Trang 5
1. NHỮNG BIẾN ĐỔI VĂN HOÁ DO TÁC ĐỘNG CỦA PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Trong quá trình phát triển của đất nước, phát triển kinh tế luôn gắn liền với phát triển văn hoá, không chỉ dẫn đến những biến đổi tích cực mà còn gây ra những biến đổi tiêu cực về văn hoá.
Trang 6
Thông tin 1
Từ khi đổi mới đến nay, hệ thống thể chế, thiết chế văn hoá từng bước được tăng cường. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc được kế thừa và có bước khởi sắc. Nhiều di sản văn hoá được bảo tồn, tôn tạo; xã hội hoá các hoạt động văn hoá ngày càng mở rộng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã khơi dậy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng, ... Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Mọi hoạt động văn hoá, quan hệ văn hoá, thiết chế văn hoá đều hướng vào bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị, chuẩn mực và bồi đắp cho con người phát triển toàn diện cả về phẩm chất, năng lực củng cố tình yêu quê hương, đất nước, giá trị nhân văn, tính cố kết cộng đồng, ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Những hoạt động đó hướng tới: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Văn hoá chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần. Thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người. Môi trường văn hoá, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực", có những mặt chưa thực sự lành mạnh, trái với thuần phong mĩ tục và truyền thống văn hoá dân tộc; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng.
Trước thực trạng đạo đức, lối sống trong gia đình, học đường, xã hội có biểu hiện xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc cho xã hội, cần phải coi trọng giáo dục "lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội,... để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mĩ”.
(Theo Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tập 1, Hà Nội, 2021)
Trang 7
Thông tin 2
Quá trình hội nhập kinh tế đã làm cho giao lưu văn hoá có nhiều sắc thái mới, các hoạt động thông tin tuyên truyền về văn hoá được mở rộng; các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hoá, nghệ thuật, tổ chức các sự kiện văn hoá; tham gia các tổ chức quốc tế về văn hoá,... Sự bùng nổ của truyền thông như một phương thức nhằm lan toả giá trị văn hoá, con người, quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế, tiếng nói của đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Hệ thống giá trị mới được hình thành và phát triển như lí tưởng, lối sống nhân đạo, hoà bình, hoà hợp, dân chủ, công bằng, bình đẳng, sáng tạo, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường,... Nhận thức và cơ hội tiếp cận với các chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hoá ngày càng nâng cao.
Tuy nhiên, sự bùng nổ các phương tiện truyền thông, các ngành công nghiệp giải trí tạo ra những cơ hội giao lưu văn hoá, tiếp biến những giá trị và tinh hoa văn hoá nhân loại, nhưng cũng là công cụ để các thế lực thù địch đẩy mạnh âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hoà bình" nhằm tạo ra sự “tự diễn biến, tự chuyển hoá" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá ở nước ta. Quá trình này cũng làm xuất hiện tư tưởng, lối sống hướng ngoại làm mai một một số giá trị văn hoá truyền thống, nghề truyền thống. Nhiều lễ hội truyền thống được khôi phục lại. Tuy nhiên cùng với đó là sự xuất hiện của những biểu hiện thương mại hoá, trục lợi trong các dịp lễ hội. Sau mỗi dịp lễ hội thì tình trạng xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra. Môi trường tự nhiên bị con người huỷ hoại làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của chính con người như lũ lụt, hạn hán, sạt lở,....
Thông tin 3
Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khẳng định: Các ngành công nghiệp văn hoá là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Thời gian qua, các ngành công nghiệp văn hoá dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng; sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hoá đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hoá có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, công nghiệp văn hoá nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế. Việt Nam có nhiều giá trị văn hoá truyền thống là yếu tố góp phần xây dựng các thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hoá đặc sắc gắn với tìm hiểu văn hoá vùng miền. Việt Nam có tiềm năng phát triển thị trường âm nhạc, có đủ điều kiện và cơ sở vật chất để thực hiện các chương trình biểu diễn âm nhạc lớn, quy mô quốc tế,... Tuy nhiên, những tác phẩm văn hoá nghệ thuật của Việt Nam có thể chinh phục khán giả thế giới còn chưa nhiều.
Trang 8
EM CÓ BIẾT?
Biến đổi văn hoá trong xây dựng nông thôn mới
Các chương trình phát triển nông nghiệp – nông thôn – nông dân của Nhà nước và địa phương có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người nông dân. Người nông dân chuyển từ phương thức kiếm sống dựa vào nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sang kết hợp nhiều hoạt động mưu sinh khác, từ việc chỉ quanh quẩn kiếm sống và giao lưu, làm việc bên luỹ tre làng nay đã có sự hợp tác, liên kết với nhau theo chuỗi, hội để tạo giá trị cao hơn trong phát triển sản xuất. Biến đổi văn hoá trong quá trình xây dựng nỗng thôn góp phần thay đổi suy nghĩ, nếp sống, lối sống người nông dân. Với sự đa dạng hoá ngành nghề ở khu vực nông thôn, người dân ngày càng quen thuộc hơn với kiểu tư duy dịch vụ, lối sống mới gắn với sự nhanh nhạy và sự binh đẳng của thị trường. Chính vì lẽ đó, bên cạnh lối sống nghĩa tình đậm chất làng quê vẫn được duy trì, xuất hiện văn hoá ứng xử hiện đại, lối sống công nghiệp coi trọng tốc độ và hiệu quả, lối sống thị trường coi trọng sự hưởng thụ và sòng phẳng, làm nên tính chất giao thoa văn hoá giữa truyền thống và hiện đại, nông nghiệp và công nghiệp, nông thôn và đô thị. Trong các sinh hoạt văn hoá truyền thống như lễ hội, sự kiện chính trị – xã hội của làng xã hoặc sinh hoạt gia đình như tổ chức cưới, việc tang, mừng sinh nhật, mừng thọ,... được tổ chức thông qua các đơn vị, nhóm người làm dịch vụ tổ chức sự kiện, bảo đảm tính tiện lợi, chuyên nghiệp là lựa chọn trở nên phổ biến. Người nông dân ngày càng quan tâm hơn đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hoá cơ sở, như cổng làng, nhà văn hoá, đình, chùa,... Nhiều vùng nông thôn được trồng cây xanh, tạo cảnh quan đẹp, vừa làm đẹp thôn làng, vừa làm đẹp cho gia đình, thậm chí người dân coi đó là niềm tự hào khi có dịp "khoe" về thôn, làng minh với người nơi khác.
Câu hỏi
1/ Những thông tin trên phản ánh những biến đổi tích cực, tiêu cực nào của văn hoá dưới tác động của sự phát triển kinh tế? Em hãy kể thêm những biến đổi tích cực, tiêu cực khác của văn hoá do phát triển kinh tế mang lại.
2/ Theo em, nguyên nhân nào dẫn đến những biến đổi tích cực, tiêu cực của văn hoá dưới tác động của phát triển kinh tế?
Phát triển kinh tế tạo ra những biến đổi tích cực của văn hoá: Nhờ sự phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã tạo ra cơ hội và điều kiện cho sự giao lưu văn hoá giữa các quốc gia, dân tộc được mở rộng, mang nền văn hoá đặc sắc của dẫn tộc này đến với các dân tộc khác; làm phong phú thêm cho nền văn hoá của vùng, miền và cùng hướng tới mục tiêu dân tộc và hiện đại. Tuy nhiên cũng làm xuất hiện xu hướng, cách sống mới làm mai một các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mất đi sự đa dạng, đặc trưng về văn hoá của vùng, miền, địa phương. Nhờ sự phát triển kinh tế cũng như quá trình hội nhập, đời sống vật chất của người dân được nâng cao, dẫn tới những thay đổi đời sống văn hoá, tinh thần; sự thay đổi về các giá trị đạo đức, lối sống. Con người rèn luyện được |
Trang 9
tác phong công nghiệp, lối sống trách nhiệm, chủ động, năng động, sáng tạo, có ý thức kỉ luật, tự giác, nỗ lực vươn lên. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng xuất hiện những lệch lạc trong lối sống. Sự phát triển mạnh của các ngành công nghiệp văn hoá giúp con người dễ dàng tiếp cận với kiến thức, nghệ thuật, văn hoá. Nhờ đó, nhu cầu giải trí, giáo dục, sáng tạo nghệ thuật ngày càng thay đổi và nâng cao. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế cũng dẫn đến khoảng cách giàu – nghèo gia tăng khiến cơ hội hưởng thụ, tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ văn hoá không đồng đều. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những biến đổi trên của văn hoá là do quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế, do quá trình hội nhập quốc tế. |
2. NHỮNG BIẾN ĐỔI XÃ HỘI DO TÁC ĐỘNG CỦA SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Biến đổi xã hội là quá trình thay đổi các yếu tố cấu thành của xã hội từ trạng thái này sang trạng thái khác. Do điều kiện khác nhau nên quá trình biến đổi xã hội cũng theo tốc độ nhanh, chậm khác nhau. Tất cả những sự biến đổi đó đều có nguyên nhân từ sự phát triển kinh tế.
Thông tin 1
Trong 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, chúng ta đã đạt bước phát triển mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,26%/năm. Năm 2010, tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người đạt 1.168 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thể chế kinh tế thị trưởng định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Các hoạt động văn hoá, xã hội đạt thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, nhất là xoá đói, giảm nghèo tinh thần đại đoàn kết, tương thân tương ái của người dân, doanh nghiệp được phát huy. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống người có công, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội được đẩy mạnh. Công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động được triển khai tích cực, hiệu quả. Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, người cao tuổi, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được quan tâm. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng. Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả, góp phần tạo môi trường hoà bình, ổn định và tăng thêm nguồn lực cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, Chiến lược cũng chỉ ra những hạn chế như: Các lĩnh vực văn hoá, xã hội có một số mặt yếu kém chậm được khắc phục, nhất là về giáo dục, đào tạo và y tế; đạo đức, lối sống trong một bộ phận xã hội xuống cấp. Môi trường ở nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng; tài nguyên, đất đai chưa được quản lí tốt, khai thác và sử dụng kém hiệu quả.
Trang 10
Thông tin 2
Quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã làm cho GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2022 đạt 4.124 USD/người tăng 404 USD so với năm 2021. Chỉ số phát triển con người đạt 0,737 cao hơn năm 2021 (0,726) năm 2018 (0,693). Tuổi thọ trung bình tăng, năm 2022 là 73,6 tuổi. Tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ năm 2022 là 96,1%. Tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo năm 2022 là 26,4% so với năm 2018 là 22,0%, theo trình độ chuyên môn kĩ thuật bậc đại học trở lên năm 2022 là 11,9% so với năm 2018 là 9,5%. Thu nhập bình quân đầu người một tháng từ 3.874.000 đồng (2018) lên 4.673.000 đồng (2022). Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (Gini) giảm từ 0,425 (2018) xuống 0,375 (2022).
(Theo Niên giám thống kê năm 2022)
Thông tin 3
Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỉ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Thời gian qua, Việt Nam liên tục bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lí làm cơ sở giải quyết các vấn đề về bình đẳng giới như: Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013, 7 bộ luật, 161 luật; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành 15 pháp lệnh, trong đó có khoảng 45 bộ luật, luật có liên quan đến vấn đề binh đẳng giới; Chính phủ ban hành 1.413 nghị định; xem xét lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 3 – 3 – 2021, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 ban hành cùng Nghị quyết số 28/NQ-CP. Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỉ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lí. Trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII có 19 đồng chí nữ (9,5%), Quốc hội khoá XV đạt tỉ lệ 30,26% nữ đại biểu, cao nhất từ trước đến nay; Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh có 16% đồng chi nữ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 29% đại biểu nữ,... Tỉ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%. Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỉ lệ phụ nữ tham gia lao động với tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%. Ngoài ra, thành tựu về bình đẳng giới còn được thể hiện ở khía cạnh giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ
Trang 11
người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trước các nguy cơ cũng như cần có thêm nhiều hơn nữa các cơ hội bình đẳng, vẫn còn tồn tại vấn nạn ngược đãi phụ nữ, nhất là ở những vùng dân trí chưa cao, định kiến về giới vẫn còn tồn tại.
Câu hỏi
1/ Những thông tin trên phản ánh những biến đổi tích cực, tiêu cực nào của xã hội dưới tác động của sự phát triển kinh tế? Em hãy kể thêm những biến đổi tích cực, tiêu cực khác của xã hội do phát triển kinh tế mang lại.
2/ Theo em, nguyên nhân nào dẫn đến những biến đổi tích cực, tiêu cực của xã hội dưới tác động của phát triển kinh tế?
Kinh tế thị trường phát triển cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đã tạo ra nhiều biến đổi tích cực về xã hội: Phát triển kinh tế tạo ra cơ hội về việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân giúp cải thiện mức sống, giảm bớt đói nghèo; bất bình đẳng xã hội. Phát triển kinh tế luôn gắn liền với đảm bảo tiến bộ xã hội, cung cấp những điều kiện vật chất để xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, viễn thông, các dịch vụ y tế, giáo dục,... ) góp phần tăng khả năng tiếp cận các thông tin, giảm khoảng cách giữa các khu vực, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, tăng trưởng và phát triển kinh tế cũng gây ra phân hoá giàu – nghèo, cơ hội tiếp cận về y tế, văn hoá, giáo dục không đều giữa các vùng miền; gây ô nhiễm môi trường, khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên nhiên nhiên, vẫn còn tồn tại bất bình đẳng giới và định kiến giới tạo nên những căng thẳng trong xã hội. Nguyên nhân chủ yếu của những biến đổi xã hội là do quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế, do tác động của cơ chế thị trường và do quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. |
3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP HẠN CHẾ, KHẮC PHỤC TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐẾN NHỮNG BIẾN ĐỔI VĂN HOÁ, XÃ HỘI
Thông tin 1
Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 – 1 – 2022. Mục tiêu là thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt
Trang 12
khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Để thực hiện được mục tiêu đó cần: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng ven biển và hải đảo; Đa dạng hoá sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng: Phát triển giáo dục nghề, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo,...
Thông tin 2
Để thực hiện Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12 – 11 – 2021. Mục tiêu là xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hoá giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện mục tiêu này cần: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hoá; Hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lí; Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá; Bảo vệ và phát huy di sản văn hoá dân tộc; Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hoá,...
Thông tin 3
Mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Chiến lược cũng đề ra các chỉ tiêu về xã hội như: Chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,74; Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 68 năm; Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 – 40%; Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%; Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hoá phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế, đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật.
Trang 13
Câu hỏi
1/ Các thông tin trên đã đề cập đến những giải pháp nào để phát huy tác động tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đối với những biến đổi văn hoá, xã hội?
2/ Hãy đánh giá tác động của những biện pháp, chính sách đó đối với việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến kinh tế, văn hoá, xã hội trong thực tế.
3/ Em hãy sưu tầm bài báo, hình ảnh, số liệu, video, ... về tác động tích cực tiêu cực của phát triển kinh tế đến văn hoá, xã hội ở địa phương mình. Từ đó đề xuất giải pháp để hạn chế, khắc phục tác động tiêu cực.
4/ Em hãy chia sẻ với các bạn trong nhóm về một số biện pháp và chính sách đang áp dụng trong thực tế nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan đến kinh tế, văn hoá, xã hội.
Để hạn chế và khắc phục các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đối với biến đổi văn hoá, xã hội cần thực hiện một số biện pháp và chính sách sau: Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục – thể thao và du lịch. Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hoá độc hại, có nội dung trái thuần phong mĩ tục của dân tộc; phản bác các quan điểm sai trái, phản nhân văn trong lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật. Tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Khuyến khích mọi người dân làm giàu theo pháp luật, thực hiện có hiệu quả mục tiêu xoá đói, giảm nghèo. Chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo. Bảo đảm cung ứng dịch vụ công thiết yếu, bình đẳng cho mọi người, tạo việc làm và thu nhập, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Thực hiện tốt và có hiệu quả hơn nữa các chính sách xã hội như xoá đói giảm nghèo, lao động, việc làm, phát triển hệ thống y tế. |
4. THỰC HÀNH
Bài tập thực hành: Nghiên cứu về tác động tích cực hoặc tiêu cực của phát triển kinh tế đến văn hoá, xã hội ở địa phương mình sinh sống; giải pháp hạn chế, khắc phục tác động tiêu cực.
Gợi ý.
a) Chuẩn bị báo cáo:
Trang 14
Trao đổi, thảo luận chọn vấn đề nghiên cứu (chọn một trong các vấn đề: tác động tích cực của phát triển kinh tế đến văn hoá, xã hội; tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến văn hoá, xã hội; giải pháp hạn chế, khắc phục tác động tiêu cực).
Sưu tầm thông tin, tư liệu, hình ảnh,... về vấn đề nghiên cứu (tác động tích cực của phát triển kinh tế đến văn hoá, xã hội; tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến văn hoá, xã hội; giải pháp hạn chế, khắc phục tác động tiêu cực).
Lập đề cương báo cáo.
b) Yêu cầu về nội dung của báo cáo:
Báo cáo ngắn gọn về vấn đề nghiên cứu.
Gợi ý cách trình bày nội dung báo cáo:
Giới thiệu kết quả về ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế đến biến đổi về văn hoá, xã hội.
Những biến đổi tích cực/tiêu cực của phát triển kinh tế đến văn hoá, xã hội. Chủ trương, chính sách.
Giải pháp.
Kết quả.
c) Thu thập tài liệu (gọi ý: giới thiệu các website để học sinh vào thu thập tài liệu: ghi rõ đường link của các website mà học sinh có thể vào lấy tài liệu viết báo cáo).