Sách Giáo Khoa 247

Công Nghệ 12 (Công Nghệ Điện - Điện Tử) - Bài 14: Ngành nghề và dịch vụ trong lĩnh vực kĩ thuật điện | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Xem chi tiết nội dung bài Bài 14: Ngành nghề và dịch vụ trong lĩnh vực kĩ thuật điện và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Công Nghệ 12 (Công Nghệ Điện - Điện Tử) | Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

(Trang 69)

Sau khi học xong bài này, em sẽ:

• Nhận biết được một số ngành nghề thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện tử.

• Kể tên và mô tả được một số dịch vụ phổ biến xã hội có ứng dụng kĩ thuật điện.

Hình 14.1

Quan sát và cho biết: Người trong Hình 14.1 làm nghề gì?

I.  MỘT SỐ NGÀNH NGHỀ THUỘC LĨNH VỰC KĨ THUẬT ĐIỆN

Khám phá

Quan sát và mô tả các công việc trong hình 14.2. Trong hai công việc này, em thấy mình phù hợp với công việc nào hơn?

Hình 14.2. Một số công việc trong lĩnh vực kĩ thuật điện tử

(Trang 70)

1. Thiết kế thiết bị điện tử

Mô tả công việc: Thiết kế thiết bị điện tử là việc nghiên cứu, ứng dụng kiến thức về kĩ thuật điện tử để tạo ra bản thiết kế mạch nguyên lí, thử nghiệm hoạt động của mạch nguyên lí, bản thiết kế mạch in (mạch PCB) và các thành phần khác của thiết bị nhằm đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Công việc thiết kế thiết bị điện tử được thực hiện bởi: Kĩ sư có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn và thiết kế các thiết bị hoặc linh kiện điện tử, mạch điện, chất bán dẫn và hệ thống điện tử; Kĩ thuật viên hỗ trợ kĩ thuật trong nghiên cứu và phát triển thiết bị điện tử hoặc thử nghiệm các nguyên mẫu.

Yêu cầu trình độ: Người làm nghề thiết kế thiết bị điện tử ở vị trí kĩ sư phải có trình độ đại học ngành kĩ thuật điện, vị trí kĩ thuật viên phải có trình độ trung cấp và cao đẳng kĩ thuật nghề điện tử.

Yêu cầu năng lực: Người làm nghề thiết kế thiết bị điện tử có kiến thức chuyên môn về linh kiện điện tử, phương pháp và quy trình thiết kế mạch điện, sử dụng thành thạo phần mềm thiết kế và kiểm thử mạch điện, có năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Môi trường làm việc: Người làm nghề thiết kế thiết bị điện tử làm việc ở phòng kĩ thuật hay trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm của nhà máy, công ty, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn, thiết kế và sản xuất thiết bị điện tử; trường đại học và viện nghiên cứu; cơ quan quản lí nhà nước và các tổ chức khác có lien quan.

2. Sản xuất, chế tạo thiết bị điện tử

Mô tả công việc: Sản xuất, chế tạo thiết bị điện tử là việc sử dụng các dây chuyền công nghệ hoặc máy và công cụ hỗ trợ để tạo ra thiết bị điện tử theo bản thiết kế ban đầu và quy trình kiểm soát chất lượng. Công việc sản xuất, chế tạo thiết bị điện tử được thực hiện bởi: Kĩ sư điện tử và kĩ sư sản xuất có nhiệm vụ tổ chức vận hành và đảm bảo kĩ thuật hệ thống sản suất được tối ưu; Kĩ sư quản lí chất lượng có trách nhiệm kiểm soát chất lượng sản phẩm; Thợ sản xuất, chế tạo thực hiện các công việc cụ thể trong dây chuyền hoặc máy sản xuất, chế tạo thiết bị điện tử.

Yêu cầu trình độ: Người làm nghề sản xuất, chế tạo thiết bị điện tử ở vị trí kĩ sư phải có trình độ đại học ngành kĩ thuật điện tử, vị trí thợ phải có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nghề kĩ thuật điện tử.

Yêu cầu năng lực: Người làm nghề sản xuất, chế tạo thiết bị điện tử có kiến thức về kĩ thuật điện tử và hệ thống điện tử, am hiểu quy trình, quy chuẩn kĩ thuật trong sản xuất, chế tạo thiết bị điện tử, có kĩ năng sử dụng máy sản xuất và các công cụ, thiết bị đo lường, kĩ năng sử dụng thiết bị bảo hộ lao động trong sản xuất, tuân thủ quy trình và quy tắc an toàn điện.

Môi trường làm việc: Người làm nghề sản xuất, chế tạo thiết bị điện tử làm việc tại các nhà máy, xưởng sản xuất và chế tạo thiết bị điện tử. Ví dụ nhà máy/xưởng sản xuất máy tính, điện thoại, điện tử dân dụng,...

3. Lắp đặt thiết bị điện tử

Mô tả công việc: Lắp đặt thiết bị điện tử là công việc kết nối và kiểm tra hoạt động của thiết bị điện tử riêng lẻ theo tiêu chuẩn kĩ thuật điện và an toàn. Công việc lắp đặt thiết bị điện tử được thực hiện: Kĩ sư kĩ thuật điện tử quy định phương pháp lắp đặt, chỉ đạo lắp đặt các sản phẩm và hệ thống điện tử; Kĩ thuật viên có nhiệm vụ tổ chức thi công và lắp đặt thiết bị điện tử; Thợ điện tử có nhiệm vụ lắp đặt thiết bị điện tử.

(Trang 71)

Yêu cầu trình độ: Người làm nghề lắp đặt thiết bị điện tử phải có trình độ đại học ngành kĩ thuật điện tử với vị trí kĩ sư; có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nghề điện tử với vị trí kĩ thuật viên; có trình độ sơ cấp nghề điện tử với vị trí thợ điện tử.

Yêu cầu năng lực: Người làm nghề lắp đặt thiết bị điện tử có kiến thức về kĩ thuật điện tử, thiết bị và hệ thống điện tử, có kĩ năng đọc hiểu sơ đồ lắp đặt và sử dụng công cụ, thiết bị hỗ trợ lắp đặt, sử dụng các công cụ, dụng cụ bảo hộ, an toàn lao động, tuân thủ các quy chuẩn kĩ thuật an toàn điện.

Môi trường làm việc: Người làm nghề lắp đặt thiết bị điện tử làm việc tại hiện trường, trong các trung tâm, phòng kĩ thuật của cơ sở kinh doanh thiết bị điện tử; trong các bộ phận quản lí thiết bị điện tử ở các phòng kĩ thuật, cơ quan, nhà máy, công ty.

4. Vận hành thiết bị điện tử

Mô tả công việc: Vận hành thiết bị điện tử là hoạt động nhằm duy trì chế độ làm việc bình thường của các thiết bị điện đáp ứng các yêu cầu chất lượng, độ tin cậy và kinh tế. Công việc vận hành thiết bị điện tử được thực hiện bởi: Kĩ sư có nhiệm vụ thiết lập các tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát để đảm bảo hoạt động cho các thiết bị và hệ thống điện tử; Kĩ thuật viên có nhiệm vụ cài đặt và vận hành các thiết bị điện tử.

Yêu cầu trình độ: Người làm nghề vận hành thiết bị điện tử ở vị trí kĩ sư phải có trình độ đại học ngành kĩ thuật điện tử đối với vị trí kĩ sư, có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nghề điện tử đối với vị trí kĩ thuật viên.

Yêu cầu năng lực: Người làm nghề vận hành thiết bị điện tử phải có kiến thức về kĩ thuật điện tử, thiết bị và hệ thống điện tử, nắm vững thông số kĩ thuật, quy trình vận hành của thiết bị và hệ thống điện tử, nắm vững quy định và quy chuẩn an toàn điện

Môi trường làm việc: Người làm nghề vận hành thiết bị điện tử thường làm việc tại các phòng kĩ thuật của các cơ quan, tổ chức, nhà máy, xí nghiệp có sử dụng các thiết bị điện tử.

5. Bảo dưỡng và sửa chữa

Mô tả công việc: Bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị điện tử là công việc kiểm tra và chuẩn đoán trạng thái kĩ thuật, theo dõi thường xuyên, ngăn ngừa sự cố và khắc phục những sai hỏng đảm bảo các thiết bị điện tử hoạt động an toàn. Công việc bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị điện tử được thực hiện bởi: Kĩ sư có nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo bảo trì và sửa chữa thiết bị và hệ thống; Kĩ thuật viên kĩ thuật điện tử giám sát và thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện tử; Thợ điện tử thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện tử.

Yêu cầu trình độ: Người làm nghề bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị điện tử phải có trình độ đại học ngành kĩ thuật điện tử với vị trí kĩ sư, trình độ trung cấp hoặc cao đẳng nghề kĩ thuật điện tử với vị trí kĩ thuật viên và trình độ sơ cấp nghề điện tử đối với vị trí thợ điện.

Yêu cầu năng lực: Người làm nghề bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị điện tử phải có kiến thức chuyên môn về kĩ thuật điện tương ứng với vị trí việc làm, có kĩ năng sử dụng thành thạo công cụ, thiết bị hỗ trợ lắp đặt, sử dụng các công cụ, dụng cụ bảo hộ, an toàn lao động, tuân thủ các quy chuẩn kĩ thuật và an toàn điện.

Môi trường làm việc: Người làm nghề bảo dưỡng và sửa chữa thường làm việc trong công ty cung cấp các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị điện tử; phòng kĩ thuật của các cơ quan, tổ chức, nhà máy, xí nghiệp có sử dụng các thiết bị điện tử.

(Trang 72)

II. MỘT SỐ DỊCH VỤ PHỔ BIẾN TRONG XÃ HỘI CÓ ỨNG DỤNG KĨ THUẬT ĐIỆN TỬ

Xã hội hiện nay có nhiều loại hình dịch vụ. Trong đó, cố một số loại hình dịch vụ phổ biến và thiết yếu có ứng dụng kĩ thuật điện tử. Một trong số các loại hình dịch vụ đó có thể kể đến như:

- Dịch vụ viễn thông: bao gồm dịch vụ như nhắn tin, thoại, fax, thư điện tử, internet, truyền hình hội nghị,... được thực hiện trên nền tảng các thiết bị điện tử như ti vi, điện thoại, máy tính, vệ tinh, hệ thống truyền dẫn cáp quang.

Khám phá

Cho biết: Khách hàng sử dụng dịch vụ nào để nhắn tin và gọi điện bằng điện thoại di động?

- Dịch vụ tài chính: bao gồm dịch vụ như sử dụng thẻ điện tử để thực hiện các giao dịch tự động từ máy rút tiền tự động (ATM), dịch vụ ngân hàng điện tử (Smartbanking) và thương mại điện tử được thực hiện thông qua các thiết bị điện tử có kết nối internet như máy tính hay điện thoại thông minh.

- Dịch vụ trong đào tạo: bao gồm dịch vụ như giáo dục trực tuyến, học liệu điện tử được triển khai trên công nghệ số với các thiết bị điện tử có kết nối internet như máy tính hay điện thoại thông minh.

- Dịch vụ trong giao thông: bao gồm dịch vụ như đặt vé trực tuyến, giám sát các phương tiện tham gia giao thông, hệ thống thanh toán tự động qua trạm thu phí (ETC), Google maps, hệ thống tàu điện hiện đại.

Luyện tập

1. Kĩ sư điện tử có những nhiệm vụ gì trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện tử?

2. Kĩ sư điện tử, kĩ thuật viên kĩ thuật điện tử và thợ điện tử trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện tử tương ứng với trình độ đào tạo nào?

3. Kể tên dịch vụ có ứng dụng kĩ thuật điện tử để thực hiện được các yêu cầu sau:

a) Đặt vé máy bay trực tuyến.

b) Sử dụng gói cước dữ liệu 4G.

c) Thanh toán trực tuyến bằng tài khoản cá nhân.

Vận dụng

Đánh giá mức độ phù hợp của bản thân với các ngành nghề thuộc lĩnh vực kĩ thuật điện tử.

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Công Nghệ 12 (Công Nghệ Điện - Điện Tử)

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 12 - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lí 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lí 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

hinh-hoc-12-750

Hình Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

ngu-van-8-tap-1-919

Ngữ Văn 8 - Tập 1

Sách Lớp 8 Chân Trời Sáng Tạo

vo-bai-tap-dao-duc-1-42

Vở bài tập ĐẠO ĐỨC 1

Sách Lớp 1 Kết Nối Tri Thức

mi-thuat-8-ban-2-927

Mĩ Thuật 8 (Bản 2)

Sách Lớp 8 Chân Trời Sáng Tạo

vo-bai-tap-toan-5-tap-hai-1094

Vở bài tập Toán 5 - Tập Hai

Sách Lớp 5 NXB Giáo Dục Việt Nam

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẻ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.