Sách Giáo Khoa 247

Ngữ Văn 7 - Tập 1 - Viết | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Xem chi tiết nội dung bài Viết và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ Văn 7 - Tập 1 | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

(Trang 74)

Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học

Trong các bài học vừa qua, em đã được “làm quen” với nhiều nhân vật văn học thú vị. Đó là các bạn nhỏ với tâm hồn trong sáng, tinh tế, nhân hậu như Mên, Mon (Bẩy chim chìa vôi), An, Cò (Đi lấy mật),... và cả những người cha (Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ), người thầy (Người thầy đầu tiên),... hết lòng yêu thương con trẻ. Chắc hẳn, còn có một số nhân vật mà em từng “gặp gỡ” qua những tác phẩm truyện đã đọc khác. Phần Viết của bài học này sẽ hướng dẫn em cách viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học.

(Trang 75)

Yêu cầu đối với bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học:

  • Giới thiệu được nhân vật trong tác phẩm văn học.
  • Chỉ ra được đặc điểm của nhân vật dựa trên các bằng chứng trong tác phẩm.
  • Nhận xét được nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn.
  • Nêu được ý nghĩa của hình tượng nhân vật.

Phân tích bài viết tham khảo

Con mèo tuyệt vời nhất thế giới!

Con mèo ấy tên là Gióc-ba, một nhân vật trong tác phẩm Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Lu-i Xe-pun-ve-da. Trong thiên đồng thoại nổi tiếng thế giới này, tác giả đã sáng tạo thành công nhiều nhân vật là loài vật: Đại Tá, Bốn Biển, Anh-xtanh, Mét-thiu,... Nhưng với tôi, Gióc-ba luôn là nhân vật đáng yêu và thú vị nhất.

Nhân vật Gióc-ba bắt đầu xuất hiện từ chương 2 và lập tức gây chú ý với dáng vẻ bề ngoài rất khác biệt: "Con mèo mun to đùng, mập ú”, bộ lông đen óng như than, “đen từ đầu tới chân, trừ một túm lông trắng dưới cằm". Ngay trong “màn” giới thiệu, đặc điểm ngoại hình này đã được tác giả nhắc lại tới mười lần, khiến người đọc dễ có ấn tượng về một chú mèo lười béo ú, xấu xí và với nhiều “con người” thì mèo đen còn “mang tới điểm xấu”.

Ấn tượng ban đầu ấy cứ tan biến dần, dù ngoại hình của Gióc-ba không hề thay đổi, lúc nào cũng là con mèo mun mập ú, to đùng, đen như cục nhựa đường. Cuộc gặp gỡ bất ngờ và những lời hứa với hải âu mẹ Ken-ga; hành trình nuôi dưỡng hải âu con Lắc-ki đã trở thành “cơ hội” để Gióc-ba bộc lộ những nét tính cách đẹp đẽ, quý giá. Đó là sự quả quyết, dũng mãnh khi Gióc-ba trừng trị hai tên mèo hoang láo xược và lũ chuột gian xảo; khi Gióc-ba sẵn sàng tấn công cả con đười ươi to xác, độc ác để bảo vệ Lắc-ki. Những lúc ấy, Gióc-ba nhanh như chim cắt, bộ lông đen tuyền xù lên, đôi mắt màu vàng sáng quắc, bộ vuốt sắc nhọn trở thành vũ khí lợi hại. Đó là lòng tự trọng khi Gióc-ba vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để thực hiện tất cả những lời hứa của mình: không ăn quả trứng, ấp trứng, nuôi lớn hải âu con và dạy cho nó biết bay! Đặc biệt, qua cách miêu tả của nhà văn, Gióc-ba hiện lên như một

(Trang 76)

con người có trái tim nhân hậu và tâm hồn sâu sắc. Gióc-ba hết lòng cứu giúp Ken-ga; kiên nhẫn ấp trứng vì xót thương hải âu mẹ bất hạnh. Chú mèo mun to đùng, mập ú chăm sóc hải âu con chu đáo như một người mẹ: tìm kiếm thức ăn, mớm mồi; trông nom, dỗ dành, bảo vệ; tôn trọng mọi cảm xúc, mong muốn của con,... Rất muốn thực hiện lời hứa dạy Lắc-ki bay nhưng Gióc-ba không hề thúc giục mà kiên nhẫn chờ đợi đến lúc hải âu con sẵn sàng. Không chỉ thế, Gióc-ba chấp nhận “liều chết" phá bỏ cấm kị của loài mèo để giúp Lắc-ki được sống cuộc đời của chính mình. Dù biết khi bay được, Lắc-ki sẽ không còn ở cùng bẩy mèo nữa, Gióc-ba vẫn nỗ lực phi thường để hải âu con có được niềm hạnh phúc tung cánh giữa bầu trời. Mười bảy lần Lắc-ki thất bại, Gióc-ba vẫn tin tưởng, động viên: “Con sẽ bay. Cả bầu trời kia thuộc về con!”. Để rồi khi Lắc-ki bay vút vào khoảng không bao la, con mèo mun to đùng ngồi lặng, dõi theo mãi “cho tới lúc nó không biết những giọt nước mưa hay nước mắt đã phủ mờ đôi mắt”. Mèo Gióc-ba đã dành cho hải âu Lắc-ki tình yêu thương vô hạn.

Nhân vật Gióc-ba được Lu-i Xe-pun-ve-da khắc hoạ qua các chi tiết miêu tả ngoại hình, lời nói, cử chỉ, hành động, cảm xúc, suy nghĩ và qua mối quan hệ với những nhân vật khác (cậu chủ nhỏ, các bác mèo thông thái, Lắc-ki, thi sĩ,...). Nghệ thuật nhân hoá tài tình khiến Gióc-ba hiện lên rất sống động, mang tính cách con người mà vẫn không mất đi những đặc điểm của một chú mèo đáng yêu. Tác giả đã sáng tạo nhiều chi tiết có giá trị biểu hiện rất đặc sắc như: Gióc-ba ấp trứng bằng thân hình mập ú, bắt ruồi mớm cho hải âu con và dùng răng tha nó chạy khỏi nơi nguy hiểm; trò chuyện với thi sĩ bằng nhiều thứ tiếng;,... Lối kể chuyện vừa giàu cảm xúc vừa hài hước, tươi vui cũng tạo nên sức hấp dẫn rất lớn. Ví dụ, chi tiết miêu tả tâm trạng Gióc-ba khi nghe thấy hải âu con chiêm chiếp gọi mình bằng “má”: “Nó biết là lông của mình đen óng như than, nhưng dường như nỗi xúc động và xấu hổ đã khiến nó ngượng hồng lựng cả người” đã diễn tả được niềm yêu thương, cảm động và cả tình cảnh “trớ trêu” của chú mèo mun to đùng.

Sáng tạo nhân vật Gióc-ba, nhà văn còn mượn “tiếng chim lời thú” để gửi gắm nhiều bài học dành cho con người: sự trân trọng lời hứa; sức mạnh kì diệu của tình yêu thương, tinh thần bảo vệ kẻ yếu; sống can đảm, giàu khát vọng: “Chỉ những kẻ thực sự dám thì mới có thể bay!”. Trong đó, bài học sâu sắc và xúc động hơn cả là biết tôn trọng sự khác biệt và học cách yêu thương những gì “không giống chúng ta”. Bởi vì: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn".

(Trang 77)

Tình yêu lớn lao và đáng tự hào ấy được thể hiện ngay trong hình ảnh: “con mèo dịu dàng liếm đầu con hải âu và con chim duỗi một cánh vắt ngang lưng con mèo".

Vị trí đặc biệt của Gióc-ba đã được khẳng định ngay trong nhan đề tác phẩm Chuyện con mèo dạy hải âu bay. Chú mèo mun to đùng, mập ú đã mang lại cho thiên truyện vẻ đẹp hồn nhiên, tươi tắn, trí tuệ. Gióc-ba tử tế, hào hiệp, cao thượng của bến cảng Hăm-bơ (Hamburg) hoàn toàn xứng đáng với lời ca ngợi của “cô con gái” hải âu: “Má là con mèo tuyệt vời nhất thế giới”!

(Nhóm biên soạn)

Thực hành viết theo các bước

1 TRƯỚC KHI VIẾT

Mục đích viết

Thuyết phục người đọc đồng tình với ý kiến của em về một nhân vật văn học.

Người đọc

Thầy cô, bạn bè và những người quan tâm đến tác phẩm, nhân vật văn học.

a. Lựa chọn nhân vật trong một tác phẩm văn học

Lựa chọn nhân vật em yêu thích trong một tác phẩm văn học đã học hoặc đã đọc. Em có thể liệt kê danh sách nhân vật yêu thích và lựa chọn nhân vật em ấn tượng nhất.

b. Tìm ý

Để tìm ý cho bài viết, em cần tìm hiểu và lựa chọn các chi tiết liên quan đến nhân vật và đưa ra những suy luận về đặc điểm nhân vật đó.

- Khi tìm hiểu và lựa chọn các chi tiết liên quan đến nhân vật, em cần chú ý: 

+ Lời người kể chuyện nhận xét trực tiếp về về nhân nhân vật. 

Ví dụ: Nhân vật thầy Đuy-sen được người kể chuyện giới thiệu là một người có tấm lòng nhân từ và ý nghĩ tốt lành.

Chắc chắn tất cả đám học sinh chúng tôi đứa nào cũng yêu mến thầy vì tấm lòng nhân từ, vì những ước mơ của thầy về tương lai chúng tôi.

(Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp, Người thầy đầu tiên)

+ Đặc điểm nhân vật được nhà văn thể hiện gián tiếp qua:

  • Các chi tiết miêu tả ngoại hình nhân vật (thân hình, gương mặt, ánh mắt, làn da, mái tóc, trang phục,...) Các chi tiết này cũng có thể hé lộ tính cách của nhân vật.

Ví dụ: Nhân vật Dế Mèn tỏ ra rất tự tin và tự hào về ngoại hình của mình.

Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. [...] Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ, soi gương được và rất ưa nhìn.

(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí)

(Trang 78)

  • Các chi tiết miêu tả hành động: những cử chỉ, việc làm thể hiện cách ứng xử của nhân vật với bản thân và thế giới xung quanh.

Ví dụ: Nhân vật người bố rất tinh tế, biết trân trọng những món quà người khác dành tặng cho mình, thể hiện qua hành động ăn những trái ổi mà Tí mang cho.

Thằng Tí hay đem cho bố tôi những trái ổi. Nó trèo cây giỏi lắm, nhà nó có một vườn ổi. Những trái ổi to được nó lựa để dành cho bố đều có bịch ni lông bọc lại đàng hoàng. Những trái ổi như thế bao giờ cũng vừa to vừa mềm, cắn vào rất đã. Bố tôi ít khi nào ăn ổi, nhưng vì nó, bố ăn.

(Nguyễn Ngọc Thuần, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa số)

  • Ngôn ngữ của nhân vật: lời nói của nhân vật (đối thoại, độc thoại).

Ví dụ: Lời nói của thầy Đuy-sen cho thấy thầy là người quan tâm đến các em nhỏ và muốn các em được tới trường.

Chúng tôi ngồi cạnh những bao ki-giắc thẹn thò nhìn nhau, Đuy-sen hiểu rằng chúng tôi im lặng vì bẽn lẽn nên nháy mắt động viên:

Những cái bao kia to hơn cả người các em đấy. Các em ghé vào đây xem là hay lắm, các em chả sẽ học tập ở đây là gì? Còn trường của các em thì có thể nói là đã xong đến nơi rồi. Thầy vừa đắp lò sưởi ở góc nhà và bắc cả ống khói trên mái, các em thử nhìn xem!

(Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp, Người thầy đầu tiên)

  • Thế giới nội tâm: những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật.

Ví dụ: Những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật “tôi” về khu vườn giúp người đọc hình dung đây là một cậu bé có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên.

Tôi hiểu, khu vườn là món quà bất tận của tôi. Mỗi bông hoa là một món quà nhỏ, một vườn hoa là món quà lớn.

(Nguyễn Ngọc Thuần, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ)

  • Mối quan hệ với các nhân vật khác: thái độ, lời nói, hành động của nhân vật với các nhân vật khác trong tác phẩm.

Ví dụ: Lời nói của nhân vật “tôi” với bố đã giúp người đọc cảm nhận được tình yêu thương của em dành cho bố.

Tôi nhắm mắt và chạm tay rồi gọi tên từng món quà. Tôi chạm phải bố. Tôi la lên:

- A! Món quà của tui đây rồi. Ôi cái món quà này bự quá!

(Nguyễn Ngọc Thuần, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ)

- Để xác định được đặc điểm nhân vật, hãy kết nối thông tin về nhân vật trong tác phẩm với hiểu biết và trải nghiệm của em bằng cách đặt ra những câu hỏi:

+ Nhà văn đã miêu tả ngoại hình, hành động, ngôn ngữ của nhân vật như thế nào? Trong cuộc sống, những người có đặc điểm như vậy thường có tính cách như thế nào?

(Trang 79)

+ Nhà văn miêu tả thế giới nội tâm của nhân vật như thế nào? Những người có cảm xúc, suy nghĩ như vậy thường có đặc điểm gì?

+ Nhà văn đã viết gì về mối quan hệ của nhân vật với các nhân vật khác trong tác phẩm? Trong cuộc sống, những người có các mối quan hệ như vậy thường có tính cách như thế nào?

Em hãy thực hành tìm ý cho bài văn phân tích đặc điểm của một nhân vật (tự chọn) trong văn bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ hoặc Người thầy đầu tiên bằng việc hoàn thành bảng dưới đây (làm vào vở):

Hồ sơ nhân vật: ...

Cách miêu tả nhân vật Chi tiết trong tác phẩm Suy luận của em về nhân vật
Ngoại hình    
Hành động    
Ngôn ngữ    
Nội tâm    
Mối quan hệ với các nhân vật khác    
Lời người kể chuyện nhận xét trực tiếp về nhân vật    

c. Lập dàn ý

Hãy sắp xếp các thông tin và ý tưởng của phần tìm ý thành một dàn ý. Khi lập dàn ý, em cần tập trung vào một số đặc điểm nổi bật của nhân vật

Dàn ý

- Mở bài. Giới thiệu tác phẩm văn học và nhân vật; nêu khái quát ấn tượng về nhân vật.

- Thân bài: Phân tích đặc điểm của nhân vật (chỉ ra đặc điểm của nhân vật dựa trên các bằng chứng trong tác phẩm) và nhận xét, đánh giá nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn.

+ Ý 1

+ Ý 2

+ Ý 3

+ ...

- Kết bài: Nêu ấn tượng và đánh giá về nhân vật.

(Trang 80)

2. VIẾT BÀI

Khi viết bài, em cần lưu ý:

- Để những nhận xét về nhân vật thuyết phục và có giá trị, cần dựa trên những sự việc, chi tiết liên quan đến nhân vật trong tác phẩm.

- Cần nhìn nhận, phân tích nhân vật từ nhiều góc độ, trong một chỉnh thể trọn vẹn để có những nhận xét, đánh giá toàn diện, thuyết phục.

- Phân tích nhân vật một cách cụ thể, chi tiết. Không nên nhận xét, đánh giá về nhân vật một cách chung chung. Cần đưa ra các bằng chứng trong tác phẩm để làm căn cứ cho những nhận xét, suy luận về đặc điểm nhân vật.

3 CHỈNH SỬA BÀI VIẾT

Rà soát, chỉnh sửa bài viết của em theo những gợi ý trong bảng sau:

Yêu cầu Gợi ý chỉnh sửa
Giới thiệu được nhân vật trong tác phẩm văn học. Nếu chưa giới thiệu được nhân vật, hãy viết một vài câu giới thiệu nhân vật em sẽ phân tích.
Chỉ ra được đặc điểm của nhân vật dựa trên các bằng chứng trong tác phẩm.

Gạch dưới những nhận xét, đánh giá của em về nhân vật. Nếu chưa đầy đủ, cần bổ sung.

Vẽ đường lượn dưới các bằng chứng được trích dẫn từ tác phẩm. Nếu chưa có hoặc chưa thuyết phục thì cần bổ sung.

Nhận xét, đánh giá được nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn. Đánh dấu những câu văn nhận xét, đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nếu chưa có hoặc chưa đủ thì cần viết thêm.
Đánh dấu những câu văn nhận xét, đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nếu chưa có hoặc chưa đủ thì cần viết thêm. Rà soát lỗi chính tả và diễn đạt ( dùng từ, đặt từ, câu, liên kết câu, liên kết đoạn,...). Chỉnh sửa nếu phát hiện lỗi

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn 7 - Tập 1

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Toán 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Toán 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Ngữ Văn 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Ngữ Văn 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Tiếng Anh 7 - Tập 1

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Tiếng Anh 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Vật Lí 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Sinh Học 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Lịch Sử 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Địa Lí 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Công Nghệ 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Âm Nhạc và Mĩ thuật 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

Gợi ý cho bạn

hoa-hoc-1169

Hoá Học

Hoá Học 11

tieng-anh-5-tap-1-1622

Tiếng Anh 5 - Tập 1

Tiếng Anh 5 (Global Success)

giai-bai-tap-sinh-hoc-10-1116

Giải bài tập Sinh học 10

Giải bài tập Sinh học lớp 10

toan-7-tap-2-849

Toán 7 - Tập 2

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

hoat-dong-trai-nghiem-7-888

Hoạt Động Trải Nghiệm 7

Sách Lớp 7 Chân Trời Sáng Tạo

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.