Căn nhà sàn chật ních người mặc quần áo như đi hội. Mấy cô gái vừa lùi vừa trải những tấm lông thú thẳng tắp từ đầu cầu thang tới cửa bếp giữa sàn. Bấy giờ, người già mới ra hiệu dẫn Y Hoa bước lên lối đi bằng lông thú mịn như nhung. Buôn Chư Lênh đã đón tiếp cô giáo đến mở trường bằng nghi thức trang trọng nhất dành cho khách quý.
Y Hoa đến bên già Rok, trưởng buôn, đang đứng đón khách ở giữa nhà sàn. Nhận con dao mà già giao cho, nhằm vào cây cột nóc, Y Hoa chém một nhát thật sâu vào cột. Đó là lời thề của người lạ đến buôn, theo tục lệ, lời thề ấy không thể nói ra mà phải khắc vào cột. Y Hoa được coi là người trong buôn sau khi chém nhát dao.
Già Rok xoa tay lên vết chém, khen:
- Tốt cái bụng đó, cô giáo ạ!
Rồi giọng già vui hẳn lên:
- Bây giờ cho người già xem cái chữ của cô giáo đi!
Bao nhiêu tiếng người cùng ùa theo:
- Phải đấy! Cô giáo cho lũ làng xem cái chữ nào!
Y Hoa lấy trong gùi ra một trang giấy, trải lên sàn nhà. Mọi người im phăng phắc. Y Hoa nghe thấy rõ cả tiếng tim đập trong lồng ngực mình. Quỳ hai gối lên sàn, cô giáo viết thật to, thật đậm hai chữ: “Bác Hồ”. Y Hoa viết xong, bỗng bao nhiêu tiếng cùng hò reo:
- Ôi! Chữ cô giáo này! Nhìn kìa!
- A, chữ, chữ cô giáo!
Theo HÀ ĐÌNH CẨN
Chú thích
- Buôn: làng ở Tây Nguyên.
- Nghi thức: quy định về cách thức tiếp khách hay tiến hành các buổi lễ.
- Gùi: đồ đan bằng mây, tre, đeo trên gùi để mang đồ đạc.
Câu hỏi
1.Cô giáo Y Hoa đến buôn Chư Lênh để làm gì?
2.Người dân Chư Lênh đón tiếp cô giáo trang trọng và thân tình như thế nào?
3.Những chi tiết nào cho thấy dân làng rất háo hức chờ đợi và yêu quý "cái chữ"?
4.Tình cảm của người Tây Nguyên với cô giáo, với cái chữ nói lên điều gì?