VĂN BẢN
CON CÒ
I
Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay :
"Con cò bay la
Con cò bay lả
Con cò cổng phủ,
Con cò Đồng Đăng..." (1)
Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.
"Con cò ăn đêm,
Con cò xa tổ,
Cò gặp cành mềm,
Cò sợ xáo măng."
Ngủ yên ! Ngủ yên ! Cò ơi, chớ sợ !
Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng !
Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân,
Con chưa biết con cò, con vạc.
Con chưa biết những cành mềm mẹ hát,
Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân.
II
Ngủ yên ! Ngủ yên ! Ngủ yên !
Cho cò trắng đến làm quen,
Cò đứng ở quanh nôi
Rồi cò vào trong tổ.
Con ngủ yên thì cò cũng ngủ,
Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi.
Mai khôn lớn, con theo cò đi học,
Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân.
Lớn lên, lớn lên, lớn lên...
Con làm gì ?
Con làm thi sĩ!
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn...
III
Dù ở gần con,
Dù ở xa con,
Lên rừng xuống bể,
Cò sẽ tìm con,
Cò mãi yêu con.
Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.
À ơi !
Một con cò thôi,
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi.
Ngủ đi ! Ngủ đi !
Cho cánh cò, cánh vạc,
Cho cả sắc trời
Đến hát
Quanh nôi.
1962
(Chế Lan Viên(⁎), Tuyển tập, tập I,
NXB Văn học, Hà Nội, 1985)
Chú thích
(⁎) Chế Lan Viên (1920 – 1989) tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan, quê ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị nhưng lớn lên ở Bình Định. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Chế Lan Viên đã nổi tiếng trong phong trào Thơ mới qua tập Điêu tàn (1937). Với hơn 50 năm sáng tác, có nhiều tìm tòi sáng tạo ở những tập thơ gây được tiếng vang trong công chúng, Chế Lan Viên là một trong những tên tuổi hàng đầu của nền thơ Việt Nam thế kỉ XX. Năm 1996, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Bài thơ Con cò được in trong tập Hoa ngày thường – Chim báo bão (1967) của Chế Lan Viên.
(1) Những câu thơ này lấy ý từ các câu ca dao :
- Con cò bay lả, bay la
Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng.
- Con cò bay lả, bay la
Bay từ cửa phủ bay về Đồng Đăng.
Đồng Đăng : thị trấn ở tỉnh Lạng Sơn, gần biên giới Việt – Trung, nổi tiếng từ xưa là nơi buôn bán sầm uất, đông vui.
ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
1. Bài thơ phát triển từ một hình tượng bao trùm là hình tượng con cò trong những câu hát ru. Qua hình tượng con cò, tác giả nhằm nói về điều gì ?
2. Bài thơ được tác giả chia làm ba đoạn. Nội dung chính của mỗi đoạn là gì ? Ý nghĩa biểu tượng của hình tượng con cò được bổ sung, biến đổi như thế các đoạn thơ ?
3. Trong đoạn đầu bài thơ, những câu ca dao nào đã được vận dụng ? Nhận xét về cách vận dụng ca dao của tác giả.
4. Ở bài thơ này có những câu thơ mang tính khái quát. Ví dụ : – Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.
– Một con cò thôi,
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi.
Em hiểu như thế nào về những câu thơ trên ?
5. Nhận xét về thể thơ, nhịp điệu, giọng điệu của bài thơ. Các yếu tố ấy có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện tư tưởng, cảm xúc của nhà thơ ?
Ghi nhớ • Khai thác hình tượng con cò trong những câu hát ru, bài thơ Con cò của Chế Lan Viên ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa của lời ru đối với cuộc sống của con người. • Bài thơ thành công trong việc vận dụng sáng tạo ca dao, có những câu thơ đúc kết được những suy ngẫm sâu sắc. |
LUYỆN TẬP
1. Đọc lại bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm (Ngữ văn 9, tập một, bài 12). Đối chiếu với bài Con cò và chỉ ra cách vận dụng lời ru ở mỗi bài thơ.
2. Viết một đoạn văn bình những câu thơ sau :
Dù ở gần con,
Dù ở xa con,
Lên rừng xuống bể,
Cò sẽ tìm con,
Cò mãi yêu con.
Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.
ĐỌC THÊM
NGỒI BUỒN NHỚ MẸ TA XƯA...
(Trích)
Bần thần hương huệ thơm đêm
khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
chân nhang lấm láp tro tàn
xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào
Mẹ ta không có yếm đào
nón mê thay nón quai thao đội đầu
rối ren tay bí tay bầu
váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa
Cái cò... sung chát đào chua...
câu ca mẹ hát gió đưa về trời
ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.
(Nguyễn Duy, Mẹ và em, NXB Thanh Hoá, 1987)