Sách Giáo Khoa 247

Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản) - Bài 1: Vai trò và triển vọng của lâm nghiệp | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Xem chi tiết nội dung bài Bài 1: Vai trò và triển vọng của lâm nghiệp và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản) | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

(Trang 6)

CHƯƠNG I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ LÂM NGHIỆP

• Vai trò, triển vọng của lâm nghiệp đối với đời sống và môi trường.

• Hoạt động lâm nghiệp cơ bản và đặc trưng cơ bản của sản xuất lâm nghiệp.

• Nguyên nhân chủ yếu làm suy thoái tài nguyên rừng và giải pháp khắc phục.

• Yêu cầu cơ bản với người lao động của một số ngành nghề phổ biến trong lâm nghiệp.

(Trang 7)

BÀI 1. VAI TRÒ VÀ TRIỂN VỌNG CỦA LÂM NGHIỆP

Sau khi học xong bài này, em sẽ:

- Trình bày được vai trò và triển vọng của lâm nghiệp đối với đời sống và môi trường.

- Nêu được các đặc trưng cơ bản của sản xuất lâm nghiệp.

- Nêu được những yêu cầu cơ bản đối với người lao động của một số ngành nghề phổ biến trong lâm nghiệp.

Mở đầu

Quan sát Hình 1.1 và cho biết lâm nghiệp có vai trò như thế nào đối với đời sống con người và môi trường. Lâm nghiệp có triển vọng như thế nào trong công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Điều tiết nguồn nước cho các dòng chảy, hồ chứa

Giảm thiểu nguy cơ lũ lụt, xói mòn, bảo vệ đất

Hình 1.1. Một số vai trò chung của lâm nghiệp

I. VAI TRÒ CỦA LÂM NGHIỆP

1. Vai trò đối với đời sống con người

Lâm nghiệp là ngành kinh tế - kĩ thuật bao gồm quản lí, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản. Chính vì vậy, lâm nghiệp có nhiều vai trò đối với đời sống con người như cung cấp lâm sản, đặc sản cây công nghiệp; cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản; cung cấp dược liệu quý phục vụ nhu cầu chữa bệnh và nâng cao sức khỏe; tạo công ăn việc làm, mang lại nguồn thu nhập chính giúp ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc miền núi.

Ngoài ra, một số khu rừng còn có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần hàng ngày của các dân tộc thiểu số (rừng tín ngưỡng).

a) Gỗ; b) Mật ong rừng; c) Sâm Ngọc Linh

Hình 1.2. Một số sản phẩm của lâm nghiệp cung cấp cho đời sống con người 

(Trang 8)

Khám phá

Đọc nội dung mục 1 kết hợp quan sát hình 1.2, nêu vai trò của lâm nghiệp đối với đời sống con người. Liên hệ thực tiễn ở địa phương em.

Thông tin bổ sung

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2022 cả nước đã khai thác 19,7 triệu m³ gỗ. Giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2022 ước đạt khoảng 16,928 tỉ USD, tăng 6,1% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 15,85 tỉ USD, còn lại là lâm sản ngoài gỗ đạt 1,1 tỉ USD.

2. Vai trò đối với môi trường sinh thái

Lâm nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Cụ thể:

- Việc bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn có vai trò điều hòa dòng chảy; chống xói mòn rửa trôi; giảm thiểu lũ lụt, hạn hán; giữ ổn định nguồn nước.

- Việc bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ ven biển có vai trò chắn sóng, chắn gió, chống cát bay, chống sự xâm nhập của nước mặn,... bảo vệ đồng ruộng và khu dân cư ven biển.

- Việc bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ khu công nghiệp và khu đô thị có vai trò làm sạch không khí, giảm thiểu tiếng ồn, điều hòa khí hậu, tạo ra môi trường sống trong lành cho con người và tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển.

- Rừng là môi trường sống của nhiều loại động vật, thực vật, vi sinh vật; là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt đối với các loại nấm, thực vật, động vật quý hiếm.

Kết nối năng lực

Sử dụng internet, sách, báo,… tìm hiểu thêm về vai trò của lâm nghiệp trong việc ứng phó biến đối khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

II. TRIỂN VỌNG CỦA LÂM NGHIỆP

1. Phát triển để bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái

Rừng có vai trò đặc biệt trong bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, diện tích và tài nguyên rừng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa... Vì vậy, cần phải quan tâm đến việc bảo tồn, phát triển diện tích và đa dạng tài nguyên rừng, thông qua đó  góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái rừng (động vật, thực vật, vi sinh vật rừng,..), bảo vệ dạng sinh học và môi trường sinh thái.

Khám phá

Vì sao rừng lại có vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái?

(Trang 9)

2. Phát triển để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu

Quyết định số 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 của Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành Công nghiệp Chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030.

Đề án đặt mục tiêu chung đến năm 2030, ngành Công nghiệp Chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Mục tiêu cụ thể của đề án là giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỉ USD vào năm 2025, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 18,5 tỉ USD; 25 tỉ USD vào năm 2030, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 20,4 tỉ USD; giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỉ USD vào năm 2025, trên 6 tỉ USD vào năm 2030.

Trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lí rừng bền vững.

3. Phát triển để thực hiện chức năng xã hội của rừng

Để phát huy hiệu quả chức năng xã hội của rừng, chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đặt mục tiêu:

- Tỉ lệ lao động làm việc trong lâm nghiệp được đào tạo nghề đạt 45% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030; bảo đảm bình đẳng giới.

- Đến năm 2025 có 50% và đến năm 2030 có 80% số hộ miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa.

- Đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số làm lâm nghiệp tăng trên 2 lần so với năm 2020; góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm trên 3,0%; đến năm 2030 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước.

- Đến năm 2050, góp phần quan trọng vào xây dựng đất nước Việt Nam an toàn và thịnh vượng; nông thôn mới giàu, đẹp và văn minh trên cơ sở cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế xanh gắn với tài nguyên rừng, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và không gian sinh tồn của đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh.

Khám phá

Phân tích triển vọng phát triển lâm nghiệp Việt Nam và địa phương em.

III. ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA SẢN XUẤT LÂM NGHIỆP

1. Đối tượng là các cơ thể sống, có chu kì sinh trưởng dài

Đối tượng sản xuất lâm nghiệp chủ yếu là cây rừng có chu kì sống dài, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch có thể kéo dài hàng chục năm. Vì vậy, để sản xuất lâm nghiệp bảo đảm tính ổn định, đạt hiệu quả cao về kinh tế và bảo vệ môi trường cần chú ý một số vấn đề sau:

- Lựa chọn đối tượng cây rừng phù hợp với thời gian giao rừng, cho thuê rừng.

(Trang 10)

- Lập kế hoạch sản xuất phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây rừng.

- Trồng xen canh cây trồng ngắn ngày phù hợp dưới tán rừng để tạo thu nhập thường xuyên và nâng cao hiệu quả kinh tế.

- Thường xuyên chọn lọc, duy trì chất lượng các giống hiện có, nhập nội những giống tốt, tiến hành lai tạo để tạo ra những giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với điều kiện từng vùng và từng địa phương.

2. Địa bàn rộng lớn, khó khăn về giao thông và cơ sở vật chất

Sản xuất lâm nghiệp được tiến hành chủ yếu ở rừng, nơi có diện tích rộng lớn, địa bàn phức tạp, điều kiện giao thông và cơ sở vật chất có nhiều hạn chế. Vì vậy, khó áp dụng các công nghệ và khoa học kĩ thuật tiên tiến vào sản xuất; năng suất và hiệu quả sản xuát phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên; việc quản lí, khai thác gặp nhiều khó khăn. Với đặc trưng như vậy, đòi hỏi quá trình tổ chức chỉ đạo sản xuất lâm nghiệp cần chú ý các vấn đề sau:

- Thực hiện việc giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng và tổ chức theo đúng quy định pháp luật nhằm xây dựng nền lâm nghiệp xã hội với sự tham gia tích cực của mọi thành phần kinh tế.

- Tiến hành điều tra, theo dõi diễn biến về khí hậu, nguồn tài nguyên rừng để quy hoạch, bố trí hình thức sản xuất lâm nghiệp phù hợp với từng khu vực.

- Xây dựng phương hướng sản xuất kinh doanh, cơ sở vật chất, kĩ thuật phù hợp với đặc điểm và yêu cầu sản xuất lâm nghiệp ở từng vùng.

3. Ngành sản xuất đa dạng sản phẩm có nhiều lợi ích đặc thù

Sản xuất lâm nghiệp gồm các hoạt động như quản lí, trồng rừng bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến lâm sản. Sản phẩm của sản xuất lâm nghiệp rất đa dạng gồm gỗ, lâm sản ngoài gỗ (thực vật rừng, động vật rừng, nấm,...), các sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến.

Trong sản xuất lâm nghiệp, bên cạnh lợi ích kinh tế, cần đảm bảo hài hòa các lợi ích về an ninh xã hội, quốc phòng, bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, trong sản xuất lâm nghiệp cần đặc biệt tuân thủ các quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế về lâm nghiệp.

4. Sản xuất lâm nghiệp mang tính thời vụ cao

Sản xuất lâm nghiệp mang tính thời vụ cao được thể hiện ở các mùa trong năm và các năm trong chu kì sản xuất. Trong một năm, hoạt động sản xuất lâm nghiệp thường tập trung nhiều vào một số tháng nhất định, đó là những tháng trong thời vụ trồng và chăm sóc rừng hoặc vào mùa khai thác một số lâm sản ngoài gỗ (nấm, mật ong,...).

Trong một chu kì sản xuất (trồng rừng lấy gỗ), hoạt động lâm nghiệp tập trung nhiều vào những năm đầu (trồng và chăm sóc rừng) và năm cuối (khai thác gỗ), các thời gian còn lại hầu như có rất ít các hoạt động. Vì vậy, cần có giải pháp tổ chức lao động hợp lí, cung ứng vật tư - kĩ thuật kịp thời, trang bị công cụ, máy móc thích hợp để nâng cao hiệu quả trong sản xuất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, cần coi trọng việc bố trí trồng xen canh một số loại cây trồng phù hợp, phát triển ngành nghề dịch vụ lâm nghiệp hợp lí để tạo thêm việc làm cho người lao động ở những thời kì nông nhàn.

(Trang 11)

Kết nối năng lực

Tìm hiểu một số loại lâm sản ngoài gỗ trong các khu rừng trồng của nước ta.

IV. YÊU CẦU CƠ BẢN ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG CỦA MỘT SỐ NGÀNH NGHỀ PHỔ BIẾN TRONG LÂM NGHIỆP

Người lao động làm việc trong các ngành nghề của lâm nghiệp cần đảm bảo một số yêu cầu cơ bản sau:

- Có sức khỏe tốt, chăm chỉ, chịu khó và có trách nhiệm cao trong công việc.

- Có kiến thức cơ bản về quy luật phát sinh, phát triển của cây rừng.

- Có kiến thức, kĩ năng cơ bản về trồng, chăm sóc, khai thác và bảo vệ tài nguyên rừng bền vững; có khả năng sử dụng, vận hành các thiết bị, máy móc trong trồng, chăm sóc, khai thác và bảo vệ rừng. 

- Tuân thủ an toàn lao động và công ước quốc tế liên quan đến khai thác và bảo vệ tài nguyên rừng; có ý thức bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, những người làm trong các ngành nghề phổ biến trong lâm nghiệp cần yêu thiên nhiên; đam mê, yêu thích công việc trồng và chăm sóc cây rừng; có khả năng nhớ tên và phân loại các loại thực vật; yêu thích khác hoạt động ngoài trời (cắm trại, leo núi, làm vườn,...); yêu thích các môn học như Công nghệ, Sinh học, Địa lí,...

Kết nối nghề nghiệp

Kĩ sư lâm nghiệp là người có kiến thức về sinh thái học, lâm sinh, trồng rừng, điều tra, điều chế, bảo vệ, quản lí nguồn tài nguyên rừng. Kĩ sư lâm nghiệp có khả năng nghiên cứu trồng, quản lí nguồn tài nguyên rừng, phổ biến các kĩ thuật nông lâm kết hợp, nghiên cứu lâm nghiệp đô thị (quy hoạch thiết kế, phát triển hệ thống cây xanh,...), nghiên cứu lâm nghiệp xã hội, phát triển dự án lâm nghiệp, khuyến lâm, ứng dụng hệ thống thông tin địa lí (GIS) trong lâm nghiệp và quy hoạch.

Một số tố chất cần có của kĩ sư lâm nghiệp như yêu thiên nhiên, môi trường; thích chăm sóc vật nuôi, cây trồng; có khả năng nhớ tên và phân loại các loài động vật, thực vật; thích các hoạt động ngoài trời (cắm trại, leo núi, làm vườn, lặn biển); thích các môn Công nghệ, Sinh học, Địa lí,...

Luyện tập

1. Nêu vai trò và triển vọng của lâm nghiệp đối với đời sống và môi trường. Nêu ví dụ về vai trò của lâm nghiệp đối với gia đình, địa phương của em

2. Trình bày những yêu cầu cơ bản đối với lao động của một số ngành nghề phổ biến trong lâm nghiệp.

Vận dụng

Liên hệ với bản thân và tự đánh giá em có phù hợp với các ngành nghề trong lâm nghiệp không? Vì sao?

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Công Nghệ 12 (Lâm Nghiệp - Thủy Sản)

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 12 - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lí 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lí 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

vo-bai-tap-toan-2-tap-mot-1010

Vở bài tập TOÁN 2 - Tập Một

Sách Lớp 2 Chân Trời Sáng Tạo

tieng-anh-3-tap-hai-1075

Tiếng Anh 3 - Tập Hai

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

vo-bai-tap-am-nhac-1-22

Vở bài tập ÂM NHẠC 1

Sách Lớp 1 Chân Trời Sáng Tạo

mi-thuat-4-2798

Mĩ Thuật 4

Sách Cánh Diều Lớp 4

toan-7-tap-1-891

Toán 7 - Tập 1

Sách Lớp 7 Kết Nối Tri Thức

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.