Sách Giáo Khoa 247

Ngữ Văn 7 - Tập 1 - ĐỌC | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Xem chi tiết nội dung bài ĐỌC và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ Văn 7 - Tập 1 | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

(Trang 88)

GIỚI THIỆU BÀI HỌC

  • Đất nước Việt Nam với non sông tươi đẹp, truyền thống lịch sử hào hùng, con người thân thiện, nghĩa tình,... luôn là niềm yêu mến, tự hào của mỗi chúng ta. Dù sống ở miền Nam hay miền Bắc, miền núi hay miền xuôi, giai điệu đất nước vẫn luôn ngân vang trong trái tim ta.
  • Tình yêu đất nước là nguồn cảm hứng dạt dào tạo nên những tác phẩm lay động lòng người của văn học Việt Nam từ xưa tới nay. Em đã được học một số tác phẩm như vậy ở các lớp dưới. Đến bài học này, em sẽ tiếp tục được lắng nghe, cảm nhận những cung bậc khác nhau của tình cảm thiêng liêng đó qua những bài thơ trữ tình hiện đại và một văn bản thuộc thể loại khác có cùng chủ đề.

YÊU CẦU CẦN ĐẠT

  • Nhận biết và nhận xét được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, biện pháp tu từ.
  • Nhận biết được tình cảm, cảm xúc của người viết thể hiện qua ngôn ngữ văn bản.
  • Hiểu được khái niệm ngữ cảnh, nghĩa của từ ngữ trong ngữ cảnh và biết vận dụng để dùng từ ngữ đúng với ngữ cảnh.
  • Viết được bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc.
  • Trình bày được ý kiến về một vấn đề đời sống; biết trao đổi một cách xây dựng, tôn trọng các ý kiến khác biệt.
  • Yêu mến, tự hào về vẻ đẹp của quê hương, đất nước.​

ĐỌC

TRI THỨC NGỮ VĂN

Tình cảm, cảm xúc trong thơ

  • Tình cảm, cảm xúc chính là cội nguồn làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của thơ trữ tình. Gốc của thơ là tình cảm, cảm xúc; nội dung chủ yếu của thơ là tình cảm, cảm xúc của nhà thơ trước cuộc đời.
  • Tình cảm, cảm xúc của nhà thơ trước cuộc đời thuộc thế giới tình cảm riêng, nhưng lại có những điểm đồng điệu với tình cảm, cảm xúc chung của nhiều người. Chính vì thế, người đọc đến với thơ để tìm sự đồng cảm, chia sẻ. Người đọc có thể cảm nhận như nhà thơ đang nói hộ nỗi lòng mình.

Hình ảnh trong thơ

Hình ảnh là một yếu tố quan trọng trong thơ trữ tình, là phương tiện để nhà thơ bộc lộ tình cảm, tư tưởng. Hình ảnh trong thơ có nguồn gốc từ đời sống (con người, thiên nhiên,...) nhưng luôn mang dấu ấn của sự hư cấu, tưởng tượng, in đậm tình cảm, cảm xúc chủ quan của nhà thơ.

Nhịp thơ

Nhịp thơ là phương tiện quan trọng để cấu tạo hình thức nghệ thuật đặc thù của văn bản thơ. Người đọc có thể nhận biết nhịp thơ qua hệ thống những điểm ngắt, ngừng được phân bố trên dòng thơ hoặc giữa các dòng thơ, theo sự chi phối của nội dung cảm xúc và quy định riêng của từng thể thơ.

Ngữ cảnh

Ngữ cảnh là bối cảnh ngôn ngữ trong đó một đơn vị ngôn ngữ được sử dụng. Đó có thể là bối cảnh trong văn bản, gồm những đơn vị ngôn ngữ (từ, cụm từ, câu) đứng trước và sau một đơn vị ngôn ngữ (còn gọi là văn cảnh); hoặc là bối cảnh ngoài văn bản, gồm người nói, người nghe, địa điểm, thời gian,... mà một đơn vị ngôn ngữ được sử dụng.

VĂN BẢN ĐỌC

VĂN BẢN 1. Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải

VĂN BẢN 2. Gò Me (trích), Hoàng Tố Nguyên

VĂN BẢN 3. Bài thơ “Đường núi” của Nguyễn Đình Thi, Vũ Quần Phương

VĂN BẢN 1

TRƯỚC KHI ĐỌC

1. Mùa xuân trong cảm nhận của em có gì đáng nhớ?

2. Hãy đọc một vài đoạn thơ mà em yêu thích viết về mùa xuân.

ĐỌC VĂN BẢN

Mùa xuân nho nhỏ

THANH HẢI

Mọc giữa dòng sông xanh 

Một bông hoa tím biếc

Ơi, con chim chiền chiện(1)

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy bên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao...

 

Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

(1) Chiền chiện: còn có tên là sơn ca, một loài chim nhỏ hơn chim sẻ, thường ở ruộng, bãi quang đãng, khi hót thường bay vút lên cao.

(Trang 91)

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến.

 

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

 

Mùa xuân – ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình(1)

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền(2) đất Huế.

(Nguyễn Đức Nam (Chủ biên), Thơ Việt Nam 1945 – 1985,

NXB Giáo dục, 1987, tr. 317-318)

SAU KHI ĐỌC 

  • Thanh Hải (1930 – 1980) quê ở Thừa Thiên – Huế. Trong thời kì đất nước còn bị chia cắt, ông đã viết nhiều bài thơ thể hiện tình yêu quê hương, khát vọng thống nhất đất nước. Sáng tác của Thanh Hải được tập hợp trong các tập thơ: Những đồng chí trung kiên (1962), Huế mùa xuân (tập 1 – 1970, tập 2 – 1975), Dấu võng Trường Sơn (1977), Mưa xuân đất này (1982), Thơ Thanh Hải (1982),... Thơ ông được yêu mến rộng rãi một phần quan trọng nhờ giọng điệu mộc mạc, chân thành và hình thức giản dị, giàu tính dân tộc.
  • Mùa xuân nho nhỏ có thể xem là bài thơ tiêu biểu nhất của Thanh Hải, được viết vào tháng 11 năm 1980, khi nhà thơ nằm trên giường bệnh, một tháng trước khi qua đời.

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Trong khổ thơ đầu, nhà thơ miêu tả mùa xuân qua những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó gợi cho em cảm nhận gì về mùa xuân?

2. Cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp của mùa xuân được thể hiện như thế nào qua những dòng thơ: Ơi, con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng?

(1) Nam ai, Nam bình: hai điệu ca Huế nổi tiếng. Điệu Nam ai giai điệu buồn thương, ai oán còn điệu Nam bình thì du dương, man mác buồn.

(2) Phách tiền: phách là nhạc khí dân tộc, thường làm bằng đoạn tre cứng, dùng để gõ nhịp cho lời ca, đàn tranh, đàn tam thập lục,... Phách tiến là phách có đính thêm cọc tiền đồng.

(Trang 92)

3. Hình ảnh người cầm súng, người ra đồng gợi cho em nghĩ đến ai? Vì sao khi nói về mùa xuân của đất nước, nhà thơ lại nhắc đến hình ảnh người cầm súng và người ra đồng?

4. Hãy chỉ ra đặc điểm về cách gieo vần và ngắt nhịp trong khổ thơ sau:

Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

5. Theo em, vì sao tác giả muốn làm “con chim”, “một cành hoa”, “một nốt trầm"? Liên hệ với hoàn cảnh sáng tác của bài thơ, em có cảm nhận gì về ước nguyện mà nhà thơ muốn gửi gắm qua những hình ảnh này?

6. Trong phần đầu bài thơ, tác giả xưng “tôi” nhưng sang phần sau lại xưng “ta”. Theo em, việc thay đổi cách xưng hô như thế có ý nghĩa gì?

7. Sau khi đọc và tìm hiểu bài thơ, em có nhận xét gì về cách dùng từ trong nhan để Mùa xuân nho nhỏ? Nhan đề đó gợi cho em những cảm xúc, suy nghĩ gì?

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Viết đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) nêu cảm nhận về một đoạn thơ mà em yêu thích trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.

Thực hành tiếng Việt

NGỮ CẢNH VÀ NGHĨA CỦA TỪ NGỮ TRONG NGỮ CẢNH

1 Giải thích nghĩa của các từ in đậm trong những dòng thơ sau:

a. Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy bên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ.

b. Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

c. Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa.

Nhận biết nghĩa của từ ngữ trong ngữ cảnh

Đọc hai dòng thơ sau, chú ý nghĩa của từ thơm:

Thị thơm thì giấu người thơm

Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà.

(Lâm Thị Mỹ Dạ, Chuyện cổ nước mình)

Khi đọc (nghe) chỉ một từ thơm thôi thì ta không thể biết được người viết (nói) muốn dùng nghĩa nào của từ này. Thế nhưng, từng nghĩa một của từ thơm sẽ được xác định nếu ta đặt nó trong ngữ cảnh, xem xét trong sự kết hợp với các từ bên cạnh. Từ thơm trong thị thơm có nghĩa là có mùi hương dễ chịu còn từ thơm trong người thơm lại mang nghĩa là phẩm chất tốt đẹp, thơm thảo, được mọi người yêu mến, ca ngợi.

(Trang 93)

2 Từ giọt trong đoạn thơ sau có nhiều cách hiểu khác nhau. Người thì cho là giọt sương, người hiểu là giọt mưa xuân và có người lại giải thích là “giọt âm thanh” tiếng chim. Theo em, trong ngữ cảnh này, có thể chọn cách hiểu nào? Vì sao?

Ơi, con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

BIỆN PHÁP TU TỪ

3 Theo em, trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, biện pháp tu từ nào có vị trí nổi bật nhất? Hãy cho biết tác dụng của việc sử dụng biện pháp tu từ đó.

VĂN BẢN 2

TRƯỚC KHI ĐỌC

  1. Em biết những bài thơ nào viết về miền đất Nam Bộ? Hãy đọc cho cả lớp nghe một đoạn thơ mà em yêu thích.
  2. Chia sẻ những điều em biết về vẻ đẹp của miền đất này.

ĐỌC VĂN BẢN

Gò Me(1)

Trích, HOÀNG TỐ NGUYÊN(2)

 

Quê tôi đó: mặt trông ra bể

Đốm hải đăng tắt, loé đêm đêm

Con đê cát đỏ cỏ viền

Leng keng nhạc ngựa ngược lên chợ Gò.

Ruộng vây quanh, bốn mùa gió mát

Lúa nàng keo(3) chói rực mặt trời

Ao làng trăng tắm, mây bơi

Nước trong như nước mắt người tôi yêu

(1) Gò Me: một địa danh nổi tiếng thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang ngày nay.

(2) Hoàng Tố Nguyên (1929–1975) quê ở Gò Công, Tiền Giang. Thơ Hoàng Tố Nguyên đậm chất Nam Bộ, thể hiện tình yêu và lòng nhớ thương quê hương da diết của một người con Nam Bộ đang sống trên đất Bắc. Một số tập thơ tiêu biểu của ông: Từ nhớ đến thương (1950), Đất nước (1956), Gò Me (1957), Quê chung (1962), Gởi chiến trường chống Mỹ (1966),..

(3) Lúa nàng keo: một giống lúa cổ truyền thơm ngon đặc biệt, được người dân miền Tây Nam Bộ trồng và gìn giữ từ hàng trăm năm.

(Trang 94)

Quê tôi sớm sớm chiều chiều 

Lao xao vườn mía

Mái lá khoan thai thở làn khói nhẹ

Những chị, những em má núng đồng tiền(1)

Nọc cấy(2), tay tròn, nghiêng nón làm duyên

Véo von điệu hát cổ truyền

(Tre thôi khúc khích, mây chìm lắng nghe):

“- Hò... ơ... Trai Biên Hoà luỵ(3) gái Gò Me

Không vì sắc lịch(4), mà chỉ vì mê giọng hò..."

Ôi, thuở ấu thơ 

Cắt cỏ, chăn bò

Gối đầu lên áo

Nằm dưới hàng me, nghe tre thổi sáo

Lòng nghe theo bướm, theo chim

Me non cong vắt lưỡi liềm 

Lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ.

[...] Tôi nằm trên võng mẹ đưa

Có chim cu gáy giữa trưa hanh nồng

Tiếng ai vút đầu bông lúa chín

Gió dìu vương xao xuyến bờ tre:

(1) Núng đồng tiền (như lúm đồng tiền): chỗ hơi lõm thường hiện ra ở má, tạo nên nét duyên dáng, đáng yêu trên khuôn mặt.

(2) Nọc cấy: dụng cụ lao động được làm bằng gỗ, có đầu nhọn, dùng để chọc lỗ xuống đất và gieo mầm lúa vào lỗ.

(3) Lụy: kiên nhẫn chiều theo ý người khác để đạt được mục đích mình mong muốn.

(4) Sắc lịch: nhan sắc và sự thanh lịch (nghĩa trong văn bản).

(Trang 95)

“– Hò ơ... Trai Biên Hoà luỵ gái Gò Me

Không vì sắc lịch, mà chỉ vì mê giọng hò!..."

Chị tôi má đỏ, thẹn thỏ

Giã me bên trã(1) canh chua ngọt ngào.

(Hoàng Tổ Nguyên, Từ nhớ đến thương,

NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1977, tr. 12-16)


SAU KHI ĐỌC

TRẢ LỜI CÂU HỎI

  1. Qua nỗi nhớ của nhà thơ – một người con phải sống xa quê – cảnh sắc Gò Me hiện lên như thế nào?
  2. Hình ảnh người dân Gò Me được tác giả khắc hoạ qua những chi tiết nào? Những chi tiết đó gợi cho em cảm nhận gì về con người nơi đây?
  3. Nhớ đến Gò Me, tác giả nhớ da diết điệu hò quê hương. Việc nhà thơ hai lần dẫn lại câu hò gợi cho em suy nghĩ gì?
  4. Bài thơ Gò Me có nhiều hình ảnh sinh động, giàu sức gợi. Em thích những hình ảnh nào? Vì sao?
  5. Nêu cảm nhận của em về tình cảm của tác giả đối với quê hương, đất nước được thể hiện trong bài thơ.
  6. Nhà thơ lấy tên một vùng đất làm nhan đề bài thơ. Hãy kể tên một số tác phẩm mà em đã học, đã đọc cũng có cách đặt nhan để tương tự.

VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC

Viết đoạn văn (khoảng 5 câu) đoạn thơ từ đến Lá xanh như dải lụa mềm lừng) nêu cảm nhận của em về 5-7 Ôi, thuở ấu thơ

Thực hành tiếng Việt

NGHĨA CỦA TỪ NGỮ

1 Giải thích nghĩa của từ thở được dùng trong dòng thơ Mái lá khoan thai thở làn khói nhẹ. Chỉ ra sự khác biệt về nghĩa của từ thở trong ngữ cảnh này với từ thở trong câu: Em bé thở đều đều khi ngủ say.

2. Hình ảnh người dân Gò Me được tác giả khắc hoạ qua những chi tiết nào? Những chi tiết đó gợi cho em cảm nhận gì về con người nơi đây?

DẤU CÂU

3 Cho biết công dụng của dấu ngoặc đơn và dấu ngoặc kép trong bài thơ Gò Me.

(1) Trã: nồi đất miệng rộng và nông, thường dùng để kho, nấu thức ăn.

(Trang 96)

BIỆN PHÁP TU TỪ

4. Chỉ ra các biện pháp tu từ trong những dòng thơ sau và nêu tác dụng của chúng:

a. Ao làng trăng tắm, mây bơi

Nước trong như nước mắt người tôi yêu.

b. Nằm dưới hàng me, nghe tre thổi sáo.

c. Me non cong vắt lưỡi liềm

Lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ.

d. Tre thôi khúc khích, mây chìm lắng nghe.

VĂN BẢN 3

ĐỌC VĂN BẢN

Đường núi

Nguyễn Đình Thi

Chiều nhạt nhạt về nơi nào xa lắm

Ngây ngất sương mây

Lối mòn không dấu chân

Gió nổi

Đâu đây tiếng suối rì rào

Ôi những vạt ruộng vàng

Chiều nay rung rinh lúa ngà

Dài áo chàm bay múa

Tiếng ai hát trên nương

Bờ tre đang reo ánh lửa

Mái nhà sàn toả khói xanh

Hươu gào xa văng vẳng

Một mảnh trăng dốc ngả chập chùng Bước chân

Bước chân bóng động nghiêng bờ núi.

1948

 Bài thơ Đường núi của Nguyễn Đình Thi

VŨ QUẦN PHƯƠNG(1)

Bài thơ như bức tranh chấm phá vài nét chiều rừng tiết kiệm cả nét lẫn màu ấy lại thấy nổi rõ lên lòng yêu đất đai thôn bản say đắm của người viết. Có chữ nào nói sự say đắm của lòng người đâu. Không nói nhưng ta nghe được trong nhịp điệu của câu thơ, trong cái nhìn ngất ngây với sương mây, rì rào với tiếng suối. Và đây hãy lắng nghe cả hình ảnh lẫn âm điệu câu thơ. Trong hình ảnh có tiếng reo vui lặng thầm:

Ôi những vạt ruộng vàng

Chiều nay rung rinh lúa ngà

Dài áo chàm bay múa

Tiếng ai hát trên nương

 

 (1) Vũ Quần Phương sinh năm 1940, quê ở Nam Định. Ông là nhà thơ, nhà phê bình văn học. Các tác phẩm chính: Hoa trong cây (1977), Vầng trăng trong xe bò (1988), Vết thời gian (1996), Bình thơ (2012),..

 

 

(Trang 97)

Ruộng lúa rung rinh chiều, dài áo chàm bay múa, và tiếng hát vang xa... Tác giả không reo thành lời, nhưng cảnh sắc reo trong mắt anh.

Âm điệu câu thơ là âm điệu của nội tâm, vần bị bỏ rơi. Chỗ nào tâm tình lắng lại thì âm điệu câu thơ lắng lại, chơi vơi, thanh nhẹ. Câu thơ 5 chữ hay 6 chữ không phải do vần điệu thể loại quy định mà do tâm tình tác giả. Thử lưu ý hai câu 6 xen giữa các câu thơ 5 chữ:

Bờ tre đang reo ánh lửa

Mái nhà sàn toả khói xanh

Đấy là hình ảnh làm ấm lòng tác giả nhất. Độ dài câu thơ có tác dụng như một sự ngưng đọng, sự lắng nghe từ trong kí ức người những ánh lửa bếp chiều, những tia khói xanh trên mái lá. Hai câu thơ kết dài tới 7 âm tiết như một sự ngân nga của tâm trí.

Cảnh trong bài thơ này chỉ được vẽ trong vài nét có tính cách gợi hơn là tả. Có khi hai ba cảnh trên các bình diện khác nhau hiện trong một câu thơ. Tốc độ chuyển cảnh rất nhanh. Người đọc không thấy mạch liền của cảnh nhưng lại có mạch liền của cảm xúc. Nội dung của bài thơ nằm cả ở bên ngoài các dòng chữ. Nếu tóm tắt bài thơ chỉ thấy một buổi chiều vùng núi, có lối mòn, có bản nhỏ, khói bếp, gió nổi trăng lên, áo chàm, tiếng hát, cánh đồng,... cái làm chúng ta xúc động lại là cái từ trường cảm xúc thu hút, sắp xếp các hình ảnh đó với nhau. Ấy là tình cảm yêu say đắm đồng đất núi rừng làng mạc nước non mình. Ấy là ánh nhìn rọi vào đâu cũng thấy rung rinh, xao xuyến, bay múa, ca hát. Cái tài của Nguyễn Đình Thi ở bài thơ này là tạo được một luồng không khí thân yêu trong trẻo run rẩy phủ lấy phong cảnh. Phong cảnh bỗng mang vị tâm hồn của tác giả. Đường vắng mà lòng vui. Đi một mình mà lòng như ca hát.

(Nhiều tác giả, Thơ hay có lời bình 100 bài, Văn Long tuyển chọn,

NXB Thanh niên, Hà Nội, 2001, tr. 79 - 81) 

(Trang 98)

SAU KHI ĐỌC

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Nêu cảm nhận chung của em về bài thơ Đường núi trước và sau khi đọc bài viết của Vũ Quần Phương.

2. Bài bình thơ gây được ấn tượng như thế nào đối với em? Câu nào, ý nào trong đó khiến em phải suy nghĩ sâu hơn về bài thơ đã đọc?

3. Người bình thơ đã thể hiện sự đồng cảm của mình với bài thơ như thế nào? Theo em, sự đồng cảm này có ý nghĩa gì?

4. Theo em, vì sao Vũ Quần Phương lại khẳng định: “Cái tài của Nguyễn Đình Thi ở bài thơ này là tạo được một luồng không khí thân yêu trong trẻo run rẩy phủ lấy phong cảnh. Phong cảnh bỗng mang vị tâm hồn của tác giả."?

5. Nếu được phép bổ sung cho bài viết của Vũ Quần Phương, em sẽ bổ sung những gì?

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn 7 - Tập 1

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Toán 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Toán 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Ngữ Văn 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Ngữ Văn 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Tiếng Anh 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Tiếng Anh 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Vật Lí 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Sinh Học 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Lịch Sử 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Địa Lí 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Công Nghệ 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Âm Nhạc và Mĩ thuật 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Gợi ý cho bạn

tu-nhien-va-xa-hoi-2-1002

Tự Nhiên và Xã Hội 2

Sách Lớp 2 Chân Trời Sáng Tạo

giao-duc-the-chat-9-993

Giáo Dục Thể Chất 9

Sách Lớp 9 Kết Nối Tri Thức

mi-thuat-6-112

Mĩ Thuật 6

Sách Chân Trời Sáng Tạo Lớp 6

khoa-hoc-4-1086

Khoa Học 4

Sách Lớp 4 NXB Giáo Dục Việt Nam

tieng-viet-2-tap-hai-1023

Tiếng Việt 2 - Tập Hai

Sách Lớp 2 Kết Nối Tri Thức

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.