I - CUỘC PHẢN CÔNG CỦA PHÁI CHỦ CHIẾN TẠI KINH THÀNH HUẾ. VUA HÀM NGHI RA “CHIẾU CẦN VƯƠNG”
1. Cuộc phản công quân Pháp của phái chủ chiến ở Huế tháng 7 - 1885
Sau hai hiệp ước 1883 và 1884, phái chủ chiến trong triều đình Huế vẫn nuôi hi vọng giành lại chủ quyền từ tay Pháp khi có điều kiện.
Dựa vào ý chí của nhân dân yêu nước và các quan lại chủ chiến tại các địa phương, Tôn Thất Thuyết (Thượng thư Bộ Binh, thành viên Hội đồng Phụ chính) ra sức xây dựng lưc lượng, tích trữ lương thảo, khí giới... ông còn thẳng tay trừng trị những kẻ thân Pháp và đưa Ưng Lịch lên ngôi (vua Hàm Nghi).
Trước hành động ngày một quyết liệt của Tôn Thất Thuyết, thực dân Pháp lo sợ. Chúng tìm mọi cách để tiêu diệt phái chủ chiến. Tình hình hết sức căng thẳng.
Đêm mồng 4 rạng sáng 5 - 7 - 1885, Tôn Thất Thuyết hạ lệnh tấn công quân Pháp ở toà Khâm sứ và đồn Mang Cá. Quân Pháp nhất thời rối loạn. Sau khi củng cố tinh thần, chúng đã mở cuộc phản công chiếm Hoàng thành. Trên đường đi, chúng xả súng tàn sát, cướp bóc hết sức dã man. Hàng trăm người dân vô tội đã bị giết hại.
- Nêu nguyên nhân, diễn biến cuộc phản công của phái chủ chiến tại kinh thành Huế.
2. Phong trào Cần vương
Khi cuộc tấn công thất bại, Tôn Thất Thuyết phải đưa vua chạy ra Tân Sở (Quảng Trị). Tại đây, ngày 13 - 7 - 1885, ông nhân danh vua Hàm Nghi ra “Chiếu Cần vương”, kêu gọi văn thân và nhân dân đứng lên giúp vua cứu nước. Từ đó, một phong trào yêu nước chống xâm lược đã dâng lên sôi nổi, kéo dài đến cuối thế kỉ XIX, được gọi là phong trào Cần vương, về diễn biến của phong trào, có thể chia thành hai giai đoạn: 1885 - 1888 và 1888 - 1896. Ở giai đoạn 1885 - 1888, phong trào bùng nổ khắp cả nước, sôi động nhất là các tỉnh Trung Kì và Bắc Kì.
Thấy địa bàn Tân Sở chật hẹp, dễ bị địch bao vây, Tôn Thất Thuyết tiếp tục đưa vua Hàm Nghi vượt Trường Sơn ra Bắc rồi lập căn cứ ở làng Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Căn cứ bao gồm miền Tây ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và lan sang cả Lào.
Trên đường đi, nhà vua đã nhận được sự giúp đỡ tận tình, chu đáo của đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới Việt - Lào. Cuối năm 1886, Tôn Thất Thuyết lên đường sang Trung Quốc cầu viện.
Tháng 11 - 1888, nhờ có tay sai dẫn đường, quân Pháp vào được nơi ở của nhà vua, bắt và đưa Hàm Nghi đi đày sang An-giê-ri (châu Phi).
Tuy Hàm Nghi bị bắt nhưng phong trào Cần vương vẫn được duy trì và dần quy tụ thành những cuộc khởi nghĩa lớn, có quy mô và trình độ tổ chức cao hơn trong giai đoạn 1888 - 1896.
- Phong trào Cần vương nổ ra và phát triển như thế nào?
II - NHỮNG CUỘC KHỞI NGHĨA LỚN TRONG PHONG TRÀO CẦN VƯƠNG
1. Khởi nghĩa Ba Đình (1886 - 1887)
Ba Đình thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Lợi dụng địa hình của ba làng Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mĩ Khê, những người lãnh đạo phong trào Cần vương ở Thanh Hoá đã cho xây dựng ở đây một chiến tuyến phòng thủ kiên cố.
Chỉ huy cứ điểm là Phạm Bành và Đinh Công Tráng. Nghĩa quân gồm cả người Kinh, người Mường, người Thái... tham gia.
Cuộc chiến đấu bắt đầu quyết liệt từ tháng 12 - 1886 đến tháng 1 - 1887. Khi giặc Pháp mở cuộc tấn công quy mô vào căn cứ, nghĩa quân đã anh dũng cầm cự trong suốt 34 ngày đêm, đẩy lui nhiều đợt tấn công của giặc.
Cuối cùng, đế chấm dứt cuộc vây hãm, quân giặc liều chết xông vào. Chúng phun dầu thiêu trụi các luỹ tre, triệt hạ và xoá tên ba làng trên bản đồ hành chính.
Nghĩa quân phải mở đường máu rút lên Mã Cao, thuộc miền Tây Thanh Hoá, tiếp tục chiến đấu thêm một thời gian rồi tan rã.
- Quan sát hình 91, em hãy cho biết những điểm mạnh, điểm yếu của cứ điểm Ba Đình.
- Cuộc chiến đấu ở Ba Đình đã diễn ra như thế nào?
2. Khởi nghĩa Bãi Sậy (1883 - 1892)
Ngay từ năm 1883, ở vùng Bãi Sậy (Hưng Yên) đã diễn ra các hoạt động của nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của Đinh Gia Quế. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần vương của Hàm Nghi, phong trào kháng Pháp ở đây lại bùng lên mạnh mẽ. Người đứng đầu cuộc khởi nghĩa này là Nguyễn Thiện Thuật.
Ông từng làm Tán tương quân vụ tỉnh Hải Dương. Khi triều đình kí Hiệp ước 1883, Nguyễn Thiện Thuật trở về quê (Mĩ Hào, Hưng Yên) mộ quân, lập căn cũ kháng chiến. Dưới quyền ông còn có các tướng lĩnh khác, hoạt động trên nhiều địa bàn khác nhau.
- Dựa vào vùng lau sậy um tùm và đầm lầy thuộc các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mĩ..., nghĩa quân đã xây dựng căn cứ kháng chiến và triệt để áp dụng chiến thuật du kích đánh địch.
Trong những năm 1885 - 1889, thực dân Pháp phối hợp với lực lượng tay sai do Hoàng Cao Khởi cầm đầu, mở cuộc tấn công quy mô vào căn cứ nhằm tiêu diệt nghĩa quân.
Sau những trận chống càn liên tiếp, lực lượng nghĩa quân bị suy giảm và rơi vào thế bị bao vây, cô lập. Đến cuối năm 1889, Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc, phong trào tiếp tục một thời gian rồi tan rã.
- Em hãy nêu những điểm khác nhau giữa khởi nghĩa Bãi Sậy và khởi nghĩa Ba Đình.
3. Khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896)
Lãnh đạo cao nhất của cuộc khởi nghĩa là Phan Đình Phùng. Ông từng làm quan Ngự sử trong triều đình Huế. Do cương trực, thẳng thắn, dám phản đối việc phế lập của phe chủ chiến nên ông đã bị cách chức, đuổi về quê. Tuy vậy, năm 1885 ông vẫn hưởng ứng lời kêu gọi của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, đứng ra mộ quân khởi nghĩa và trở thành thủ lĩnh có uy tín nhất trong phong trào Cần vương ở Nghệ - Tĩnh.
Bên cạnh Phan Đình Phùng còn có nhiều tướng lĩnh tài ba khác, tiêu biểu là Cao Thắng.
Từ năm 1885 đến năm 1888, nghĩa quân lo tổ chức, huấn luyện, xây dựng công sự, rèn đúc khí giới và tích trữ lương thảo... Lực lượng nghĩa quân được chia thành 15 quân thứ (đơn vị). Mỗi quân thứ có từ 100 đến 500 người, phân bố trên địa bàn bốn tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Họ đã tự chế tạo được súng trường theo mẫu súng của Pháp.
Từ năm 1888 đến năm 1890 là thời kì chiến đấu của nghĩa quân. Dựa vào vùng rừng núi hiểm trở, có sự chỉ huy thống nhất và phối họp tương đối chặt chẽ, nghĩa quân đã đẩy lui nhiều cuộc hành quân càn quét của dịch.
Để đối phó, thực dân Pháp tập trung binh lực và xây dựng một hệ thống đồn bốt dày đặc nhằm bao vây, cô lập nghĩa quân. Đồng thời, chúng mở nhiều cuộc tấn công quy mô vào Ngàn Trươi, là căn cứ chính của cuộc khởi nghĩa.
Nghĩa quân phải chiến đấu trong điều kiện ngày càng gian khổ hơn, lực lượng suy yếu dần. Sau khi chủ tướng Phan Đình Phùng hi sinhngày 28 - 12 - 1895(1), cuộc khởi nghĩa được duy trì thêm một thời gian rồi tan rã.
- Dựa vào lược đồ, trình bày diễn biến cuộc khởi nghĩa Hương Khê.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Trình bày diễn biến cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.
2. Tại sao nói cuộc khởi nghĩa Hương Khê là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương?
3. Em có nhận xét gì về phong trào vũ trang chống Pháp cuối thế kỉ XIX?
------------------
(1) Trước đây, thực dân Pháp và phong kiến tay sai tung tin Phan Đình Phùng chết vì bệnh kiết lị. Gần đây, các tài liệu xác minh ông mất là do bị thương trong chiến đấu.