Để chuẩn bị bài Tổng kết phần văn học, học sinh cần làm ở nhà những việc sau :
1. Đọc lại mục lục các văn bản trong sách giáo khoa Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 9 và làm bảng thống kê tác phẩm theo mẫu dưới đây :
Văn học dân gian | Văn học trung đại | Văn học hiện đại |
1. Truyện – Truyền thuyết – Truyện cổ tích – Truyện cười – Ngụ ngôn 2. Ca dao – dân ca 3. Tục ngữ 4. Sân khấu (chèo) | 1. Truyện, kí 2. Thơ 3. Truyện thơ 4. Văn nghị luận (hịch, cáo,...) | 1. Truyện, kí 2. Tùy bút 3. Thơ 4. Kịch 5. Văn nghị luận |
Lưu ý :
– Không thống kê các văn bản văn học nước ngoài và các văn bản nhật dụng (đã được tổng kết riêng).
– Các câu ca dao – dân ca vì đều không có tên nên ghi theo tên đặt cho cả chùm theo chủ điểm nội dung. Ví dụ : Những câu hát về tình cảm gia đình. Đối với các câu tục ngữ, cũng tiến hành theo cách trên.
– Với những văn bản trích từ tác phẩm dài, cần ghi cả tên đoạn trích và tên tác phẩm, để trong ngoặc đơn. Ví dụ : Sông nước Cà Mau (trích Đất rừng phương Nam). Với những đoạn trích có tên trùng với tên tác phẩm thì chỉ cần ghi một lần.
– Về thời điểm sáng tác : nếu không có năm sáng tác chính xác thì ghi thời gian tác phẩm được xuất bản. Những tác phẩm văn học dân gian hầu hết đều không thể xác định được thời điểm ra đời, nên không cần ghi năm sáng tác.
2. Đọc lại các chú thích (⁎) ở những bài đầu của các cụm bài cùng một thể loại trong văn học dân gian, ghi lại các định nghĩa về từng thể loại sau :
– Truyền thuyết
– Truyện cổ tích
– Truyện cười
– Truyện ngụ ngôn
– Ca dao – dân ca
– Tục ngữ
– Chèo
3. Trong bộ phận văn học viết Việt Nam thời trung đại (từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX) được học trong chương trình Ngữ văn THCS có những thể loại nào ? Ghi lại tên các tác phẩm đã học theo từng thể loại. Ví dụ : truyện có truyện truyền kì, truyện chương hồi,... ; thơ có các thể thơ như thất ngôn bát cú, tứ tuyệt, song thất lục bát,...
4. Các văn bản tác phẩm thuộc văn học hiện đại Việt Nam đã cho em làm quen với những thể loại nào ? Trong từng thể loại, phương thức biểu đạt nào (tự sự, miêu tả, biểu cảm, lập luận, thuyết minh) có vị trí chủ đạo ?