Trang 32
Yêu cầu cần đạt:
• Bước đầu phân tích được những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.
• Nêu được đường lối, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.
• Nêu được những thành tựu và hạn chế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và một số biện pháp và chính sách đang áp dụng trong thực tế nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh tế, văn hoá, xã hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
• Trình bày được khái niệm công dân toàn cầu và các vấn đề hợp tác quốc tế, giải quyết xung đột quốc tế về kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
MỞ ĐẦU
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế trở thành tất yếu khách quan, là phương thức phát triển phổ biến của quốc gia, nhất là với các nước đang phát triển. Ở nước ta, hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm gắn kết nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới. Với nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế nước ta đã thu được nhiều thành tựu, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
1986: Đổi mới
28-7-1995: Gia nhập ASEAN
15-11-1998: Gia nhập APEC
11-1-2007: Gia nhập WTO
Lược đồ 1: Một số mốc cơ bản trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam
Em hãy lựa chọn một sự kiện trong lược đổ trên và trình bày ý nghĩa của sự kiện đó đối với sự phát triển của đất nước.
Trang 33