Cùng với việc bảo vệ hoà bình, nhân loại hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức mang tính toàn cầu như : bùng nổ dân số, già hoá dân số, ô nhiễm môi trường,... gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
I - DÂN SỐ
1. Bùng nổ dân số
Dân số thế giới tăng nhanh, nhất là ở nửa sau của thế kỉ XX. Năm 2005, số dân thế giới là 6477 triệu người.
Sự bùng nổ dân số hiện nay trên thế giới diễn ra chủ yếu ở các nước đang phát triển. Các nước này chiếm khoảng 80% dân số và 95% số dân gia tăng hằng năm của thế giới.
BẢNG 3.1. TỈ SUẤT GIA TĂNG DÂN SỐ TỰ NHIÊN TRUNG BÌNH NĂM
(Đơn vị : %)
Nhóm nước | Giai đoạn | 1960-1965 | 1975-1980 | 1985-1990 | 1995-2000 | 2001-2005 |
Phát triển | 1,2 | 0,8 | 0,6 | 0,2 | 0,1 | |
Đang phát triển | 2,3 | 1,9 | 1,9 | 1,7 | 1,5 | |
Thế giới | 1,9 | 1,6 | 1,6 | 1,4 | 1,2 |
- Dựa vào bảng 3.1, so sánh tỉ suất gia tăng dân số tự nhiên của nhóm nước đang phát triển với nhóm nước phát triển và toàn thế giới.
- Dân số tăng nhanh dẫn tới những hậu quả gì về mặt kinh tế –xã hội ?
2. Già hoá dân số
Dân số thế giới đang có xu hướng già đi. Trong cơ cấu theo độ tuổi, tỉ lệ người dưới 15 tuổi ngày càng thấp, tỉ lệ người trên 65 tuổi ngày càng cao và tuổi thọ của dân số thế giới ngày càng tăng.
BẢNG 3.2. CƠ CẤU DÂN SỐ THEO NHÓM TUỔI, GIAI ĐOẠN 2000 – 2005
(Đơn vị : %)
Nhóm nước | Nhóm tuổi | 0 - 14 | 15 - 64 | 65 trở lên |
Đang phát triển | 32 | 63 | 5 | |
Phát triển | 17 | 68 | 15 |
- Dựa vào bảng 3.2, so sánh cơ cấu dân số theo nhóm tuổi của nhóm nước phát triển với nhóm nước đang phát triển.
- Dân số già dẫn tới những hậu quả gì về mặt kinh tế – xã hội ?
II - MÔI TRƯỜNG
1. Biến đổi khí hậu toàn cầu và suy giảm tầng ôdôn
Lượng CO2 tăng đáng kể trong khí quyển gây ra hiệu ứng nhà kính, làm cho nhiệt độ Trái Đất tăng lên. Ước tính trong vòng 100 năm trở lại đây, Trái Đất nóng lên 0,6°C. Dự báo vào năm 2100, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm từ 1,4°C đến 5,8°C.
Hoạt động công nghiệp và sinh hoạt, đặc biệt ở các nước phát triển đã đưa vào khí quyển một lượng lớn khí thải gây ra mưa axít ở nhiều nơi trên Trái Đất. Đồng thời, khí thải CFCS đã làm tầng ôdôn mỏng dần và lỗ thủng tầng ôdôn ngày càng rộng ra.
Hãy trình bày các hậu quả do nhiệt độ Trái Đất tăng lên và tầng ôdôn bị thủng đối với đời sống trên Trái Đất.
2. Ô nhiễm nguồn nước ngọt, biển và đại dương
Chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt chưa được xử lí đưa trực tiếp vào các sông, hồ đã làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ở nhiều nơi trên thế giới. Theo Liên hợp quốc, có khoảng 1,3 tỉ người trên toàn cầu, trong đó hơn 1 tỉ người ở các nước đang phát triển bị thiếu nước sạch.
Việc đưa các chất thải chưa được xử lí vào sông ngòi và biển, cùng các sự cố đắm tàu, rửa tàu, tràn dầu xảy ra ở nhiều nơi đang làm môi trường biển và đại dương chịu nhiều tổn thất lớn.
Hình 3. Ô nhiễm dầu trên biển
Ý kiến cho rằng “Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại” có đúng không ? Tại sao ?
3. Suy giảm đa dạng sinh vật
Việc khai thác thiên nhiên quá mức của con người làm cho nhiều loài sinh vật bị tuyệt chủng hoặc đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Hậu quả là làm mất đi nhiều loài sinh vật, các gen di truyền, nguồn thực phẩm, nguồn thuốc chữa bệnh, nguồn nguyên liệu của nhiều ngành sản xuất,...
Dựa vào hiểu biết của bản thân, hãy nêu một số loài động vật ở nước ta hiện đang có nguy cơ tuyệt chủng, hoặc còn lại rất ít.
III - MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁC
Trong những thập niên cuối của thế kỉ XX và những năm đầu của thế kỉ XXI, xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo và nạn khủng bố trở thành mối đe doạ trực tiếp tới ổn định, hoà bình của thế giới. Nạn khủng bố ngày nay xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, với rất nhiều cách thức khác nhau (sát hại thủ lĩnh chính trị, bắt cóc con tin, huấn luyện và sử dụng người làm thuê vào hoạt động khủng bố,...). Điều cực kì nguy hiểm là các phần tử khủng bố đã sử dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ để thực hiện hoạt động khủng bố (tấn công bằng vũ khí sinh hoá học, chất nổ, phá hoại mạng vi tính,...).
Bên cạnh khủng bố, hoạt động kinh tế ngầm (buôn lậu vũ khí, rửa tiền,...), tội phạm liên quan đến sản xuất, vận chuyển, buôn bán ma tuý,... cũng là những mối đe doạ đối với hoà bình và ổn định trên thế giới.
Để giải quyết các vấn đề trên, cần phải có sự hợp tác tích cực giữa các quốc gia và toàn thể cộng đồng quốc tế.
Câu hỏi và bài tập
1. Chứng minh rằng trên thế giới, sự bùng nổ dân số diễn ra chủ yếu ở nhóm nước đang phát triển, sự già hoá dân số diễn ra chủ yếu ở nhóm nước phát triển.
2. Giải thích câu nói : Trong bảo vệ môi trường, cần phải “tư duy toàn cầu, hành động địa phương”.
3. Hãy lập bảng trình bày về một số vấn đề môi trường toàn cầu theo gợi ý sau :
Vấn đề môi trường | Nguyên nhân | Hậu quả | Giải pháp |
Biến đổi khí hậu | |||
Ô nhiễm nguồn nước ngọt | |||
Suy giảm đa dạng sinh vật |