(trang 51)
Sau bài học này, em sẽ:• Sưu tầm và giới thiệu được một số tư liệu lịch sử (câu chuyện, văn bản, tranh ảnh,...) liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn và Triều Hậu Lê. • Kể lại được một số nét chính về khởi nghĩa Lam Sơn thông qua các câu chuyện về một số nhân vật lịch sử (ví dụ: Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Lai, Nguyễn Chích,...). • Kể lại được chiến thắng Chi Lăng có sử dụng tư liệu lịch sử (lược đồ, tranh ảnh, câu chuyện về ải Chi Lăng ,về Liễu Thăng,...). • Trình bày được những nét chính về lịch sử Việt Nam thời Hậu Lê thông qua các câu chuyện về một số nhân vật lịch sử (ví dụ: vua Lê Thánh Tông, Lương Thế Vinh, Ngô Sĩ Liên,...). |
KHỞI ĐỘNG
Hình 1 là một công trình kiến trúc trong Khu di tích Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hoá). Đây là nơi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh giành thắng lợi, lập ra triều Hậu Lê. Hãy chia sẻ điều em biết về Lê Lợi và triều đại do ông sáng lập. Hình 1. Điện Lam Kinh |
KHÁM PHÁ
1. Khởi nghĩa Lam Sơn 1418 - 1427
a) Khái quát về khởi nghĩa Lam Sơn
Câu hỏi
Đọc thông tin, em hãy:
- Nêu một số nét chính về khởi nghĩa Lam Sơn.
- Kể câu chuyện về một nhân vật trong khởi nghĩa Lam Sơn.
(trang 52)
Năm 1418, khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo nổ ra tại vùng rừng núi Lam Sơn (Thanh Hóa). Trải qua 10 năm (1418 - 1427) chiến đấu gian khổ với nhiều trận đánh ác liệt, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành được thắng lợi hoàn toàn.
Câu chuyện Lịch sử
LÊ LỢI DỰNG CỜ KHỞI NGHĨA |
Dưới ách thống trị tàn bạo của nhà Minh, nhân dân phải chịu cảnh lầm than, cơ cực. Lê Lợi - một hào trưởng ở vùng Lam Sơn (Thanh Hóa) sớm nuôi chí lớn đánh đuổi giặc ngoại xâm. Năm 1416, Lê Lợi cùng 18 anh hùng hào kiệt tổ chức Hội thề Lũng Nhai, nguyện chung sức đồng lòng đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi. Năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, dựng cờ khởi nghĩa ở vùng rừng núi Lam Sơn. Ông khẳng định: "Ta cất quân đánh giặc không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tới cho giặc tàn ngược". Cuộc khởi nghĩa đã thu hút nhiều người yêu nước và trở thành phong trào dân tộc rộng lớn. (Theo Vũ Ngọc Khánh, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và đất Lam Sơn, NXB Văn hóa dân tộc, 2018) Hình 2. Lê Lợi và Nguyễn Trãi ở căn cứ Lam Sơn (tranh sơn dầu của họa sĩ Hoàng Mai Hoa) |
Thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn còn gắn với vai trò và đóng góp quan trọng của nhiều nhân vật tiêu biểu khác như: Nguyễn Trãi, Lê Lai, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích,...
Em có biết?
Trong khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã dâng lên Lê Lợi cuốn Bình Ngô sách với phương châm chủ yếu là đánh vào lòng người. Ông cũng viết nhiều văn thư dụ hành quân Minh. Đặc biệt, Nguyễn Trãi đã thay mặt Lê Lợi viết bảy bức thư gửi cho Vương Thông ở thành Đông Quan, thậm chí sẵn sàng vào thành để trao đổi con tin.
LÊ LAI QUÊN MÌNH CỨU CHÚA |
Năm 1418, giặc Minh vây kín núi Chí Linh (thuộc vùng Lam Kinh). Lê Lợi hỏi các tướng: "Ai có thể thay ta mặc áo hoàn bào, xông ra giết giặc để quân tướng có đường thoát?". Các tướng còn yên lặng, Lê Lai đã bước lên nói: "Thần nguyện làm điều đó". Thấy vậy, Lê Lợi ôm chầm lấy Lê Lai và khóc... Lê Lai mặc áo bào, cưỡi ngựa xông trận. Giặc tưởng Lê Lai là Lê Lợi vội dồn hết quân vây bắt. Lê Lợi cùng nghĩa quân nhân đó rút khỏi vòng vây, sau đó từng bước khôi phục lực lượng tiếp tục khởi nghĩa. (trang 53) Nhớ ơn Lê Lai, Lê Lợi đã dặn lại: "Nếu ta chết ngày nào thì trước một ngày là giỗ Lê Lai". Ngày 22 - 8 (âm lịch), Lê Lợi băng hà. Nhớ lời dặn, nhân dân ta tổ chức giỗ Lê Lai vào ngày 21 - 8 (âm lịch) hàng năm. Vì thế mới có câu: "Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi". (Theo Lê Đình Hà, Những mẩu chuyện lịch sử, NXB Giáo dục, 2008) |
b) Chiến thắng Chi Lăng
Câu hỏi
Đọc câu chuyện và quan sát hình 3, hãy kể lại chiến thắng Chi Lăng.
Trận Chi Lăng là một trong những trận đánh tiêu biểu và quyết định của khởi nghĩa Lam Sơn.
Câu chuyện Lịch sử
TRẬN CHI LĂNG |
Ải Chi Lăng thuộc địa phận huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), là một thung lũng nhỏ, dài khoảng hơn 4 km, hai bên là các dãy núi đá rất hiểm trở. Hình 3. Lược đồ trận Chi Lăng Khi Lê Lợi kéo quân ra Bắc, bao vây thành Đông Quan (Hà Nội), nhà Minh lo sợ cử hai đạo viện binh kéo sang phá vây. Liễu Thăng cầm đầu một đạo quân đánh vào Lạng Sơn. Mờ sáng, quân Minh đến cửa ải Chi Lăng. Kị binh nghĩa quân ra nghênh chiến, rồi giả thua để nhử quân Minh vào trận địa. Khi ngựa của chúng ta đang vượt qua cánh đồng lầy, bỗng nhiên một loạt pháo hiệu nổ vang như sấm. Lập tức, từ hai bên sườn núi, những chùm tên, mũi lao vun vút phóng xuống. Đội kị binh giặt tối tăm mặt mũi. Liễu Thăng bị trúng một mũi lao, chết bên sườn núi Mã Viên. Hơn một vạn viện binh tinh nhuệ của giặc bị tiêu diệt. Nghe tin chủ tướng tử trận, quân Minh vô cùng hoảng loạn tháo chạy. Mưu đồ cứu viện thành Đông Quan của nhà Minh thất bại. (Theo Chiến thắng Chi Lăng, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1987) |
(trang 54)
2. Triều Hậu Lê và công cuộc xây dựng đất nước
Câu hỏi
Đọc thông tin, em hãy:
- Nêu một số nét chính về lịch sử Việt Nam Triều Hậu Lê
- Kể lại câu chuyện về một nhân vật lịch sử tiêu biểu Triều Hậu Lê.
Năm 1428, sau thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lập ra Triều Hậu Lê, khôi phục Quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long).
Dưới Triều Hậu Lê, bộ máy nhà nước được tổ chức quy củ, chặt chẽ. Nhà nước đặc biệt coi trọng và khuyến khích phát triển nông nghiệp. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp được phục hồi và phát triển, đời sống nhân dân ổn định. Đất nước thịnh đạt, nhất là dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497).
Câu chuyện Lịch sử
LÊ THÁNH TÔNG - NHÀ CHÍNH TRỊ TÀI BA |
Vua Lê Thánh Tông là hoàng đế thứ năm của triều Hậu Lê. Trong thời kì trị vì của mình, vua Lê Thánh Tông đã tiến hành cải cách trên nhiều lĩnh vực, chú trọng vào bảo vệ biên cương, mở mang bờ cõi. Ông cho vẽ Hồng Đức bản đồ, ban hành bộ Quốc Triều hình luật,... Vua còn tổ chức đều đặn các khoa thi tiến sĩ để tuyển chọn quan lại, lập bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám để vinh danh những người đỗ đạt. Nhà vua cũng kiên quyết ngăn chặn những hành động xâm phạm biên giới của nhà Minh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Ông từng nói với quan phụ trách việc bảo vệ biên cương Lê Cảnh Huy rằng: "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được... Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di". Lê Thánh Tông được đánh giá là vị vua "anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, giỏi võ,... Các sách kinh sử, các sách lịch toán,... cái gì cũng tin thông". Theo Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Sđd) |
Văn học và khoa học dưới triều Hậu Lê cũng đạt được nhiều thành tựu với các tác gia tiêu biểu như: Nguyễn Trãi, Ngô Sĩ Liên, Lương Thế Vinh,...
Nguyễn Trãi là một nhà thơ, nhà sử học lớn với các tác phẩm như: Lam Sơn thực lục, Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Quốc âm thi tập,...
Ngô Sĩ Liên là một nhà sử học tiêu biểu với bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Đây là một trong những bộ sử xưa nhất của nước ta còn lưu giữ được đến ngày nay, ghi lại lịch sử từ thời Hùng Vương đến Triều Hậu Lê.
(trang 55)
"TRẠNG LƯỜNG" LƯƠNG THẾ VINH |
Ở huyện Thiên Bản (Vụ Bản, Nam Định) có một cậu học trò tên là Lương Thế Vinh, nổi tiếng thông minh, nhanh trí. Ông đỗ Trạng nguyên và được bảo làm quan dưới Triều Hậu Lê. Sau này, Lương Thế Vinh đã soạn cuốn Đại thành toán pháp tổng kết những kiến thức toán học và cả những phát minh của ông. (Theo Kể chuyện Lịch sử, NXB Giáo dục, 1981) |
LUYỆN TẬP
Hoàn thành bảng (theo gợi ý dưới đây vào vở) về đóng góp của một số nhân vật lịch sử tiêu biểu trong khởi nghĩa Lam Sơn và Triều Hậu Lê.
STT | Nhân vật lịch sử | Đóng góp |
1 | Lê Lợi | ? |
? | ? | ? |
VẬN DỤNG
Kể câu chuyện về một nhân vật liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn hoặc Triều Hậu Lê mà em sưu tầm được.