Học xong bài này, em sẽ:
• Biết sơ đồ tư duy là gì.
• Tạo lập được sơ đồ tư duy đơn giản.
• Nhận thấy lợi ích của việc sử dụng sơ đồ tư duy trong học tập và ưa thích sử dụng sơ đồ tư duy.
1. Khái niệm sơ đồ tư duy
Trong lúc suy nghĩ xem kì nghỉ hè này mình sẽ làm gì, em có thể viết lần lượt những việc em nghĩ đến. Có một cách thú vị hơn, đó là em có thể viết ra ý nghĩa của mình theo một sơ đồ tương tự như Hình 1 sau đây: Sơ đồ này được gọi là sơ đồ tư duy.
Sơ đồ tư duy: sơ đồ giúp triển khai ý tưởng một cách ngắn gọn, trực quan.
Hình 1. Sơ đồ tư duy thể hiện kế hoạch hè của bạn Trung Anh
Các sơ đồ thường được dùng để biểu diễn thông tin một cách ngắn gọn, trực quan. Với hình ảnh và màu sắc, sơ đồ dễ gây ấn tượng, dễ làm ta nhớ các thông tin nó thể hiện.
Sơ đồ tư duy giúp ghi lại tóm tắt, triển khai một ý tưởng trong quá trình suy nghĩ. Dùng sơ đồ tư duy ta có thể trình bày một chủ đề theo cách thấy được các ý chính của chủ đề và các ý chi tiết đã triển khai.
Hoạt động 1
Nếu được mời giới thiệu với các bạn trong lớp về bản thân, em dự kiến sẽ nói về những gì? Em vẽ sơ đồ tư duy thể hiện dự kiến đó. Hình 2 sau đây là một ví dụ. |
Hình 2. Sơ đồ tư duy về giới thiệu bản thân của bạn Thùy Anh
Các thành phần cơ bản của sơ đồ tư duy:
- Tên của chủ đề hoặc hình ảnh biểu thị một ý tưởng hay thông tin.
- Các nhánh (đường nối).
2. Cách lập một sơ đồ tư duy đơn giản
a) Thể hiện chủ đề trung tâm: Viết tên của chủ đề trung tâm ở giữa của tờ giấy và làm nổi bật bằng cách vẽ đường bao quanh tên chủ đề, hoặc tô màu, dùng hình ảnh,...
b) Triển khai chi tiết cho chủ đề trung tâm: Từ chủ đề trung tâm, vẽ các nhánh (đường nối) tới các chủ đề chính (hay ý chính).
c) Triển khai chi tiết cho các chủ đề chính: Viết (ngắn gọn) các thông tin của chủ đề chính và vẽ các nhánh nhỏ hơn nối các chủ đề chính với các thông tin chi tiết của nó.
d) Bổ sung nhánh mới: Khi có thông tin mới, có thể bổ sung các nhánh và thông tin mới vào các chủ đề liên quan trong sơ đồ tư duy.
Mỗi sơ đồ tư duy sau khi hoàn thành phải có chủ đề trung tâm và các nhánh với những chủ đề chính xung quanh. Những thông tin chi tiết của chủ đề chính được tỏa ra theo các nhánh xuất phát từ chủ đề chính, giống như các cành lá của một cây.
Khi lập sơ đồ tư duy, các nhánh phải thể hiện mối liên quan hợp lí, viết ngắn gọn, chừa khoảng trống để có thể bổ sung.
Chủ đề trung tâm được triển khai thành các chủ đề chính, mỗi chủ đề chính lại được triển khai gồm các chủ đề nhỏ hơn, chủ đề nhỏ hơn đó có thể được triển khai tiếp,... Nếu gọi một chủ đề là chủ đề mẹ thì chủ đề nhánh triển khai từ chủ đề mẹ gọi là các chủ đề con.
Hoạt động 2
Xem sơ đồ tư duy thể hiện một kế hoạch hoạt động hè ở Hình 1. Hãy trả lời các câu hỏi sau đây: 1) Nếu gọi chủ đề trung tâm là chủ đề mẹ thì đâu là những chủ đề con của chủ đề trung tâm? 2) Nếu gọi chủ đề Ôn tập là chủ đề con thì chủ đề mẹ của nó là chủ đề nào 3) Nếu gọi chủ đề Ôn tập là chủ đề mẹ thì nó có những chủ đề con nào? |
Luyện tập
Bài 1. Em hãy tóm tắt các thành phần chủ yếu của một mạng máy tính bằng cách vẽ tay một sơ đồ tư duy.
Bài 2. Em hãy vẽ tay một sơ đồ tư duy thể hiện những chuẩn bị của em cho một chuyển tham quan.
Vận dụng
1) Theo em, sử dụng sơ đồ tư duy là hữu ích trong những trường hợp nào sau đây?
- Viết một lá thư cho người thân.
- Tóm tắt ý chính của một bài phát biểu.
- Tính toán chi phí cho một hoạt động.
- Tổng kết nội dung một cuộc họp.
2) Em hãy tóm tắt các thành phần chủ yếu của một mạng máy tính bằng cách vẽ tay một sơ đồ tư duy.
Câu hỏi tự kiểm tra
Câu 1. Theo em một bản đồ có phải một sơ đồ tư duy không? Vì sao?
Câu 2. Vì sao em có thể sử dụng sơ đồ tư duy để tóm tắt nội dung một bài học?
TÓM TẮT BÀI HỌC* Sơ đồ tư duy hữu ích trong việc trình bày các ý tưởng về một chủ đề nào đó. * Khi lập sơ đồ tư duy cần vẽ chủ đề trung tâm, rồi đến các chủ đề con của chủ đề trung tâm và các nhánh nối. Có thể tiếp tục triển khai thêm các nhánh cho các chủ đề đã có. |