1. SGK Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 9 có tất cả 19 văn bản văn học nước ngoài, không kể một số văn bản văn học dân gian nước ngoài và một số văn bản Đọc thêm. Ở từng thể loại, trật tự sắp xếp như sau :
– Thơ : Xa ngắm thác núi Lư, Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Lí Bạch), Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê (Hạ Tri Chương), Bài ca nhà tranh bị gió thu phá (Đỗ Phủ), Mây và sóng (Ta-go).
– Kịch : Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục (Mô-li-e).
– Bút kí chính luận : Lòng yêu nước (Ê-ren-bua).
– Truyện ngắn và tiểu thuyết : Buổi học cuối cùng (Đô-đê), Cô bé bán diêm (An-đéc-xen), Đánh nhau với cối xay gió (Xéc-van-tét), Chiếc lá cuối cùng (O Hen-ri), Hai cây phong (Ai-ma-tốp), Cố hương (Lỗ Tấn), Những đứa trẻ (Go-rơ-ki), Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang (Đi-phô), Bố của Xi-mông (Mô-pa-xăng), Con chó Bấc (Lân-đơn).
– Nghị luận xã hội : Đi bộ ngao du (Ru-xô).
– Nghị luận văn chương : Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten (Ten).
2. Những văn bản trên thuộc nền văn học các nước Trung Quốc (Hạ Tri Chương, Lí Bạch, Đỗ Phủ, Lỗ Tấn), Ấn Độ (Ta-go), Nga (Go-rơ-ki, Ê-ren-bua), Cư-rơ-gư-xtan (Ai-ma-tốp), Pháp (Mô-li-e, Ru-xô, Đô-đê, Mô-pa-xăng, Ten), Anh (Đi-phô), Tây Ban Nha (Xéc-van-tét), Đan Mạch (An-đéc-xen), Mĩ (O Hen-ri, Lân-đơn).
3. Bộ phận văn học viết trải dài từ thế kỉ VII – VIII (Hạ Tri Chương, Lí Bạch, Đỗ Phủ), qua các thế kỉ XVI (Xéc-van-tét), thế kỉ XVII (Mô-li-e), thế kỉ XVII (Ru-xô, Đi-phô), thế kỉ XIX (An-đéc-xen, Ten, Đô-đê, Mô-pa-xăng, O Hen-ri) và thế kỉ XX (Go-rơ-ki, Lân-đơn, Lỗ Tấn, Ai-ma-tốp).
4. Bộ phận văn học nước ngoài ở THCS mang đậm sắc thái phong tục, tập quán của nhiều dân tộc trên thế giới và đề cập nhiều vấn đề xã hội, nhân sinh ở các nước thuộc những thời đại khác nhau, giúp chúng ta bồi dưỡng những tình cảm đẹp, yêu cái thiện, ghét cái ác... (xem phần Ghi nhớ ở từng bài).
5. Bộ phận văn học này (xem phần Ghi nhớ ở từng bài) còn cung cấp nhiều kiến thức bổ ích như : nghệ thuật thơ Đường (Hạ Tri Chương, Lí Bạch, Đỗ Phủ), lối thơ văn xuôi (Ta-go), bút kí chính luận (Ê-ren-bua), nghệ thuật hài kịch (Mô-li-e), nhiều phương thức tự sự và phong cách văn xuôi khác nhau (Đi-phô, Đô-đê, Go-rơ-ki, Ai-ma-tốp...), các kiểu văn nghị luận (Ru-xô, Ten Chu Quang Tiềm).