(Trang 99)
Học xong bài này, em sẽ:
- Kể được tên một số dân tộc ở vùng Nam Bộ.
- Xác định được trên bản đồ hoặc lược đồ vùng Nam Bộ sự phân bố một số ngành công nghiệp, cây trồng, vật nuôi.
- Trình bày được một số hoạt động sản xuất của người dân ở vùng Nam Bộ.
- Mô tả được sự chung sống hài hoà với thiên nhiên của người dân thông qua một số nét văn hoá tiêu biểu.
- Nêu được truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng của đồng bào Nam Bộ, có sử dụng một số tư liệu tranh ảnh, câu chuyện lịch sử về một số nhân vật tiêu biểu của Nam Bộ.
Nam Bộ là nơi có nền văn hoá mang đậm dấu ấn của vùng sông nước. Đây là vựa lúa, vựa trái cây và thuỷ sản lớn nhất cả nước. Người dân nơi đây giàu truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng. Hãy kể tên một số nhân vật lịch sử tiêu biểu, một số nét văn hoá hoặc sản phẩm nông nghiệp của vùng đất này. |
1 Dân cư
Đọc thông tin và kết hợp với hiểu biết của bản thân, em hãy:
|
Các dân tộc sinh sống ở vùng Nam Bộ là: Kinh, Khơ-me, Chăm, Hoa,... Vùng Nam Bộ có số dân nhiều nhất so với các vùng khác của nước ta. Trong vùng, dân cư phân bố không đều, tập trung ở các đô thị và dải đất phù sa ven sông Tiền, sông Hậu.
Em có biết?
Trang phục truyền thống của người dân Nam Bộ là bộ quần áo bà ba và chiếc khăn rằn. Đây là trang phục mang đậm nét đặc trưng của người dân vùng sông nước.
Hình 1. Trang phục truyền thống của người dân Nam Bộ
(Trang 100)
2 Hoạt động sản xuất
Sản xuất công nghiệp
?
Đọc thông tin và quan sát hình 2, em hãy:
- Kể tên một số ngành công nghiệp ở vùng Nam Bộ và nêu sự phân bố của chúng.
- Giải thích vì sao Nam Bộ trở thành vùng sản xuất công nghiệp lớn nhất nước ta.
Hình 2. Lược đồ công nghiệp vùng Nam Bộ
Nam Bộ có nguồn nguyên liệu và lao động dồi dào, lại được đầu tư xây dựng nhiều nhà máy nên đã trở thành vùng sản xuất công nghiệp lớn nhất nước ta. Nơi đây có nhiều trung tâm công nghiệp lớn như: Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Biên Hoà, Cần Thơ,... và nhiều ngành công nghiệp.
Giới thiệu hình ảnh về một số ngành công nghiệp ở vùng Nam Bộ mà em đã sưu tầm. |
(Trang 101)
Sản xuất nông nghiệp
? Quan sát hình 3, em hãy kể tên một số cây trồng, vật nuôi ở vùng Nam Bộ và chỉ sự phân bố của chúng trên lược đồ. |
Sản xuất nông nghiệp của vùng Nam Bộ rất đa dạng với nhiều sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước. Nam Bộ là vùng sản xuất lúa, trồng cây ăn quả và nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất nước ta. Đây cũng là vùng trồng nhiều cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu như: cao su, hồ tiêu, điều,... và nuôi nhiều vịt, gà, lợn.
Hình 3. Lược đồ nông nghiệp vùng Nam Bộ
Sản xuất lúa
Đọc thông tin và quan sát hình 3, em hãy:
- Nêu tên những tỉnh trồng nhiều lúa ở vùng Nam Bộ.
- Giải thích vì sao vùng Nam Bộ trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước.
(Trang 102)
Nhờ có diện tích đồng bằng lớn, đất đai màu mỡ, khí hậu nóng ẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất,... nên vùng Nam Bộ đã trở thành vựa lúa lớn nhất cả nước với chất lượng gạo ngày càng tăng. Gạo nơi đây cung cấp cho nhiều nơi trong nước và xuất khẩu. Phần lớn gạo xuất khẩu nước ta là do vùng Nam Bộ cung cấp.
Nuôi trồng thuỷ sản
? Đọc thông tin và quan sát các hình 3, 4, 5, em hãy:
|
Do có vùng biển rộng, mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhiều vùng đất ngập nước, người dân nhiều kinh nghiệm và năng động,... nên Nam Bộ là vùng nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất cả nước. Nghề nuôi tôm, cá,... phát triển mạnh. Thuỷ sản nơi đây được tiêu thụ ở nhiều nơi trong nước và xuất khẩu.
Hình 4. Nuôi cá tra (tỉnh An Giang)
Hình 5. Nuôi tôm (tỉnh Kiên Giang)
3 Một số nét văn hoá
Nhà ở và phương tiện đi lại
? Đọc thông tin, quan sát hình 6 và kết hợp vốn hiểu biết của bản thân, em hãy cho biết:
|
(Trang 103)
Trước kia ở Tây Nam Bộ, người dân thường làm nhà dọc theo các sông ngòi, kênh rạch để tiện cho việc sinh hoạt. Nhà ở đơn sơ, thoáng mát. Xuồng, ghe là phương tiện đi lại phổ biến của người dân nơi đây. Còn Đông Nam Bộ là vùng đất cao, nhiều rừng rậm nhiệt đới có thú dữ nên nhà ở thường làm chắc chắn hơn để sống an toàn.
Hình 6. Nhà ở và phương tiện đi lại của người dân Tây Nam Bộ
Ngày nay, diện mạo làng quê ở vùng Nam Bộ đã có nhiều thay đổi. Nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang được xây dựng. Đường sá, phương tiện giao thông ngày càng đa dạng và hiện đại hơn. Đời sống mọi mặt của người dân đang được nâng cao.
Chợ nổi trên sông
? Đọc thông tin, quan sát hình 7 và kết hợp vốn hiểu biết của bản thân, em hãy mô tả về chợ nổi trên sông. |
Chợ nổi là nét văn hoá đặc thù của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Chợ nổi thường họp ở những đoạn sông thuận tiện cho việc đi lại bằng xuồng, ghe từ nhiều nơi đến. Chợ thường nhộn nhịp nhất vào buổi sáng. Ngay từ sáng sớm, việc mua bán đã diễn ra tấp nập. Các mặt hàng như: rau, quả, thịt, cá, quần áo,... đều có thể mua bán trên xuồng, ghe.
Hình 7. Chợ nổi (tỉnh Sóc Trăng)
(Trang 104)
4 Truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng của đồng bào Nam Bộ
?
|
Trong lịch sử đấu tranh yêu nước và cách mạng, người dân Nam Bộ luôn thể hiện tinh thần yêu nước, khí phách anh hùng với những tấm gương tiêu biểu như: Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thị Định,...
Trương Định – “Bình Tây Đại nguyên soái"
Trương Định (1820 – 1864) sinh ra ở Quảng Ngãi, lớn lên ở Tiền Giang. Ông là người lãnh đạo phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân ở ba tỉnh miền Đông Nam Kì.
Năm 1862, sau khi kí kết hiệp ước Nhâm Tuất, triều đình hạ lệnh cho Trương Định phải bãi bình. Đứng giữa hai lựa chọn: ở lại cùng nhân dân chiến đấu hoặc thuận theo ý vua, nhận chức mới và bãi binh, Trương Định đã cởi bỏ áo quan, quyết tâm ở lại cùng nhân dân chống Pháp. Dân chúng vô cùng mừng rỡ, suy tôn ông là “Bình Tây Đại nguyên soái". (Theo Nguyễn Thế Hoàn, Lê Thuý Mùi, Những mẩu chuyện lịch sử, Quyền 2, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2011, tr. 147 – 149) |
Hình 8. Nhân dân Gò Công
suy tôn Trương Định làm "Bình Tây Đại Nguyên Soái"
(tranh vẽ trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Nguyễn Trung Trực - người anh hùng trên sông Nhật Tảo
Nguyễn Trung Trực (1838-1868), sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới trên sông Vàm Cỏ (tỉnh Long An). Khi Pháp tấn công thành Gia Định, ông đã tham gia kháng chiến và lập nhiều chiến công vang dội.
Hình 9. Tem kì niệm 150 năm ngày mất của Nguyễn Trung Trực
Sáng ngày 10-12-1861, quân Pháp cho tàu chiến Ét-pê-răng (Espérance - Hy Vọng) đi tuần trên sông Vàm Cỏ Đông. Sau khi bố trí lực lượng phục kích trên bờ và dụ một bộ phận quân Pháp rời khỏi tàu, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân lên hai chiếc ghe nhỏ giả làm thuyền buôn lúa tiến sát tàu địch, rồi bất ngờ nhảy lên tiêu diệt lính gác. Sau đó, nghĩa quân đổ dầu, châm lửa đốt cháy tàu. Không kịp trở tay, toàn bộ lính Pháp bị tiêu diệt. Tàu Hy Vọng – “pháo đài nổi của quân Pháp đã chìm xuống đáy sông. Khi bị bắt và đưa ra hành hình, Nguyễn Trung Trực đã nhìn đồng bào rồi dõng dạc hô lớn "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây". (Theo Nguyễn Thế Hoàn, Lê Thuý Mùi, Những mẫu chuyện lịch sử, Quyển 2, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2011, tr. 144 – 145) |
Nguyễn Thị Định – nữ tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam
Nguyễn Thị Định (1920 – 1992) sinh ra và lớn lên ở Bến Tre, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi.
Năm 1960, ở miền Nam bùng lên phong trào "Đồng khởi" chống lại ách cai trị của chế độ Mỹ - Diệm. Nguyễn Thị Định đã lãnh đạo “Đội quân tóc dài đấu tranh đòi chính quyền Ngô Đình Diệm chấm dứt việc tàn phá xóm làng, bắn giết người vô tội. “Đội quân tóc dài” chính là biểu tượng sinh động cho truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc Việt Nam. Năm 1974, Nguyễn Thị Định được phong quân hàm Thiếu tướng và là vị nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hình 10. Nguyễn Thị Định (Theo Nguyễn Thế Hoàn, Lê Thuý Mùi, Những mẫu chuyện lịch sử, Quyển 3, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2011, tr. 113-114) |
(Trang 105)
1. Hãy nêu những ví dụ cho thấy người dân Nam Bộ đã biết cách chung sống hài hoà với thiên nhiên.
2. Em hãy hoàn thành bảng sau vào vở.
Hoạt động sản xuất của vùng Nam Bộ | Điều kiện phát triển |
Sản xuất lúa | ? |
Sản xuất công nghiệp | ? |
Nuôi trồng thuỷ sản | ? |
3. Giới thiệu một nhân vật lịch sử tiêu biểu mà em biết trong phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng của đồng bào Nam Bộ theo gợi ý: tiểu sử, chiến công, điều em học được từ nhân vật.
1. Lựa chọn một trong hai nhiệm vụ dưới đây:
a) Làm một áp phích giới thiệu về hoạt động sản xuất của người dân ở vùng Nam Bộ theo gợi ý sau:
- Lựa chọn một hoạt động sản xuất ở vùng Nam Bộ. - Tìm và chọn lọc thông tin, tranh ảnh về hoạt động sản xuất mà em chọn. - Sắp xếp tranh ảnh, thông tin vào áp phích để giới thiệu về hoạt động sản xuất đó. - Trang trí và hoàn thiện áp phích. |
b) Tìm hiểu một chợ nổi ở vùng Nam Bộ. Đóng vai hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về chợ nổi đó.
2. Việc lấy tên các nhân vật lịch sử (Nguyễn Trung Trực, Trương Định, Nguyễn Thị Định,...) đặt tên cho đường phố, trường học có ý nghĩa như thế nào?