1. Hiểu được nội dung cơ bản của một số tiêu chuẩn về trình bày bản vẽ kĩ thuật. 2. Có ý thức thực hiện các tiêu chuẩn bản vẽ kĩ thuật. |
Bản vẽ kĩ thuật là phương tiện thông tin dùng trong các lĩnh vực kĩ thuật và đã trở thành “ngôn ngữ” chung dùng trong kĩ thuật. Vì vậy, nó phải được xây dựng theo các quy tắc thống nhất được quy định trong các tiêu chuẩn về bản vẽ kĩ thuật.
Dưới đây là một số tiêu chuẩn về trình bày bản vẽ kĩ thuật.
I - KHỔ GIẤY
TCVN 7285 : 2003 (ISO 5457 : 1999)(1) quy định khổ giấy của các bản vẽ kĩ thuật, gồm các khổ giấy chính được trình bày trong bảng 1.1.
Bảng 1.1. Các khổ giấy chính
Kí hiệu | A0 | A1 | A2 | A3 | A4 |
Kích thước (mm) | 1189 x 841 | 841 x 594 | 594 x 420 | 420 x 297 | 297 x 210 |
(?) Việc quy định khổ giấy có liên quan gì đến các thiết bị sản xuất giấy và in ấn?
(1) TCVN : Chữ viết tắt của Tiêu chuẩn Việt Nam.
7285 : Số đăng kí của tiêu chuẩn.
2003 : Năm ban hành tiêu chuẩn.
(Chuyển đổi từ tiêu chuẩn Quốc tế ISO 5457 : 1999)
Các khổ giấy chính được lập ra từ khổ giấy A0 (hình 1.1).
Mỗi bản vẽ đều có khung vẽ và khung tên. Khung tên được đặt ở góc phải phía dưới bản vẽ (hình 1.2).
Hình 1.1. Các khổ giấy chính
Hình 1.2. Khung vẽ và khung tên
(?) Hãy xem bảng 1.1, hình 1.1 và cho biết cách chia các khổ giấy chính từ khổ A0 như thế nào ?
II - TỈ LỆ
Tỉ lệ là tỉ số giữa kích thước đo được trên hình biểu diễn của vật thể và kích thước thực tương ứng trên vật thể đó.
TCVN 7286 : 2003 (ISO 5455 : 1971) quy định tỉ lệ dùng trên các bản vẽ kĩ thuật như sau :
– Tỉ lệ thu nhỏ: 1 : 2 1 : 5 1 : 10
1 : 20 1 : 50 1 : 100...
– Tỉ lệ nguyên hình : 1:1
– Tỉ lệ phóng to : 2 : 1 5 : 1 10 : 1
20 : 1 50 : 1 100 : 1...
Tuỳ theo kích thước của vật thể được biểu diễn và khổ giấy vẽ mà chọn tỉ lệ thích hợp.
III - NÉT VẼ
Các hình biểu diễn của vật thể trên bản vẽ kĩ thuật được thể hiện bằng nhiều loại nét vẽ khác nhau.
TCVN 8 – 20 : 2002 (ISO 128 – 20 : 1996) quy định tên gọi, hình dạng, chiều rộng và ứng dụng của các nét vẽ.
1. Các loại nét vẽ
Các loại nét vẽ thường dùng được trình bày trong bảng 1.2 và hình 1.3.
Bảng 1.2. Các loại nét vẽ thường dùng
Tên gọi | Hình dạng | Ứng dụng (hình 1.3) |
Nét liền đậm | A1 – Đường bao thấy, cạnh thấy | |
Nét liền mảnh | B1 – Đường kích thước | |
Nét lượn sóng | C1 - Đường giới hạn một phần hình cắt | |
Nét đứt mảnh | F1 - Đường bao khuất, cạnh khuất | |
Nét gạch chấm mảnh | G1 – Đường tâm G2 - Đường trục đối xứng | |
Chú thích : d là chiều rộng của nét vẽ. |
Hình 1.3. Ứng dụng các loại nét vẽ
2. Chiều rộng của nét vẽ
Chiều rộng của nét vẽ (d) được chọn trong dãy kích thước sau :
0,13; 0,18; 0,25 ; 0,35 ; 0,5; 0,7; 1,4 và 2mm.
Thường lấy chiều rộng nét đậm bằng 0,5mm và nét mảnh bằng 0,25mm.
(?) Việc quy định chiều rộng của nét vẽ có liên quan gì đến bút vẽ ?
IV - CHỮ VIẾT
Chữ viết trên bản vẽ kĩ thuật phải rõ ràng, thống nhất, dễ đọc.
TCVN 7284 – 2 : 2003 (ISO 3092 – 2 : 2000) quy định khổ chữ và kiểu chữ của chữ La-tinh viết trên bản vẽ và các tài liệu kĩ thuật.
1. Khổ chữ
– Khổ chữ (h) được xác định bằng chiều cao của chữ hoa tính bằng milimét. Có các khổ chữ sau : 1,8; 2,5; 3,5; 5; 7 ; 10; 14; 20mm.
– Chiều rộng (d) của nét chữ thường lấy bằng 1/10 h.
2. Kiểu chữ
Trên các bản vẽ kĩ thuật, thường dùng kiểu chữ đứng như hình 1.4.
(?) Hãy xem hình 1.4 và cho nhận xét về kiểu dáng, cấu tạo và kích thước các phần của chữ.
Hình 1.4. Kiểu chữ đứng
V - GHI KÍCH THƯỚC
TCVN 5705 : 1993 quy định quy tắc ghi kích thước dài, kích thước góc trên các bản vẽ và tài liệu kĩ thuật.
1. Đường kích thước
Đường kích thước được vẽ bằng nét liền mảnh, song song với phần tử được ghi kích thước, ở đầu mút đường kích thước có vẽ mũi tên như hình 1.5 (trong bản vẽ xây dựng có thể dùng gạch chéo thay cho mũi tên).
2. Đường gióng kích thước
Đường gióng kích thước được vẽ bằng nét liền mảnh, thường kẻ vuông góc với đường kích thước và vượt quá đường kích thước khoảng 2 : 4mm.
Hình 1.5. Ghi kích thước
3. Chữ số kích thước
Chữ số kích thước chỉ trị số kích thước thực, không phụ thuộc vào tỉ lệ bản vẽ và thường được ghi trên đường kích thước.
- Kích thước độ dài dùng đơn vị là milimét, trên bản vẽ không ghi đơn vị đo và được ghi như hình 1.6, nếu dùng đơn vị độ dài khác milimét thì phải ghi rõ đơn vị đo.
- Kích thước góc dùng đơn vị đo là độ, phút, giây và được ghi như hình 1.7.
Hình 1.6. Kích thước dài
Hình 1.7. Kích thước góc
4. Kí hiệu Ø, R
Trước con số kích thước đường kính của đường tròn ghi kí hiệu Ø và bán kính của cung tròn ghi kí hiệu R (hình 1.5).
(?) Hãy nhận xét một số kích thước ghi ở hình 1.8, cách ghi kích thước nào sai ?
Hình 1.8
Câu hỏi
1. Tại sao phải quy định các tiêu chuẩn về bản vẽ kĩ thuật ?
2. Có các khổ giấy chính nào dùng cho bản vẽ kĩ thuật ?
3. Tỉ lệ là gì ?
4. Hãy nêu tên gọi, mô tả hình dạng và ứng dụng các loại nét vẽ thường dùng.
5. Khi ghi kích thước cần thể hiện chữ số, đường gióng và đường kích thước như thế nào ?
Bài tập
1. Tập kẻ các loại đường nét (vẽ lại hình 1.5).
2. Tập kẻ chữ tên trường, lớp (viết theo kiểu chữ ở hình 1.4).
Thông tin bổ sung
Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) là văn bản Nhà nước do Uỷ ban Khoa học Nhà nước trước đây, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Từ năm 1963 đến nay, nước ta đã ban hành nhiều Tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó có các tiêu chuẩn về bản vẽ kĩ thuật.
Tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế (International Organization for Standardization), viết tắt là ISO thành lập năm 1946.
Năm 1977 nước ta là thành viên chính thức của ISO.
ISO đã ban hành Tiêu chuẩn Quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có các tiêu chuẩn về các bản vẽ kĩ thuật.