I - Tiêu hoá ở khoang miệng
- Cấu tạo khoang miệng (hình 25-1).
- Khi thức ăn được đưa vào trong miệng sẽ diễn ra các hoạt động sau:
+ Tiết nước bọt
+ Nhai
+ Đảo trộn thức ăn
+ Hoạt động của enzim (men) amilaza trong nước bọt
+ Tạo viên thức ăn
- Kết quả phân tích hoá học cho biết: enzim amilaza trong nước bọt đã biến đổi một phần tinh bột (chín) trong thức ăn thành đường mantozo (hình 25-2).
Enzim là chất xúc tác sinh học, chỉ với một lượng rất nhỏ có thể thúc đẩy tốc độ phản ứng tăng lên nhiều lẩn. Mỗi loại enzim chi xúc tác cho một phản ứng nhất định, trong điều kiện pH và nhiệt độ nhất định.
- Khi ta nhai cơm lâu trong miệng thấy có cảm giác ngọt là vì sao?
- Từ những thông tin nêu trên, hãy điền các cụm từ phù hợp theo cột và theo hàng trong bảng 25.
Bảng 25. Hoạt động biến đổi thức ăn ở khoang miệng
Biến đổi thức ăn ở khoang miệng | Các hoạt động tham gia | Các thành phần tham gia hoạt động | Tác dụng của hoạt động |
Biến đổi lí học | |||
Biến đổi hoá học |
II - Nuốt và đẩy thức ăn qua thực quản
Khi viên thức ăn được tạo ra và thu gọn trên mặt lưỡi thì phản xạ nuốt mới bắt đầu. Thoạt tiên lưỡi nâng cao viên thức ăn lên chạm vòm miệng, rồi hơi rụt lại một chút để viên thức ăn được chuyển xuống họng, vào thực quản.
Khi nuốt, lúc lưỡi nâng lên thì đồng thời kéo nắp thanh quản đóng kín lỗ khí quản lại để thức ăn không lọt vào đường hô hấp, khẩu cái mềm nâng lên đóng kín 2 lỗ thông lên mũi. Khi thức ăn lọt vào thực quản, các cơ vòng ở thực quản lần lượt co đẩy dần viên thức ăn xuống dạ dày.
- Nuốt diễn ra nhờ hoạt động của cơ quan nào là chủ yếu và có tác dụng gì?
- Lực đẩy viên thức ăn qua thực quản xuống dạ dày đã được tạo ra như thế nào?
- Thức ăn qua thực quản có được biến đổi gì về mặt lí học và hoá học không?
Nhờ hoạt động phối hợp của răng, lưỡi, các cơ môi và má cùng các tuyến nước bọt làm cho thức ăn đưa vào khoang miệng trở thành viên thức ăn mềm, nhuyễn, thấm đẫm nước bọt và dễ nuốt. Một phần tinh bột được enzim amilaza biến đổi thành đường mantôzơ. Thức ăn được nuốt xuống thực quản nhờ hoạt động chủ yếu của lưỡi và được đẩy qua thực quản xuống dạ dày nhờ hoạt động của các cơ thực quản. |
Câu hỏi và bài tập
1. Thực chất biến đổi lí học của thức ăn trong khoang miệng là gì?
2. Hãy giải thích nghĩa đen về mặt sinh học của câu thành ngữ "Nhai kĩ no lâu".
3. Với khẩu phần ăn đầy đủ các chất, sau tiêu hoá ở khoang miệng và thực quản thì còn những loại chất nào trong thức ăn cần được tiêu hoá tiếp?
4. Khi ta ăn cháo hay uống sữa, các loại thức ăn này có thể được biến đổi trong khoang miệng như thế nào?
Em có biết?
Vai trò của nước bọt
Mỗi ngày cơ thể ta tiết ra khoảng 800 - 1 200ml nước bọt. Bình thường, mỗi giờ tiết khoảng 15ml, nhưng khi nói, khi nhai và đặc biệt khi ăn thức ăn khô sẽ tiết nhiều hơn. Ban ngày tiết nhiều hơn ban đêm.
Nước bọt không chỉ có vai trò trong tiêu hoá mà còn có tác dụng bảo vệ răng miệng. Sở dĩ vậy là nhờ trong nước bọt có chất lizozim có tác dụng sát khuẩn. Những khi ta tiết ít nước bọt (vào ban đêm), không giữ vệ sinh răng miệng sẽ là điều kiện cho vi khuẩn phát triển nơi thức ăn còn dính lại, tạo ra môi trường axit, gây viêm răng lợi (hình dưới) và làm cho miệng có mùi hôi. Bởi vậy, cần phải vệ sinh răng miệng đúng cách sau khi ăn, đặc biệt là sau bữa ăn tối.