I - Thức ăn và sự tiêu hóa
Từ xa xưa, con người đã hiểu rằng:
- Ăn uống cũng cần như thở.
- Người ta có thể nhịn ăn (vài tuần) lâu hơn nhịn thở (3 phút), nhưng không thể không ăn mà sống được.
Thức ăn dù đã được nấu nướng, chế biến cũng vẫn còn rất "thô" so với tiêu chuẩn hấp thụ của cơ thể người. Bởi vậy cần phải có hoạt động tiêu hoá (hình 24-1→2).
- Các chất nào trong thức ăn không bị biến đổi về mặt hoá học qua quá trình tiêu hoá?
- Các chất nào trong thức ăn được biến đổi về mặt hoá học qua quá trình tiêu hoá?
- Quá trình tiêu hoá gồm những hoạt động nào?
II - Các cơ quan tiêu hóa (hình 24-3)
Quan sát và liệt kê các cơ quan tiêu hóa ở hình 24-3 vào các cột tương ứng ở bảng 24.
Bảng 24. Các cơ quan trong ống tiêu hóa và các tuyến tiêu hóa
Các cơ quan trong ống tiêu hóa | Các tuyến tiêu hóa |
Quá trình tiêu hoá được thực hiện nhờ hoạt động của các cơ quan trong ống tiêu hóa và các tuyến tiêu hóa. Quá trình tiêu hóa bao gồm các hoạt động: ăn và uống, vận chuyển thức ăn trong ống tiêu hóa, tiêu hóa thức ăn, hấp thụ các chất dinh dưỡng, thải phân. Hoạt động tiêu hóa thực chất là biến đổi thức ăn thành các chất dinh dưỡng mà có thể có thể hấp thụ được qua thành ruột và thải bỏ các chất thừa không thể hấp thụ được. |
Câu hỏi và bài tập
1. Các chất trong thức ăn có thể được phân nhóm như thế nào? Nêu đặc điểm của mỗi nhóm.
2. Vai trò của tiêu hóa đối với cơ thể người là gì?
3. Các chất cần cho cơ thể như nước, muối khoáng, các loại vitamin khi vào cơ thể theo đường tiêu hóa thì cần phải qua những hoạt động nào của hệ tiêu hóa? Cơ thể người có thể nhận các chất này theo con đường nào khác không?
Em có biết?
Sự ra đời của ý tưởng về tiêu hóa hóa học
Rêômua (Réaumur) (1683 - 1757), Nhà tự nhiên học và vật lí học người Pháp là ngươi đầu tiên thực hiện một thí nghiệm nghiên cứu về sự tiêu hóa. Thí nghiệm được tiến hành trên một con chim săn mồi, một loài chim có khả năng nôn ra khỏi mỏ tất cả những gì mà nó đã nuốt vào nhưng dạ dày của nó không tiêu hóa được.
Ông chuẩn bị cho con chim bữa ăn đầu tiên một miếng thịt để trong một ống sắt nhỏ hở 2 đầu. Con chim đã ăn bữa ăn đó và rồi lại nôn ống sắt ra. Ống sắt vẫn tròn nguyên, không hề có một dấu hiệu hao mòn nào, nhưng miếng thịt thì bị hao đi khỏang 1/4, phần còn lại như được bao bởi một lớp bột nhão có lẽ từ phần thịt đã bị tiêu hóa.
Sau đó, chính kết quả thí nghiệm này đã làm nảy sinh ý tưởng cần đi sâu nghiên cứu về sự tiêu hóa hóa học của các Nhà sinh lí học.