I - Đặc điểm hệ nội tiết
Ngoài hệ thần kinh, hệ nội tiết cũng góp phần quan trọng trong việc điều hoà các quá trình sinh lí của cơ thể, đặc biệt là quá trình trao đổi chất, quá trình chuyển hoá vật chất và năng lượng trong các tế bào của cơ thể nhờ hoocmôn từ các tuyến nội tiết tiết ra. Chúng tác động thông qua đường máu nên chậm nhưng kéo dài và trên diện rộng hơn.
II - Phân biệt tuyến nội tiết với tuyến ngoại tiết
- Tìm hiểu đường đi của các sản phẩm tiết trên hình 55-1, 55-2 và nêu rõ sự khác biệt giữa tuyến nội tiết và tuyến ngoại tiết.
- Hãy kể tên các tuyến mà em đã biết và cho biết chúng thuộc các loại tuyến nào?
Hình 55-3 giới thiệu lần lượt các tuyến nội tiết chính (từ trên xuống dưới). Trong số các tuyến có tuyến tuỵ vừa là tuyến ngoại tiết (tiết dịch tuỵ đổ vào ruột) lại vừa là một tuyến nội tiết quan trọng, tuyến sinh dục cũng là tuyến pha.
Sản phẩm tiết của các tuyến nội tiết là các hoocmôn.
III - Hoocmôn
1. Tính chất của hoocmôn
Mỗi hoocmôn chi ảnh hưởng đến một hoặc một số cơ quan xác định (gọi là cơ quan đích), mặc dù các hoocmôn này theo máu đi khắp cơ thể (tính đặc hiệu của hoocmôn).
Ví dụ: Insulin do tuy tiết ra chỉ có tác dụng làm hạ đường huyết, hoocmôn kích thích nang trứng hoặc tinh hoàn (FSH) lại chỉ có ảnh hưởng đối với quá trình trứng chín hoặc sinh tinh...
Hoocmôn có hoạt tính sinh học rất cao, chỉ với một lượng nhỏ cũng gây hiệu quả rõ rệt;
Hoocmôn không mang tính đặc trưng cho loài. Ví dụ, người ta dùng insulin của bò (thay insulin của người) để chữa bệnh tiểu đường cho người.
2. Vai trò của hoocmôn
Những nghiên cứu thực nghiệm và nghiên cứu lâm sàng cho phép kết luận: nhờ sự điều khiển, điều hoà và phối hợp hoạt động của các tuyến nội tiết (mà thực chất là của các hoocmôn) đã:
- Duy trì được tính ổn định của môi trường bên trong cơ thể.
- Điều hoà các quá trình sinh lí diễn ra bình thường.
Do đó, các rối loạn trong hoạt động nội tiết thường dẫn đến tình trạng bệnh lí.
Tuyến nội tiết sản xuất các hoocmôn chuyển theo đường máu đến các cơ quan đích. Hoocmôn có hoạt tính sinh học cao, chỉ cần một lượng nhỏ cũng có thể làm ảnh hưởng rõ rệt đến các quá trình sinh lí, đặc biệt là quá trình trao đổi elicit, quá trình chuyển hoá trong các cơ quan đó diễn ra bình thường, đảm bảo được tính ổn định của môi trường bên trong của cơ thể. |
Câu hỏi và bài tập
1. Lập bảng so sánh cấu tạo và chức năng của tuyến nội tiết và tuyến ngoại tiết. Chúng giống và khác nhau ở những điểm nào?
2. Nêu vai trò của một số hoocmôn, từ đó xác định tầm quan trọng của hệ nội tiết nói chung.
Em có biết?
Nếu các nơron có tác động đến từng cơ quan xác định mà chúng chi phối thì các hoocmôn tuy theo đường máu đi khắp cơ thể nhưng chúng cũng chỉ tác động đến các tế bào của cơ quan xác định tương ứng với từng loại hoocmôn như chìa khoá và ổ khoá làm ảnh hưởng tới các quá trình sinh lí diễn ra trong các tế bào của các cơ quan đó.
Chìa khoá ở đây là hoocmôn và ổ khoá là thụ thể tương ứng nằm trên màng hay trong tế bào của cơ quan ứng với hoocmôn đó. Khi hoocmôn đã khớp (kết hợp) với thụ thể sẽ kéo theo một loạt các phản ứng, kết quả là xúc tiến các quá trình sinh lí xảy ra trong các cơ quan này.