Sau bài học này, em sẽ:
• Xác định được vị trí địa lí của vùng Tây Nguyên, các cao nguyên ở Tây Nguyên trên bản đồ hoặc lược đồ.
• Trình bày được một trong những đặc điểm thiên nhiên (ví dụ: địa hình, đất đai, khí hậu, rừng,...) của vùng Tây Nguyên.
• Nêu được nét điển hình của khí hậu thông qua đọc số liệu về lượng mưa, nhiệt độ của một địa điểm ở vùng Tây Nguyên.
• Nêu được vai trò của rừng đối với tự nhiên, hoạt động sản xuất và đời sống của người dân ở vùng Tây Nguyên.
• Đưa ra được một số biện pháp bảo vệ rừng ở Tây Nguyên.
KHỞI ĐỘNG
Các hình 1, 2 gợi cho em biết những điều gì về thiên nhiên vùng Tây Nguyên?
Hình 1. Cao nguyên Lâm Viên (tỉnh Lâm Đồng)
Hình 2. Voi ở Vườn quốc gia Yok Đôn (tỉnh Đắk Lắk)
KHÁM PHÁ
1. Vị trí địa lí
Đọc thông tin và quan sát hình 3, em hãy:
- Xác định vị trí của vùng Tây Nguyên trên lược đồ.
- Kể tên các vùng và quốc gia tiếp giáp với vùng Tây Nguyên.
Em có biết?
Xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) là nơi có cột mốc ngã ba biên giới giữa các nước: Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.
Vùng Tây Nguyên bao gồm năm tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Đây là vùng duy nhất của nước ta không giáp biển.
2. Đặc điểm thiên nhiên
a) Địa hình
Đọc thông tin, bảng 1 và quan sát hình 3, em hãy kể tên và chỉ trên lược đồ vị trí các cao nguyên ở vùng Tây Nguyên. Cho biết độ cao trung bình của các cao nguyên đó.
Vùng Tây Nguyên có địa hình cao, gồm các cao nguyên xếp tầng, cao ở phía đông và thấp dần về phía tây.
Hình 3. Lược đồ địa hình vùng Tây Nguyên
BẢNG 1. ĐỘ CAO TRUNG BÌNH CỦA CÁC CAO NGUYÊN
Ở VÙNG TÂY NGUYÊN
Cao nguyên | Kon Tum | Pleiku | Đắk Lắk | Mơ Nông | Lâm Viên | Di Linh |
Độ cao trung bình (m) | 500 | 800 | 500 | 800 | 1 500 | 1 000 |
b) Khí hậu
1. Dựa vào bảng 2, em hãy cho biết thời gian mùa mưa và thời gian mùa khô ở Buôn Ma Thuột.
2. Đọc thông tin, em hãy nêu đặc điểm chính của khí hậu ở vùng Tây Nguyên.
Vùng Tây Nguyên có nhiệt độ cao quanh năm, trung bình trên 20°C. Khí hậu của vùng có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Lượng mưa trong năm tập trung chủ yếu vào mùa mưa. Mùa khô xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
BẢNG 2. NHIỆT ĐỘ VÀ LƯỢNG MƯA TRUNG BÌNH THÁNG
Ở BUÔN MA THUỘT, TỈNH ĐẮK LẮK
Tháng | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
Nhiệt độ (°C) | 21 | 23 | 25 | 26 | 26 | 25 | 24 | 24 | 24 | 24 | 23 | 21 |
Lượng mưa (mm) | 7 | 6 | 28 | 86 | 242 | 236 | 246 | 315 | 347 | 203 | 106 | 26 |
(Nguồn: Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khí tượng thuỷ văn)
c) Đất
Đọc thông tin, em hãy cho biết tên và đặc điểm của loại đất chính ở vùng Tây Nguyên.
Vùng Tây Nguyên có đất đỏ badan là chủ yếu. Đất giàu chất dinh dưỡng, thích hợp để trồng các cây công nghiệp như: cà phê, hồ tiêu, cao su,...
d) Tài nguyên rừng
Đọc thông tin và quan sát các hình 4, 5, em hãy cho biết:
- Tên một số kiểu rừng ở vùng Tây Nguyên.
- Vai trò của rừng và một số biện pháp bảo vệ rừng.
- Tài nguyên rừng:
Vùng Tây Nguyên có diện tích rừng rộng lớn, gồm hai kiểu rừng chính: rừng rậm nhiệt đới và rừng rụng lá vào mùa khô (còn gọi là rừng khộp).
Rừng ở vùng Tây Nguyên có nhiều loại gỗ quý như trắc, hương, cẩm lai, gụ,... và nhiều cây thuốc có giá trị. Rừng là nơi sinh sống của nhiều loài thú lớn như voi, bò rừng....
Hình 4. Rừng rậm nhiệt đới (tỉnh Kom Tum)
Hình 5. Rừng khộp vào mùa khô (tỉnh Đắk Lắk)
- Vai trò của rừng:
+ Giúp giảm lũ lụt vào mùa mưa và giảm khô hạn vào mùa khô.
+ Cung cấp nhiều sản vật có giá trị như gỗ, dược liệu, thực phẩm,...
+ Góp phần phát triển du lịch.
- Bảo vệ rừng:
Rừng ở vùng Tây Nguyên do khai thác quá mức nên diện tích bị thu hẹp. Vì vậy, cần thực hiện các biện pháp để bảo vệ rừng như: trồng rừng và phục hồi rừng, thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, tuyên truyền và vận động người dân cùng tham gia bảo vệ rừng,...
LUYỆN TẬP
Trình bày một số đặc điểm địa hình, khí hậu ở vùng Tây Nguyên.
VẬN DỤNG
Sưu tầm hình ảnh về một số cảnh đẹp thiên nhiên ở vùng Tây Nguyên và chia sẻ với các bạn.