1. Biết được nhiệm vụ, cấu tạo chung và nguyên lí làm việc của hệ thống cung cấp nhiên liệu và không khí trong động cơ điêzen. 2. Đọc được sơ đồ khối của hệ thống. |
I – NHIỆM VỤ CỦA HỆ THỐNG VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA SỰ HÌNH THÀNH HOÀ KHÍ Ở ĐỘNG CƠ ĐIÊZEN
1. Nhiệm vụ
Hệ thống cung cấp nhiên liệu và không khí (còn gọi là hệ thống nhiên liệu) trong động cơ điêzen có nhiệm vụ cung cấp nhiên liệu và không khí sạch vào xilanh phù hợp với các chế độ làm việc của động cơ.
2. Đặc điểm của sự hình thành hoà khí
Sự hình thành hoà khí ở động cơ điêzen có những đặc điểm sau:
– Nhiên liệu được phun vào xilanh động cơ ở cuối kì nén. Áp suất của nhiên liệu phun vào xilanh do bơm cao áp tạo ra rất lớn để đảm bảo sự phun tơi và hoà trộn tốt.
– Các chế độ làm việc của động cơ hoàn toàn tuỳ thuộc vào lượng nhiên liệu cấp vào xilanh trong mỗi chu trình. Việc điều chỉnh lượng nhiên liệu cấp vào xilanh do bơm cao áp đảm nhận. Vì vậy, bơm cao áp được coi là bộ phận quan trọng nhất của hệ thống.
(?) So sánh đặc điểm sự hình thành hoà khí ở động cơ điêzen và động cơ xăng.
II – CẤU TẠO VÀ NGUYÊN LÍ LÀM VIỆC
1. Cấu tạo
Hình 28.1 giới thiệu các bộ phận chính của một loại hệ thống nhiên liệu động cơ điêzen.
Hình 28.1. Sơ đồ khối hệ thống nhiên liệu động cơ điêzen
So với hệ thống nhiên liệu động cơ xăng, trong hệ thống nhiên liệu động cơ điêzen có một số bộ phận khác biệt sau :
– Bơm cao áp có nhiệm vụ cung cấp nhiên liệu với áp suất cao, đúng thời điểm và lượng phù hợp với chế độ làm việc của động cơ tới vòi phun để phun vào xilanh động cơ. Để thực hiện các nhiệm vụ này, pit-tông của bơm cao áp có cấu tạo đặc biệt, pit-tông và xilanh của bơm được chế tạo với độ chính xác rất cao, khe hở giữa chúng rất nhỏ.
− Vòi phun có nhiệm vụ phun tơi nhiên liệu vào xilanh để quá trình hình thành hoà khí diễn ra hoàn hảo, tạo điều kiện tốt cho quá trình cháy – dãn nở. Thời điểm bắt đầu và kết thúc quá trình phun đều do áp suất nhiên liệu quyết định. Do vậy, vòi phun cũng có cấu tạo đặc biệt và được chế tạo với độ chính xác rất cao.
– Do khe hở giữa pit-tông và xilanh của bơm cao áp, giữa kim phun và thân của vòi phun rất nhỏ nên các cặn bẩn có kích thước nhỏ dễ gây kẹt và làm mòn các chi tiết. Bầu lọc tinh có nhiệm vụ lọc sạch các cặn bẩn có kích thước rất nhỏ lẫn trong nhiên liệu để đảm bảo chất lượng làm việc, độ bền của bơm cao áp và vòi phun.
– Do cấu tạo và nguyên lí làm việc của bơm cao áp và vòi phun, vẫn còn một lượng nhiên liệu bị rò qua khe hở giữa các chi tiết (dù đã được chế tạo với độ chính xác cao) nên trong hệ thống có đường hồi nhiên liệu từ bơm cao áp và vòi phun về thùng chứa.
2. Nguyên lí làm việc
Khi động cơ làm việc, ở kì nạp, không khí được hút qua bầu lọc khí, đường ống nạp và cửa nạp đi vào xilanh ; ở kì nén, chỉ có khí ở trong xilanh bị nén.
Nhiên liệu được bơm hút từ thùng nhiên liệu, được lọc qua các bầu lọc thô và tinh rồi đưa tới khoang chứa của bơm cao áp. Cuối kì nén, bơm cao áp bơm một lượng nhiên liệu nhất định với áp suất cao vào vòi phun để phun vào xilanh động cơ. Nhiên liệu hoà trộn với khí nén tạo thành hoà khí rồi tự bốc cháy.
(?) Hãy xác định các đường nhiên liệu, đường không khí và đường hồi nhiên liệu trên sơ đồ hình 28.1.
Câu hỏi
1. Trình bày nhiệm vụ và nguyên lí làm việc của hệ thống nhiên liệu động cơ điêzen.
2. Tại sao nhiên liệu phun vào xilanh lại phải có áp suất cao ?
3. Tại sao trong hệ thống lại có thêm bầu lọc tinh ?