Sau bài học này, em sẽ:
• Xác định được vị trí địa lí của vùng Nam Bộ, một số con sông lớn của vùng Nam Bộ trên bản đồ hoặc lược đồ.
• Quan sát lược đồ hoặc bản đồ, trình bày được một trong những đặc điểm thiên nhiên (ví dụ: địa hình, khí hậu, đất và sông ngòi,...) ở vùng Nam Bộ.
• Nêu được ảnh hưởng của môi trường thiên nhiên đến sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng Nam Bộ.
KHỞI ĐỘNG
“Tháp Mười nước mặn, đồng chua
Nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng”
(Ca dao)
Tháp Mười là một địa danh ở vùng Nam Bộ. Em hãy cho biết câu ca dao trên nói lên điều gì về thiên nhiên vùng Nam Bộ.
KHÁM PHÁ
1. Vị trí địa lí
Đọc thông tin và quan sát hình 1, em hãy:
- Chỉ vị trí của vùng Nam Bộ trên lược đồ.
- Kể tên các vùng, quốc gia tiếp giáp với vùng Nam Bộ.
Vùng Nam Bộ nằm ở phía nam của đất nước, gồm: Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ (còn gọi là đồng bằng sông Cửu Long). Vùng Nam Bộ có vùng biển rộng lớn, nhiều tiềm năng.
Hình 1. Lược đồ địa hình vùng Nam Bộ
2. Đặc điểm thiên nhiên
a) Địa hình
Đọc thông tin và quan sát hình 1, em hãy:
- Xác định trên lược đồ vị trí của đỉnh núi Bà Đen và các vùng trũng: Đồng Tháp Mười, Kiên Giang, Cà Mau.
- Cho biết độ cao chủ yếu của vùng Nam Bộ.
Vùng Nam Bộ chủ yếu có địa hình đồng bằng, thấp, tương đối bằng phẳng (trừ phần phía bắc của Đông Nam Bộ có địa hình đồi núi thấp).
Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều vùng trũng dễ ngập nước như Đồng Tháp Mười và một số nơi ở tỉnh Kiên Giang, Cà Mau.
Em có biết?
Cụm núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) gồm ba ngọn núi tạo thành: núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen. Trong đó, đỉnh núi Bà Đen (986 m) là đỉnh núi cao nhất Nam Bộ.
Hình 2. Núi Bà Đen
Hình 3. Một góc đồng bằng sông Cửu Long
b) Khí hậu
Đọc thông tin, em hãy nêu đặc điểm chính của khí hậu ở vùng Nam Bộ.
Vùng Nam Bộ có nhiệt độ cao, trung bình trên 27°C. Khí hậu chia thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Mùa khô thường mưa ít, gây ra tình trạng thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất.
c) Sông ngòi
Đọc thông tin và quan sát hình 1, em hãy:
- Kể tên và chỉ một số sông lớn ở vùng Nam Bộ trên lược đồ.
- Nêu đặc điểm của sông ngòi ở vùng Nam Bộ.
Em có biết?
Sông Mê Công chảy về đồng bằng sông Cửu Long chia thành hai nhánh lớn là sông Tiền và sông Hậu. Trước kia sông đổ ra Biển Đông qua chín cửa nên còn được gọi là sông Cửu Long (chín con rồng), hiện nay một cửa sông (Bát Xắc) đã không còn do phù sa bồi lấp.
Vùng Nam Bộ có hệ thống sông ngòi dày đặc. Một số sông lớn là sông Đồng Nai (Đông Nam Bộ), sông Tiền, sông Hậu (đồng bằng sông Cửu Long),... Sông ngòi là nguồn cung cấp nước, phù sa, thuỷ sản và là đường giao thông quan trọng của vùng.
d) Đất
Đọc thông tin, em hãy cho biết:
- Tên các loại đất chính ở vùng Nam Bộ.
- Các loại đất đó phù hợp để trồng loại cây nào.
Vùng Nam Bộ có hai loại đất chính. Đất badan (có nhiều ở Đông Nam Bộ) thích hợp để trồng các loại cây công nghiệp như cao su, điều, hồ tiêu,... Đất phù sa (ở các khu vực đồng bằng) thích hợp để trồng lúa, rau, cây ăn quả,...
3. Ảnh hưởng của môi trường thiên nhiên đến sản xuất và sinh hoạt của người dân
Đọc thông tin và quan sát các hình từ 4 đến 7, em hãy cho biết môi trường thiên nhiên có ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng Nam Bộ.
Môi trường thiên nhiên của vùng Nam Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các hiện tượng như: lũ lụt; sạt lở đất ven sông, ven biển; đất bị nhiễm mặn; thiếu nước vào mùa khô;... gây nhiều khó khăn cho người dân.
Hình 4. Rừng trồng cao su (tỉnh Bình Phước)
Hình 5. Bè nuôi cá ven biển (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)
Hình 6. Sạt lở đất ven sông (tỉnh An Giang)
Hình 7. Kênh bị cạn nước vào mùa khô (tỉnh Tiền Giang)
LUYỆN TẬP
Vẽ sơ đồ tư duy về đặc điểm thiên nhiên vùng Nam Bộ.
VẬN DỤNG
Đề xuất một số biện pháp khắc phục khó khăn của môi trường thiên nhiên đối với sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng Nam Bộ.