt

TỪ NGỮ ĐỊA PHƯƠNG

1 Trong câu văn sau, những từ ngữ nào có thể được xem là từ ngữ địa phương? Vì sao?

Tất cả được đựng trong những thẫu, những vịm bày trên một cái trẹc, o bán cơm hến lấy ra bằng những chiếc gáo mù u nhỏ xíu, bàn tay thoăn thoắt mỗi thứ một ít....

2 Liệt kê một số từ ngữ địa phương được dùng trong văn bản Chuyện cơm hến. Những từ ngữ đó có nghĩa tương đương với những từ ngữ nào được dùng ở địa phương em hoặc trong từ ngữ toàn dân?

3 Cho biết tác dụng của việc dùng từ ngữ địa phương của Huế trong Chuyện cơm hến.

4. Nêu một số từ ngữ địa phương chỉ sự vật (người, cây cối, con vật, đồ vật,..) ở các vùng miền mà em biết và tìm từ ngữ toàn dân tương ứng.

Nhận biết từ ngữ địa phương

  • Mỗi vùng miền có một số từ ngữ riêng biệt, thường gọi là từ ngữ địa phương. Những từ ngữ đó phát sinh từ những nét riêng về điều kiện tự nhiên, đặc điểm tâm lí và phong tục tập quán của cư dân địa phương. Từ ngữ địa phương thể hiện tính đa dạng trong ngôn ngữ của một cộng đồng.
  • Khác với từ ngữ toàn dân, từ ngữ địa phương thường chỉ được dùng ở một vùng, miền nhất định.

Ví dụ về từ ngữ địa phương:

Địa phương Từ ngữ địa phương Từ ngữ toàn dân (tương ứng)
Miền Bắc mẹ
Miền Trung đâu
Miền Nam tía bố
  • Trong tác phẩm văn học, từ ngữ địa phương có thể được dùng nhằm tạo sắc thái địa phương cho câu chuyện, nhân vật,... Trong các văn bản khoa học, hành chính,... không được dùng từ ngữ địa phương (trừ khi có lí do đặc biệt). Trong giao tiếp thông thường, chỉ nên dùng từ ngữ địa phương khi trò chuyện thân mật với những người nói cùng phương ngữ với mình.

(Trang 117)

VĂN BẢN 3

ĐỌC VĂN BẢN

Hội lồng tồng

TRẦN QUỐC VƯỢNG – LÊ VĂN HẢO – DƯƠNG TẤT TỪ

Vùng Việt Bắc(1) mở hội lồng tồng từ sau tết Nguyên đán đến tết Thanh minh. Lồng tồng tiếng Tày – Nùng có nghĩa là “xuống đồng”. Thần thành hoàng của đồng bào Tày – Nùng cũng tức là thần nông. Đình thành hoàng thờ những nhân vật ngày xưa đã có công khai phá ruộng nương, xây dựng và bảo vệ bản mường. Có nhiều truyền thuyết khác nhau về hội lồng tồng ở từng địa phương.

[...] Trong những ngày hội lồng tồng cầu mùa, vui xuân, dân làng mang cỗ đến cúng thần nông. Hội lồng tồng cũng là dịp trưng bày những sản phẩm nông nghiệp của dân làng như gà thiến béo, lợn quay, các thứ bánh trái,... Sản phẩm được trình bày sao cho thật đẹp mắt. Sau khi cúng tế, người ta ăn cỗ với thịt gà, thịt lợn, bánh chung hay bánh lá ngải, xôi nhuộm lá cẩm, uống rượu nếp, rượu mác mật,.... Trong những trò chơi dân gian làm cho hội lồng tồng rộn rịp có đánh vật, kéo co, thi bắn, đua thuyền, biểu diễn võ dân tộc,... nhưng hấp dẫn nhất là tung còn, múa sư tử và “lượn(2) lồng tồng".

Ném còn, ảnh của Lê Thanh Cường

(1) Việt Bắc: vùng đồi núi phía bắc nước ta, gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang.

(2) Lượn: lối hát đối đáp giữa trai và gái của dân tộc Tày.

(Trang 118)

Trò chơi ném còn có dụng cụ chính là một chiếc còn. Đó là một túi vải màu hình vuông, mỗi cạnh khoảng 10 cm, trong đổ cát, đuôi dài hơn 1 m bằng vải ngũ sắc. Giữa đồng người ta dựng một cây mai cao vút, đóng giá như kiểu cột cờ để có thể dựng lên hạ xuống được. Trên đỉnh chót người ta uốn ngọn cây mai thành một vòng tròn, dán giấy trắng, trong có điểm hồng tâm. Thanh niên gái trai chia làm hai bên thi nhau nhằm chiếc vòng giấy ấy mà tung còn. Người nào nhanh tay bắt được còn của đối phương tung đến mới được ném. Người ném trúng thủng vòng giấy thì được thưởng, nếu ném thủng hồng tâm thì được giải thưởng to hơn. Ném trúng rồi, người ta hạ cột vá lại vòng giấy và cuộc vui tiếp tục.

Múa sư tử được đồng bào Tày – Nùng, nhất là thanh niên ưa thích vì nó phù hợp với tinh thần thượng võ vốn có của họ. Múa sư tử là dịp rèn luyện thân thể, giúp cho thanh niên có được một vài môn võ nghệ để tự vệ, chống giặc cướp, giặc ngoại xâm khi cần.

Múa sư tử thực chất là một điệu múa võ. Các miếng võ được biểu diễn rõ nhất trong màn múa sư tử đùa nghịch vờn nhau với đười ươi và hai khỉ. Đười ươi và khi tìm đủ mọi cách để trêu chọc sư tử. Con thú dữ lúc phát khùng lên nhe răng ra định ngoạm đầu đười ươi và khỉ, nhưng lũ này dùng đủ miếng võ để né tránh một cách tài tình.

Trong hội lồng tồng, theo tục lệ, con sư tử nào đến trước giữ vai trò đàn anh, có quyền chủ trì các buổi biểu diễn; con đến sau phải đeo vào cằm con đến trước một miếng vải đỏ gọi là “quả hồng” để thừa nhận quyền đàn anh. Trường hợp tranh chấp người ta tổ chức một cuộc đấu miếng giữa hai con sư tử. Con nào quật ngã đối phương sẽ được nhận vai trò đàn anh; trường hợp này mỗi bên đều chọn một tay quyền thuật giỏi, một thầy dạy võ, để múa sư tử đọ tài với đối phương(1).

Nhân dịp hội lồng tổng, thanh niên gái trai tụ họp thành những đám hát lượn, hát đối đáp những bài “lượn lồng tồng” để cầu mùa màng, chúc mừng dân làng được mọi sự may mắn tốt lành, ca ngợi cái đẹp của thiên nhiên, của mùa xuân, của tình yêu, của cuộc sống lao động.

Mở đầu cho buổi hát lượn là những lời đón chào xuân:

Mở bài khai khẩu ước chào xuân

Nghe tiếng nhà người đầy ái ân

Nghe tiếng nhà người đầy xuân sắc

Sĩ tử xin chào kết cố nhân!

Để cầu mùa và chúc mừng nhau, gái trai hát:

(1) Tham khảo từ tài liệu của Lã Văn Lô, Hội múa sư tử của đồng bào Tày, Nùng, tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 6, tháng 6/1971, tr. 52-53.

(Trang 119)

Năm mới tới mùa màng sung túc

Không một người khổ cực gian nan

Trai gái được an nhàn thanh thoả

Chăm lo việc cấy lúa chăn tằm...

Buổi hát lượn trong hội lồng tồng thường có hai phần. Phần “lượn tuồng” gồm những bài hát cổ điển mà gái trai phải học thuộc lòng để hát kể cho nhau nghe về những cảnh đẹp của quê hương mường bản, những câu chuyện mượn trong cổ tích, truyền thuyết, những cảnh sinh hoạt sản xuất trong bốn mùa, mười hai tháng,... Những bài hát đó giúp họ khơi gợi và gửi gắm tình yêu. [...]

Sau phần “lượn tuồng" là phần “lượn sương”. “Lượn sương" thường sáng tác tại chỗ theo cảm hứng để gái trai đặt vấn đề yêu đương và trực tiếp thổ lộ tình cảm với nhau:

Thương hoa sói nhớ hoa nhài

Hoa sói người duyên lắm sắc tài

Ước sao ngắt vài bông về cắm vườn cảnh nhà ta

Để đi sớm về trưa ngắm bóng ai...

Mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, của tình yêu, của ca hát. Gái trai trẩy hội lồng tồng, hát lượn lồng tồng nhiệt tình ca ngợi mùa xuân, thiết tha yêu mến mùa xuân, luyến tiếc xuân, sợ mùa xuân và tuổi trẻ qua nhanh. [...]

Ở nhiều địa phương cuộc hát lượn lồng tổng giữa gái trai có thể kéo dài đến bốn năm đêm liền mà vốn thơ ca và tình cảm vẫn chưa cạn. Lượn, tiếng nói của tình yêu, tiếng lòng của ngày hội xuân, lành mạnh, trong sáng, đầy sức sống, vang vọng sôi nổi mà êm đềm dưới trời xuân Việt Bắc.

(Theo Trần Quốc Vượng - Lê Văn Hào – Dương Tất Tử, Mùa xuân và phong tục Việt Nam,

NXB Văn hoá, Hà Nội, 1976, tr. 167-173)

SAU KHI ĐỌC

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Tóm tắt các ý chính của văn bản Hội lồng tổng bằng sơ đồ (chú ý thời gian tổ chức, địa điểm tổ chức, vùng miền có lễ hội, phần cúng tế – lễ, phần vui chơi – hội).

2. Sản vật cúng tế trong hội lồng tồng có liên quan gì với tục mở hội xuống đồng và tục thờ thành hoàng – thần nông?

3. Văn bản miêu tả những hoạt động nào của cư dân trong phần hội? Những hoạt động đó biểu thị những phẩm chất và khả năng nào của con người?

4. Người dân gửi gắm mong ước gì khi tổ chức hội lồng tồng?

(Trang 120)

5. Lượn, tiếng nói của tình yêu, tiếng lòng của ngày hội xuân, lành mạnh, trong sáng, đầy sức sống, vang vọng sôi nổi mà êm đềm dưới trời xuân Việt Bắc.

Em cảm nhận như thế nào về thái độ đánh giá của người viết qua câu văn trên?

 

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn 7 - Tập 1

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Toán 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Toán 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Ngữ Văn 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Ngữ Văn 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Tiếng Anh 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Tiếng Anh 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Vật Lí 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Sinh Học 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Lịch Sử 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Địa Lí 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Công Nghệ 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Âm Nhạc và Mĩ thuật 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Gợi ý cho bạn

tin-hoc-8-quyen-3-830

Tin Học 8 (Quyển 3)

Sách Lớp 8 NXB Giáo Dục Việt Nam

giao-duc-cong-dan-7-903

Giáo Dục Công Dân 7

Sách Lớp 7 Kết Nối Tri Thức

vat-li-12-nang-cao-753

Vật Lí 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam, gồm 10 chương

sinh-hoc-11-763

Sinh Học 11

Sinh học 11 - NXB Giáo dục

tap-viet-1-tap-hai-36

TẬP VIẾT 1 - Tập Hai

Sách Lớp 1 Kết Nối Tri Thức

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.