I – CHUẨN BỊ Ở NHÀ
1. Ôn lại để nắm vững yêu cầu đối với bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ, nội dung cơ bản của từng phần Mở bài, Thân bài, Kết bài.
2. Cho đề bài : Bếp lửa sưởi ấm một đời – Bàn về bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt.
Lập dàn ý và tập trình bày bài nói của mình.
(Gợi ý : Bài thơ Bếp lửa được Bằng Việt sáng tác khi nào ? Hình ảnh bếp lửa gợi lên hoàn cảnh sống thuộc thời kì nào của đất nước, gia đình ; được gắn với người bà tần tảo ra sao ? Hình ảnh ấy gợi lên trong lòng nhà thơ những tình cảm gì ? Ý nghĩa nhiều mặt của bài thơ ?)
II – LUYỆN NÓI TRÊN LỚP
1. Bài phát biểu cần bám sát nhan đề đã cho.
2. Trình bày theo dàn ý, chú ý liên kết giữa các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài.
3. Tìm cách nói sao cho truyền cảm, thu hút sự chú ý của người nghe, không được đọc thuộc lòng.
Để đạt yêu cầu trên, cần tìm tòi, cân nhắc phương pháp trình bày ở từng phần của bài nói, chẳng hạn làm sao cuốn hút người nghe ngay từ lúc vào đề một cách thích hợp. Có thể vào đề bằng nhiều cách : lựa chọn, nêu câu hỏi, đối lập,... Ví dụ :
– Vào đề bằng phương pháp lựa chọn qua so sánh :
Thưa các bạn ! Chúng ta đã được học, được đọc nhiều áng thơ hay về tình yêu quê hương, tình cảm gia đình. Có bạn thích vẻ thiết tha, nồng nàn của Tế Hanh ở bài "Quê hương". Có bạn yêu sự mộng mơ, lãng mạn của tình mẹ con trong bài "Mây và sóng" của Ta-go,... Riêng tôi, tôi đồng cảm cùng tình bà cháu nồng đượm, đằm thắm trong bài "Bếp lửa" của Bằng Việt.
– Vào đề bằng cách nêu ấn tượng :
Đối với những người đi xa nhớ nhà, có lẽ không có hình ảnh nào gợi cảm hơn hình ảnh bếp lửa. Bếp lửa ấm áp, bếp lửa no đủ, bếp lửa quây quần. Bằng Việt đã chọn một hình ảnh thật tiêu biểu để viết về tình cảm của mình đối với người bà kính yêu : "Bếp lửa".
Để tạo nên tính truyền cảm, hấp dẫn của bài nói, cùng với nội dung trình bày còn cần chú ý đến ngữ điệu. Tốc độ nhanh, chậm, cách lên xuống giọng, cách nhấn mạnh,... phải linh hoạt, phù hợp với nội dung đang nói và thể hiện được tình cảm của mình.