Diện tích : 9572,8 nghìn km2
Dân số : 1303,7 triệu người (năm 2005)
Thủ đô : Bắc Kinh
Trung Quốc là nước láng giềng ở phía bắc nước ta, có số dân đông nhất thế giới, với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Trong nhiều năm, Trung Quốc là một quốc gia chậm phát triển, gần đây Trung Quốc đạt được những thành tựu kinh tế to lớn, chiếm vị trí đáng kể trong nền kinh tế thế giới.
Tiết 1. TỰ NHIÊN, DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI
I – VỊ TRÍ ĐỊA LÍ VÀ LÃNH THỔ
Trung Quốc là nước có diện tích lớn thứ tư trên thế giới (sau LB Nga, Ca-na-đa và Hoa Kì). Lãnh thổ trải dài từ khoảng 20° Bắc tới 53° Bắc, khoảng từ 73° Đông đến 135° Đông và giáp 14 nước. Biên giới với các nước chủ yếu là núi cao, hoang mạc ; phần phía đông giáp biển, mở rộng ra Thái Bình Dương. Miền duyên hải rộng lớn với đường bờ biển dài khoảng 9000 km, cách không xa Nhật Bản và các quốc gia, các khu vực có hoạt động kinh tế sôi động như Hàn Quốc, Đông Nam Á. Cả nước có 22 tỉnh, 5 khu tự trị và 4 thành phố trực thuộc trung ương. Ven biển có hai đặc khu hành chính là Hồng Công và Ma Cao, hình thành trên phần đất được nhượng cho Anh và Bồ Đào Nha (Trung Quốc thu hồi cuối thập niên 90 của thế kỉ XX). Đảo Đài Loan, một phần của lãnh thổ Trung Quốc đã tách khỏi nước này từ năm 1949. (Tuy nhiên, đảo này vẫn được coi là một bộ phận của Trung Quốc).
II – ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Vị trí địa lí, quy mô lãnh thổ có ảnh hưởng như thế nào tới địa hình và khí hậu của Trung Quốc ?
Sự đa dạng của tự nhiên Trung Quốc được thể hiện qua sự khác biệt giữa miền Đông và miền Tây.
Hình 10.1. Địa hình và khoáng sản Trung Quốc
1. Miền Đông
Miền Đông Trung Quốc trải dài từ vùng duyên hải vào đất liền, đến kinh tuyến 105° Đông, chiếm gần 50% diện tích của cả nước. Đây là nơi có các đồng bằng châu thổ rộng lớn, đất phù sa màu mỡ và là nơi dân cư tập trung đông đúc, nông nghiệp trù phú. Từ Nam lên Bắc, khí hậu chuyển từ cận nhiệt đới gió mùa sang ôn đới gió mùa. Những cơn mưa mùa hạ cung cấp nguồn nước quan trọng cho sinh hoạt, sản xuất, song cũng thường gây lụt lội ở các đồng bằng, nhất là đồng bằng Hoa Nam. Miền Đông nổi tiếng về các khoáng sản kim loại màu.
2. Miền Tây
Miền Tây Trung Quốc gồm các dãy núi cao, các sơn nguyên đồ sộ xen lẫn các bồn địa. Khí hậu ôn đới lục địa khắc nghiệt tạo nên những vùng hoang mạc và bán hoang mạc rộng lớn. Rừng, đồng cỏ và các khoáng sản là tài nguyên chính của miền này. Đây cũng là nơi bắt nguồn của các sông lớn chảy về phía đông như Hoàng Hà, Trường Giang.
Dựa vào hình 10.1 và kiến thức trong bài, hãy :
– Nêu tên các dạng địa hình chính và các sông lớn của Trung Quốc.
– So sánh sự khác biệt về địa hình, sông ngòi giữa miền Tây và miền Đông.
– Phân tích những thuận lợi và khó khăn của các điều kiện tự nhiên đối với sự phát triển kinh tế Trung Quốc.
Hình 10.2. Dãy Hi-ma-lay-a
III – DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI
1. Dân cư
Trung Quốc chiếm 1/5 số Triệu người dân thế giới, với trên 50 dân tộc khác nhau ; đông nhất là người Hán chiếm trên 90% số dân cả nước. Ngoài ra, còn có người Choang, Uigua (Duy Ngô Nhĩ), Tạng, Hồi, Mông Cổ,... sống tập trung tại các vùng núi và biên giới, hình thành các khu tự trị.
Quan sát hình 10.3, nhận xét sự thay đổi tổng dân số, dân số nông thôn và dân số thành thị của Trung Quốc.
Hình 10.3. Dân số Trung Quốc giai đoạn 1949 –2005
Dân thành thị của Trung Quốc chiếm 37% số dân cả nước (năm 2005). Miền Đông là nơi tập trung nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh, Vũ Hán, Quảng Châu,...
Trung Quốc đã tiến hành chính sách dân số rất triệt để : mỗi gia đình chỉ có một con. Kết quả là tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên của Trung Quốc ngày càng giảm, năm 2005 chỉ còn 0,6%. Trong bối cảnh đó, tư tưởng trọng nam đã tác động tiêu cực tới cơ cấu giới tính và lâu dài sẽ ảnh hưởng tới nguồn lao động và một số vấn đề xã hội của đất nước.
Hình 10.4. Phân bố dân cư Trung Quốc
Dựa vào hình 10.4 và kiến thức trong bài, nhận xét và giải thích sự phân bố dân cư Trung Quốc.
2. Xã hội
Trung Quốc rất chú ý đầu tư cho phát triển giáo dục. Tỉ lệ người biết chữ từ 15 tuổi trở lên (năm 2005) đạt gần 90%. Hiện nay, Trung Quốc đang tiến hành cải cách giáo dục nhằm phát triển mọi khả năng (được gọi là tố chất) của người lao động. Sự đa dạng của các loại hình trường phổ thông, chuyên nghiệp, đại học,... góp phần đáng kể trong việc chuẩn bị đội ngũ lao động có chất lượng cho công cuộc hiện đại hoá đất nước.
Những phát minh nổi bật của Trung Quốc thời cổ, trung đại – La bàn – Giấy – Kĩ thuật in – Thuốc súng ... |
Truyền thống lao động cần cù, sáng tạo và nguồn nhân lực dồi dào ngày càng có chất lượng là những tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế – xã hội của Trung Quốc.
Câu hỏi và bài tập
1. Dựa vào hình 10.1, nêu đặc điểm địa hình của miền Đông và miền Tây Trung Quốc.
2. Phân tích những thuận lợi và khó khăn về mặt tự nhiên của miền Đông và miền Tây đối với sự phát triển nông nghiệp, công nghiệp Trung Quốc.
3. Dựa vào hình 10.1 và 104, nhận xét và giải thích đặc điểm phân bố dân cư của Trung Quốc.
4. Chính sách dân số đã tác động đến dân số Trung Quốc như thế nào ?
Hình 10.5. Thiên Đàn (Đàn tế trời) ở Bắc Kinh
Tiết 2. KINH TẾ
Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa được thành lập ngày 1-10-1949. Sau gần 30 năm xây dựng, phát triển, với công cuộc đại nhảy vọt, cách mạng văn hoá và các kế hoạch 5 năm, nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Từ năm 1978, Trung Quốc đã có quyết sách quan trọng, tiến hành hiện đại hoá, cải cách mở cửa đưa nền kinh tế bước sang giai đoạn phát triển mới.
I – KHÁI QUÁT
Công cuộc hiện đại hoá đã mang lại những thay đổi quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Việc giữ ổn định xã hội và mở rộng giao lưu buôn bán với nước ngoài đã tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển. Những năm qua, Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới, trung bình năm đạt trên 8%. Năm 2004, tổng GDP đạt 1649,3 tỉ USD vươn lên vị trí thứ bảy trên thế giới. Đời sống của nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân theo đầu người tăng khoảng 5 lần trong hơn 20 năm qua, từ 276 USD (năm 1985) lên 1269 USD (năm 2004).
Hình 10.6. Khu phố Đông ở thành phố Thượng Hải
II – CÁC NGÀNH KINH TẾ
1. Công nghiệp
Trong quá trình chuyển đổi từ “nền kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường”, các xí nghiệp, nhà máy được chủ động hơn trong việc lập kế hoạch sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Trung Quốc thực hiện chính sách mở cửa, tăng cường trao đổi hàng hoá với thị trường thế giới và cho phép các công ti, doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, quản lí sản xuất công nghiệp tại các đặc khu kinh tế, các khu chế xuất.
Trung Quốc là quốc gia khá thành công trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2004, đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đứng hàng đầu thế giới, đạt 60,6 tỉ USD. Ngoài ra, Trung Quốc còn chủ động đầu tư, hiện đại hoá trang thiết bị và chú ý phát triển, ứng dụng công nghệ cao cho các ngành công nghiệp.
Trung Quốc có những điều kiện thuận lợi nào để phát triển các ngành công nghiệp khai thác, luyện kim và sản xuất hàng tiêu dùng ?
Từ đầu năm 1994, Trung Quốc thực hiện chính sách công nghiệp mới, tập trung chủ yếu vào 5 ngành : chế tạo máy, điện tử, hoá dầu, sản xuất ô tô và xây dựng. Đây là những ngành có thể tăng nhanh năng suất và đáp ứng được nhu cầu người dân khi mức sống được cải thiện.
Hình 10.7. Tuyến đường sắt mới xây dựng ở Trung Quốc
BẢNG 10.1. SẢN LƯỢNG MỘT SỐ SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP CỦA TRUNG QUỐC
Sản phẩm | Năm | 1985 | 1995 | 2004 | Xếp hạng trên thế giới |
Than (triệu tấn) | 961,5 | 1536,9 | 1634,9 | 1 | |
Điện (tỉ kWh) | 390,6 | 956,0 | 2187,0 | 2 | |
Thép (triệu tấn) | 47 | 95 | 272,8 | 1 | |
Xi măng (triệu tấn) | 146 | 476 | 970,0 | 1 | |
Phân đạm (triệu tấn) | 13 | 26 | 28,1 | 1 |
Dựa vào bảng 10.1, nhận xét sự tăng trưởng một số sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc.
Hình 10.8. Các trung tâm công nghiệp chính của Trung Quốc
Sự phát triển các ngành công nghiệp kĩ thuật cao như điện tử, cơ khí chính xác, sản xuất máy móc tự động đã góp phần quyết định trong việc Trung Quốc chế tạo thành công tàu vũ trụ. Tàu Thần Châu V của Trung Quốc lần đầu tiên đã chở người bay vào vũ trụ và trở về Trái Đất an toàn (tháng 10–2003).
Dựa vào hình 10.8, nhận xét sự phân bố một số ngành công nghiệp của Trung Quốc. Phân tích những điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội tác động đến sự phân bố này.
Các trung tâm công nghiệp lớn của Trung Quốc đều tập trung ở miền Đông, đặc biệt ở vùng duyên hải, tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Vũ Hán, Quảng Châu,...
Trung Quốc đã sử dụng lực lượng lao động dồi dào và nguyên vật liệu sẵn có ở địa bàn nông thôn để phát triển các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, đồ gốm, sứ, dệt may, sản xuất các mặt hàng tiêu dùng khác. Các ngành này đã thu hút trên 100 triệu lao động và cung cấp tới trên 20% giá trị hàng hoá ở nông thôn.
2. Nông nghiệp
Hình 10.9. Phân bố sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc
Trung Quốc chỉ có khoảng 100 triệu ha đất canh tác, chiếm 7% đất canh tác của toàn thế giới nhưng phải nuôi số dân gần bằng 20% dân số toàn cầu. Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách, biện pháp cải cách trong nông nghiệp (giao quyền sử dụng đất cho nông dân, cải tạo, xây dựng mới đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi phòng chống khô hạn và lũ lụt, đưa kĩ thuật mới vào sản xuất, phổ biến giống mới, miễn thuế nông nghiệp...), tạo điều kiện khai thác tiềm năng lao động, tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Trung Quốc đã sản xuất được nhiều loại nông phẩm với năng suất cao, một số loại có sản lượng đứng hàng đầu thế giới như lương thực, bông, thịt lợn. Ngành trồng trọt chiếm ưu thế so với ngành chăn nuôi. Trong số các cây trồng, cây lương thực chiếm vị trí quan trọng nhất về diện tích và sản lượng. Tuy vậy, bình quân lương thực theo đầu người vẫn thấp.
Dựa vào hình 10.9 và kiến thức đã học, nhận xét sự phân bố cây lương thực, cây công nghiệp và một số gia súc của Trung Quốc. Vì sao có sự khác biệt lớn trong phân bố nông nghiệp giữa miền Đông và miền Tây ?
Đồng bằng châu thổ các sông lớn là các vùng nông nghiệp trù phú của Trung Quốc. Các đồng bằng Đông Bắc, Hoa Bắc trồng nhiều lúa mì, ngô, củ cải đường. Nông sản chính của các đồng bằng Hoa Trung, Hoa Nam là lúa gạo, mía, chè, bông.
III – MỐI QUAN HỆ TRUNG QUỐC – VIỆT NAM
Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ lâu đời và ngày càng phát triển trong nhiều lĩnh vực, trên nền tảng của tình hữu nghị và sự ổn định lâu dài.
Từ năm 1999 đến nay, hai nước phát triển quan hệ hợp tác theo phương châm : “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.
Kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đang tăng nhanh, năm 2005 đạt 8739,9 triệu USD. Các mặt hàng trao đổi ngày càng đa dạng hơn.
Câu hỏi và bài tập
1. Dựa vào số liệu trong bài, chứng minh kết quả hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp của Trung Quốc. Phân tích những nguyên nhân đưa đến kết quả đó.
2. Dựa vào hình 10.8, nhận xét và giải thích sự phân bố công nghiệp của Trung Quốc.
3. Vì sao sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc lại chủ yếu tập trung ở miền Đông ?
Tiết 3. THỰC HÀNH: TÌM HIỂU SỰ THAY ĐỔI CỦA NỀN KINH TẾ TRUNG QUỐC
I – THAY ĐỔI TRONG GIÁ TRỊ GDP
Dựa vào bảng số liệu sau :
BẢNG 10.2. GDP CỦA TRUNG QUỐC VÀ THẾ GIỚI
(Đơn vị : tỉ USD)
Năm | 1985 | 1995 | 2004 |
Trung Quốc | 239,0 | 697,6 | 1649,3 |
Toàn thế giới | 12360,0 | 29357,4 | 40887,8 |
Tính tỉ trọng GDP của Trung Quốc so với thế giới và nhận xét.
Hình 10.10. Một góc thành phố cảng Hồng Công
II – THAY ĐỔI TRONG SẢN LƯỢNG NÔNG NGHIỆP
Dựa vào bảng số liệu dưới đây :
BẢNG 10.3. SẢN LƯỢNG MỘT SỐ NÔNG SẢN CỦA TRUNG QUỐC
(Đơn vị : triệu tấn)
Loại | Năm | 1985 | 1995 | 2000 | 2004 | Xếp hạng trên thế giới |
Lương thực | 339,8 | 418,6 | 407,3 | 422,5 | 1 | |
Bông (sợi) | 4,1 | 4,7 | 4,4 | 5,7 | 1 | |
Lạc | 6,6 | 10,2 | 14,4 | 14,3 | 1 | |
Mía | 58,7 | 70,2 | 69,3 | 93,2 | 3 (sau Bra-xin, Ấn Độ) | |
Thịt lợn | - | 31,6 | 40,3 | 47,0 | 1 | |
Thịt bò | - | 3,5 | 5,3 | 6,7 | 3 (sau Hoa Kì, Bra-xin) | |
Thit cừu | - | 1,8 | 2,7 | 4,0 | 1 |
Nhận xét chung về sản lượng một số nông sản của Trung Quốc.
III – THAY ĐỔI TRONG CƠ CẤU GIÁ TRỊ XUẤT – NHẬP KHẨU
Dựa vào bảng 10.4, vẽ biểu đồ thể hiện cơ cấu xuất, nhập khẩu của Trung Quốc. Nhận xét sự thay đổi trong cơ cấu xuất, nhập khẩu của nước này.
BẢNG 10.4. CƠ CẤU GIÁ TRỊ XUẤT, NHẬP KHẨU CỦA TRUNG QUỐC
(Đơn vị : %)
Năm | 1985 | 1995 | 2004 |
Xuất khẩu | 39,3 | 53,5 | 51,4 |
Nhập khẩu | 60,7 | 46,5 | 48,6 |