Trang 66
Yêu cầu cần đạt:
• Nêu được một số quy định của pháp luật lao động về tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động.
• Phân tích, đánh giá được hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật lao động trong các tình huống đơn giản thường gặp liên quan tới tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động; nêu được ý kiến thuyết phục trong thảo luận, tranh luận về một số vấn đề đang đặt ra trong đời sống liên quan đến tranh chấp và giải quyết tranh chấp lao động.
• Tích cực, chủ động vận động mọi người xung quanh thực hiện tốt pháp luật lao động về tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động.
MỞ ĐẦU
Tranh chấp lao động là hiện tượng dễ xảy ra trong thị trường lao động. Việc giải quyết tranh chấp lao động là cần thiết để bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.
Em hãy đọc thông tin sau và trả lời câu hỏi:
Chị H là công nhân của Doanh nghiệp B. Sau khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định của pháp luật, chị đến doanh nghiệp để làm việc thì được biết là doanh nghiệp đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với chị mà không thông báo và thoả thuận với chị. Chị H đã kiện Doanh nghiệp B ra Toà án có thẩm quyền để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật lao động.
Theo em, việc chị H kiện Doanh nghiệp B ra Toà án có phải là vụ tranh chấp lao động không? Khi Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ vệc này có phải là giải quyết tranh chấp lao động không? Vì sao?
Trang 67
KHÁM PHÁ
Group: TÀI LIỆU VẬT LÝ CT GDPT 2018
1. Khái niệm tranh chấp lao động
Em hãy đọc các thông tin và trường hợp sau để trả lời câu hỏi:
1️⃣ Bộ luật Lao động năm 2019
Điều 179. Tranh chấp lao động (trích)
1. Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động. tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
2️⃣ Ông P xin vào làm việc (với nhiệm vụ bảo vệ) tại Công ty S do ông N làm Giám đốc những không kí hợp đồng lao động bằng văn bản vì ông N nói chỉ cần đơn xin việc và hồ sơ thì sẽ đi làm ngay. Mức lương làm việc hàng tháng 4 200 000 đồng/ tháng. Thời gian làm việc 15 tiếng/ ngày. 5 tháng đầu, công ty trả tiền lương cho ông đầy đủ. 3 tháng sau công ty nợ lương của ông. Đến tháng thứ 9 thì ông P làm đơn xin nghỉ việc, có chữ kí xác nhận của ông N, nhưng sau đó thì Công ty S không thanh toán tiền lương những tháng còn nợ cho ông P. Ông đã đến Công ty S liên hệ để đòi lại số tiền lương 3 tháng còn nợ nhưng công ty không trả. Ông P làm đơn khởi kiện yêu cầu Toà án nhân dân có thẩm quyền buộc Công ty S trả ông số tiền lương còn nợ.
Câu hỏi
Theo em, vụ tranh chấp giữa ông P và Công ty S có phải là tranh chấp lao động không? Vì sao?
Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động. |
2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động
Em hãy đọc các thông tin và trường hợp sau để trả lời câu hỏi:
1️⃣ Bộ luật Lao động năm 2019
Điều 180. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động
1. Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
2. Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hoà giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của
xã hội, không trái pháp luật.
3. Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.
4. Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
Trang 68
5. Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.
Điều 184. Hoà giải viên lao động
1. Hoà giải viên lao động là người do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hoà giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề hỗ trợ phát triển quan hệ lao động.
2. Chính phủ quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, chế độ, điều kiện hoạt động và việc quản lí hoà giải viên lao động; thẩm quyền, trình tự, thủ tục cử hòa giải viên lao động.
1️⃣ Khi nhận được thông báo mình bị xếp loại C trong danh sách hưởng lương tháng 13 của công ty, chị H không đồng ý với quyết định này nên đã kiến nghị lên Giám đốc công ty nhưng kết quả không thay đổi. Chị nhờ tổ chức Công đoàn cơ sở can thiệp nhưng Giám đốc không thay đổi quyết định nên chị đã nhờ Hoà giải viên lao động hoà giải. Kết quả là Giám đốc đã thay đổi quyết định và chuyển chị sang danh sách những người thuộc loại B.
Câu hỏi
Theo em, việc giải quyết tranh chấp giữa chị H với công ty có đảm bảo đúng nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động không? Vì sao?
3. Quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động Em hãy đọc các thông tin, trường hợp sau để trả lời câu hỏi:
1️⃣ Bộ luật Lao động năm 2019 | CUỘC SỐNG
Điều 182. Quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động
1. Trong giải quyết tranh chấp lao động, các bên có quyền sau đây:
a) Trực tiếp hoặc thông qua đại diện để tham gia vào quá trình giải quyết;
b) Rút yêu cầu hoặc thay đổi nội dung yêu cầu;
c) Yêu cầu thay đổi người tiến hành giải quyết tranh chấp lao động nếu có lí do cho rằng người đó có thể không vô tư hoặc không khách quan.
2. Trong giải quyết tranh chấp lao động, các bên có nghĩa vụ sau đây:
a) Cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình;
b) Chấp hành thoả thuận đã đạt được, quyết định của Ban trọng tài lao động, bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
2️⃣ Ông C làm việc ở Doanh nghiệp X đã gần 25 năm. Năm 2018, doanh nghiệp này gặp khó khăn trong kinh doanh nên đã cho nhiều người nghỉ việc, trong đó có ông. Tuy nhiên, đến năm 2020 doanh nghiệp vẫn chưa thanh toán tiền lương 3 tháng còn nợ và tiền trợ cấp thôi việc cho ông mặc dù ông đã nhiều lần đến gặp
Trang 69
Giám đốc doanh nghiệp yêu cầu thanh toán tiền nợ. Do vậy, ông C đã gửi đơn khởi kiện ra Toà án có thẩm quyền yêu cầu Doanh nghiệp X phải thanh toán cho ông tất cả các khoản tiền mà ông được hưởng theo quy định của pháp luật lao động.
Câu hỏi
Theo em, khi Toà án giải quyết vụ tranh chấp này, ông C có quyền và nghĩa vụ gì? Doanh nghiệp X có quyền và nghĩa vụ gì?
Giải quyết tranh chấp lao động phải tuân theo các nguyên tắc do pháp luật quy định. Trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, hai bên tranh chấp đều có các quyền như: trực tiếp hoặc thông qua đại diện để tham gia vào quá trình giải quyết, rút yêu cầu hoặc thay đổi nội dung yêu cầu,... và đều có các nghĩa vụ như: cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình; chấp hành thoả thuận đã đạt được, quyết định của Ban trọng tài lao động, bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. |
LUYỆN TẬP
1. Em hãy cho biết các ý kiến sau đúng hay sai. Vì sao?
a. Tranh chấp lao động là tranh chấp phát sinh giữa các bên chủ thể tham gia quan hệ lao động và quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
b. Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động là một trong các nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động.
c. Trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, bên có nghĩa vụ luôn là người sử dụng lao động.
2. Hành vi, việc làm của chủ thể trong các tình huống dưới đây là thực hiện đúng hay vi phạm pháp luật lao động? Vì sao?
a. Do không đồng ý với mức lương, phụ cấp và thời gian lao động theo quy định của doanh nghiệp, hàng ngàn công nhân của Doanh nghiệp K đã đình công để yêu cầu doanh nghiệp tăng lương, tăng phụ cấp, giảm giờ làm cho người lao động. Sau một tuần đình công, hàng ngàn công nhân của Công ty V trở lại nhà máy làm việc sau khi công ty đồng ý tăng lương cơ bản, phụ cấp thâm niên và đáp ứng một số kiến nghị khác của người lao động.
Trang 70
b. Ông Q là nhân viên bảo vệ của Công ty B. Khi ông đủ tuổi nghỉ hưu thì công ty đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông vì lí do ông đã hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật. Ông Q cho rằng việc Công ty B chấm dứt hợp đồng lao động với ông là trái với pháp luật lao động vì ông chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội, vì thế, ông đã gửi đơn khởi kiện tới cơ quan Toà án có thẩm quyền yêu cầu Công ty B phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trong thời gian ông không được làm việc vì ông đã đề nghị công ty cho tiếp tục làm việc. Khi giải quyết vụ tranh chấp này, Toà án đã tuyên bố việc chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty B là đúng pháp luật và công ty không phải trả những khoản tiền mà ông Q yêu cầu.
3. Em hãy đọc các tình huống dưới đây và trả lời câu hỏi:
a. Chị A là nhân viên của Công ty D, trong hợp đồng lao động giữa chị và công ty có quy định thời hạn nâng lương của chị là 12 tháng. Mấy năm đầu công ty thực hiện đúng quy định, nhưng thời gian gần đây, lấy lí do là sản phẩm của công ty tiêu thụ chậm nên đã 24 tháng mà công ty chưa tăng lương cho chị.
Em hãy tư vấn cho chị A cách thức để bảo vệ quyền lợi của mình tại công ty.
b. Hầu hết người lao động trong Doanh nghiệp C đều bất bình trước tình trạng tiền lương thấp; việc tăng lương, trả lương đều chậm hơn kì hạn đã ghi trong hợp đồng lao động; điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, chất lượng bữa ăn ca kém.
Em hãy tư vấn cho những người lao động cách thức để giúp họ có thể cải thiện được tình trạng này.
c. Do sơ suất trong quá trình lao động nên anh M đã làm hỏng thiết bị của công ty. Vì thế, Giám đốc công ty đã ra quyết định yêu cầu anh phải bồi thường 30 triệu đồng. Anh rất bất bình trước quyết định này của Giám đốc vì cho rằng mức thiệt hại xảy ra trong thực tế thấp hơn so với mức bồi thường do công ty yêu cầu.
Em hãy tư vấn giúp anh M cách thức để có thể bảo vệ quyền lợi của mình tại công ty.
VẬN DỤNG
Em và các bạn trong nhóm hãy xây dựng hoặc sưu tầm một câu chuyện hoặc vụ việc thực tế liên quan đến tranh chấp lao động, sau đó hãy chia sẻ kết quả hoạt động của nhóm mình với các bạn trong lớp.