Diện tích : 17,1 triệu km2
Dân số : 143 triệu người (năm 2005).
Thủ đô : Mát-xcơ-va
Liên bang Nga (LB Nga) là nước có diện tích lớn nhất thế giới, nằm ở cả hai châu lục ; một đất nước giàu tài nguyên, dân số đông. LB Nga có tiềm lực lớn về khoa học và văn hoá. Nền kinh tế trải qua nhiều biến động trong thập niên 90 (thế kỉ XX) nhưng đang khôi phục lại vị trí cường quốc.
Tiết 1. TỰ NHIÊN, DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI
I – VỊ TRÍ ĐỊA LÍ VÀ LÃNH THỔ
LB Nga có diện tích lớn nhất thế giới, nằm ở cả hai châu lục Á, Âu. Lãnh thổ trải dài trên phần lớn đồng bằng Đông Âu và toàn bộ phần Bắc Á.
Hình 8.1. Địa hình và khoáng sản LB Nga
LB Nga có đường biên giới xấp xỉ chiều dài Xích đạo. Đất nước trải ra trên 11 múi giờ, giáp với 14 nước (trong đó có 8 nước thuộc Liên Xô trước đây). Riêng tỉnh Ca-li-nin-grát nằm biệt lập ở phía tây, giáp với Ba Lan và Lít-va.
LB Nga có đường bờ biển dài. Phía bắc giáp Bắc Băng Dương, phía đông giáp Thái Bình Dương, phía tây và tây nam giáp biển Ban tích, Biển Đen, biển Ca-xpi. Những vùng biển rộng lớn này có giá trị nhiều mặt đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Quan sát hình 8.1, hãy cho biết LB Nga giáp với những quốc gia và đại dương nào ?
II – ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
– Địa hình LB Nga cao ở phía đông, thấp dần về phía tây. Dòng sông Ê-nít-xây chia LB Nga ra thành 2 phần rõ rệt :
+ Phần phía Tây
Đại bộ phận là đồng bằng (đồng bằng Đông Âu, đồng bằng Tây Xi-bia) và vùng trũng. Đồng bằng Đông Âu tương đối cao, xen lẫn nhiều đồi thấp, đất màu mỡ, là nơi trồng cây lương thực, thực phẩm và chăn nuôi chính của LB Nga.
Phần phía bắc đồng bằng Tây Xi-bia chủ yếu là đầm lầy, nông nghiệp chỉ tiến hành được ở dải đất miền Nam. Đồng bằng này không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhưng tập trung nhiều khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ, khí tự nhiên.
Dãy núi U-ran giàu khoáng sản (than, dầu, quặng sắt, kim loại màu...) là ranh giới tự nhiên giữa 2 châu lục Á – Âu trên lãnh thổ LB Nga.
+ Phần phía Đông
Phần lớn là núi và cao nguyên không thuận lợi lắm cho phát triển nông nghiệp nhưng có nguồn khoáng sản, lâm sản và trữ năng thuỷ điện lớn.
– LB Nga có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú.
BẢNG 8.1. MỘT SỐ KHOÁNG SẢN CHÍNH CỦA LB NGA – NĂM 2004
Khoáng sản | Trữ lượng | Xếp hạng trên thế giới |
Than đá (tỉ tấn) | 202 | 3 |
Dầu mỏ (tỉ tấn) | 9,5 | 7 |
Khí tự nhiên (tỉ m3) | 56000 | 1 |
Quặng sắt (tỉ tấn) | 70 | 1 |
Quặng kali (tỉ tấn) | 3,6 | 1 |
Tài nguyên khoáng sản của LB Nga thuận lợi để phát triển những ngành công nghiệp nào ?
– Diện tích rừng của LB Nga đứng đầu thế giới (886 triệu ha, trong đó rừng có thể khai thác là 764 triệu ha) chủ yếu là rừng lá kim (Taiga).
– LB Nga có nhiều sông lớn, có giá trị về nhiều mặt. Tổng trữ năng thuỷ điện là 320 triệu kW, tập trung chủ yếu ở vùng Xibia trên các sông Ê-nit-xây, Ô-bi, Lê-na. Von-ga là sông lớn nhất trên đồng bằng Đông u và được coi là một trong những biểu tượng của nước Nga. LB Nga còn có nhiều hồ tự nhiên và hồ nhân tạo, Bai-can là hồ nước ngọt sâu nhất thế giới.
Hình 8.2. Bai-can – hồ nước ngọt sâu nhất thế giới
– Hơn 80% lãnh thổ LB Nga nằm ở vành đai khí hậu ôn đới, phần phía tây có khí hậu ôn hoà hơn phần phía đông. Phần phía bắc có khí hậu cận cực lạnh giá, chỉ 4% diện tích lãnh thổ (ở phía nam) có khí hậu cận nhiệt.
Điều kiện tự nhiên của LB Nga có nhiều thuận lợi đối với phát triển kinh tế, nhưng cũng không ít khó khăn : địa hình núi và cao nguyên chiếm diện tích lớn, nhiều vùng rộng lớn có khí hậu băng giá hoặc khô hạn, tài nguyên phong phú nhưng phân bố chủ yếu ở vùng núi hoặc vùng lạnh giá.
III – DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI
1. Dân cư
LB Nga là nước đông dân, đứng thứ tám trên thế giới (năm 2005). Tuy nhiên, do tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên có chỉ số âm và từ thập niên 90 của thế kỉ XX nhiều người Nga đã di cư ra nước ngoài nên số dân đã giảm đi. Đây cũng là vấn đề mà Nhà nước hết sức quan tâm.
BẢNG 8.2. SỐ DÂN CỦA LB NGA
(Đơn vị : triệu người)
Năm | Số dân |
1991 | 148,3 |
1995 | 147,8 |
1999 | 146,3 |
2000 | 145,6 |
2001 | 144,9 |
2003 | 143,3 |
2005 | 143,0 |
Hình 8.3. Tháp dân số LB Nga (năm 2001)
Dựa vào bảng 8.2 và hình 8.3, hãy nhận xét sự thay đổi dân số của LB Nga và nêu hệ quả của sự thay đổi đó.
LB Nga là nước có nhiều dân tộc (hơn 100 dân tộc), 80% dân số là người Nga. Ngoài ra còn có người Tác-ta, Chu-vát, Bát-xkia,... họ sống trong các nước, các khu tự trị nằm phân tán trên lãnh thổ LB Nga.
Mật độ dân số trung bình là 8,4 người/km2. Trên 70% dân số sống ở thành phố (năm 2005), chủ yếu là ở các thành phố nhỏ, trung bình và các thành phố vệ tinh.
Dựa vào hình 8.4, hãy cho biết sự phân bố dân cư của LB Nga. Sự phân bố đó có thuận lợi và khó khăn gì đối với việc phát triển kinh tế ?
Hình 8.4. Phân bố dân cư của LB Nga
2. Xã hội
LB Nga có tiềm lực lớn về khoa học và văn hoá với nhiều công trình kiến trúc, tác phẩm văn học, nghệ thuật, nhiều công trình khoa học có giá trị cao, nhiều nhà bác học nổi tiếng thế giới như M.V. Lô-mô-nô-xốp, Đ.I. Men-đê-lê-ép,... nhiều văn hào lớn như A.X. Pu-skin, M.A.Sô-lô-khốp, nhà soạn nhạc P. Trai-cốp-ski, Tổng công trình sư thiết kế tàu vũ trụ X. Kô-rô-lốp... và nhiều trường đại học danh tiếng. LB Nga là nước đầu tiên trên thế giới đưa con người lên vũ trụ. Khi Liên Xô là cường quốc trong thập niên 60 và 70 của thế kỉ XX, đã chiếm tới 1/3 số bằng phát minh sáng chế của thế giới. LB Nga là quốc gia đứng hàng đầu thế giới về các ngành khoa học cơ bản. Người dân Nga có trình độ học vấn khá cao. Tỉ lệ biết chữ 99%. Đây là yếu tố thuận lợi giúp LB Nga tiếp thu thành tựu khoa học, kĩ thuật của thế giới và thu hút đầu tư nước ngoài.
Hình 8.5. Trường Đại học tổng hợp Quốc gia Lô-mô-nô-xốp
Câu hỏi
1. Phân tích những thuận lợi và khó khăn về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đối với sự phát triển kinh tế của LB Nga.
2. Đặc điểm dân cư của LB Nga có những thuận lợi và khó khăn gì cho việc phát triển kinh tế ?
3. Hãy nêu một số tác phẩm văn học, nghệ thuật, những nhà bác học nổi tiếng của LB Nga.
Tiết 2. KINH TẾ
I – QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ
1. LB Nga đã từng là trụ cột của Liên bang Xô viết(*)
Sau Cách mạng tháng Mười Nga thành công (năm 1917), Liên bang Xô viết được thành lập, LB Nga là một thành viên và đóng vai trò chính trong việc tạo dựng Liên Xô trở thành cường quốc.
2. Thời kì đầy khó khăn, biến động (thập niên 90 của thế kỉ XX)
Vào cuối những năm 80 của thế kỉ XX, nền kinh tế Liên Xô ngày càng bộc lộ nhiều yếu kém do cơ chế kinh tế cũ tạo ra. Một số nước cộng hoà thành viên của Liên Xô tách ra thành các quốc gia độc lập.
Sau khi Liên bang Xô viết tan rã – đầu thập niên 90 và những năm tiếp theo, LB Nga trải qua thời kì đầy khó khăn, biến động : tốc độ tăng trưởng GDP âm, sản lượng các ngành kinh tế giảm, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, vị trí, vai trò của LB Nga trên trường quốc tế suy giảm, tình hình chính trị, xã hội bất ổn....
BẢNG 8.3. TỈ TRỌNG MỘT SỐ SẢN PHẨM CÔNG -NÔNG NGHIỆP CHỦ YẾU CỦA LB NGA TRONG LIÊN XÔ CUỐI THẬP NIÊN 80 THẾ KỈ XX (của Liên Xô tính là 100%)
(Đơn vị : %)
Sản phẩm | Tỉ trọng |
Than đá | 56,7 |
Dầu mỏ | 87,2 |
Khí tự nhiên | 83,1 |
Điện | 65,7 |
Thép | 60,0 |
Gỗ, giấy và xenlulô | 90,0 |
Lương thực | 51,4 |
(*) Gọi tắt là Liên Xô.
3. Nền kinh tế đang khôi phục lại vị trí cường quốc
a) Chiến lược kinh tế mới
Từ năm 2000, LB Nga bước vào thời kì mới với chiến lược : đưa nền kinh tế từng bước thoát khỏi khủng hoảng, tiếp tục xây dựng nền kinh tế thị trường, mở rộng ngoại giao, coi trọng châu Á, nâng cao đời sống nhân dân, khôi phục lại vị trí cường quốc...
b) Những thành tựu đạt được sau năm 2000
Nhờ những chính sách và biện pháp đúng đắn, nền kinh tế LB Nga đã vượt qua khủng hoảng, đang dần ổn định và đi lên.
Kết quả là : sản lượng các ngành kinh tế tăng, dự trữ ngoại tệ lớn thứ tư thế giới (năm 2005), đã thanh toán xong các khoản nợ nước ngoài từ thời kì Xô viết, giá trị xuất siêu ngày càng tăng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Vị thế của LB Nga ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Hiện nay, LB Nga nằm trong nhóm nước có nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G8).
Hình 8.6. Tốc độ tăng trưởng GDP của LB Nga (giá so sánh) giai đoạn 1990 – 2005
Dựa vào hình 8.6, hãy nhận xét tốc độ tăng trưởng GDP của LB Nga. Nếu những nguyên nhân chủ yếu của sự tăng trưởng đó.
Tuy vậy, trong quá trình phát triển kinh tế, LB Nga còn gặp nhiều khó khăn như sự phân hoá giàu nghèo, nạn chảy máu chất xám...
II – CÁC NGÀNH KINH TẾ
1. Công nghiệp
Công nghiệp là ngành xương sống của nền kinh tế LB Nga. Cơ cấu công nghiệp ngày càng đa dạng, bao gồm các ngành công nghiệp truyền thống và các ngành công nghiệp hiện đại.
Công nghiệp khai thác dầu khí là ngành mũi nhọn của nền kinh tế, hằng năm mang lại nguồn tài chính lớn cho đất nước. Năm 2006, LB Nga đứng đầu thế giới về sản lượng khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên (trên 500 triệu tấn dầu và 587 tỉ m3 khí tự nhiên).
BẢNG 8.4. SẢN LƯỢNG MỘT SỐ SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP CỦA LB NGA
Sản phẩm | Năm | 1995 | 2001 | 2003 | 2005 |
Dầu mỏ (triệu tấn) | 305,0 | 340,0 | 400,0 | 470,0 | |
Than (triệu tấn) | 270,8 | 273,4 | 294,0 | 298,3 | |
Điện (tỉ kWh) | 876,0 | 847,0 | 883,0 | 953,0 | |
Giấy (triệu tấn) | 4,0 | 5,6 | 6,4 | 7,5 | |
Thép (triệu tấn) | 48,0 | 58,0 | 60,0 | 66,3 |
Công nghiệp năng lượng, chế tạo máy, luyện kim đen, luyện kim màu, khai thác vàng và kim cương, khai thác gỗ và sản xuất giấy, bột xenlulô là các ngành công nghiệp truyền thống của LB Nga. Các trung tâm công nghiệp phần lớn tập trung ở đồng bằng Đông Âu, Uran, Tây Xi-bia và dọc các đường giao thông quan trọng.
Hiện nay, LB Nga tập trung phát triển các ngành công nghiệp hiện đại : điện tử – tin học, hàng không. LB Nga vẫn là cường quốc công nghiệp vũ trụ, nguyên tử của thế giới. Công nghiệp quốc phòng là thế mạnh của LB Nga, các tổ hợp công nghiệp này được phân bố ở nhiều nơi (vùng Trung tâm, U-ran, Xanh Pê-téc-bua,...).
Hình 8.7. Tàu vũ trụ rời bệ phóng
Hình 8.8. Các trung tâm công nghiệp chính của LB Nga
2. Nông nghiệp
LB Nga có quỹ đất nông nghiệp lớn (200 triệu ha), tạo điều kiện thuận lợi phát triển cả trồng trọt và chăn nuôi.
Sản xuất lương thực đạt 78,2 triệu tấn và xuất khẩu trên 10 triệu tấn (năm 2005). Sản lượng một số cây công nghiệp (hướng dương, củ cải đường), cây ăn quả, rau, chăn nuôi, đánh bắt cá nhìn chung đều có sự tăng trưởng.
3. Dịch vụ
LB Nga có cơ sở hạ tầng giao thông vận tải tương đối phát triển với đủ loại hình. Hệ thống đường sắt xuyên Xi-bia và đường sắt BAM (Bai-can –A-mua) – đóng vai trò quan trọng để phát triển vùng Đông Xi-bia giàu có. Thủ đô Mát-xcơ-va nổi tiếng thế giới về hệ thống đường xe điện ngầm. Gần đây nhiều hệ thống đường được nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.
Kinh tế đối ngoại là ngành khá quan trọng trong nền kinh tế LB Nga. Tổng kim ngạch ngoại thương liên tục tăng và LB Nga đã là nước xuất siêu (120 tỉ USD – năm 2005).
Các ngành dịch vụ đang phát triển mạnh. Mát-xcơ-va và Xanh Pê-téc-bua là hai trung tâm dịch vụ lớn nhất nước.
III – MỘT SỐ VÙNG KINH TẾ QUAN TRỌNG
Vùng kinh tế | Đặc điểm nổi bật |
Vùng Trung ương | Là vùng kinh tế lâu đời, phát triển nhất. Tập trung nhiều ngành công nghiệp. Sản lượng lương thực, thực phẩm lớn. Mát-xcơ-va là trung tâm kinh tế, chính trị, khoa học, du lịch của vùng và cả nước. |
Vùng Trung tâm đất đen | Có dải đất đen phì nhiêu, thuận lợi phát triển nông nghiệp. Công nghiệp phát triển (đặc biệt là các ngành phục vụ nông nghiệp). |
Vùng U-ran | Giàu tài nguyên. Công nghiệp phát triển (khai thác kim loại màu, luyện kim, cơ khí, hoá chất, chế biến gỗ, khai thác và chế biến dầu mỏ, khí tự nhiên). Nông nghiệp còn hạn chế. |
Vùng Viễn Đông | Giàu tài nguyên. Phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản, khai thác gỗ, đóng tàu, cơ khí, đánh bắt và chế biến hải sản. Đây là vùng kinh tế sẽ phát triển để hội nhập vào khu vực châu Á –Thái Bình Dương. |
IV – QUAN HỆ NGA – VIỆT TRONG BỐI CẢNH QUỐC TẾ MỚI
Quan hệ Nga – Việt là quan hệ truyền thống, được hai nước đặc biệt quan tâm. LB Nga vẫn coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở Đông Nam Á. Nước Nga đang thực hiện chức năng gắn kết Âu –Á của mình với tư cách là không gian cầu nối và liên kết toàn diện giữa châu Âu và châu Á. Điều này được thể hiện rõ trong chính sách đối ngoại của LB Nga là coi trọng châu Á, trong đó có Việt Nam. Vì thế mối quan hệ hợp tác Nga – Việt được khẳng định là tiếp nối mối quan hệ Xô − Việt trước đây. Quan hệ Nga – Việt trong thập niên 90 (thế kỉ XX) và nâng lên tầm cao mới của đối tác chiến lược vì lợi ích cho cả hai bên. Đưa kim ngạch buôn bán hai chiều Nga – Việt đạt 1,1 tỉ USD (năm 2005) lên 3 tỉ USD vào những năm gần nhất. Hợp tác sẽ diễn ra trên nhiều mặt, toàn diện : kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục và khoa học kĩ thuật.
Hình 8.9. Khai thác dầu khí trên Biển Đông (hợp tác Nga – Việt)
Câu hỏi
1. Trình bày vai trò của LB Nga trong Liên bang Xô viết trước đây và những thành tựu mà LB Nga đạt được sau năm 2000.
2. Dựa vào bảng số liệu sau :
SẢN LƯỢNG LƯƠNG THỰC CỦA LB NGA
(Đơn vị : triệu tấn)
Năm | 1995 | 1998 | 1999 | 2000 | 2001 | 2002 | 2005 |
Sản lượng | 62,0 | 46,9 | 53,8 | 64,3 | 83,6 | 92,0 | 78,2 |
Hãy vẽ biểu đồ hình cột thể hiện sản lượng lương thực của LB Nga qua các năm. Rút ra nhận xét.
3. Nêu tên những ngành công nghiệp mà LB Nga đã hợp tác với Việt Nam (trước đây và hiện nay).
Tiết 3. THỰC HÀNH : TÌM HIỂU SỰ THAY ĐỔI GDP VÀ PHÂN BỐ NÔNG NGHIỆP CỦA LIÊN BANG NGA
1. Tìm hiểu sự thay đổi GDP của LB Nga
Qua bảng số liệu sau :
BẢNG 8.5. GDP CỦA LB NGA QUA CÁC NĂM
Năm | 1990 | 1995 | 2000 | 2003 | 2004 |
GDP | 967,3 | 363,9 | 259,7 | 432,9 | 582,4 |
Vẽ biểu đồ thể hiện sự thay đổi GDP của LB Nga qua các năm và nhận xét.
2. Tìm hiểu sự phân bố nông nghiệp LB Nga
Hình 8.10. Phân bố sản xuất nông nghiệp LB Nga
Dựa vào hình 8.10, nêu sự phân bố các cây trồng, vật nuôi chủ yếu của LB Nga. Giải thích sự phân bố đó.