Sau bài học này, em sẽ:
• Xác định được vị trí địa lí của Thành phố Hố Chí Minh trên bản đồ hoặc lược đồ. Kể được một số tên gọi khác của Thành phố Hồ Chí Minh.
• Trình bày được một số sự kiện lịch sử có liên quan đến Thành phố Hồ Chí Minh, có sử dụng một số tư liệu tranh ảnh, câu chuyện lịch sử, như: chuyện về Bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước,...
• Sử dụng tư liệu lịch sử và địa lí, nêu được Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục quan trọng của Việt Nam.
KHỞI ĐỘNG
Quan sát hình dưới đây và chia sẻ những hiểu biết của em về thành phố mang tên Bác.
Hình 1. Một góc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay
KHÁM PHÁ
1. Vị trí địa lí, tên gọi
1. Quan sát hình 2, em hãy xác định trên lược đồ vị trí địa lí của Thành phố Hồ Chí Minh và cho biết thành phố tiếp giáp với các tỉnh nào?
2. Kể một số tên gọi khác của Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước ta, nằm ở Đông Nam Bộ. Thành phố này trước đây có nhiều tên gọi khác nhau như: Sài Gòn, Sài Gòn Chợ Lớn, Sài Gòn – Gia Định; từ năm 1976 được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.
Hình 2. Lược đồ hành chính Thành phố Hồ Chí Minh
2. Một số sự kiện lịch sử tiêu biểu
Đọc thông tin và quan sát các hình 3, 4, em hãy:
- Nêu một số sự kiện lịch sử tiêu biểu đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Kể lại một câu chuyện lịch sử được giới thiệu trong bài học.
Với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng như: Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, Khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975,...
Câu chuyện Lịch sử
NGUYỄN TẤT THÀNH RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC
Đầu thế kỉ XX, phong trào yêu nước ở Việt Nam có bước chuyển biến mới. Khác với các nhà yêu nước tiền bối hướng về Nhật Bản, Nguyễn Tất Thành lựa chọn sang phương Tây. Người muốn đến nước Pháp để tìm hiểu xem "nước Pháp và các nước khác làm thế nào, rồi sẽ trở về giúp đồng bào mình". Người vào Sài Gòn – nơi có thương cảng và nền kinh thế phát triển nhất trong xứ Đông Dương thuộc Pháp.
Với lòng yêu nước và ý chí quyết tâm tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành sẵn sàng làm những công việc nặng nhọc khác nhau như: phụ bếp, bồi bàn,...
Ngày 5 – 6 – 1911, trên con tàu mang tên Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin (Latouche Tréville), Nguyễn Tất Thành với tên gọi là Văn Ba đã rời Bến Nhà Rồng ra đi mang theo hoài bão tìm đường cứu nước, cứu dân.
(Theo Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh (Chủ biên),
Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Sđd)
Hình 3. Tàu Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin
XE TĂNG TIẾN VÀO DINH ĐỘC LẬP
Ngày 30 - 4 - 1975, Lữ đoàn xe tăng 203 tiến về Dinh Độc Lập. Xe tăng 390 tiến vào húc đổ cổng chính của Dinh, mở đường cho các xe khác thẳng tiến vào bên trong.
Đồng chí Bùi Quang Thận, chỉ huy xe tăng 843, trong tay cầm lá cờ cách mạng nhanh chóng lao lên các bậc thềm của toà nhà và cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập...
Đúng 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng kiêu hãnh tung bay trên nóc Dinh Độc Lập.
(Theo Tư liệu của Bảo tàng Quân sự Việt Nam)
Hình 4. Xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc lập
3. Trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục
Đọc thông tin và quan sát các hình từ 5 đến 9, hãy nêu những biểu hiện chứng tỏ Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá và giáo dục quan trọng của đất nước.
• Về kinh tế
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế hàng đầu của đất nước. Nơi đây tập trung rất nhiều khu công nghiệp lớn, khu công nghệ cao, nhiều ngân hàng và trung tâm tài chính lớn,...
Hình 5. Cảng biển quốc tế trong Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè
Hình 6. Một nhà máy trong Khu công nghệ cao ở Thành phố Hồ Chí Minh
• Về văn hoá – giáo dục
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai trung tâm giáo dục, khoa học và công nghệ lớn của đất nước với nhiều trường đại học và viện nghiên cứu,...
Hình 7. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Nơi đây cũng có nhiều di tích lịch sử – văn hoá, bảo tàng và các khu vui chơi giải trí lớn,...
Hình 8. Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
Hình 9. Một góc khu du lịch văn hoá Đầm Sen
LUYỆN TẬP
1. Lập và hoàn thiện bảng (theo gợi ý dưới đây) về những biểu hiện chứng tỏ Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục của đất nước.
TT | Lĩnh vực | Biểu hiện |
1 | Kinh tế | ? |
2 | Văn hoá | ? |
3 | Giáo dục | ? |
2. Hãy vẽ trục thời gian thể hiện một số sự kiện lịch sử tiêu biểu ở Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh được giới thiệu trong bài học.
VẬN DỤNG
Chọn một trong hai nhiệm vụ:
1. Viết một đoạn văn ngắn (5 – 7 câu) thể hiện mong muốn của em về Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai.
2. Đóng vai hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu về một di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh hoặc một địa danh của Thành phố Hồ Chí Minh mà em ấn tượng nhất (theo gợi ý dưới đây):
- Tên di tích/địa danh.
- Địa điểm.
- Nét nổi bật đặc sắc về di tích/địa danh đó.