Sau bài học này, em sẽ:
• Xác định được một số công trình tiêu biểu: Khuê Văn Các, nhà bia Tiến sĩ, Văn Miếu, Quốc Tử Giám trên sơ đồ khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
• Đọc tư liệu lịch sử, mô tả được kiến trúc và chức năng của một trong các công trình: Văn Miếu, Quốc Tử Giám, nhà bia Tiến sĩ.
• Bày tỏ được cảm nghĩ về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.
• Đề xuất được ở mức độ đơn giản một số biện pháp để giữ gìn các di tích lịch sử.
KHỞI ĐỘNG
Năm 1999, Khuê Văn Các trong khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Chia sẻ hiểu biết của em về công trình kiến trúc này.
Hình 1. Khuê Văn Các
KHÁM PHÁ
1. Tìm hiểu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám
1. Xác định vị trí của một số công trình kiến trúc tiêu biểu trong khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trên sơ đồ hình 2.
2. Đọc thông tin và quan sát các hình từ 3 đến 5, em hãy:
- Mô tả kiến trúc, chức năng của một trong những công trình: Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Bia Tiến sĩ.
- Nêu ý nghĩa của việc ghi danh những người đỗ Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội được bắt đầu xây dựng từ thời nhà Lý.
1. Cổng Văn Miếu
2. Khuê Văn Các
3. Bia Tiến sĩ
4. Khu Đại Thành
5. Khu Thái Học
Hình 2. Sơ đồ một số di tích trong khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Văn Miếu gồm các công trình tiêu biểu: cổng Văn Miếu, Khuê Văn Các, nhà bia Tiến sĩ, khu Đại Thành,... Đây là nơi thờ Khổng Tử và các học trò của ông.
Quốc Tử Giám ở phía sau Văn Miếu, là khu Thái Học gồm nhà Tiền Đường và nhà Hậu Đường. Đây là nơi học tập của các hoàng tử, con gia đình quý tộc, quan lại và những người giỏi trong nước.
Hình 3. Điện Đại Thành
Em có biết?
Ngày nay, nhà Tiền Đường là nơi trưng bày các hiện vật liên quan đến truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Nhà Hậu Đường có hai tầng: tầng một là nơi thờ Chu Văn An; tầng hai là nơi thờ vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông.
Hình 4. Nhà Tiền Đường
Ở Văn Miếu còn có 82 tấm bia đá khắc tên những người đỗ Tiến sĩ thời Hậu Lê và thời Mạc. Việc dựng bia ghi danh những người đỗ đạt nhằm khuyến khích tinh thần hiếu học trong nhân dân.
Hình 5. Một bia Tiến sĩ trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám
TƯ LIỆU. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”.
(Theo Văn bia Hà Nội, Tập 1, NXB Khoa học xã hội, 1998)
Em có biết?
Năm 2010, Bia Tiến sĩ được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới. Năm 2012, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
2. Giữ gìn và phát huy giá trị của Văn Miếu – Quốc Tử Giám
1. Đọc thông tin và quan sát các hình 6, 7, em hãy kể tên một số hoạt động được tổ chức ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc.
2. Theo em, cần làm gì để giữ gìn và phát huy giá trị di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám?
Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi để tìm hiểu và tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc.
Hình 6. Học sinh tham gia cuộc thi Trạng nguyên nhỏ tuổi tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Hình 7. Học sinh tham quan, học tập tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Các công việc bảo tồn, tu bổ, tuyên truyền, quảng bá về khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn được chú trọng, nhằm bảo vệ, lưu giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của khu di tích này.
LUYỆN TẬP
1. Lập và hoàn thiện bảng (theo gợi ý dưới đây) về các công trình tiêu biểu của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Tên công trình | Chức năng |
Văn Miếu | ? |
Quốc Tử Giám | ? |
Bia Tiến sĩ | ? |
2. Đề xuất một số việc nên làm và không nên làm để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
VẬN DỤNG
Chọn một trong hai nhiệm vụ:
1. Đóng vai là hướng dẫn viên du lịch, hãy giới thiệu với bạn về khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. -
2. Hãy chia sẻ cảm nghĩ của em về truyền thống hiếu học của dân tộc sau khi tìm hiểu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám.