Trang 15
1. KHÁI NIỆM LUẬT DOANH NGHIỆP
Điều chỉnh các quan hệ kinh doanh ở nước ta có nhiều đạo luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư,... Khác với những đạo luật khác trong lĩnh vực này, Luật Doanh nghiệp
Trang 16
hướng dẫn cho các chủ thể cách thức, trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp hoặc tham gia góp vốn, mua cổ phần hoặc mua phần vốn góp vào một doanh nghiệp nào đó; quy định về các loại hình doanh nghiệp để các nhà đầu tư có thể lựa chọn cho phù hợp với khả năng và mục đích kinh doanh của mình; quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp và các hành vi bị nghiêm cấm nhằm giúp doanh nghiệp có thể xác định những hành vi được phép thực hiện, những hành vi bắt buộc phải thực hiện và những hành vi không được thực hiện trong quá trình kinh doanh, từ đó các doanh nghiệp có thể cân nhắc, lựa chọn và thực hiện hành vi kinh doanh của mình một cách hợp pháp; quy định về mô hình tổ chức quản lí của từng loại hình doanh nghiệp, về việc tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp.
Câu hỏi
Dựa vào thông tin trên, em hãy xác định mục tiêu và phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp là tổng thể các quy phạm pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, các loại hình doanh nghiệp, việc thành lập, tổ chức quản lí, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp. |
2. MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP
a) Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp
Quyền của doanh nghiệp được quy định tại Điều 7 của Luật Doanh nghiệp năm 2020, theo đó, doanh nghiệp có các quyền sau:
Quyền tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm, tức là doanh nghiệp có thể kinh doanh bất cứ ngành, nghề nào trừ những ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh. Ví dụ: kinh doanh các chất ma tuý, kinh doanh pháo nổ, kinh doanh mại dâm,... là không được phép. Doanh nghiệp có quyền tự chủ kinh doanh, lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh và chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn và hình thức kinh doanh. Doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh theo khả năng và mục đích của mình mà không bị ai can thiệp; có quyền chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh. Đối với nguồn vốn phục vụ kinh doanh thì doanh nghiệp có quyền lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn, ví dụ: có thể vay ngân hàng, có thể bán cổ phần,... Doanh nghiệp có quyền tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và kí kết hợp đồng ở trong nước hoặc nước ngoài, có quyền tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp và được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ,...
Trang 17
Nghĩa vụ của doanh nghiệp được quy định tại Điều 8 Luật Doanh nghiệp năm 2020, theo đó, doanh nghiệp có các nghĩa vụ cơ bản sau:
Phải đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài... Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lí do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ của cộng đồng. Ví dụ, việc đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng... phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện do pháp luật quy định. Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng kí doanh nghiệp, đăng kí thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp; phải công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; phải tổ chức công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật; không phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không được ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kĩ năng nghề; thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Các hành vi bị cấm đối với các chủ thể bao gồm: hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng kí hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp đang bị tạm dừng hoạt động kinh doanh; kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng kí doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng kí thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp; kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng kí; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị; kinh doanh các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; kinh doanh ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố (Điều 16 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp đều được hưởng các quyền và đều phải thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ của mình, đều không được thực hiện những hành vi bị cấm. Doanh nghiệp nào không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện những hành vi bị cấm thì bị coi là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.
Trang 18
Trường hợp B là một doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở tỉnh C. Trong quá trình khai thác loại khoáng sản được phép, doanh nghiệp này đã khai thác và sử dụng một loại khoáng sản khác đi kèm với loại khoáng sản được phép khai thác mà không xin phép và báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. |
Câu hỏi
Hành vi khai thác và sử dụng loại khoáng sản đi kèm với loại khoáng sản được phép khai thác của Doanh nghiệp B trong trường hợp trên có phải là vi phạm pháp luật không? Vì sao?
Quyền của doanh nghiệp: Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; có quyền tự chủ kinh doanh, chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động quyết định quy mô và ngành nghề kinh doanh; có quyền tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và kí kết hợp đồng; tự mình quyết định việc tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật,... Nghĩa vụ của doanh nghiệp: Doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ do pháp luật quy định; phải thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng kí doanh nghiệp, đăng kí thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp; phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật... và không thực hiện những hành vi bị pháp luật cấm. |
b) Các loại hình doanh nghiệp
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, các loại hình doanh nghiệp ở nước ta hiện nay gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Các loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần thì vừa có doanh nghiệp không phải của nhà nước vừa có doanh nghiệp nhà nước.
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên Là doanh nghiệp có từ 2 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp (Điều 46). Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng kí thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty. Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng kí thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được |
Trang 19
cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp,... Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỉ lệ phần vốn góp đã cam kết (Điều 47). Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là doanh nghiệp nhà nước.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty (Điều 74). Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng kí thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty. Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng kí thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp,...Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ theo quy định tại Điều này (Điều 75). Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là doanh nghiệp nhà nước. |
Công ty cổ phần Là doanh nghiệp, trong đó: Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 3 và không hạn chế số lượng tối đa; Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này. Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng kí thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng kí mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Công ty cổ phần là doanh nghiệp nhà nước khi Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. |
Trang 20
Công ty hợp danh Là doanh nghiệp, trong đó, phải có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn; Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty (Điều 177). Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết. Thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty (Điều 178). |
Doanh nghiệp tư nhân Là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần (Điều 188). Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng kí. |
Trường hợp Tổ chức A cùng với ông B, bà C, bà D và ông E cùng góp vốn thành lập Công ty S với tỉ lệ vốn góp như sau: tổ chức A góp 40%, ông B góp 20%, bà C góp 20%, bà D góp 10% và ông E góp 10% vốn điều lệ của công ty. Cả năm thành viên này đều đã góp vốn cho công ty theo đúng thời hạn luật định và có các quyền, nghĩa vụ tương ứng với tỉ lệ phần vốn góp đã cam kết. |
Câu hỏi
1/ Em hãy cho biết, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khác nhau ở những điểm cơ bản nào? Vì sao?
2/ Công ty S được nêu trong trường hợp trên thuộc loại hình doanh nghiệp nào? Vì sao?
Trang 21
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên có các quyền, nghĩa vụ tương ứng với tỉ lệ phần vốn góp, phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Công ty trách nhiệm hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước khi Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Công ty trách nhiệm một thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước khi Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Công ty cổ phần là doanh nghiệp trong đó vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần, người sở hữu cổ phần gọi là cổ đông; cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 3 và không hạn chế số lượng tối đa. Công ty cổ phần là doanh nghiệp nhà nước khi Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Công ty hợp danh là doanh nghiệp trong đó phải có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (gọi là thành viên hợp danh), ngoài ra có thể có thêm thành viên góp vốn; thành viên hợp danh phải là cá nhân, thành viên góp vốn có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. |
c) Thành lập, tổ chức và quản lí doanh nghiệp
Thành lập doanh nghiệp là hoạt động do nhà đầu tư tiến hành trên cơ sở quy định của pháp luật về hình thức pháp lí của doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, cách thức góp vốn, tổ chức quản lí doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, người đầu tư thành lập doanh nghiệp,...
Điều kiện để thành lập doanh nghiệp gồm các điều kiện về vốn, ngành nghề kinh doanh, chủ thể, hồ sơ và lệ phí.
Điều kiện về vốn Là điều kiện vật chất cần thiết để doanh nghiệp ra đời và hoạt động như nhà xưởng, kho bãi, văn phòng, máy móc thiết bị,... được thể hiện qua vốn đầu tư thành lập doanh nghiệp được gọi là vốn điều lệ do các nhà đầu tư góp vốn ở dạng tiền mặt, hiện vật hoặc tài sản khác. Quy mô vốn điều lệ là do nhà đầu tư |
Trang 22
tự quyết định, pháp luật không quy định. Tuy nhiên, trong một số ngành, nghề nhất định như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng,... để bảo đảm điều kiện vật chất cho hoạt động kinh doanh diễn ra an toàn, pháp luật mới quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu cần đáp ứng để thành lập doanh nghiệp được gọi là mức vốn pháp định, theo đó, vốn điều lệ của doanh nghiệp phải bảo đảm từ mức vốn pháp định trở lên. Nhà đầu tư phải bảo đảm mức vốn này từ khi thành lập và phải duy trì trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. |
Điều kiện về chủ thể Chủ thể đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp phải là tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận là có quyền thành lập doanh nghiệp, không thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Chủ thể có quyền thành lập doanh nghiệp là cá nhân thì phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân. |
Điều kiện về ngành, nghề kinh doanh Doanh nghiệp chỉ được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp khi ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề bị cấm kinh doanh. Điều kiện về tên doanh nghiệp: Tên doanh nghiệp phải thể hiện rõ loại hình doanh nghiệp, ví dụ, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn,... Bộ phận tên riêng của doanh nghiệp không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng kí hoặc lạm dụng tên của cơ quan, tổ chức khác. |
Điều kiện về hồ sơ và lệ phí Để được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng kí doanh nghiệp hợp lệ cho Cơ quan đăng kí kinh doanh và nộp đủ lệ phí thành lập doanh nghiệp. |
Trình tự, thủ tục đăng kí doanh nghiệp: Đăng kí doanh nghiệp là việc người thành lập doanh nghiệp đăng kí thông tin về doanh nghiệp dự kiến thành lập và việc doanh nghiệp đăng kí những thay đổi hoặc dự kiến thay đổi trong thông tin về đăng kí doanh nghiệp với Cơ quan đăng kí kinh doanh.
Đăng kí thành lập doanh nghiệp là thủ tục hành chính bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp được thực hiện tại Cơ quan đăng kí kinh doanh.
Các bước cơ bản để đăng kí thành lập doanh nghiệp gồm:
Bước 1: Nhà đầu tư hoặc đại diện của nhà đầu tư chuẩn bị bộ hồ sơ hợp lệ (gồm một số loại giấy tờ bắt buộc phải có tuỳ theo từng loại hình doanh nghiệp) và nộp cho cơ quan đăng kí kinh doanh theo phương thức trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua mạng thông tin điện tử (Điều 26).
Trang 23
Bước 2: Cơ quan đăng kí kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ và đối chiếu với các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, sau đó quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp.
Bước 3: Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp phải thông báo công khai thông tin về doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp.
Trường hợp Tổ chức X cùng với ông M và bà N đã thoả thuận kết hợp với nhau theo tư cách là những cổ đông sáng lập để thành lập Công ty cổ phần K nhằm kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Sau một thời gian kinh doanh, với mong muốn có thể bảo đảm sự chủ động trong việc cung cấp nguyên liệu chế biến nên công ty này đã bổ sung thêm ngành nuôi trồng thuỷ sản. |
Câu hỏi
1/ Theo em, muốn được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, Công ty cổ phần K phải đáp ứng những điều kiện gì? Vì sao?
2/ Hãy giới thiệu trình tự, thủ tục đăng kí doanh nghiệp của Công ty cổ phần K.
3/ Khi bổ sung thêm ngành nuôi trồng thuỷ sản, Công ty cổ phần K cần phải tiến hành thủ tục gì? Nêu cụ thể các thủ tục đó.
Điều kiện để thành lập doanh nghiệp gồm các điều kiện về vốn, về chủ thể, về ngành nghề kinh doanh, về hồ sơ và lệ phí. Trình tự, thủ tục đăng kí doanh nghiệp gồm các bước cơ bản sau: Nhà đầu tư chuẩn bị bộ hồ sơ hợp lệ và nộp cho Cơ quan đăng kí kinh doanh; Cơ quan đăng kí kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp; thông báo công khai thông tin về doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể thay đổi nội dung đăng kí doanh nghiệp song phải đăng kí và thông báo về sự thay đổi đó theo quy định của pháp luật. |
Tổ chức và quản lí doanh nghiệp: Mỗi doanh nghiệp đều có một bộ máy tổ chức quản lí để quản lí và điều hành các hoạt động của doanh nghiệp.
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên Do Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc quản lí và điều hành. Hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của công ty, bao gồm tất cả thành viên công ty là cá nhân và người đại diện theo uỷ quyền của thành viên công ty là tổ chức. Hội đồng thành viên có các quyền và nghĩa vụ như: Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch |
Trang 24
kinh doanh hằng năm của công ty quyết định tăng hoặc giảm vốn điều lệ, quyết định thời điểm và phương thức huy động thêm vốn quyết định tổ chức lại công ty, giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, kí và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên và người quản lí khác quy định tại Điều lệ công tỵ... Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc là người điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty, chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Trong cơ cấu tổ chức quản lí của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước thì ngoài những bộ phận trên bắt buộc phải có thêm Ban Kiểm soát. |
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quyền quyết định cao nhất thuộc về chủ sở hữu công ty. Chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ cơ bản như: Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; quyết định tăng vốn điều lệ của công ty chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác; quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty; phải góp đủ và đúng hạn vốn điều lệ công ty; phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty với tài sản của công ty, phải tách biệt chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với chi tiêu của Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc,... Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu có thể được tổ chức quản lí và hoạt động theo một trong hai mô hình: a) Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc; b) Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc. Chủ sở hữu công ty là doanh nghiệp nhà nước thì phải thành lập Ban kiểm soát. Hội đồng thành viên có từ 03 đến 07 thành viên do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm, miễn nhiệm với nhiệm kì không quá 05 năm. Hội đồng thành viên nhân danh chủ sở hữu công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc. Chủ tịch công ty do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm, nhân danh chủ sở hữu công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc. Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc do Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê với nhiệm kì không quá 05 năm để điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Chủ sở hữu công ty là Chủ tịch công ty và có thể kiêm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; quyền, nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được quy định tại Điều lệ công ty và hợp đồng lao động. |
Trang 25
Công ty cổ phần Có thể lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình: a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty, có các quyền và nghĩa vụ cơ bản như: Thông qua định hướng phát triển của công ty; quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán, quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên; quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; quyết định tổ chức lại, giải thể công ty... Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ cơ bản như: Quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty; Quyết định bán cổ phần chưa bán trong phạm vi số cổ phần được quyền chào bán của từng loại; quyết định huy động thêm vốn theo hình thức khác; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định, quyết định tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của những người quản lý đó... Hội đồng quản trị bổ nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty. |
Công ty hợp danh Hội đồng thành viên bao gồm tất cả thành viên có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty. Các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời kiêm Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc. |
Doanh nghiệp tư nhân Chủ doanh nghiệp là người đại diện theo pháp luật và phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, với việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc để quản lí, điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. |
Trang 26
Trường hợp Ở Công ty K, Hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của công ty, bao gồm tất cả thành viên công ty là cá nhân và người đại diện theo uỷ quyền của thành viên công ty là tổ chức. Tại Công ty H, Hội đồng thành viên do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm, nhân danh chủ sở hữu công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty. |
Câu hỏi
1/ Em hãy cho biết, cách thức tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần và công ty hợp danh giống và khác nhau ở những điểm cơ bản nào? Vì sao?
2/ Công ty K và công ty H được nêu trong trường hợp trên được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp nào? Vì sao?
Cách thức tổ chức và quản lí doanh nghiệp tuỳ thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp, có loại hình doanh nghiệp chỉ được tổ chức và quản lí theo một mô hình, song có loại hình doanh nghiệp được tổ chức và hoạt động theo hai mô hình khác nhau. |
d) Tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp
Tổ chức lại doanh nghiệp là hoạt động cấu trúc lại doanh nghiệp diễn ra trong một công ty hoặc giữa một số công ty bao gồm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập công ty và chuyển đổi doanh nghiệp.
Chia công ty Là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp theo đó công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể chia các tài sản, quyền và nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (gọi là công ty bị chia) để thành lập nhiều công ty mới. Các công ty mới thành lập phải làm thủ tục đăng kí doanh nghiệp và công ty bị chia chấm dứt tồn tại sau khi các công ty mới được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp. Thủ tục chia công ty được quy định cụ thể tại Điều 198 Luật doanh nghiệp năm 2020. |
Tách công ty Là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp theo đó công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, thành viên, cổ đông của công ty hiện có (gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách. |
Trang 27
Trong trường hợp này, công ty bị tách phải thực hiện đăng kí thay đổi vốn điều lệ, số lượng thành viên, cổ đông tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên, cổ đông giảm xuống (nếu có); đồng thời phải thực hiện đăng kí doanh nghiệp đối với các công ty được tách. Việc tách công ty phải tiến hành theo thủ tục được quy định tại Điều 199 Luật Doanh nghiệp năm 2020. |
Hợp nhất công ty Là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp theo đó một số công ty (gọi là công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (gọi là công ty hợp nhất), đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các công ty bị hợp nhất. Công ty hợp nhất phải tiến hành đăng kí kinh doanh theo thủ tục được quy định tại Điều 200 Luật Doanh nghiệp năm 2020. |
Sáp nhập công ty Là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp theo đó một hoặc một số công ty (gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập. Công ty nhận sáp nhập phải tiến hành đăng kí doanh nghiệp theo thủ tục quy định tại Điều 201 Luật Doanh nghiệp năm 2020. |
Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp Là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp theo đó một doanh nghiệp thực hiện chuyển thành loại hình doanh nghiệp khác trong sự tồn tại liên tục của doanh nghiệp. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì chuyển đổi loại hình doanh nghiệp gồm có các hình thức cơ bản sau: Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần; chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh. Việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp chỉ có thể tiến hành khi có đủ những điều kiện do Luật định và phải theo đúng trình tự, thủ tục được quy định trong Luật Doanh nghiệp. |
Giải thể doanh nghiệp: Là quá trình chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp trong điều kiện doanh nghiệp có khả năng thanh toán hoặc bảo đảm thanh toán các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp.
Trang 28
Khi tiến hành trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp mà trong trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo nghị quyết, quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích có liên quan. Phương án giải quyết nợ phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.
Việc thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp phải tiến hành theo thứ tự ưu tiên sau: 1/ Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã kí kết; 2/ Nợ thuế; 3/ Các khoản nợ khác.
Sau khi đã thanh toán chi phí giải thể doanh nghiệp và các khoản nợ, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỉ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.
Điều kiện để giải thể doanh nghiệp Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài |
Các trường hợp giải thể doanh nghiệp Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn. Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần. Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liễn tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lí thuế có quy định khác. |
Trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp gồm các bước: 1/ Thông qua nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp. 2/ Chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lí tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lí riêng. |
Trang 29
3/ Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, nghị quyết, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến Cơ quan đăng kí kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp. Nghị quyết, quyết định giải thể phải được đăng trên cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp và được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. 4/ Cơ quan đăng kí kinh doanh phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp ngay sau khi nhận được nghị quyết, quyết định giải thể của doanh nghiệp. |
Trường hợp 1 Công ty cổ phần C được thành lập và bắt đầu hoạt động từ năm 2015 tại tỉnh B. Năm 2022, để thúc đẩy sự phát triển của Công ty, Đại hội đồng cổ đông Công ty này đã quyết định tổ chức loại doanh nghiệp bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ, cổ đông của Công ty C để thành lập hai công ty cổ phần mới là Công ty cổ phần D hoạt động ở tỉnh K và Công ty cổ phần E hoạt động ở tỉnh M. |
Trường hợp 2 Trong Điều lệ của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên T đã ghi rõ thời hạn hoạt động của công ty là 20 năm. Khi đến thời hạn này, nhận thấy hoạt động kinh doanh đạt lợi nhuận thấp, thậm chí có giai đoạn thua lỗ nên chủ sở hữu công ty quyết định không làm thủ tục xin gia hạn thời gian hoạt động mà sẽ giải thể doanh nghiệp để tìm cơ hội kinh doanh khác. |
Câu hỏi
1/ Trong trường hợp 1, việc Công ty C thành lập thêm hai công ty mới là D và E là thuộc hình thức nào trong số các hình thức tổ chức lại doanh nghiệp được nêu ở trên? Vì sao? Nếu sau khi tổ chức lại, Công ty C không đăng kí thay đổi vốn điều lệ, số lượng thành viên, cổ đồng tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên, cổ đông giảm xuống và không tiến hành đăng kí doanh nghiệp đối với các công ty D và E thì có vi phạm pháp luật không? Vì sao?
2/ Ở trường hợp 2, việc quyết định giải thể doanh nghiệp của chủ sở hữu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên T có phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 không? Vì sao?
3/ Theo em, điều kiện để Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên T được giải thể doanh nghiệp là gì? Em hãy cho biết trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên T bao gồm những bước nào.
Trang 30
Tổ chức lại doanh nghiệp gồm các hình thức chủ yếu là chia, tách, sáp nhập, hợp nhất công ty và chuyển đổi doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi có đủ điều kiện và trong những trường hợp do Luật định. Việc giải thể doanh nghiệp phải được tiến hành theo những trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. |