I - HAI CUỘC CÁCH MẠNG Ở NƯỚC NGA NĂM 1917
1. Tình hình nước Nga trước cách mạng
Sau khi cuộc cách mạng dân chủ tư sản 1905 - 1907 thất bại, nước Nga vẫn là một đế quốc, quân chủ chuyên chế, đứng đầu là Nga hoàng Ni-cô-lai II. Năm 1914, Nga hoàng đã đẩy nhân dân Nga vào cuộc chiến tranh đế quốc, gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho đất nước: kinh tế suy sụp, quân đội thiếu vũ khí và lương thực, liên tiếp thua trận, mất đất... Mọi nỗi khổ đè nặng lên các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nông dân, công nhân Nga và hơn 100 dân tộc trong đế quốc Nga. Phong trào phản đối chiến tranh, đòi lật đổ chế độ Nga hoàng lan rộng khắp nơi. Chính phủ Nga hoàng ngày càng trở nên bất lực, không còn khả năng tiếp tục thống trị được nữa.
“Không thể chờ đợi và im lặng hơn được nữa... Không có lối thoát nào khác ngoài cuộc đấu tranh của nhân dân... Phải lật đổ chính phủ Nga hoàng để tổ chức nước Cộng hoà dân chủ Nga, thực hiện ngày làm 8 giờ và trao lại toàn bộ ruộng đất cho nông dân”. (Trích truyền đơn kêu gọi đấu tranh của Ban chấp hành Đảng bộ Pê-tơ-rô-grát ngày 14 - 2 - 1917).
- Nêu những nét chính về tình hình nước Nga vào đầu thế kỉ XX.
2. Cách mạng tháng Hai năm 1917
Tháng 2 - 1917, một cuộc cách mạng đã bùng nổ ở Nga.
Mở đầu là cuộc biểu tình ngày 23 - 2 (8 - 3)(1) của 9 vạn nữ công nhân ở Pê-tơ-rô-grát (nay là Xanh Pê-téc-bua). Ba ngày sau, cuộc tổng bãi công bắt đầu với sự hưởng ứng của công nhân toàn thành phôi Ngày 27 - 2 (12 - 3), dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích, công nhân đã chuyển từ tổng bãi công chính trị thành khởi nghĩa vũ trang. Binh lính được giác ngộ đã ngả theo cách mạng. Quân khởi nghĩa chiếm các công sở, bắt các tướng tá của Nga hoàng. Chế độ quân chủ chuyên chê đã bị lật đổ.
Phong trào cách mạng diễn ra trong cả nước; khắp nơi quần chúng nổi dậy bầu ra các xô viết(2), bao gồm đại biểu công nhân, nông dân và binh lính. Cùng thời gian đó, giai cấp tư sản cũng thành lập Chính phủ lâm thời gồm đại biểu tư sản và đại địa chủ tư sản hoá. Cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai đã thắng lợi ở Nga.
- Cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai đã làm được những việc gì?
(1) Ở Nga, trước tháng 3 - 1918 dùng lịch Nga, so với dương lịch chậm hơn 13 ngày. SGK ghi những sự kiện trước tháng 3 - 1918 theo lịch Nga, có ghi chú phần tính theo dương lịch.
(2) Theo tiếng Nga có nghĩa là Uỷ ban.
3. Cách mạng tháng Mười nãm 1917
Cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai năm 1917 đã lật đổ chế độ Nga hoàng, song cục diện chính trị đặc biệt lại diễn ra ở Nga: hai chính quyền song song tồn tại - Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và các xô viết đại biểu công nhân, nông dân và binh lính.
Trước tình hình này, Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích đã chuẩn bị kế hoạch tiếp tục làm cách mạng, dùng bạo lực lật đổ Chính phủ lâm thời, chấm dứt tình trạng hai chính quyền song song tồn tại. Trong lúc đó, Chính phủ lâm thời vẫn theo đuổi cuộc chiến tranh đế quốc, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của quần chúng nhân dân.
Đầu tháng 10, không khí cách mạng bao trùm khắp nước Nga. Ngày 7 - 10 (20 - 10), Lê-nin bí mật rời Phần Lan về Pê-tơ-rô-grát, trực tiếp chỉ đạo công việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Những đội cận vệ đỏ được thành lập. Kế hoạch khởi nghĩa được vạch ra cụ thể, chu đáo và được quyết định hết sức nhanh chóng.
Đêm 24 - 10 (6 - 11), Lê-nin đến điện Xmô-nưi trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Ngay đêm đó, quân khởi nghĩa đã chiếm được toàn bộ Pê-tơ-rô-grát và bao vây Cung điện Mùa Đông, nơi ẩn náu cuối cùng của Chính phủ tư sản. Đêm 25 - 10 (7 - 11), Cung điện Mùa Đông bị chiếm, các bộ trưởng của Chính phủ bị bắt, Chính phủ lâm thời tư sản sụp đố hoàn toàn.
Tiếp đó, khởi nghĩa giành thắng lợi ở Mát-xcơ-va và đến đầu năm 1918, Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười đã giành được thắng lợi hoàn toàn trên đất nưởc Nga rộng lớn.
- Trình bày diễn biến chính của cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Pê-tơ-rô-grát.
II - CUỘC ĐẤU TRANH XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ THÀNH QUẢ CÁCH MẠNG. Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA NĂM 1917
1. Xây dựng chính quyền Xô viết
Ngay trong đêm 25 - 10 (7 - 11), Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ hai khai mạc ở điện Xmô-nưi đã tuyên bố thành lập chính quyền Xô viết do Lê-nin đứng đầu và thông qua các sắc lệnh đầu tiên của chính quyền mới: sắc lệnh hoà bình và sắc lệnh ruộng đất.
Sắc lệnh hoà bình quy định: “Chính phủ công nông do cuộc cách mạng ngày 24 và 25 - 10 thiết lập và dựa vào các xô viết đại biểu công nhân, binh lính và nông dân, đề nghị với nhân dân tất cả các nước tham chiến và các chính phủ của họ tiến hành ngay những cuộc đàm phán về một hoà ước dân chủ và công bằng...”.
Sắc lệnh ruộng đất nêu rõ:
“1 - Nay huỷ bỏ ngay lập tức và không có bồi thường quyền sở hữu của địa chủ về ruộng đất.
2 - Các điền trang của địa chủ cùng như những ruộng đất của các thôn ấp, của các nhà tu và Giáo hội, với toàn bộ gia súc và công cụ đều giao cho các uỷ ban ruộng đất và các xô viết đại biểu nông dân huyện xử lí cho tới khi vấn đề được Quốc hội lập hiến giải quyết...”.
Sắc lệnh ruộng đất đã nhanh chóng được thực hiện. Hơn 150 triệu hécta ruộng đất của địa chủ được trao cho nông dân. Lần đầu tiên ở nước Nga, toàn thể nông dân có ruộng cày.
- “Sắc lệnh hoà bình” và “Sắc lệnh ruộng đất” đem lại những quyền lợi gì cho quần chúng nhân dân?
Chính quyền Xô viết tuyên bố xoá bỏ các đẳng cấp xã hội và những đặc quyền của Giáo hội; thực hiện nam nữ bình quyền; các dân tộc hoàn toàn bình đẳng, có quyền tự quyết và tự do phát triển. Nhà nước nắm các ngành kinh tế then chốt: ngân hàng, đường sắt, ngoại thương, hầm mỏ, trao cho công nhân quyền kiểm soát sản xuất...
Đồng thời, để nước Nga rút ra khỏi cuộc chiến tranh đế quốc, chính quyền Xô viết đã kí Hoà ước Bơ-rét Li-tốp (tháng 3 - 1918) với Đức. Tuy phải chịu những điều kiện hết sức nặng nề, song hoà ước đã tạo cho nước Nga có thời gian hoà bình để củng cố chính quyền, xây dựng quân đội và dốc sức vào xây dựng nền kinh tế quốc gia bị suy sụp trong chiến tranh.
2. Chống thù trong, giặc ngoài
Năm 1918, quân đội 14 nước đế quốc (Anh, Pháp, Mĩ, Nhật...) đã câu kết với bọn phản cách mạng trong nước mở cuộc tấn công vũ trang vào nước Nga Xô viết.
Suốt ba năm (1918 - 1920), nước Nga đã tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng chống thù trong, giặc ngoài trong những điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ. Với Chính sách cộng sản thời chiến (quốc hữu hoá toàn bộ các xí nghiệp, trưng thu lương thực thừa của nông dân, Nhà nước nắm độc quyền quản lí và phân phối lương thực, thực phẩm, thi hành chế độ lao động bắt buộc...), nhân dân Xô viết đã vượt qua được cơn hiểm nghèo.
Năm 1920, Hồng quân đã đánh tan ngoại xâm và nội phản. Nhà nước Xô viết được bảo vệ và giữ vững.
- Vì sao nhân dân Xô viết bảo vệ được những thành quả của Cách mạng tháng Mười?
3. Ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Mười
Cách mạng tháng Mười đã làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh đất nước và số phận của hàng triệu con người ở Nga. Lần đầu tiên trong lịch sử, cách mạng đã đưa những người lao động lên nắm chính quyền, xây dựng chế độ mới - chế độ xã hội chủ nghĩa, trên một đất nước rộng lớn, chiếm tới 1/6 diện tích đất nổi của thế giới.
Tiếng vang của Cách mạng tháng Mười đã vượt qua biên giới nước Nga. Ngay năm 1919, Giôn Rít - nhà văn Mĩ, đã công bố tác phẩm Mười ngày rung chuyển thế giới, tường thuật lại diễn biến Cách mạng tháng Mười Nga. Cuốn sách đã được phổ biến rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới.
Cách mạng tháng Mười đã dẫn đến những thay đổi lớn lao trên thế giới và để lại nhiều bài học quý báu cho cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp vô sản, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước.
- Vì sao Giôn Rít đặt tên cuốn sách là "Mười ngày rung chuyển thế giới"?
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Vì sao ở nước Nga năm 1917 lại có hai cuộc cách mạng?
2. Lập bảng thống kê các sự kiện chính của Cách mạng tháng Mười.
3. Việc xây dựng và bảo vệ chính quyền Xô Viết diễn ra như thế nào?
4. Nêu ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.