(Trang 12)
Sau khi học xong bài này, em sẽ:
- Nêu được một số hoạt động lâm nghiệp cơ bản.
- Phân tích được một số nguyên nhân chủ yếu làm suy thoái tài nguyên rừng và giải pháp khắc phục.
Mở đầu
Ngoài chế biến lâm sản (Hình 2.1), lâm nghiệp còn những hoạt động cơ bản nào khác? Có những nguyên nhân nào dẫn đến suy thoái tài nguyên rừng? Có thể khắc phục suy thoái tài nguyên rừng bằng những giải pháp nào?
Hình 2.1. Chế biến lâm sản
I. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG LÂM NGHIỆP CƠ BẢN
Hoạt động lâm nghiệp bao gồm một hoặc nhiều hoạt động quản lí, bảo vệ, phát triển sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản.
1. Quản lí rừng
Quản lí rừng bao gồm các hoạt động: giao rừng, cho thuê rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng, thu hồi rừng.
Giao rừng: Nhà nước sau rừng cho các tổ chức hộ gia đình cá nhân phù hợp với Luật Lâm nghiệp và không thu tiền sử dụng rừng.
Cho thuê rừng: Nhà nước cho tổ chức kinh tế hộ gia đình cá nhân thuê rừng sản xuất để sản xuất nông nghiệp; sản xuất lâm - nông - ngư nghiệp kết hợp; kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Tiền thuê rừng trả một lần hoặc hàng năm.
Chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác: khi đáp ứng các điều kiện theo Luật Lâm nghiệp và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thu hồi rừng: Nhà nước thu hồi rừng vì mục đích quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và trong một số trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Bảo vệ rừng
Bảo vệ rừng gồm các hoạt động như bảo vệ sinh thái rừng; bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng; phòng và chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng. Cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm bảo vệ rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
(Trang 13)
3. Phát triển rừng
Phát triển rừng bao gồm các hoạt động phát triển giống cây lâm nghiệp; duy trì diện tích và cấu trúc của rừng; thực hiện các biện pháp lâm sinh (trồng rừng mới, trồng lại rừng; chăm sóc nuôi dưỡng rừng trồng,...); trồng cấy thực vật rừng, gây nuôi phát triển động vật rừng; trồng cây phân tán (là cây trồng ngoài diện tích rừng để tăng diện tích cây xanh, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, kết hợp cung cấp gỗ, củi và dịch vụ du lịch); xây dựng kết nối cấu trúc hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng.
4. Sử dụng rừng
Sử dụng rừng bao gồm các hoạt động như khai thác lâm sản trong các loại rừng; nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các loại rừng; ổn định đời sống dân cư sống trong rừng đặc dụng và vùng đệm của rừng đặc dụng; sản xuất lâm - nông - ngư nghiệp kết hợp trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất.
5. Chế biến và thương mại lâm sản
Chế biến lâm sản gồm các hoạt động như xây dựng và vận hành chính sách phát triển chế biến lâm sản; chế biến mẫu các loài thực vật, động vật rừng; xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Thương mại lâm sản gồm các hoạt động như xây dựng và vận hành chính sách phát triển chế biến lâm sản, quyền và nghĩa vụ của cơ sở thương mại lâm sản; quản lí thương mại lâm sản và kinh doanh mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng theo quy định của pháp luật.
Khám phá
Mô tả các hoạt động lâm nghiệp cơ bản và nêu ý nghĩa của chúng
Kết nối năng lực
Chia sẻ với các bạn một số hoạt động lâm nghiệp cơ bản mà em đã từng tham gia hoặc em biết.
II. MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU LÀM SUY THOÁI TÀI NGUYÊN RỪNG VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC
1. Một số nguyên nhân chủ yếu làm suy thoái tài nguyên rừng
a) Khai thác không hợp lí gỗ và các sản phẩm khác từ rừng
Việc đẩy mạnh khai thác gỗ và các sản phẩm khai thác từ rừng (động vật rừng, thực vật rừng, nấm,...) để phát triển kinh tế như cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản,... đã dẫn đến các hoạt động khai thác rừng trái phép, phá rừng để lấy gỗ và các sản phẩm rừng khác. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái tài nguyên rừng tự nhiên ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
(Trang 14)
Khám phá
Vì sao khai thác gỗ và các sản phẩm khác từ rừng lại là nguyên nhân làm suy thoái tài nguyên rừng?
b) Chăn thả gia súc
Sự gia tăng chăn thả trâu, bò và các gia súc khác dẫn đến nhiều khu vực bị chặt phá để đáp ứng nhu cầu mở rộng các đồng cỏ làm nơi chăn thả và cung cấp nguồn thức ăn cho gia súc. Điều này dẫn đến không đảm bảo chất lượng rừng và suy giảm diện tích rừng. Ở Châu Mĩ La tinh có khoảng 65% diện tích rừng bị chặt phá là do chăn thả gia súc. Ở Brazil, khoảng 3/4 diện tích rừng bị phá hủy ở vùng Amazon tính đến năm 1980 có liên quan trực tiếp đến việc nuôi bò.
c) Cháy rừng
Cháy rừng là nguyên nhân làm suy thoái rừng khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cháy rừng dẫn đến giảm diện tích rừng; suy giảm số lượng thực vật, động vật rừng, đặc biệt là các loài động vật, thực vật quý hiếm; làm suy giảm tài nguyên rừng; mất cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (nay là cục Lâm nghiệp), năm 2020 Việt Nam xảy ra 179 vụ cháy rừng với tổng diện tích rừng thiệt hại do cháy là 645 ha.
Trên thế giới, năm 2022 diện tích cháy rừng cao kỉ lục ở một số nước châu Âu. Diện tích rừng bị cháy ở Cộng hòa Czech là 1 436 ha, ở Áo là 1 016 ha và ở Tây Ban Nha là 299 635 ha.
Kết nối năng lực
Nêu một số nguyên nhân gây cháy rừng và phân tích tác hại của cháy rừng đối với sức khỏe con người và môi trường.
d) Phá rừng trồng cây công nghiệp và cây đặc sản
Phá rừng để lấy đất trồng trọt hoặc thực hiện các dự án trồng cây công nghiệp và các cây đặc sản trên đất rừng cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm suy thoái tài nguyên rừng và ảnh hưởng đến chức năng của rừng. Nhiều diện tích rừng ở Việt Nam và trên thế giới đã bị chặt phá lấy đất trồng cây công nghiệp và các cây đặc sản phục vụ phát triển kinh tế mà không quan tâm đến môi trường. Theo Tổng cục Lâm nghiệp trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017, có tới 89% diện tích rừng tự nhiên bị mất ở Việt Nam là do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để phục vụ các dự án phát triển kinh tế, trong đó có việc trồng trọt và chăn nuôi. Ở Thái Lan, một diện tích rừng lớn đã bị chặt phá để trồng sắn xuất khẩu hoặc trồng ca cao để sản xuất sôcôla. Ở Peru, người dân phá rừng để trồng côca, diện tích trồng côca ước tính chiếm 1/10 diện tích rừng của Peru. Các cây công nghiệp như cao su, cọ dầu cũng thay thế nhiều vùng rừng nguyên sinh ở vùng đồi thấp của Malaysia và nhiều nước khác.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, còn có một số nguyên nhân khác gây suy thoái tài nguyên rừng như chính sách đất đai, quản lí rừng; chính sách về di cư định cư,...
(Trang 15)
Khám phá
Quan sát hình 2.2 và phân tích các nguyên nhân làm suy thoái tài nguyên rừng.
Hình 2.2. Một số nguyên nhân làm suy thoái tài nguyên rừng
Kết nối năng lực
Sử dụng internet, sách, báo,.. tìm hiểu thêm về các nguyên nhân làm suy thoái tài nguyên rừng.
2. Một số giải pháp chủ yếu khắc phục suy thoái tài nguyên rừng
a) Lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng
Lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng là hoạt động của các cơ quan quản lí nhà nước để thực hiện kiểm soát tình trạng mất rừng, suy thoái rừng trên phạm vi cả nước cũng như ở từng địa phương. Hoạt động này được tiến hành dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau:
- Phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
- Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch bảo vệ rừng của các cấp; đảm bảo dân thủ, công khai.
(Trang 16)
- Đảm bảo khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, có hiệu quả tài nguyên rừng, đất rừng, bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Nội dung cơ bản của hoạt động này gồm tổng hợp, phân tích tình hình điều kiện tự nhiên, hiện trạng tài nguyên rừng; đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, kế hoạch; xác định các biện pháp quản lí, bảo vệ, sử dụng và phát triển các loại rừng.
Khám phá
Phân tích vai trò của hoạt động lập quy hoạch, kết hoạch bảo vệ và phát triển rừng đối với việc kiểm soát tình trạng suy thoái rừng.
b) Giao, cho thuê và thu hồi rừng, đất trồng rừng
Việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng và, đất trồng rừng theo quy định của pháp luật giúp nâng cao sự gắn bó, quyền lợi và trách nhiệmcủa chủ đất, chủ rừng. Nhờ đó nâng cao khả năng khai thác, sử dụng tối đa tiềm năng rất lâm nghiệp trong phát triển kinh tế, trồng rừng sản xuất, khai thác rừng trồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người dân, nâng cao giá trị đa dạng mục đích của rừng, đảm bảo quyền của người dân và các động đồng địa phương theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo thông lệ quốc tế.
c) Kiểm soát từng loại rừng thông qua những quy chế pháp lí riêng
Mỗi loại rừng đều có đặc điểm sinh thái và chức năng sử dụng riêng; các chế độ và nhu cầu sử dụng, khai thác lợi ích riêng. Vì vậy, thông qua việc tuân thủ nghiêm ngặt những nghĩa vụ về khai thác, bảo vệ và sử dụng cho từng loại rừng mà chủ rừng, các tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng rừng sẽ tự kiểm soát suy thoái rừng, đảm bảo phát triển bền vững vốn rừng quốc gia, đảm bảo sự đa dạng các loại rừng theo thời gian.
d) Kiểm soát suy thoái động vật, thực vật rừng hoang dã quý hiếm
Động vật, thực vật rừng hoang dã, quý hiếm là những loài động vật, thực vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng, thuộc danh mục các loài động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm do Chính phủ quy định. Để góp phần kiểm soát được tình trạng suy giảm về số lượng và chất lượng của các loài động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm cần tạo ra nhiều môi trường thuận lợi cho sự sống và phát triển của chúng như xây dựng các khu bảo tồn (Hình 2.3a), vườn quốc gia (Hình 2.3 b),... Bên cạnh đó, cần nghiêm cấm, ngăn chặn các hoạt động khai thác, săn bắt, vận chuyển, mua bán các loài động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm và sản phẩm của chúng.
a) Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Thanh Hóa
b) Vườn quốc gia U Minh Thượng, Kiên Giang
Hình 2.3. Một số giải pháp khắc phục suy thoái tài nguyên rừng
(Trang 17)
e) Thiết lập hệ thống cơ quan quản lí, bảo vệ rừng từ trung ương đến địa phương
Thiết lập hệ thống cơ quan quản lí, bảo vệ rừng từ trung ương đến địa phương nhằm phân công, phối hợp trách nhiệm của các cơ quan quản lí gắn với diện tích rừng trên địa bàn quản lí; chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện trên phạm vi cả nước cũng như ở các địa phương. Đặc biệt phải tuyên tuyền, phổ biến kiến thức; kiểm tra, kiểm soát các công việc thực hiện; xử lí vi phạm để bảo vệ tốt nhất chất lượng và quy mô rừng.
Kết nối năng lực
Sử dụng internet, sách, báo, ... tìm hiểu về các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia ở Việt Nam.
Luyện tập
1. Các nội dụng nào dưới đây không thuộc những hoạt động lâm nghiệp cơ bản?
A. Bảo vệ rừng
B. Đốt rừng làm rương rẫy
C. Chế biến và thương mại lâm sản
D. Quản lí rừng
E. Sử dụng rừng
G. Chặt phá rừng
2. Phân tích các nguyên nhân làm suy thoái rừng do con người gây ra. Theo em, học sinh cần làm gì để ngăn chặn nguy cơ suy thoái rừng.
Vận dụng
Hãy đề xuất giải pháp nhằm hạn chế việc phá rừng để trồng cây công nghiệp và cây đặc sản.