Tiết 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA CHÂU PHI
Thời cổ đại, châu Phi đã từng có nền văn minh sông Nin rực rỡ, do người Ai Cập xây dựng. Hơn 4 thế kỉ bị thực dân châu Âu thống trị (thế kỉ XVI−XX), châu Phi bị cướp bóc cả về con người và tài nguyên thiên nhiên. Sự thống trị lâu dài của chủ nghĩa thực dân đã kìm hãm các nước châu Phi trong nghèo nàn, lạc hậu.
I – MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỰ NHIÊN
Hình 5.1. Các cảnh quan và khoáng sản chính ở châu Phi
Dựa vào hình 5.1 và hiểu biết của bản thân, cho biết đặc điểm khí hậu, cảnh quan của châu Phi.
Phần lớn lãnh thổ châu Phi có khí hậu khô nóng với cảnh quan hoang mạc, bán hoang mạc và xa van. Đây là những khó khăn lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của nhiều nước châu Phi.
Hình 5.2. Hoang mạc Xa-ha-ra
Khoáng sản và rừng là những tài nguyên đang bị khai thác mạnh. Rừng bị khai phá quá mức để lấy gỗ, chất đốt và mở rộng diện tích canh tác làm cho đất đai của nhiều khu vực bị hoang hoá, nhất là ven các hoang mạc, bán hoang mạc. Việc khai thác khoáng sản nhằm mang lại lợi nhuận cao cho nhiều công ti tư bản nước ngoài đã làm cho nguồn tài nguyên này bị cạn kiệt và môi trường bị tàn phá.
Khai thác, sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên và áp dụng các biện pháp thuỷ lợi để hạn chế sự khô hạn là những giải pháp cấp bách đối với đa số quốc gia châu Phi.
II – MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI
Dựa vào bảng 5.1, so sánh và nhận xét về các chỉ số dân số của châu Phi so với nhóm nước phát triển, nhóm nước đang phát triển và thế giới.
BẢNG 5.1. MỘT SỐ CHỈ SỐ VỀ DÂN SỐ – NĂM 2005
Châu lục – Nhóm nước | Tỉ suất sinh thô (‰) | Tỉ suất tử thô (‰) | Tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên (%) | Tuổi thọ trung bình (tuổi) |
Châu Phi | 38 | 15 | 2,3 | 52 |
Nhóm nước đang phát triển | 24 | 8 | 1,6 | 65 |
Nhóm nước phát triển | 11 | 10 | 0,1 | 76 |
Thế giới | 21 | 9 | 1,2 | 67 |
Do có tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên cao nên dân số châu Phi tăng rất nhanh. Tuổi thọ trung bình của người dân châu Phi thấp.
Châu Phi chỉ chiếm gần 14% dân số thế giới nhưng tập trung hơn 2/3 tổng số người nhiễm HIV trên toàn thế giới.
Các cuộc xung đột tại Bờ Biển Ngà (Cốt Đi-voa), Công-gô, Xu-đăng, Xô-ma-li,... đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
Trình độ dân trí thấp, nhiều hủ tục chưa được xoá bỏ, xung đột sắc tộc, đói nghèo, bệnh tật đã và đang đe doạ cuộc sống của hàng trăm triệu người châu Phi, là những thách thức lớn đối với châu lục này.
Chỉ số HDI của châu Phi* và thế giới – năm 2003 |
– Đạt trên 0,7 : 3 quốc gia (An-giê-ri, Tuy-ni-di, Cap Ve) |
Các nước nghèo ở châu Phi đang nhận được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức về y tế, giáo dục, lương thực trên thế giới thông qua các dự án chống đói nghèo, bệnh tật. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã gửi chuyên gia sang giảng dạy và tư vấn kĩ thuật cho một số nước châu Phi.
* Chỉ tính các nước có số liệu thống kê
III – MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KINH TẾ
Mặc dù có nguồn tài nguyên khá phong phú, song đa số các nước châu Phi là những nước nghèo, kinh tế kém phát triển (châu Phi chỉ đóng góp 1,9% GDP toàn cầu –năm 2004). Đó là hậu quả sự thống trị nhiều thế kỉ qua của chủ nghĩa thực dân. Mặt khác, các cuộc xung đột sắc tộc, sự yếu kém trong quản lí đất nước của nhiều quốc gia châu Phi non trẻ, trình độ dân trí thấp,... cũng hạn chế nhiều đến sự phát triển của châu lục này.
BẢNG 5.2. TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG GDP CỦA MỘT SỐ NƯỚC (TÍNH THEO GIÁ SO SÁNH)
(Đơn vị : %)
Quốc gia | Năm | 1985 | 1990 | 1995 | 2000 | 2004 |
An-giê-ri | 2,5 | 3,2 | 4,0 | 2,4 | 5,2 | |
Nam Phi | -1,2 | -0,3 | 3,1 | 3,5 | 3,7 | |
Ga-na | 5,1 | 3,3 | 4,5 | 3,7 | 5,2 | |
Công-gô | 2,6 | 3,0 | 0,7 | 8,2 | 4,0 | |
Thế giới | 3,7 | 2,9 | 2,8 | 4,0 | 4,1 |
Dựa vào bảng 5.2, nhận xét tốc độ tăng GDP của một số nước ở châu Phi so với thế giới.
Nền kinh tế của châu Phi hiện đang phát triển theo chiều hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP tương đối cao trong thập niên vừa qua.
Câu hỏi và bài tập
1. Các nước châu Phi cần có giải pháp gì để khắc phục khó khăn trong quá trình khai thác, bảo vệ tự nhiên ?
2. Dựa vào bảng dưới đây, nhận xét về sự thay đổi tỉ lệ dân số châu Phi so với các châu lục khác.
TỈ LỆ DÂN SỐ CÁC CH U LỤC TRÊN THẾ GIỚI QUA MỘT SỐ NĂM
(Đơn vị : %)
Các châu | Năm | 1985 | 2000 | 2005 |
Châu Phi | 11,5 | 12,9 | 13,8 | |
Châu Mĩ Trong đó Mĩ La tinh | 13,4 8,6 | 14,0 8,6 | 13,7 8,6 | |
Châu Á | 60,0 | 60,6 | 60,6 | |
Châu Âu | 14,6 | 12,0 | 11,4 | |
Châu Đại Dương | 0,5 | 0,5 | 0,5 | |
Thế giới | 100,0 | 100,0 | 100,0 |
3. Hãy phân tích tác động của những vấn đề dân cư và xã hội châu Phi tới sự phát triển kinh tế của châu lục này.
Tiết 2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA MĨ LA TINH
Mặc dù đã tuyên bố độc lập từ trên 200 năm nay, song nền kinh tế của hầu hết các nước Mĩ La tinh vẫn đang phụ thuộc vào nước ngoài ; đời sống của người dân lao động ít được cải thiện, chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm dân cư rất lớn.
I – MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TỰ NHIÊN, DÂN CƯ VÀ XÃ HỘI
Hình 5.3. Các cảnh quan và khoáng sản chính ở Mĩ La tinh
- Dựa vào hình 5.3, cho biết : Mĩ La tinh có những cảnh quan và tài nguyên khoáng sản gì ?
Mĩ La tinh có nhiều tài nguyên khoáng sản, chủ yếu là quặng kim loại màu, kim loại quý và nhiên liệu. Tài nguyên đất, khí hậu thuận lợi cho phát triển rừng, chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp và cây ăn quả nhiệt đới. Tuy nhiên việc khai thác các nguồn tài nguyên giàu có trên chưa mang lại nhiều lợi ích cho đại bộ phận dân cư Mĩ La tinh.
BẢNG 5.3. TỈ TRỌNG THU NHẬP CỦA CÁC NHÓM DÂN CƯ TRONG GDP CỦA MỘT SỐ NƯỚC – NĂM 2000
Quốc gia | GDP theo giá thực tế (tỉ USD) | Tỉ trọng GDP của 10% dân cư nghèo nhất | Tỉ trọng GDP của 10% dân cư giàu nhất |
Chi-lê | 75,5 | 1,2 | 47,0 |
Ha-mai-ca | 8,0 | 2,7 | 30,3 |
Mê-hi-cô | 581,3 | 1,0 | 43,1 |
Pa-na-ma | 11,6 | 0,7 | 43,3 |
Dựa vào bảng 5.3, nhận xét tỉ trọng thu nhập của các nhóm dân cư ở một số nước Mĩ La tinh.
Ở hầu hết các nước Mĩ La tinh, dân cư còn nghèo đói, thu nhập giữa người giàu và người nghèo có sự chênh lệch rất lớn. Cho tới đầu thế kỉ XXI, số dân sống dưới mức nghèo khổ của Mĩ La tinh còn khá đông, dao động từ 37% đến 62%. Các cuộc cải cách ruộng đất không triệt để đã tạo điều kiện cho các chủ trang trại chiếm giữ phần lớn đất canh tác. Dân nghèo không có ruộng kéo ra thành phố tìm việc làm, dẫn đến hiện tượng đô thị hoá tự phát. Dân cư đô thị của Mĩ La tinh chiếm tới 75% dân số và 1/3 trong số đó sống trong điều kiện khó khăn.
Tình trạng trên đã ảnh hưởng lớn đến việc giải quyết các vấn đề xã hội và tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của các quốc gia Mĩ La tinh.
II – MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KINH TẾ
Hình 5.4. Tốc độ tăng GDP của Mĩ La tinh
Dựa vào hình 5.4 hãy nhận xét tốc độ tăng GDP của Mĩ La tinh trong giai đoạn 1985 – 2004.
Đa số các nước Mĩ La tinh có tốc độ phát triển kinh tế không đều. Tình hình chính trị không ổn định đã tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế và các nhà đầu tư, khiến cho đầu tư từ nước ngoài vào khu vực này giảm mạnh. Cuối thập niên 90, nguồn FDI vào Mĩ La tinh đạt 70 – 80 tỉ USD/năm, đến năm 2003 giảm xuống còn 31 tỉ USD, năm 2004 tăng lên được 40 tỉ USD. Trên 50% nguồn đầu tư là từ Hoa Kì và Tây Ban Nha.
BẢNG 5.4. GDP VÀ NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA MĨ LA TINH – NĂM 2004
(Đơn vị : tỉ USD)
Quốc gia | GDP | Tổng số nợ | Quốc gia | GDP | Tổng số nợ |
Ac-hen-ti-na | 151,5 | 158,0 | Mê-hi-cô | 676,5 | 149,9 |
Bra-xin | 605,0 | 220,0 | Pa-na-ma | 13,8 | 8,8 |
Chi-lê | 94,1 | 44,6 | Pa-ra-goay | 7,1 | 3,2 |
Ê-cu-a-do | 30,3 | 16,8 | Pê-ru | 68,6 | 29,8 |
Ha-mai-ca | 8,0 | 6,0 | Vê-nê-xu-ê-la | 109,3 | 33,3 |
Dựa vào bảng 5.4, cho biết đến năm 2004, những quốc gia nào ở Mĩ La tinh có tỉ lệ nợ nước ngoài cao (so với GDP).
Giành được độc lập sớm song các nước Mĩ La tinh đã duy trì cơ cấu xã hội phong kiến trong thời gian dài, các thế lực bảo thủ của Thiên chúa giáo tiếp tục cản trở sự phát triển xã hội. Do chưa xây dựng được đường lối phát triển kinh tế – xã hội độc lập, tự chủ, nên các nước Mĩ La tinh phát triển kinh tế chậm, thiếu ổn định, phụ thuộc vào tư bản nước ngoài, nhất là Hoa Kì.
Những năm gần đây, nhiều quốc gia Mĩ La tinh đã tập trung củng cố bộ máy nhà nước, phát triển giáo dục, cải cách kinh tế, quốc hữu hoá một số ngành kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá đất nước, tăng cường và mở rộng buôn bán với nước ngoài nên tình hình kinh tế từng bước được cải thiện. Biểu hiện rõ nhất là xuất khẩu tăng nhanh, khoảng 10% năm 2003 và 21% năm 2004. Nhiều nước đã khống chế được lạm phát. Tuy nhiên, quá trình cải cách kinh tế đang gặp phải sự phản ứng của các thế lực bị mất quyền lợi từ nguồn tài nguyên giàu có ở các quốc gia Mĩ La tinh này.
Câu hỏi và bài tập
1. Vì sao các nước Mĩ La tinh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế nhưng tỉ lệ người nghèo ở khu vực này vẫn cao ?
2. Dựa vào hình 5.4, lập bảng và nhận xét tốc độ tăng GDP của Mĩ La tinh trong giai đoạn 1985 - 2004.
3. Những nguyên nhân nào làm cho kinh tế các nước Mĩ La tinh phát triển không ổn định ?
Tiết 3. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA KHU VỰC TÂY NAM Á VÀ KHU VỰC TRUNG Á
Vị trí địa lí mang tính chiến lược, nguồn tài nguyên dầu mỏ giàu có, sự tồn tại các vấn đề dân tộc mang tính lịch sử, các tôn giáo với những tín ngưỡng khác biệt và các phần tử cực đoan trong các tôn giáo, sự can thiệp vụ lợi của các thế lực bên ngoài... đang là những nguyên nhân chính gây nên sự tranh chấp, xung đột kéo dài tại khu vực Tây Nam Á và khu vực Trung Á.
I – ĐẶC ĐIỂM CỦA KHU VỰC TÂY NAM Á VÀ KHU VỰC TRUNG Á
1. Tây Nam Á
Hình 5.5. Khu vực Tây Nam Á
Hãy xác định trên bản đồ (hoặc Atlat Địa lí thế giới) vị trí các quốc gia của khu vực Tây Nam Á.
Tây Nam Á có diện tích khoảng 7 triệu km2, số dân hơn 313 triệu người (năm 2005), tài nguyên chủ yếu là dầu mỏ, khí tự nhiên..., tập trung nhiều nhất ở vùng vịnh Péc-xich.
Từ thời cổ đại, ở Tây Nam Á đã xuất hiện nhiều quốc gia có nền văn minh rực rỡ. Đây cũng là nơi ra đời của nhiều tôn giáo có ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Ngày nay phần lớn dân cư trong khu vực theo đạo Hồi, một phần nhỏ theo các tôn giáo khác. Đạo Hồi là tôn giáo có ảnh hưởng sâu, rộng trong khu vực, nhưng hiện nay bị chia rẽ bởi nhiều giáo phái khác nhau. Những phần tử cực đoan của các tôn giáo, giáo phái đang góp phần gây ra sự mất ổn định trong khu vực.
Hình 5.6. Vườn treo Ba-bi-lon (tranh vẽ)
2. Trung Á
Hình 5.7. Khu vực Trung Á
Quan sát hình 5.7, hãy cho biết Trung Á có những quốc gia nào? Vị trí địa lí và lãnh thổ của khu vực có đặc điểm gì ?
Trung Á có diện tích khoảng 5,6 triệu km, là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên : dầu mỏ, khí tự nhiên và than đá (có ở hầu hết các nước), tiềm năng thuỷ điện (Cư-rơ-gư-xtan, Tát-gi-ki-xtan), sắt (Ca-dắc-xtan), đồng (Mông Cổ), ngoài ra Trung Á còn có vàng, kim loại hiếm, u-ra-ni-um, muối mỏ,...
Khí hậu của Trung Á khô hạn, nếu giải quyết được vấn đề nước tưới thì có thể phát triển trồng bông và một số cây công nghiệp khác. Các thảo nguyên thuận lợi cho việc chăn thả gia súc.
Về xã hội, Trung Á là khu vực đa dân tộc, có mật độ dân số thấp, tỉ lệ dân theo đạo Hồi cao (trừ Mông Cổ).
Trung Á từng có “Con đường tơ lụa” đi qua, nên được tiếp thu nhiều giá trị văn hoá của cả phương Đông và phương Tây.
II – MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA KHU VỰC TÂY NAM Á VÀ KHU VỰC TRUNG Á
1. Vai trò cung cấp dầu mỏ
Tây Nam Á và Trung Á đều có trữ lượng dầu mỏ lớn, chỉ riêng Tây Nam Á đã chiếm trên 50% trữ lượng thế giới. Các quốc gia trong khu vực có trữ lượng dầu lớn trên thế giới là A-rập Xê-út (khoảng 263 tỉ thùng), Iran (khoảng 131 tỉ thùng), Irắc (khoảng 115 tỉ thùng), Cô-oét (khoảng 94 tỉ thùng), Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (khoảng 92 tỉ thùng —năm 2003).
Hình 5.8. Biểu đồ lượng dầu thô khai thác và tiêu dùng ở một số khu vực của thế giới, năm 2003 (nghìn thùng*/ ngày)
– Dựa vào hình 5.8, hãy tính lượng dầu thô chênh lệch giữa khai thác và tiêu dùng của từng khu vực.
– Nhận xét về khả năng cung cấp dầu mỏ cho thế giới của khu vực Tây Nam Á.
Trong điều kiện thiếu hụt các nguồn năng lượng trên quy mô toàn cầu hiện nay, Tây Nam Á và gần đây là cả Trung Á đã trở thành nơi cạnh tranh ảnh hưởng của nhiều cường quốc. Nhiều tổ chức tôn giáo, chính trị cực đoan tăng cường hoạt động, gây nên tình trạng mất ổn định, mà nguyên nhân sâu xa là nguồn dầu mỏ và vị trí địa —chính trị quan trọng của khu vực.
* 1 thùng 138 kg.
2. Xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo và nạn khủng bố
Trong lịch sử khu vực đã diễn ra sự xung đột dai dẳng giữa người Ảrập và người Do Thái, điển hình là những cuộc xung đột giữa I-xra-en với Pa-le-xtin trong nửa thế kỉ qua.
Nhận xét về hậu quả của các cuộc chiến tranh, xung đột trong khu vực Tây Nam Á đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường.
Hình 5.9. Nạn nhân của xung đột bạo lực ở Tây Nam Á
Tính chất gay gắt trong các cuộc đấu tranh giành đất đai, nguồn nước và các tài nguyên khác ở khu vực Tây Nam Á đã trở nên quyết liệt hơn khi có sự tham gia của các tổ chức chính trị, tôn giáo cực đoan. Sự can thiệp của các thế lực bên ngoài và những lực lượng khủng bố đã làm mất ổn định khu vực Trung Á và khu vực Tây Nam Á, làm cho tình trạng đói nghèo ngày càng tăng.
Các vấn đề của khu vực Tây Nam Á và khu vực Trung Á nên được bắt đầu giải quyết từ đâu ? Vì sao ?
Câu hỏi và bài tập
1. Tìm trong bảng sau, các quốc gia lớn nhất, nhỏ nhất (về diện tích, dân số) ở từng khu vực và xác định vị trí địa lí, lãnh thổ của chúng trên bản đồ (hoặc Atlat Địa lí thế giới).
DIỆN TÍCH, DÂN SỐ CÁC QUỐC GIA Ở KHU VỰC T Y NAM Á VÀ KHU VỰC TRUNG Á – NĂM 2005
2. Quan hệ giữa I-xra-en và Pa-le-xtin có ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển kinh tế – xã hội của cả hai quốc gia ? Để cùng phát triển, hai nước cần phải làm gì?