B
Bang: Đơn vị hành chính có tính chất tự trị ở Hợp chủng quốc Mĩ (Hoa Kì).
Bảo hộ (chế độ): Một hình thức thống trị của đế quốc thực dân đối với một số nước bị xâm lược.
Bônsêvích (phái): Những người theo trào lưu mácxít trong phong trào xã hội - dân chủ Nga, hình thành năm 1903, đứng đầu là V.l.Lê-nin. Họ chiếm đa số trong đảng.
C
Cách mạng công nghiệp: Bước phát triển của sản xuất tư bản chủ nghĩa, diễn ra đầu tiên ở Anh rồi lan ra các nước khác. Nó thúc đẩy việc phát minh máy móc, đẩy mạnh sản xuất và hình thành hai giai cấp tư sản và vô sản.
Cách mạng khoa học - kĩ thuật: Sự phát triển kĩ thuật nhanh chóng trong sản xuất gắn với những phát minh lớn của các ngành khoa học.
Cần vương (phong trào): Phong trào đấu tranh chống ngoại xâm dưới danh nghĩa ủng hộ một nhà vua (diễn ra ở Việt Nam vào cuối thế kỉ XIX).
Chủ nghĩa cơ hội: Khuynh hướng tư tưởng chính trị trong phong trào công nhân từ cuối thế kỉ XIX chủ trương từ bỏ những nguyên tắc của cách mạng vô sản, thoả hiệp vô nguyên tắc với giai cấp tư sản.
Đ
Đẳng cấp: Những tầng lớp xã hội được hình thành dưới chế độ phong kiến, do luật pháp hoặc tục lệ quy định về vị trí xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau.
Đẳng cấp thứ ba: Đẳng cấp thấp nhất trong xã hội phong kiến Pháp trước năm 1789, gồm công nhân, dân nghèo thành thị, tư sản và nông dân. Họ không có quyền gì, bị phong kiến thống trị và phải đóng mọi thứ thuế.
H
Hai chính quyền song song tồn tại (tình trạng): Việc cùng tồn tại Chính phủ lâm thời tư sản và Xô viết đại biểu công nhân, nông dân và binh lính ở nước Nga từ tháng 2 đến tháng 7 - 1917.
Hội nghị ba đẳng cấp: Cơ quan đại diện của các đẳng cấp ở Pháp, tồn tại từ năm 1302 đến năm 1789, gồm đại biểu của Quý tộc, Tăng lữ và Đẳng cấp thứ ba.
L
Liên quân tám nước (Bát quốc liên quân): Quân đội tám nước tư bản (Anh, Pháp, Đức, Mĩ, Nga, l-ta-li-a, Áo - Hung, Nhật Bản) hợp tác với nhau để đàn áp Nghĩa Hoà đoàn ở Trung Quốc vào năm 1900.
N
Nhà nước kiểu mới: Nhà nước được thành lập sau khi cách mạng vô sản thành công. Khác với nhà nước của chủ nô, phong kiến, tư sản - những giai cấp thống trị, nhà nước kiểu mới bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động. Công xã Pa-ri 1871 là nhà nước kiểu mới.
P
Phát xít (chủ nghĩa): Hình thức chuyên chính của bọn tư bản, đế quốc phản động nhất, hiếu chiến nhất, chủ trương thủ tiêu mọi quyền tự do cơ bản của con người, khủng bố, đàn áp tàn bạo nhân dân, gây chiến tranh xâm lược để thống trị thế giới.
Phụ thuộc (nước): Quốc gia tuy không bị các nước đế quốc xâm chiếm, trực tiếp thống trị, song vẫn lệ thuộc vào chúng.
Q
Quý tộc mới: Tầng lớp quý tộc phong kiến đã tư sản hoá, kinh doanh tư bản chủ nghĩa, xuất hiện ở châu Âu vào thế kỉ XVI, mạnh nhất ở Anh, là lực lượng quan trọng lãnh đạo Cách mạng tư sản Anh thế kỉ XVII.
T
Thuộc địa: Nước bị thực dân xâm lược và thống trị, mất hoàn toàn quyền độc lập.
Thuộc địa - nửa phong kiến (nước): Thực chất là nước thuộc địa, nhưng chế độ phong kiến được duy trì để làm tay sai cho thực dân trong việc đàn áp, bóc lột nhân dân.
Tư bản độc quyền (giai đoạn): Giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản, thường gọi là giai đoạn đế quốc tiếp sau giai đoạn tự do cạnh tranh. Một trong những đặc điểm nổi bật là sự hình thành các công ti độc quyền.
Tư bản tài chính: Sự kết hợp chặt chẽ giữa tư bản công nghiệp và tư bản ngân hàng trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.
Tư sản dân tộc: Bộ phận giai cấp tư sản ở nước thuộc địa, phụ thuộc, thường bị đế quốc chèn ép về quyền lợi, có mâu thuẫn với chính quyền thực dân, phong kiến, trong một chừng mực nhất định có tinh thần đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, nhưng không triệt để.
Tư sản mại bản: Tầng lớp tư sản ở nước thuộc địa và phụ thuộc có quyền lợi gắn với đế quốc, chống lại phong trào yêu nước của nhân dân.
X
Xô viết: Tổ chức tự quản của nhân dân, ra đời trong phong trào cách mạng 1905 -1907 ở Nga. Đó là tổ chức chính quyền cách mạng, tiền thân của Nhà nước Liên Xô về sau.