Yêu cầu cần đạt
- Nêu được yếu tố đặc trưng của một số ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực mĩ thuật ứng dụng.
- Lên được ý tưởng và thực hiện bản vẽ thiết kế sản phẩm mĩ thuật ứng dụng.
- Thể hiện được kiến thức, kĩ năng liên môn trong thực hành, sáng tạo sản phẩm cụ thể.
- Nhận định được lĩnh vực chuyên ngành phù hợp với sở thích cá nhân.
QUAN SÁT
Tìm hiểu về đặc trưng của ngành, nghề mĩ thuật ứng dụng qua các nội dung.
Gợi ý:
• Kể tên những sản phẩm thuộc lĩnh vực mĩ thuật ứng dụng.
• Sản phẩm mĩ thuật ứng dụng đáp ứng những nhu cầu nào trong đời sống xã hội?
• Sản phẩm mĩ thuật ứng dụng có những đặc điểm gì?
Sơ đồ tư duy thể hiện đặc trưng của ngành, nghề mĩ thuật ứng dụng (1)
(1) Nguồn: Việt Duy
- Yếu tố thẩm mĩ
Trong lĩnh vực mĩ thuật ứng dụng, yếu tố thẩm mĩ luôn đồng hành với thiết kế kiểu dáng để đảm bảo công năng sử dụng, kết cấu được hài hoà chung trong một đồ vật, sản phẩm, không gian (sân khấu, nội thất,...).
1. Vẽ trang trí trên gốm (1)
- Yếu tố thiết kế theo nhu cầu của người tiêu dùng
Thiết kế thường phải thoả mãn những mục tiêu và yêu cầu cụ thể về nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng như về kiểu dáng thuận tiện sử dụng; chất liệu phù hợp với công năng, thân thiện với môi trường, có khả năng tái sử dụng....
2. Phác thảo kiểu dáng vỏ hộp (2)
- Yếu tố công nghệ cho giải pháp sản xuất hàng loạt
Sản xuất hàng loạt là việc sản xuất số lượng lớn các sản phẩm được tiêu chuẩn hoá, trên dây chuyền lắp ráp hoặc công nghệ tự động hoá. Sản xuất hàng loạt tạo điều kiện cho các sản phẩm mĩ thuật ứng dụng giảm giá thành và đáp ứng một số lượng lớn trong thời gian ngắn.
3. Dây chuyền sản xuất ô tô (3)
- Yếu tố thị trường
Việc tìm hiểu, nghiên cứu để thiết kế một sản phẩm mĩ thuật ứng dụng đẹp mắt, công năng sử dụng theo nhu cầu thiết thực sẽ tác động, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Yếu tố này tác động đến hành vi, tâm lí người tiêu dùng và nhu cầu của xã hội đối với sản phẩm mĩ thuật ứng dụng.
4. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ (4)
Việc tìm hiểu đặc trưng của ngành, nghề liên quan đến mĩ thuật ứng dụng như yếu tố thiết kế, thẩm mĩ, công nghệ, thị trường giúp chúng ta xác định được công việc phù hợp với năng lực của bản thân, cũng như thấy được sự cần thiết của lĩnh vực mĩ thuật ứng dụng trong đời sống xã hội.
(1), (2), (3), (4) Nguồn: Shutterstock
THẺ HIỆN
Tìm hiểu các phương án thiết kế vòng cổ lấy cảm hứng từ di sản văn hoá ở thành phố Hà Nội thể hiện đặc điểm của sản phẩm mĩ thuật ứng dụng.
1. Vòng cổ lấy cảm hứng từ di sản Tháp Bút (1)
2. Vòng cổ lấy cảm hứng từ di sản cầu Long Biên (2)
3. Vòng cổ lấy cảm hứng từ di sản Tháp Rùa (3)
4. Vòng cổ lấy cảm hứng từ di sản khu phố cổ (4)
Em có biết:
Mĩ thuật ứng dụng là một lĩnh vực mà yếu tố thiết kế và trang trí kết hợp với nhau để tạo ra các đồ vật vừa hữu ích vừa đẹp mắt. Các sản phẩm của lĩnh vực này có tính thẩm mĩ và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Thiết kế một sản phẩm liên quan đến mĩ thuật ứng dụng em yêu thích.
(1), (2), (3), (4) Nguồn: Nguyễn Hương Trà
THẢO LUẬN
Trưng bày sản phẩm mĩ thuật và thảo luận:
- Bạn thấy phác thảo thiết kế về sản phẩm nào của lĩnh vực mĩ thuật ứng dụng? Đặc điểm gì giúp bạn nhận ra điều này?
- Bạn thích sản phẩm thiết kế nào nhất? Vì sao?
- Bạn có thể dựng mẫu hoặc làm mô hình sản phẩm từ phác thảo thiết kế này được không? Bạn sẽ thực hiện theo các bước như thế nào?
Sản phẩm mĩ thuật của học sinh
1. Xuân Thuỷ (Quảng Nam), Chuông gió, sản phẩm mĩ thuật từ nhiều vật liệu
2. Lê Minh (Yên Bái), Trang trí cuốn số nhật kí, sản phẩm mĩ thuật từ bìa, giấy màu
VẬN DỤNG
Viết một bài luận hoặc thực hiện video clip giới thiệu về một số ngành, nghề liên quan đến lĩnh vực mĩ thuật ứng dụng mà em yêu thích.
Gợi ý:
- Sản phẩm;
- Công dụng;
- Tính thẩm mĩ;
- Vật liệu;
- Tính kinh tế.