(Trang 52)
Học xong bài này, em sẽ:
- Xác định được một số công trình tiêu biểu: Khuê Văn Các, Nhà bia Tiến sĩ, Văn Miếu, Quốc Tử Giám trên sơ đồ khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám.
- Đọc tư liệu lịch sử, mô tả được kiến trúc và chức năng của một trong các công trình Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Nhà bia Tiến sĩ.
- Bày tỏ được cảm nghĩ về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.
- Đề xuất được ở mức độ đơn giản một số biện pháp để giữ gìn các di tích lịch sử.
Trong Luật Thủ đô (năm 2012), Khuê Văn Các tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Vì sao Khuê Văn Các lại được chọn làm biểu tượng của Thủ đô Hà Nội? Ngoài Khuê Văn Các, Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn có những công trình tiêu biểu nào khác? Hình 1. Biểu tượng của Thủ đô Hà Nội |
1 Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám
? Đọc thông tin và quan sát hình 2, em hãy xác định một số công trình tiêu biểu của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Di tích lịch sử và kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những di tích Quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Quần thể khu di tích gồm có Hồ Văn, khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám và vườn Giám.
(Trang 53)
Khuê Văn Các
Nhà bia Tiến sĩ
Cổng Đại Thành
Khu Đại Thành
Cổng Đại Trung
Cổng văn Miếu
Cổng Thái Học
Khu Thái Học
Hình 2. Sơ đồ khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn Miếu
? Đọc thông tin và quan sát hình 3, em hãy mô tả kiến trúc và chức năng của một trong các công trình trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Năm 1070, vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu để thờ Khổng Tử và các nhà nho có công trong việc phát triển Nho giáo. Văn Miếu gồm các công trình kiến trúc tiêu biểu như: Cổng Văn Miếu, Cổng Đại Trung, Khuê Văn Các, Nhà bia Tiến sĩ, Cổng Đại Thành, Khu Đại Thành.
Khuê Văn Các
Khuê Văn Các được xây dựng năm 1805, có kiến trúc độc đáo và thanh thoát, xung quanh trang trí phù điêu rồng với hoa lá. Tầng trên có kiến trúc mái gỗ, lợp ngói ống; lan can bằng gỗ. Cửa sổ tròn với các thanh gỗ toả ra bốn phía, tượng trưng cho sao Khuê. Bốn mặt của Khuê Văn Các có câu đối ca ngợi nền văn hoá dân tộc.
(Trang 54)
Nhà bia Tiến sĩ
Văn Miếu có 82 tấm bia tiến sĩ (tương ứng với 82 khoa thi) được dựng từ năm 1484 đến năm 1780. Nội dung các tấm bia ghi tên, quê quán, khoa thi của 1 304 tiến sĩ. Các nhà che bia làm bằng khung gỗ, lợp ngói mũi hài, nền lát gạch.
Nhà bia Tiến sĩ thể hiện sự tôn vinh người hiền tài và truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.
Em có biết?
Tháng 7-2011, 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO ghi danh là Di sản Tư liệu Thế giới trên phạm vi toàn cầu. Tháng 1-2015, 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Hình 3. Bia Tiến sĩ
Quốc Tử Giám
Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho xây dựng Quốc Tử Giám phía sau Văn Miếu để làm nơi học tập của các hoàng tử và con của các quan đại thần. Đến thời Trần, Quốc Tử Giám còn nhận cả con nhà dân thường học giỏi vào học. Quốc Tử Giám có các công trình như: Cổng Thái Học, Khu Thái Học, Lầu Chuông, Lầu Trống.
Dưới thời vua Lê Thánh Tông, Văn Miếu – Quốc Tử Giám được trùng tu và mở rộng: Làm điện Đại Thành ở Văn Miếu cùng nhà đông vu, tây vu, điện Canh Phục, kho chứa ván in và đồ tế lễ, nhà Minh Luân, giảng đường đông tây, nhà bia đông tây, phòng học của học sinh, xung quanh xây tường bao.
(Theo Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Hậu Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2,
NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.493)
(Trang 55)
2 Một số biện pháp giữ gìn khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám
? Đọc thông tin và quan sát hình 4, hãy cho biết những biện pháp nào đã được thực hiện để giữ gìn khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Trải qua thời gian, do tác động của môi trường và con người, khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám dần bị xuống cấp. Để giữ gìn khu di tích Quốc gia đặc biệt này, Nhà nước đã đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo. Cơ quan quản lí Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền đến khách tham quan về trách nhiệm bảo vệ môi trường, không xâm phạm hiện vật, tổ chức các chương trình giáo dục di sản cho học sinh.
Hình 4. Tìm hiểu về di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và lịch sử Thăng Long – Hà Nội
1. Chức năng của Quốc Tử Giám khác Văn Miếu ở những điểm nào? 2. Hãy đề xuất một số biện pháp để giữ gìn các di tích lịch sử. |
Hãy nêu cảm nghĩ của em về truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam sau khi tìm hiểu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám. |